Là một nhà văn có thế mạnh về tư liệu, chân xác, tỉ mỉ cùng những trải nghiệm sinh tử, Trần Mai Hạnh đã kể những câu chuyện xúc động, đẹp dữ dội mà nhức nhối từ trái tim người lính. 16 mảnh ghép của Thời tôi sống được viết trong thời gian tác giả làm phóng viên chiến trường, do đó, gần như những sự kiện, số phận được phản ánh trực tiếp và sống động nhất. Ông bám sát đời sống chiến trường, đời sống tâm hồn những người lính, cả nỗi đau mất mát và vẻ đẹp nhân cách… tái hiện một cách đời nhất, thực nhất và mang tính thời sự. Cathy Caruth cho rằng, lịch sử, cũng như chấn thương, không bao giờ đơn giản chỉ là sở hữu của một ai đó. Khi công bố những câu chuyện cách nay gần nửa thế kỷ, Trần Mai Hạnh đã cho thấy một cách kiến giải thú vị về chiến tranh. Những tàn khốc được nhìn từ thân phận cá nhân, được chưng cất bằng những sự kiện phong phú hơn cả hư cấu, để lại nhiều dư âm xao xuyến và ám ảnh.



Lịch sử một thời sống và viết

THU HUYỀN

Chiến tranh nhìn từ lịch sử tâm hồn và số phận cá nhân
Trần Mai Hạnh miêu tả chiến tranh, lột tả sự bạo tàn, hủy diệt của nó hầu hết đều bằng bút pháp tả thực nhưng chất thơ của tâm hồn, của ứng xử con người như một cách “mềm hóa” mà thấm thía trong tiếp nhận nơi độc giả. Giữa những nỗi đau chung, những số phận con người cá nhân vẫn vút sáng, trở thành những điểm nhấn “ngời ngợi” và mang sức khái quát mạnh mẽ. Những con người xả thân vì Tổ quốc, một thế hệ gánh vác sứ mệnh lịch sử được tái hiện giản dị và đa chiều kích. Họ gạt bỏ tình riêng, tự nguyện hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho đất nước như cách mà Louis Aragon khẳng định: Nếu phải đi trở lại/ Tôi đi lại đường này/ Một tiếng từ ngục tối/ Nói đến những ngày mai…
Những con người bình dị cùng nhau vào sinh ra tử, cùng nhau làm nên những kì tích: chọn sự hy sinh lặng lẽ nhằm giữ được cơ sở cách mạng (năm chiến sĩ nơi căn hầm nhà mẹ Tư trong Như thể là tình yêu); sáng tác bản hợp xướng có một không hai trong xà lim biệt giam của nhà tù Phú Quốc (nhạc sĩ Phan Miêng với bản hợp xướng Cửu Long trong Câu chuyện về một bản hợp xướng)… Từ những hoàn cảnh tưởng chừng vô vọng, tình yêu là lý do vẫy gọi con người bền gan chiến đấu trở về từ địa ngục (tình yêu phi thường và cảm động của anh Tư và chị Châu trong Côn Đảo một ngày tháng Bảy như một minh chứngquyết liệt; tình cảnh éo le xúc động trong chiến tranh như để thử thách kiệt cùng sức bền của trí lực con người: tiểu đoàn trưởng Thanh và o giao liên Hương trong Như thể là tình yêu với những tình cảm khó gọi tên)…
Thời tôi sống với những tác phẩm dung lượng nhỏ gọn nhưng có khả năng vượt trội trong việc phản ánh hiện thực linh hoạt, sinh động. Từ lợi thế nhấn mạnh tính xác thực của chi tiết, sự kiện, ký Đất mùa xuân là những ghi chép đầy xúc cảm về mảnh đất Gò Nổi, nơi những con người bình dị mà anh hùng quần tụ nhau sống, chiến đấu. Dải đất hình lá tre ngay sát sông Thu Bồn mang đến một dư vị mát lành, dù đã từng bị thiêu trụi bởi bom Napan nhưng không gì ngăn được sức sống và khả năng hồi sinh màu mỡ. Đặc điểm này thường thấy trong những tác phẩm của Trần Mai Hạnh bởi ông là người viết có sự chiếm lĩnh tư liệu chân xác, đầy đủ. Anh Đấu kể câu chuyện về sự ra đi của một người anh hùng nhưng không gây cảm giác bi lụy với diễn tiến nhanh gọn, giọng kể hào sảng. Nhân vật chính hiện lên gần gụi với sự quả cảm cùng chiến công giết 299 tên giặc; những sinh hoạt đời thường mộc mạc gia tăng những tình cảm nơi người đọc…
