Trong kí ức của chị Huỳnh Thị Sắt, thì Nguyễn Một không phải như bây giờ. Chị Sắt, tên ở nhà là Ba. Trong bút ký “Thúng quà quê”, Nguyễn Một đã dành hết tình thương, sự trân quý, biết ơn, kính trọng với chị. Anh kể, sống ở Hòa Khánh, cuối tuần cuối tháng lại ngóng chị. Chị là chị bên Dì, nhưng coi như chị em ruột. Mất mẹ, anh tựa vào chị, coi chị như mẹ. Đọc để một lần nữa, thấy rằng, đàn ông là kẻ yếu đuối nhất chứ không phải là đàn bà, bởi sức chịu đựng, đúng hơn, là sự từ tâm ở họ rộng lớn như đất trời. Ngóng chị, trong nỗi nhớ và cơn thèm ăn của tuổi thơ, là giữa trưa nắng đổ lửa, bóng chị liêu xiêu với thúng tre trên tay, trong thúng là bánh tổ, là xôi đường, là chuối, những thức quà quê đong đầy tình thương...



NGƯỜI ĐI TÌM DÒNG SÔNG KÝ ỨC 

TRUNG VIỆT

Một chiều đầy gió, có người đàn ông trở về làng, đứng như chôn chân bên khe Đá Lan. Có nước nào không chảy từ nguồn, có ai không chào đời từ cơn đau của mẹ, nên người trở về nhìn núi mà thăm thằm lòng: “Người xa như mây núi, ta lũng thấp quẩn quanh, chiều hoàng hôn rất vội, sương sớm trĩu đầu cành,ta chờ người mấy kiếp, chưa thoát vòng tử sinh,đồi mịt mùng cỏ biếc, chim mỏi cánh phiêu linh…Suối buồn trơ sỏi đá, thương nhớ chợt mênh mông” (Bài Xa Người-Lan Đàm).
Lũng thấp ấy là ngôi làng bình yên dưới chân núi Chúa. Với dân vùng tây Duy Xuyên, núi Chúa là ngọn trấn phong. Rừng sâu núi thẳm huyền hoặc bao điều. Những người đi biển ở Cù Lao Chàm, khi trời quang mây mà mất phương hướng, cứ nhìn núi Chúa làm điểm đến. Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đưa ra đánh giá : từ Cù lao Chàm, kẻ một đường thẳng, ta sẽ gặp Mỹ Sơn. Mỹ Sơn ở ngay dưới chân núi Chúa. Đó là thung lũng thần linh.
Lũng thấp ấy, ngôi làng ấy có tên là A Đông. Trong tiềm thức của bà con làng này, thì ở đây nhiều khó, bởi núi bao bọc, gió sà xuống và bốc lên như trong truyền thuyết với những câu chuyện về loài chim dữ lao xuống, kẹp hai chân bất kỳ con vật nào mà nó thích, nó thù ghét, rồi bay mất dạng. Người ta gọi gió đó là ma rốt rốt với ám ảnh kinh hoàng. Sao không sợ được, một đời lao lực, kiếm miếng ăn trần ai, dựng được mái nhà qua mưa nắng, một ngày gió dữ, nó bốc đi, chỉ còn cách ngửa mặt kêu trời bởi “màn trời chiếu đất” trơ trọi như phận nhà nông, sinh ra từ đất, một đời lấm lem đất cát, rồi về với đất khi vấp ngã trên chân ruộng. Ma đi kèm với những huyền tích, những câu chuyện nửa đêm, tảng sáng, chiều muộn, lời người kể quyện trong sương và thâm u cây rừng, khiến ta đủ sợ đến mức kính cẩn. Dân A Đông cũng như dân ở những nơi có tháp Chăm ngự trị, ai mà chẳng nghe chuyện ma Hời rùng rợn với những bò vàng, heo vàng, với tiếng kèn saranai u trầm thê lương của niềm mất nước, thiếu quê hương, như vẳng trong tháp, mà chuyện này ở Mỹ Sơn thì nó dệt thành tấm thảm những câu chuyện kể, nhắm mắt lại như thấy những đoàn người lặng lẽ hành hương về phía mặt trời, họ tìm ở đó dấu ấn tổ tiên chỉ còn cái nhìn trên đá và khát vọng thời gian đến gay gắt. Sống như nơi như thế, con người trở thành một vật truyền nối đất và trời, ma và điều linh thiêng, tự họ sẽ sắp xếp cuộc đời mình để tương thích, tựa vào giấc mơ để sống. Và như là phép biện chứng ở đời, tôi vẫn tin rằng, những kẻ quẫy đạp chào đời ở chốn như thế, nếu bứt ra khỏi “quê chốn tôi xưa” (Trịnh Công Sơn), dứt khoát kẻ đó sẽ thương tật tâm hồn vĩnh viễn, nếu trời đày cho nó làm thơ, bởi hơn bất kỳ một ngành nghệ thuật nào khác, văn học chính là cái quay đầu buồn bã về bãi bể nương dâu mênh mông nơi trần thế. Nhà văn Nguyễn Một, kẻ lữ hành ra đi từ cái làng nghèo sỏi đá này, là một người như thế.
