Năm 2014, trong một bài báo, Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông đã ngừng viết. Điều đó không có nghĩa các tác phẩm của nhà văn ngừng ra mắt. Nguyễn Huy Thiệp vẫn còn những tác phẩm chưa từng xuất bản chính thức tại Việt Nam. “Tuổi 20 yêu dấu” là một tác phẩm như vậy. “Tuổi 20 yêu dấu” được Nguyễn Huy Thiệp hoàn thành vào tháng 1/2003. Tiểu thuyết được NXB l’Aube (Edition l’Aube) xuất bản tại Pháp năm 2005 với tên A nos vingt ans qua bản dịch của Sean James Rose. Giám đốc NXB Aube hồi đó cho biết sách được phát hành rộng rãi tại các nước như Pháp, Bỉ, Thụy sĩ, Canada. 




Tới nay, bạn đọc muốn thưởng thức tác phẩm không khó, vì truyện đăng tải miễn phí trên mạng. Tuy nhiên, tiểu thuyết vẫn được in ấn và ra mắt vào giữa tháng 9 này. Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nêu lý do xuất bản sách: "...Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất, việc có thêm tiểu thuyết này sẽ tạo điều kiện cho bạn đọc được tiếp cận các sáng tác của ông đầy đủ hơn. Và bởi tiểu thuyết này có những giá trị nhất định".

“Tuổi 20 yêu dấu khắc họa” một đoạn đời của cậu thanh niên 20 tuổi có bố là một nhà văn nổi tiếng, một người mẹ đảm đang việc nhà và một người anh chí thú làm ăn. Một ngày kia, cậu rời bỏ gia đình và có những trải nghiệm không thể nào ngờ. Những thanh niên trai trẻ mới bước vào đời trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp luôn là một hình ảnh có tính biểu tượng. Ở ngưỡng ấy, họ đầy băn khoăn, đầy dục vọng, họ loay hoay kiếm tìm và cũng dễ tuyệt vọng nhất. Ở ngưỡng ấy, tính người bộc lộ mãnh liệt nhất, và vì thế mà họ đẹp man dại.

Theo biên tập viên cuốn sách Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, tiểu thuyết này tuy không xuất sắc bằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng tác phẩm vẫn đầy thú vị và đáng để suy ngẫm. "Tuổi 20 yêu dấu, theo tôi, bất chấp câu chuyện có phần đơn giản, bất chấp cái kết hơi gượng gạo, vẫn là một dấu ấn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Nó là một màu sắc khác trong hệ thống những nhân vật thanh niên mới lớn của Nguyễn Huy Thiệp, làm dày dặn và đầy đủ hơn góc nhìn của nhà văn về nhóm nhân vật mà tôi cho là quan trọng trong thế giới nghệ thuật của ông", Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận xét. 

Nguyễn Huy Thiệp từng tiết lộ ông viết “Tuổi 20 yêu dấu” trong vòng một tháng (tháng 12/2002). Tác phẩm ra đời từ chính nhu cầu bức thiết nội tại và nhu cầu của xã hội lúc đó. Thông qua tự sự của một thanh niên, tác giả muốn tiếp cận đối tượng độc giả trẻ. Theo Nguyễn Huy Thiệp, tuổi trẻ bao giờ cũng là đối tượng mà văn học quan tâm nhất; đó là đối tượng đọc nhiều nhất. Trong xã hội, lớp trẻ là đối tượng sôi nổi nhất. Tâm sinh lý, cách nhìn, mong muốn… của lớp trẻ đều rất quan trọng.

Nhân dịp ra mắt sách, một buổi tọa đàm có tên "Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu?" sẽ được thực hiện lúc 18h ngày 26/9 tại Hội trường l'Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội).


TẦN TẦN – Zing