Khi nhìn chiến tranh từ số phận những cá nhân, Trần Mai Hạnh khai thác sâu những mối tình thời chiến, dở dang và nhiều luyến tiếc. Có những cuộc gặp, những chia xa đều như được an bài bởi định mệnh. Bài thơ tình đẫm máu đột ngột mở đầu bằng cái chết của nhà thơ Nguyễn Trọng Định. Câu chuyện cứ dồn dập những xúc cảm về một con người tài hoa bạc mệnh (chiếc ba lô đẫm máu, bức ảnh có một lỗ thủng ngay ngực trái…). Lối đón trước, ngoái lại được tác giả sử dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn với những lời dặn dò của Định về việc “nếu tao hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này. Coi đây là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy” (tr.49). Trong khi đó, cũng là một tình yêu dang dở không thành, Dẫu giọt sương rơi đem đến một nỗi xót xa. Khi biết tin Mai đã có gia đình yên ấm, “những đổ vỡ của lòng người còn ghê gớm hơn những đổ vỡ của chiến tranh nhiều. Đó đây cuộc sống đang hồi sinh trở lại. Những hoa giấy phòng không dán trên cửa kính các ngôi nhà đã được bóc đi, và nhà ai đó đang quét lại một lớp vôi mới trên bức tường cũ đã hoen nhạt vì những tháng ngày sơ tán (…). Tất cả rồi sẽ được hàn gắn, xây dựng lại thôi. Nhưng có ai hàn gắn được sự dập nát của trái tim con người” (tr.255). Trời sáng trong mưa lại là câu chuyện về nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long được ghi lại trong khung cảnh đại dương bao la sóng nước, về mối tình đã hứa hôn mà dang dở, gặp lại nhau sau bao năm vẫn chung thủy đợi chờ. Sự chờ đợi của Hoa suốt mấy chục năm với anh Lâm (Lâm Hồng Long), tình yêu bền bỉ đến xót xa tội nghiệp, nồng hậu và bao dùng, kể cả khi bị đày ra Côn Đảo và khi trở lại quê nhà, thậm chí khi biết tin anh đã có gia đình… Khép lại là cuộc gặp gỡ muộn màng, rồi chia tay nhau nơi gốc phượng già đầu cầu Phan Thiết – chứng nhân của tình yêu trong sáng thuở ban đầu.
Theo J.T. Hansen, tất cả những nhà văn chiến tranh mà ông nghiên cứu đều chia sẻ quan điểm rằng tiêu chuẩn của văn chương chiến tranh là "sự trung thực" (authenticity), một sự trung thực dựa trên "kiến thức về chiến tranh mà họ đã kinh nghiệm". Trần Mai Hạnh, có lẽ do chủ ý, chưa thực sự giải phóng khỏi những ràng buộc về “kinh nghiệm chiến trường”; nhưng nhìn ở góc độ khác, khi ông viết ra những cảm nhận về chiến tranh một cách máu thịt đầy đau đớn như cách mà C. Ximônôp từng nói: chỉ có nhân dân mới biết chiến tranh là gì; sẽ thấy chiến tranh được tái hiện bằng những nỗi đau cộng đồng và cả những bi kịch cá nhân, những số phận riêng đầy xa xót bởi Thời tôi sống hướng đến khắc họa những số phận cá nhân nhưng có sức đại diện cho cả thế hệ…

Hiện thực phong phú hơn tưởng tượng
Trong “Thời tôi sống”, tính xác thực của những ngày giờ, sự kiện được ghi lại khiến cho những câu chuyện được kể thêm ấn tượng, tác động mạnh tới xúc cảm người đọc. Những chi tiết đắt và sáng bởi nó được đánh đổi chính bằng trải nghiệm đau đớn của chính tác giả. Tái hiện 21 ngày đêm trong vòng vây quân Mỹ như những thước phim quay chậm, tỉ mỉ và kĩ càng, sự hấp dẫn của 6 trường đoạn trong Danh dự người lính đến từ những chi tiết sáng, gợi: điếu thuốc lá Điện Biên được giữ gìn trong bọc nilon suốt ba tháng; anh thương binh Huyến lết trên đôi chân tướp máu theo đồng đội với một quyết tâm “có chết cũng chết trong tay đồng đội”… Trần Mai Hạnh tạo được một giọng kể riêng với thứ ngôn ngữ được viết từ trái tim. Sử dụng lời nói và ngữ điệu vùng miền phù hợp, cộng với lời dẫn truyện như một cách để người đọc dễ cảm và thâm nhập cùng với những sự kiện sắp sửa được tái hiện, cũng như một cách nhà văn tâm tình, chia sẻ về “nguồn cơn”, hoàn cảnh viết nên những bản hùng ca bi tráng ấy. Cách