Như lẽ hiển nhiên đến chán chường , sầu thảm, kẻ sáng tạo luôn có từ tiền kiếp cơn đau hành hạ, cô đơn đến tận cùng thì mới bật ra chữ nghĩa, như con chim Yến va đầu vào vách đá, thổ ra huyết để trở thành báu vật, rồi nó chết trong nỗi quằn quại một mình. Đâu chỉ có chuyện ma, mà cả chuyện người, đã sắp xếp trong tâm hồn nhà văn Nguyễn Một những địa chấn đến mức thảng thốt. Trong trí nhớ của Hai Chơi , vùng đất này là kinh sợ bởi gió, ma, và bom đạn. Hồi chiến tranh, đây là vùng tranh chấp, đánh nhau tưng bừng, anh còn nhớ lúc giữ bò, vô đó được mấy ông cách mạng truyên truyền. Con đường dẫn vô Mỹ Sơn bây giờ, , ngày xưa làm chi có đường to, hai bên giành nhau từng chút. Pháo suốt ngày, từ An Hòa chụp xuống, hạm đội ngoài biển nện vào, Ái Nghĩa quăng qua. Không ai sống nổi, phải chạy vào khu dồn , ở dưới đồn 45, cực khủng khiếp. Hai Chơi là anh rể của Nguyễn Một. “Nó không cha mẹ, anh em ruột cũng không có, mình là anh rể, thì cứ coi nó là em ruột mình”. Mắt Hai Chơi trầm tư. Đâu phải được như thiên hạ là sinh ra, cha mẹ chăm bẵm, nuôi nấng dạy dỗ vào đời, số phận của Nguyễn Một là trang đời đẫm nước mắt. Chiến tranh, chính chiến tranh, đã găm nhát dao xuống gia đình, vào đời anh, và điều đó không khó khăn khi đọc những sáng tác của anh, dù cuộc chiến được thể hiện thuở giành nhau trên đất hoang vu, mở cõi với ngựa hí, gươm khua hay thời Mỹ bom pháo tận diệt, thì những chia lìa, chết chóc cứ ngồn ngộn ra đó như cái nắm tay sắt lại, máu ứa ra mười ngón. “Nó tội nghiệp. Cha mất khi còn trong bụng mẹ, được ba tuổi thì mẹ mất, thì chiến tranh mà”. Bây giờ những câu chuyện kể về đau thương, khi hòa bình đã hơn 40 năm rồi, kể như chuyện bình thường, bởi cái thời nó thế, tâm trạng bây giờ cũng khác, nhưng nếu ngồi xuống mà lần lại hành trình của một kẻ bơ vơ khi đi còn chập chững, đến bây giờ là người đàn ông đã qua tuổi 50, có ai đặt câu hỏi : Anh đã làm gì, làm sao mà sống nổi đến bây giờ, và quan trọng hơn là đã sống ra sao ?
