Cuộc sống càng tiện nghi, thi ca càng khó thể hiện. Khi vần điệu ngỡ chừng mở hết biên độ cho mọi sự phóng túng và mọi sự tiếp nhận, thì người làm thơ lại vắng bặt tri âm. Người làm thơ lắm phen phải giả vờ hồ đồ áo gấm đi đêm để những câu thơ được ra đời một cách ung dung tự tại. Đàn bà làm thơ kiểu Nguyễn Hồng, chấp nhận yêu cái đẹp đầy lạnh lẽo một cách nhẫn nại. Để mong danh lợi ư? Không, để đánh cược với xa vắng bản thân, để những dặn vặt của tạo hoá cũng chỉ là sương khói chiêm bao…




CÂU THƠ NÍU LÒNG TRƯỢT GIÓ

LÊ THIẾU NHƠN

Sau khi học Luật ở Hà Nội, Nguyễn Hồng về lại thành phố Vinh làm việc trong một lĩnh vực ít liên quan đến chữ nghĩa. Nghề công chức địa phương cộng với vai trò người mẹ của hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, không hề thân thiện gì cho sáng tác văn chương. Vậy mà, Nguyễn Hồng vẫn cứ nôn nao viết ra những khoảnh khắc “câu thơ níu lòng trượt gió tự do rơi”.

Cuộc sống càng tiện nghi, thi ca càng khó thể hiện. Khi vần điệu ngỡ chừng mở hết biên độ cho mọi sự phóng túng và mọi sự tiếp nhận, thì người làm thơ lại vắng bặt tri âm. Người làm thơ lắm phen phải giả vờ hồ đồ áo gấm đi đêm để những câu thơ được ra đời một cách ung dung tự tại. Nguyễn Hồng cũng dễ dàng nhận diện được điều ấy: “Thương bảng chữ cái loay hoay/ gặp thời ba phải/ Chốn chợ người văn thơ mắng nhiếc lẫn nhau”. Thế nhưng, Nguyễn Hồng dường như không có cách chọn lựa nào khôn ngoan hơn để trốn tránh những cơn run rẩy cảm xúc bủa vây mình: “Trót phải lòng mây xứ lạ/ Lóng ngóng như trúng bùa tà”.

Nguyễn Hồng làm thơ không có một cao vọng gì. Chị bắt đầu từ bày tay thương khó “biết nâng niu khâu vá những vết buồn” để lặng lẽ cùng thi ca bước qua những phút giây chếnh choáng “không thể tự mình pha loãng một cơn giông”. Vì vậy, giá trị thẩm mỹ của thơ Nguyễn Hồng nằm ở những câu mông lung, những câu tưởng chừng sắp rơi ra ngoài chỉnh thể bài thơ. Ví dụ, một lần viếng mộ cha quạnh quẽ “cồn cát hoang vu thôi cha ở lại/ con về nẻo gió tuột vòng tay”, một lần nhớ mẹ day dứt “chái bếp mẹ nhen lẫn vào sương cay mắt chiều lạnh giá, đau đáu con chờ 30 tết khói đoàn viên”, hoặc một lần xót xa người dưng luỵ phiền “ly rượu mạnh hất anh khỏi ý nghĩ/ một chiều nắng đánh võng đường về”.

Thơ Nguyễn Hồng không mạnh ở cấu tứ, mà ưu điểm dồn hết vào những xao xuyến riêng tư. Chị giúp độc giả hiểu thêm những góc khuất trong trái tim phụ nữ yếu mềm, trước người yêu mờ mịt “Đàn bà không chọn ngày cho họ/ 365 ngày an phận/ Họ chọn đàn ông trong ngày đàn bà”, trước con cái bận bịu “Mẹ ru lại lời bà trong câu à ơi chỗ thiếu chỗ thừa/ Chỗ bỏ ngỏ để mai sau trong lời ru con hát tiếp/ Câu chuyện đêm mẹ kể con nghe là câu chuyện ngày xưa ông ru mẹ thức/ Một góc mẹ ru con một góc mẹ dỗ mình” và trước duyên nợ bèo dạt ngàn khơi “Bài thơ nào viết ra cũng nghĩ sẽ cuối cùng/ Mỗi lần viết là một lần rút ruột/ Như lần gặp anh định mệnh/ Cứ nghĩ sẽ là trăm năm”.

Mỗi bài thơ của Nguyễn Hồng giống như một chuyến rong ca phiêu lãng. Chữ và nghĩa thỉnh thoảng đuổi bắt nhau cõi vô định, mà bất ngờ thu hoạch được những câu tinh tế: “Mùa đón hạ về trong veo câu hát/ Tóc ai thơm mùi nắng non” hoặc “Lòng ai bời bời gió/ Trôi trong chiều rỗng không”.


Đàn bà làm thơ kiểu Nguyễn Hồng, chấp nhận yêu cái đẹp đầy lạnh lẽo một cách nhẫn nại. Để mong danh lợi ư? Không, để đánh cược với xa vắng bản thân, để những dặn vặt của tạo hoá cũng chỉ là sương khói chiêm bao: “Thôi thì kệ thì buông lòng nhẹ bẫng/ Tách cà phê loãng khói thản nhiên cười”.