lựa chọn chi tiết của ông tỏ ra có nghề khi gói ghém khá nhiều những tình tiết lớp lang gây ám ảnh. Trong Anh Đấu, sự hy sinh của anh Đấu vào cái ngày định mệnh khi rửa nỗi nhục cho mẹ, giết tên Lạng được tái hiện liên tiếp bởi nhiều sự kiện. Lúc ấy là 12 giờ trưa, trời nổi cơn giông, nước sông Thu Bồn dâng lên ngập những bãi khoai đồng bắp; ông già Sâm mếu máo khóc, duy nhất lần đó câu chuyện của ông không lặp lại điệp khúc muôn thuở… và đặc biệt là hình ảnh ngọn nến trên bàn thờ lúc nào cũng cháy như một minh chứng cho sự thương nhớ của người ở lại, của tình cảm sắt son mà nhân vật Nhàn ấp ủ. Trong khi tái hiện những sự kiện, đan xen vào đó luôn là những chi tiết nên thơ: Hương vị tết chiến tranh với mơ ước giản dị trong đêm giao thừa nằm cuộn khoanh ngẫm ngợi ấy, nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết, nghĩ về chiến tranh - thử thách tàn khốc nhất và mơ về một vỉa hè trên đường phố Hà Nội để yên tâm ngả xuống thiếp đi trong giấc ngủ…
Dù không chủ định ghi chép để làm thành những tác phẩm văn học, nhưng những câu chuyện được kể trong Thời tôi sống với hình ảnh trở đi trở lại đầy ám gợi (đôi chim gù nhau, tiếng gà trưa xao xác…); cách lựa chọn chi tiết khá tinh tế và gây được hiệu ứng thẩm mỹ (hành động mua trái thanh long, làm mứt chùm ruột của nhân vật Hoa trong Trời sáng trong mưa; nhành mai vàng mọc trên miệng hố bom trong Như thể là tình yêu…) khiến những mảnh ghép nhỏ trong tác phẩm trở thành một bản hòa thanh của tình đồng chí, của lòng quả cảm… đã gây được xúc động mạnh và những dư âm bền bỉ. Ấn tượng ám ảnh nhất của Đất mùa xuân có lẽ lại đến từ màu sắc. Ngoài hình ảnh chiếc xe bọc thép nằm vạ như một chứng nhân của chiến tích anh hùng; cây đa trụi trơ cành lá như người lính sau trận tử chiến đứng trấn trên gò Văn Ly… như những điểm nhấn đáng nói; thì cái nắng đỏ hoe của ngày Tết, áo hồng, áo tím hay áo hoa của trang phục giúp ngời lên sự tươi tắn của cuộc sống, và màu xanh đem đến nhiều ám gợi nhất. Xanh của đồng bắp, xanh của vạt rau muống, của cỏ cây khiến ngời lên một sức sống mới thiết tha vẫy gọi.
Chỉ có những trải nghiệm nơi “vòng vây sinh tử”, đứng vào những thời khắc “định mệnh” mới có thể tạc dựng được một hiện thực sống động hơn tưởng tượng như vậy. Xuyên suốt cuốn sách, hình ảnh sông Thu Bồn như một chứng nhân, một biểu tượng của cuộc chiến chính nghĩa, khốc liệt bạo tàn mà ẩn trong đó những vẻ đẹp bất tử. Đặc biệt trong Nắng Thu Bồn, những đoạn miêu tả thiên nhiên giữa cái tàn khốc của chiến tranh (nắng lấp lóa trên sông Thu Bồn, vòm lá đẫm sương và bầu trời sao hòa trong xúc cảm khi nghe câu chuyện tình yêu…). Sự can trường của Nắng, tình cảm mơ hồ bàng bạc mà lại sâu lắng của Bè. Cái mất tự do đến từ những việc tưởng như mộc mạc nhưng lại có sức tố cáo lớn, suy nghĩ của Bè: “Mẹ cha nó! Đất nước, đồng ruộng của mình mà mình muốn sưởi nắng một chút cũng không được. Cả trời nắng mà đến một tia nắng mình cũng không được tự do hưởng” (tr.140)
Khi viết những trang nhật ký tại chiến trường, Trần Mai Hạnh không nhằm mục đích xuất bản, in ấn; mà như một cách trút bỏ những góc khuất của tâm hồn, để khỏa lấp nỗi cô đơn trong tháng ngày đấu tranh với sự sống - cái chết. Điều đó cho thấy thiên năng của một nhà văn đã hình thành từ rất sớm nơi Trần Mai Hạnh. Viết như một trách nhiệm của nghề, lại như một thôi thúc nội tâm; không chỉ bởi tham dự trực tiếp những giờ phút ngặt nghèo mà viết còn như một cách thể hiện sự trân trọng từng giờ phút sống, khi chiến tranh khốc liệt như một cái nền để vút cao những tâm hồn và nhân cách cao đẹp.