Trong trí nhớ bà Trần Thị Hát, đứa cháu ruột của mình, số phận bi đát. Bà đã 87 tuổi rồi, nhưng chuyện ngày đó, như hiển hiện ngay bây giờ. “Thôi thôi, nói chi hết”, bà cười, nước trầu như muốn rứa ra. Gương mặt bà như chân ruộng tháng 7. Ở đây, mỗi năm làm một vụ, kéo dài miết thuở cha ông. Đập Thạch Bàn cung cấp nước tưới, nhưng cũng chỉ chừng đó thôi, sống nhờ nước trời. “Ú chu choa là kinh, tau gánh tranh gánh củi đi bán, đi qua chợ La Tháp, chợ Kiểm Lâm, qua một con lạch với một con sông nữa mới tới chợ Chương Dương”. Chợ này ở Điện Quang, ôi là xa. “Ừ xa lắc, sáng đi tối về. Ai ơi đi chợ Chương Dương-Ai không biết chữ vô phương trở về. Tranh thì được 3 xu, củi to là được 1 đồng, nhưng củi thì đàn ông gánh chứ mình gánh chi nổi, mua mắm cái, cá khô, muối về trữ ăn, cực chi lạ. Làm lúa hả, có được chi mô, lúa đen lúa trì, 6 tháng mới cắt, mà có cắt được mô, pháo bom quăng nát hết, chờ hắn bắn xong, mới mò từ khu dồn ra đãi lượm mang về. Mà thôi, hỏi chuyện cũ làm chi…”. Bà không muốn nói nữa, bởi anh em tám người, chết hết còn mình ba, giờ bà có 7 đứa con, nhưng cũng ở một mình, hồi không có chi ăn cũng ở một mình, chừ cũng một mình, thì cũng thế thôi. Bà là chị của cha Nguyễn Một. “Hắn chết cha rồi chết mẹ, tên mẹ hắn đặt là Trần Việt Sanh, phía ngoại nuôi hắn, hắn ở bà ngoại, rồi ở với cậu ruột, cậu hắn đi lính lấy tên Nguyễn Một để lãnh lương, rồi hắn lớn lên có cái tên đó luôn. Chiến tranh mà, ở với ai cũng được, họ tên chi cũng được giữ được mạng sống là quý rồi, chừ hay về thăm tau, tội nghiệp, cái thằng ngó rứa mà nhớ dai, cứ nhắc hồi nhỏ tau đi chợ về ngang nhà ngoại hắn, ghé cho hắn khúc mía”. Giọng người đàn bà quê, nói về nguyên nhân những nỗi đau nghe chua xót nhưng nhẹ tênh, bởi sự tha thứ cho bạo tàn ở họ lớn hơn tất cả những luận thuyết, dù chiến tranh ở bất kỳ thời nào, hình thái nào, họ, những người nông dân chân tấm tay bùn, vẫn chịu thiệt thòi lớn nhất. Đó là phẩm chất ở những người thường xuyên đối mặt với nhọc nhằn đau đớn, họ hiểu được, không gì ngu muội bằng con người.
Không phải cơn gió lốc xoáy, hay gọi là ma rốt rốt đã bốc Nguyễn Một ra khỏi ngôi làng này, mà chính chiến tranh đã ném anh vào vòng lao lửa, và gia đình , người thân đã dìu anh đi qua cơn đau. Trong tiểu thuyết Đất trời vần vũ, anh nói về người cậu ruột, đó là ân nhân đời anh, thay mẹ mà nuôi dưỡng anh, dạy anh thành người. Chính người này đã rèn anh thành người đàn ông không bao giờ biết quỳ, đã gieo vào tuổi thơ dữ dội của anh ý chí làm người, phân minh trắng đen, dạy anh cái lí ở đời, cái lí đó không phải hơn người ở trò lưu manh, xảo biện, mà đó là thái độ sống nhân hòa nhưng ngay thẳng. Tuổi thơ mưa nắng theo cậu vào rừng làm củi, chạy ra Hòa Khánh vì quá ác liệt, đi học, bán cà rem, biết bao cực khổ siết vào tấm thân thơ dại. Trong kí ức của chị Huỳnh Thị Sắt, thì Nguyễn Một không phải như bây giờ. Chị Sắt, tên ở nhà là Ba. Trong bút ký “Thúng quà quê”, Nguyễn Một đã dành hết tình thương, sự trân quý, biết