Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long bộc bạch nỗi khổ khi viết sự thật về phim Việt hôm nay: “Bao giờ sau một bài phê bình gay gắt thì tên mình sẽ bị gạch ra khỏi danh sách khách mời buổi ra mắt phim tiếp theo của công ty ấy hoặc của nhà sản xuất ấy. Có đáng buồn lắm không? Không sao, tự mình mua vé vào rạp để viết về bộ phim đúng theo mong đợi của công chúng. Kinh nghiệm bản thân tôi chứng minh rằng, những bài phê bình phim ưng ý nhất đều từ tư cách khán giả bình thường ngồi xem phim bằng tiền túi của mình! Đội ngũ phê bình phim đang khủng hoảng. Bây giờ không còn trường nghệ thuật nào mở lớp đào tạo lý luận- phê bình phim nữa. Mặt khác, nhiều tờ báo giao mảng điện ảnh nói riêng và mảng văn hoá nói chung, cho những phóng viên non nớt nghiệp vụ nhất toà soạn. Cho nên, cách làm việc duy nhất tồn tại ở trang điện ảnh trên các tờ báo là phóng viên cứ dựa theo cái thông cáo báo chí của những nhà làm phim mà chép lại kèm vài câu cảm thán xen lẫn câu tâng bốc!”



@ Từ một giáo viên Văn ở Cần Thơ, chị chuyển sang làm báo, rồi định danh một nhà phê bình phim. Hành trình ấy có phải một sự ngẫu nhiên?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Đó là sự đưa đẩy của số phận, nhưng không hề dễ dàng. Tôi không được đào tạo chính quy, nên phải mày mò tự học để hiểu về điện ảnh và để viết phê bình phim. Công việc phóng viên ngày nay không giống thế hệ tôi trước kia. Tôi có cảm giác các bạn trẻ bây giờ làm báo nhiều toan tính quá, họ không viết theo những gì họ nghĩ mà viết theo những gì… người khác muốn!

@ Dĩ nhiên, “người khác” chỉ muốn phóng viên thực hiện thao tác nghiệp vụ của một nhân viên PR thân thiện và hiền lành!
Ngô Ngọc Ngũ Long: Vì vậy, trên báo chí chỉ có giới thiệu phim chứ không có phê bình phim. Báo chí không mặn mà với phê bình phim, mà những người viết cũng ngại đụng chạm.

@ Người làm phim và người viết về phim đang cùng hợp tác cho mục tiêu “hòa khí sinh tài”. Khổ, chút tài chính ít ỏi cũng có thể.. hại tài năng phê bình điện ảnh!
Ngô Ngọc Ngũ Long: Sở dĩ tôi có thể thành nhà phê bình phim nhờ đứng ngoài tầm ảnh hưởng đó. Tôi không chịu bất kỳ sự tác động nào khi viết về một bộ phim. Lẽ thường, không ai chịu được đứa con mình sinh ra lại bị người khác chê xấu, chê mập hoặc chê… lùn. Thế nhưng, là nhà phê bình thì tôi phải viết đúng cảm nhận của tôi.

@ Cũng sinh hoạt trong giới, quay qua quay lại thì đụng mặt nhau, nói thẳng có ái ngại không?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Có gì mà phải đắn đo nhiều như vậy, nếu mình thực sự trong sáng. Đôi khi cũng có bài phê bình mà tôi bị mất… bạn. Tuy nhiên, nếu làm những người làm nghề thì không có gì phải giận hờn lâu.

@ Cái tâm lý khen ngọt khen lạt, còn hơn chê tròn chê méo rất phổ biến trong đời sống văn hóa. Với phê bình phim, một lời nói thẳng nói thật có khó khăn lắm chăng?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Có đạo diễn hoặc nhà sản xuất ghét tôi ra mặt, sau đó vẫn vui vẻ bảo “mai mốt tui làm phim, bà tiếp tục “phang” nữa chứ!”.

@ Rõ ràng, phê bình phim không chỉ cần trình độ, mà còn cần dũng khí. Bản thân các chị đã phải đối mặt với những thử thách như thế nào?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Bao giờ sau một bài phê bình gay gắt thì tên mình sẽ bị gạch ra khỏi danh sách khách mời buổi ra mắt phim tiếp theo của công ty ấy hoặc của nhà sản xuất ấy. Có đáng buồn lắm không? Không sao, tự mình mua vé vào rạp để viết về bộ phim đúng theo mong đợi của công chúng. Kinh nghiệm bản thân tôi chứng minh rằng, những bài phê bình phim ưng ý nhất đều từ tư cách khán giả bình thường ngồi xem phim bằng tiền túi của mình!

@ Trong bối cảnh báo điện tử rầm rộ, lẽ ra phê bình phim phải tạo ra làn sóng tranh luận nghệ thuật mạnh mẽ, thì chỉ thấy những bài PR vô thưởng vô phạt. Nghịch lý này phải lý giải ra sao?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Đội ngũ phê bình phim đang khủng hoảng. Bây giờ không còn trường nghệ thuật nào mở lớp đào tạo lý luận- phê bình phim nữa. Mặt khác, nhiều tờ báo giao mảng điện ảnh nói riêng và mảng văn hoá nói chung, cho những phóng viên non nớt nghiệp vụ nhất toà soạn. Cho nên, cách làm việc duy nhất tồn tại ở trang điện ảnh trên các tờ báo là phóng viên cứ dựa theo cái thông cáo báo chí của những nhà làm phim mà chép lại kèm vài câu cảm thán xen lẫn câu tâng bốc!

@ Xin được thay đổi vai trò của chị trong cuộc trao đổi. Chị đâu chỉ là nhà phê bình mà còn đương chức Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM. Hiện nay, các tổ chức nghề nghiệp như Hội Điện ảnh VN hoặc Hội Điện ảnh TPHCM vẫn còn tồn tại Hội đồng Lý luận Phê bình. Nơi hội tự những nhân vật được mặc định chuyên nghiệp như vậy, có bám sát thực tế điện ảnh để thúc đẩy phê bình phim không?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Khoá trước, tôi làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình của Hội Điện ảnh TPHCM. Tôi cũng đã có sáng kiến thành lập một Câu lạc bộ phê bình phim và mời gọi phóng viên điện ảnh của các báo tham gia. Buổi ra mắt Câu lạc bộ cũng rôm rả, nhưng các buổi sinh hoạt sau thì cứ vắng dần, vắng dần rồi tự… giải tán. Các nhà báo chuyên theo dõi phim, đã nói thẳng với tôi rằng, họ không cần những yếu tố chuyên môn phức tạp như vậy, họ chỉ cần viết sao cho nhanh, cho nhiều và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với những nhà làm phim.

@ Nghĩa là Hội Điện ảnh đang bất lực trong việc nhen nhóm Liệu một lớp phê bình phim kế cận, trẻ trung hơn và nhiệt huyết hơn?
Ngô Ngọc Ngũ Long: Đúng! Có lẽ cần một chiến lược quy mô tầm quốc gia cho hoạt động phê bình điện ảnh trên báo chí! Nếu có chừng 10 vị Tổng Biên tập yêu điện ảnh và thích xem phim thì may ra mới có những bài phê bình phim đích thực trên báo chí!


                                           HƯƠNG NGÂN (thực hiện)