Những xuyến xao bỏ ngỏ…
Trong những tháng ngày nơi vòng vây sinh tử, những xúc cảm chân thành, những nhịp đập thổn thức từ con tim ấm nóng của ông luôn thể hiện một niềm đau đáu về vận mệnh Tổ quốc, về sự an nguy của đồng đội. Cũng bởi lẽ đó, cảm giác khi đọc Thời tôi sống là sự dồn nén đến nghẹt thở, giữa cảm giác dữ dội của chiến tranh và sự mênh mang của tình cảm con người.
Chiến tranh ác liệt, khẩn trương đến hết mức làm cho con người ta có lúc co lại, thế thủ để tồn tại (Bài thơ tình đẫm máu, tr.50). Ngay cả tình yêu những năm tháng ấy cũng phải kìm nén đến xót xa.Sự kìm lòng trước những rung động, những xúc cảm về Hàn Giang – cô văn công nhỏ xinh bởi ý thức được cái ác liệt đang chờ, dù trong những hồi tưởng về ký ức “nhớ thương làm vàng cả những buổi chiều”, nhưng con người phải tự quyết định lấy tất cả, tự tin đi tới. Sau này ở Quảng Đà, dừng chân nơi trạm chín cô, trong một ngày mưa tầm tã, những dòng thư viết cho Hàn Giang lại như một lần nữa minh chứng cho sức bền của tình cảm (Những mảnh trời xao xuyến). Những trang văn đẹp, nhẹ và gợi trong Suối đầu mùa được những hoang hoải trong tâm hồn. Độc giả tự hỏi sao có thể bình yêu và ấm áp đến nhường ấy giữa bom rơi đạn nổ. Không gian nhỏ nơi bệnh xá như một minh chứng không lời về sức sống bất diệt của sức mạnh chính nghĩa, của tâm hồn đẹp và của tình yêu…Không khí nhẹ nhõm, âm hưởng nên thơ của truyện luôn được mở đến mênh mang, khi là tiếng hát ru ngọt ngào của y tá Hà, khi là tiếng tâm tình kể chuyện trong đêm khuya hòa trong tiếng gió thì thào; rồi những lọ hoa xinh xinh be bé ở các lán cắm trong vỏ lon, cánh lá dứa mà Hà tết khéo léo…
Chiến tranh khốc liệt không chỉ bằng những trận càn, những cuộc đấu sinh tử mà khốc liệt chính bởi cách tái hiện xúc cảm con người. Cách nhân vật Kề trong Bài thơ tình đẫm máu báo tin Nguyễn Trọng Định chết bình thản không chút xúc động bởi “chết không phải là động từ nữa, mà là một danh từ chỉ những gì diễn ra như cơm bữa” (tr.50). Nhưng dường như đối lập với tất thảy những tàn bạo của giết chóc, tình yêu nơi tâm hồn dễ rung cảm luôn có một sợi dây vô hình mà bền bỉ. Bài thơ Gửi em trong Bài thơ tình đẫm máu với hình ảnh giọng hò lảnh lót ngang sông, ánh trăng xanh sau dịu ngọt cơn mưa gợi một tình yêu trong xa cách. Mà tình yêu ấy, bài thơ ấy sau 42 năm mới trở về nơi cần trở về - người con gái nhà thơ trân quý. Câu chuyện đẹp như một bài tình ca buồn, những nốt trầm dang dở nhưng vẫn lấp lánh niềm tin vào tình yêu giữa những tàn khốc của chiến tranh và xô bồ của đời sống hiện đại. Nỗi buồn trong Dẫu giọt sương rơi cũng không khiến người ta bi lụy: “chiều ấy nhìn Thùy Mai ra ga lòng anh buồn vô hạn. Mai lên khu sơ tán trên Thái Nguyên để học tiếp. Tình yêu cũng khoác áo lên tàu với giá vé hạng bét trong một buổi chiều nắng vàng rười rượi” (tr.158); “Một cuộc sống đi sâu vào lòng đất, từ lòng đất và lúc nào cũng sôi nổi đến mức mãnh liệt, phi thường. Những thôn xóm anh đi qua, những làng mạc anh đã sống, những vùng đất anh đã chiến đấu… đâu đâu cũng ngời ngợi một sức sống mới, đâu đâu cũng xanh lên, vang lên tiếng gọi thật thiết tha đối với cuộc sống của Tổ quốc chúng ta” (tr.165)…