ơn, kính trọng với chị. Anh kể, sống ở Hòa Khánh, cuối tuần cuối tháng lại ngóng chị. Chị là chị bên Dì, nhưng coi như chị em ruột. Mất mẹ, anh tựa vào chị, coi chị như mẹ. Đọc để một lần nữa, thấy rằng, đàn ông là kẻ yếu đuối nhất chứ không phải là đàn bà, bởi sức chịu đựng, đúng hơn, là sự từ tâm ở họ rộng lớn như đất trời. Ngóng chị, trong nỗi nhớ và cơn thèm ăn của tuổi thơ, là giữa trưa nắng đổ lửa, bóng chị liêu xiêu với thúng tre trên tay, trong thúng là bánh tổ, là xôi đường, là chuối, những thức quà quê đong đầy tình thương, mà đến bây giờ, dù đã sống thị thành, chẳng thiếu cái gì, nhưng ngồi một lát, lại thấy thiếu cái gì đó, ngẫm ra thì…thiếu quê, xa lắc lơ mùi vị lẩn trong đó khói bếp và sự tảo tần, tình yêu thương của người chị quê nhà. Thức quà quê đó, chính là mùi mồ hôi và trái tim của chị ám ảnh suốt đời anh, mang ơn mẹ đẻ ra anh. Chị kể, hồi đó thằng Một còn có tên là thằng Xít xanh và yếu như tàu lá, ốm nhách, cứ tưởng gió mạnh là nó bay. Trước ngày giải phóng cậu cháu lên tàu di tản cả chục năm không có tin chi tưởng chị em không còn thấy mặt, chị khóc hết nước mắt. Cả chục năm sau, một bữa chị nghe con gái nói, hình như cậu Một về mẹ ơi, đang bắt cá ở mương đó ! Nó mang đôi giày rách bươm, bước vào nhà, nói đi bộ mấy chục cây số dưới Nam Phước lên lội qua cầu chìm nước ngập tới lưng, chị em ôm nhau khóc. Không khóc sao được. Nói đến đây, chị bật khóc. Người đàn bà đi qua mưa nắng, một đời chân lấm tay bùn, khô quắt như cột thu lôi rút hết cực khổ vào mình . “ Nhớ hồi nớ, nghèo đến mức chị đám cưới mà không có tiền mua cái nón lá đội, nhiều đêm nằm nghĩ, răng mà cực kinh , cực chưa từng dám nghĩ rứa. Một bữa, thằng Một ở sài gòn điện về báo vợ nó tai nạn. Thương em đứt ruột, chị chạy quanh xóm mượn được …20 ngàn gửi cho em, ra bưu điện gửi mà đứng khóc. Chừ có tiền rồi, cũng làm ruộng, nuôi bò thôi, không lo đói, nhưng lo đủ thứ, cũng thức khuya dậy sớm lo, rồi đám chạp cưới hỏi, mệt chi là mệt, cực riết thành quen, thấy đời mình không thể khác, thôi cứ rứa, răng cũng được, sau ni yếu đi không được thì nhờ con…Giờ nó làm ăn được rồi, mừng cho nó, nhưng nó tội lắm, về bao giờ cũng đi thăm hết bà con, tình cảm đủ đầy, lo lắng quan tâm em, cháu, chẳng khi mô nói mình giàu hay nghèo, làm chức chi, ở đây, cứ nói tào lao là chính, chẳng giận ai, ai khen cũng cười, chê cũng cười tào lao chi trợt rứa, mà cái thằng lạ đời…”. Lạ đời ở đây, là chị nói hắn là đứa hay quên, điện thoại hẹn chút gọi lại, 15 ngày sau, chờ miết không thấy, chuyện thì quan trọng, tau mới điên lên la, là mi bận đến cỡ mô cũng phải nghe điện thoại. Đó là chị kể chuyện cuối năm sửa sang mồ mả cha mẹ Nguyễn Một, mà chị quanh năm hương khói , cáng đáng, bàn chuyện này mà ông nhà văn thì cứ lơ lửng, ầu ơ, như giao hết, tao làm xong hắn về đứng chỗ mả khóc chặp rồi vô nhà ăn hai ba bát mì với rau sống chuối cây!…Nghe chị kể, bật cười mà thấm cái tình thương em lặn vô trong nỗi lo. Giọng chị thật thà rằng, hắn làm chi đó tau đâu có biết, nghe nói tùm lum việc, và khi được hỏi, rằng chị có biết từng là nhân vật văn học của Nguyễn Một không, chị lắc đầu rồi nói , nông dân mà em, chữ nghĩa chi mô ai biết được, lo làm ăn cực thấy bà, hắn viết chi ai có biết…
Nguyễn Một đã viết gì về quê xứ mình ? Một người Quảng Nam tha hương, theo chân cậu khi còn thơ trẻ dạt về miền Đông nam bộ kiếm sống rồi lập gia đình. Cái khổ đeo đuổi chưa hết. Một buổi đi dạy, buổi kia đi bán cà rem, nuôi heo, trồng bông bán kiếm ăn độ nhật ở thời khốn khó. Và tôi vẫn cho rằng, Nguyễn Một nên cảm ơn văn học, không phải nhờ văn học mà anh lập danh , mà chính chữ nghĩa đã giúp anh trả nợ quê hương, trả nợ chính mình với tuổi thơ cay đắng nhưng không thiếu ngọt ngào. Tản mát trong các truyện ngắn, bút ký nỗi nhớ quê, thì phải chờ đến tiểu thuyết, anh mới trải hết lòng mình. Đất trời vần vũ và Ngược mặt trời, ngoài lẽ trả ơn quê hương Đồng Nai nơi anh đang sống, cái nơi mà anh viết đề từ: “Cám ơn quê hương độ lượng và u buồn”, Cái nơi mà anh ngâm nga câu của Nguyễn Bính: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó – Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” khiến ruột gan cứ bồn chồn trong từng trang viết. Ở đó là quê hương , có lúc nói thẳng dưới chân núi Chúa, có lúc nói về những hoang tháp, những ruộng đồng bom cày đạn xới, những người thân yêu li tán xa rồi. Thủ pháp huyền ảo, pha trộn lúc kịch, lúc tiểu thuyết, lúc thơ, truyện ngắn…tạo dựng những hỗn độn nhưng khá rạch ròi trên cái nền của chiến tranh thuở mở cõi phương nam, đến thời Mỹ, là cái cớ để anh không tính chuyện …tự truyện cho mình, khi viết về ký ức đau thương. Nhà thơ Miên Trường, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Chạc, người đẹp Ngân Hà, Linh Chi trong hai tiểu thuyết trên chính là gương mặt Nguyễn Một, lúc lộ, lúc ẩn, nói về chính mình. Đi tìm dòng sông ký ức, tìm quê mình, tìm tuổi thơ, tìm mẹ tìm cha, tìm vẻ đẹp đã mất. Cứ đi, cứ trôi, bình mình hay hoàng hôn, quê nhà thảy như vô ảnh mà hiển hiện ra đó. Như vừa chớp mắt đã mất, lại vụt liện ra đó, không kịp cầm nắm mà cứ lửng lơ. Quê đó có ma, có truyền thuyết giấu bí mật về thế giới nhung lụa, bạc vàng, nhưng hòn đá để mở cánh cửa vào thế giới đó, đi liền với những lời nguyền rùng rợn mà con người sẽ phải giá kinh hoàng nếu để lòng tham chế ngự, chiếm đoạt thiện tâm. Những vẻ đẹp đã mất. Những tình yêu bị cưỡng chiếm.Sự trinh bạch bị chà đạp. Viết về chiến tranh, li tán, ma người lẫn lộn, máu chảy thành sông, ai oán ngút trời để rồi bật khóc. Cái hơn là chỗ này. Nguyễn Một viết về sự tàn bạo nhưng không oán hờn mà chỉ là sự giải mã cho sự vô nhân, ngu muội của con người, bởi từ trong bản thế, con người vốn lầm lạc và cơ hội để sửa sai, nhìn nhận hiếm hoi lắm, nó chỉ đến ở những người có cái nhìn minh triết về đời sống và thân phận. Dòng sông cứ chảy và tác giả cứ đi tìm, đi tìm để khai quật ở chính mình bằng lời lẽ của một kẻ đã trải nghiệm thương đau, nhưng được nuôi dưỡng bằng lòng nhân của quê hương