Khép lại cuốn sách bằng hai câu chuyện diễn ra nơi địa ngục trần gian là nhà tù Phú Quốc và nhà tù Côn Đảo như một dụng ý của tác giả. Nó cũng tương đồng với chủ đích kết thúc mỗi tác phẩm trong Thời tôi sống. Gần như Trần Mai Hạnh đều chủ định lột tả cái đối lập gay gắt của chiến tranh chết chóc với những vẻ đẹp bất tử nơi tâm hồn, nhân cách con người. Anh Đấu kết thúc bằng hình ảnh Nhàn khoác khẩu súng của người yêu đã hy sinh, trong khi đó Danh dự người lính khép lại bằng một hình ảnh đa nghĩa. Sau khi giữ được gò, vĩnh biệt đồng đội hy sinh, những ngôi sao cháy rực rồi vụt tắt, trả lại đêm tối những gì huyền bí và sâu thẳm nhất. Sau trận đánh sinh tử, giữa cái bạo tàn của máu loang giữa dòng kênh… trăng đầu tháng chợt hiện trong đêm cuối đông giá ngắt, như một cách gây hiệu ứng mạnh. Sự đối lập tương phản gay gắt giữa cuộc chiến thực tại với cái nhìn của tâm hồn người lính đem đến cho truyện Danh dự người lính một sự “công phá” tạo nhiều dư ba. Sự thâm thúy của ngôn ngữ trong Câu chuyện về một bản hợp xướngở chính cái kết thúc với lời đáp “lịch sự đến chết người” của nhạc sĩ Phan Miêng với trung úy Lê Hoài Ân “tất cả những bài mà những người tù chúng tôi hát, đều không phải do phía trung úy làm ra” (tr.297).
*
Những trang viết của Trần Mai Hạnh không chỉ tố cáo tội ác man rợ của kẻ thù, mà cao hơn hết chính là những nét khắc họa về lịch sử tâm hồn, lịch sử đời sống đấu tranh của những con người bình dị. Về điều này thì Thời tôi sốngrất gần với xu hướng kiến giải chiến tranh từ cái nhìn hậu chiến, dù những tác phẩm được viết ra cách nay đã nửa thế kỷ. Tuy nhiên, Trần Mai Hạnh không khai thác sâu về những chấn thương, hay đổi mới lối viết với cách kể chuyện từ nhiều điểm nhìn khác nhau… mà Thời tôi sống có dáng dấp của một tự truyện, khi lựa chọn kể từ ngôi thứ nhất và hầu hết những câu chuyện được kể, tác giả đều tham góp ít nhiều.

Cuộc sống cứ sinh sôi nảy nở, mãnh liệt trong kham khổ, thiếu thốn phi thường. Chiến tranh không chỉ bị cuốn đi cùng cái tàn khốc, ồn ào mà “từ vách chiến hào” ấy, người lính suy ngẫm, thức nhận. Có khi là cuộc chiến của chính những cá nhân được tái hiện, nhưng rồi trách nhiệm công dân, nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc vẫn chiến thắng hết thảy. “Thời tôi sống” vẫn thể hiện được thế mạnh của Trần Mai Hạnh ở văn phong chắc khỏe, tư liệu chân xác và tỉ mỉ. Kinh nghiệm chiến trường, trải nghiệm sinh tử được diễn tả một cách xúc động và thấm thía. Ở đó có những câu chuyện mà quá khứ và hiện tại như bị mờ nhòe, đan nhập vào nhau. Sự đan cài ấy khéo léo cho thấy một cách nhìn về cuộc chiến hào sảng vẫn còn mà sự tự ngẫm không vắng bóng; sự kiên cường bất khuất vẫn luôn là điểm sáng nhưng những phút xao lòng, cô đơn và cả lãng mạn bay bổng cũng chẳng hiếm hoi. Ở thời điểm hiện tại, cuốn sách như một sự bổ khuyết và nối dài những trang văn về đề tài tưởng như khó có thể làm mới. Cuộc chiến kết thúc, số phận con người và dư âm chiến tranh chưa bao giờ là cũ…