đói nghèo, của ông bà ngoại, của cậu, của chị của anh, dầu nghèo nhưng thương cháu thương em lớn lao biết chừng nào. Chính quê hương đã dạy anh rằng, đừng nên căm hận. Sự thù hận chỉ gieo thù hận mà thôi, như anh viết trong tiểu thuyết Ngược mặt trời: Có thể sai nhưng đừng ác, có thể ghét nhưng đừng hận thù. Rồi chính quê nghèo đã dạy anh rằng, có nhà cửa tiền bạc, ngập trong nhung lụa, thì thế giới vật chất chính là con mồi quyến rũ đẩy người ta đến chỗ tha hóa. Vì thế, anh không ngừng tra vấn , lội ngược chính mình, rằng ta ở đây nhưng ta ở đâu, muốn truy tìm bản thể, không cách nào khác, là quay lại nơi chính mình đã ra đi. Và như là lẽ tất nhiên, nơi đó là cha là mẹ, đau đến bật máu. Một người nông dân hiền lành, một đêm bị nhóm người mang súng dẫn đi, dẫu ông có quay lại rằng, anh là nông dân, chẳng ai làm gì anh đâu, nhưng người vợ nghẹn tim đủ biết rằng, vĩnh viễn từ đây mất chồng, bởi chẳng ai đủ may mắn để quay lại đâu, bởi thân phận con người trong chiến tranh như chiếc lá. Rồi bà sinh con trong buồn tủi, cô đơn, một đêm trăng sáng bồng con, chờ chồng, thì viên đạn đâu đó xuyên qua trán chị, để sau đó bà ngoại tìm thấy thằng bé nằm trên ngực mẹ đẫm máu…Làng Chạc Chiu trong tiểu thuyết Ngược mặt trời với hành trình đi tìm quê xứ của nhà nhiếp ảnh ấy, là Nguyễn Một sau hai mươi năm trở lại quê nhà, chỉ còn thấy mộ ba mẹ mình đã lên xanh, còn quê ngày đó đã là làn khói…
Đi tìm để làm gì ? Câu trả lời gián tiếp là, nếu con người ta không có ký ức, sẽ là con vật không chân, là đường đi không có nền, con người sẽ mãi ngập trong hoang tưởng, tăm tối. Dù phận người có phù du mải miết bay về cõi vĩnh hằng không có nơi trần thế trong cơn khao khát được chúa giang tay chào đón, thì nếu không có cái nhìn quay lại con đường mình đã đi, thì trước mặt dứt khoát là lửa đang chờ, thiêu đốt thành tàn tro. Viết về quê hương, Nguyễn Một chưa một lần mặc cảm, than trách, mà luôn thấy ở đó nước mắt của lòng biết ơn, từ nguồn mạch sâu thẳm, đất mẹ đã dạy anh thành người. Văn chính là người, thì văn Nguyễn Một với khí cốt trong máu huyết là một người nông dân xứ Quảng, tính khí ngang ngược, rạch ròi, trào lộng và nhân ái, vẫn còn nguyên đó, kiệm chữ mà nhiều lời. Và anh đã vượt lên chính mình, khi soi thật kỹ, rằng, quê hương này với anh là bức tường để anh tựa vào đó mà đi qua giông bão, chứ không đạp lên như ai đó, bởi thói đời khi đã lượm lặt được chút gì đó, con người ta hay kể ngày xưa gian khó để tự tôn bây giờ. Nguyễn Một không có điều đó. Làng A Đông, núi Chúa trong anh vẫn là cành củi khô, là gánh than, là bụi sim rừng và khe nước đã sắp cạn, nhưng như con ma hời quấn quýt đuổi bắt, dễ gì buông bỏ, bởi ta là ai, ở đâu, vẫn là ám ảnh triết học cho từng trang viết của nhà văn đã có mấy chục đầu sách này. Người đàn ông giờ đứng ở giữa đồng không, cánh cò trong ca dao đã bay mất, nhưng vẫn mải miết đi tìm, bởi có chạy đằng trời, thì một tô mì quảng nhưn thịt gà từ bàn tay của chị Ba Sắt, đủ đạp đổ hết những vàng son…