Trở về với cội nguồn của những ký ức của người con tha hương, nhà thơ Đinh Sỹ Minh như được chắp cánh bay bổng, trong những rung động chân thành nhưng cũng không kém phần trăn trở. Anh có nhiều khổ thơ gây ấn tượng qua mỗi trang thơ và thể hiện sự phối cảm giữa hiện thực và trừu tượng luôn luôn đan xen. Hình ảnh đôi khi sần sùi thô nhám nhưng lại được phủ một lớp men huyền ảo tạo nên hiệu quả bất ngờ. Đây đó người đọc có thể nghe như anh đang bộc bạch, cùng những suy tư, buồn vui, nhưng bao giờ cũng đọng lại những thi ảnh độc đáo. Nếu ở bài “Nhật ký Vinh”, người đọc có thể ngỡ rằng anh đang trò chuyện rằng: “Bạn bảo Vinh nằm ngang. Em nói Vinh nằm dọc…” thỉ ở khổ thơ cuối anh gây bất ngờ với những câu thơ: “Vinh cởi áo sau trận mưa rào mùa hạ. Lấm lem câu ví “Giận rồi thương”. Sông Lam trắng trở mình, phía nào cũng chật. Hỏi dòng trôi. Trong đục mô hè?”.


LẮNG ĐỌNG MỘT TRIẾT LÝ PHỒN SINH 

(Nhân đọc tập thơ “Phồn sinh”-NXB HNV- 2018 của Đinh Sỹ Minh)

VƯƠNG TÂM

Mở đầu thay cho lời tựa tập sách, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã phần nào thể hiện sự kiêu bạc với cuộc đời: “Va đập mãi cũng chỉ là viên gạch vỡ. Chèn vào mạch đời nỗi nhớ vu vơ”. Đó là một quá trình trải nghiệm của cuộc đời lang bạt, phong trần mà tác giả đã ngộ ra khi đã “Đi qua nông sâu. Mới biết dòng nông nổi. Chạm cơn gió ngược chiều chợt thấy trống hoác trống hơ”. Đó cũng chính là mạch chủ cảm xúc lôi cuốn người đọc từ những câu thơ đầu tiên của Đinh Sỹ Minh. Đây đó ta lại gặp những trạnh thái dằn vặt, trăn trở với nỗi niềm ẩn giấu: “Bước chân lang thang lạc trong cánh rừng già. Tìm mầm trổ dưới bàn chân rớm máu. Bao gai góc bao lá vàng rụng xuống. Trái tim ta khô hạn giữa cõi người”. Từ đây kẻ lãng du ấy luôn luôn đi tìm mình, trở lại với mình, và đã tự họa rằng: “Ta là ta và ta mãi ngờ ta, một mình làm nên cõi nhớ, thôi cứ mãi là người mặc nợ, phù dù ơi cứ bạc bèo” (Tản mạn cuối năm).Từ đó, Đinh Sỹ Minh đã tìm con đường riêng của mình trong triết lý sống và sáng tạo thơ ca.

Tiếp tục với sự dồn nén tâm trạng từ cái lồng “Nhốt đam mê” và tình yêu “Thăm thẳm bóng làng”, của những tập thơ trước, giờ đây với “Phồn sinh” của Đinh Sỹ Minh đã hình thành một chân dung thơ rõ nét. Tác giả bộc lộ một phương pháp nghệ thuật sáng tác đan xen giữa hiện thực và trừu tượng khá nhuần nhuyễn. Tập thơ có nhiều thi phẩm sinh động truyền cảm, đọng lại cho người đọc những mạch thơ huyền ảo thú vị. Tôi bị cuốn hút với những câu thơ “Cứ giấu mãi trong chiều xơ xác gió. Chút đam mê chín rụng giữa hoang vu” (Đam mê). Hoặc chính bài thơ “Sỏi”, dường như nó được phát triển từ ý tưởng “Va đập mãi cũng chỉ là viên gạch vỡ”; bài thơ đầy ắp triết lý nhân văn, thông qua thi ảnh ngỡ như khô khan: “Lăn lóc trần gian, lang thang bãi chìm bãi nổi…Gói lại xa xăm ẩn ức quặn sỏi”. Tác giả đã tạo nên tứ thơ ngập tràn mơ mộng qua hình ảnh hòn sỏi. Bởi nó như cuộc đời. Nó như con người luôn luôn hy vọng trong những biến cố khắc nghiệt nhất của sự sống. Tác giả viết: “… Chắt hết ước mơ không thoát khỏi xói mòn mưa lũ. Tin vào đất sẽ đơm hoa kết nụ. Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng phồn sinh”. Cảm xúc huyền ảo được nhân lên khi tác giả viết: “Định mệnh rồi, duyên nợ gả thời gian. Phận sỏi mãi lăn tròn ẩn ức. Trên mỗi lối mòn, sớm mai thức dậy. Một tình yêu sỏi đá cũng dịu dàng”. Đây là một bài thơ có sự khám phá mới của tác giả. Một tác phẩm được hình thành trong quá trình bươn trải đó đây, với các công trình xây dựng, mà nhà thơ đã chiêm nghiệm sáng tạo. Ắt hẳn người đọc sẽ yêu thương “Những mảnh đời bé con ghép nhau nhịp thở. Nâng bàn chân hy vọng. Bước lên ta phận sỏi lát đường” (Sỏi).

Đáng chú ý tác giả đã có nhiều bài thơ hay và xúc động viết về quê hương, về mẹ và những nơi mình đã đi qua. Trở về với cội nguồn của những ký ức của người con tha hương, nhà thơ Đinh Sỹ Minh như được chắp cánh bay bổng, trong những rung động chân thành nhưng cũng không kém phần trăn trở. Anh có nhiều khổ thơ gây ấn tượng qua mỗi trang thơ và thể hiện sự phối cảm giữa hiện thực và trừu tượng luôn luôn đan xen. Hình ảnh đôi khi sần sùi thô nhám nhưng lại được phủ một lớp men huyền ảo tạo nên hiệu quả bất ngờ. Đây đó người đọc có thể nghe như anh đang bộc bạch, cùng những suy tư, buồn vui, nhưng bao giờ cũng đọng lại những thi ảnh độc đáo. Nếu ở bài “Nhật ký Vinh”, người đọc có thể ngỡ rằng anh đang trò chuyện rằng: “Bạn bảo Vinh nằm ngang. Em nói Vinh nằm dọc…” thỉ ở khổ thơ cuối anh gây bất ngờ với những câu thơ: “Vinh cởi áo sau trận mưa rào mùa hạ. Lấm lem câu ví “Giận rồi thương”. Sông Lam trắng trở mình, phía nào cũng chật. Hỏi dòng trôi. Trong đục mô hè?”. Người đọc bị dẫn dắt hết những ký ức này sang những nỗi niềm khác; có khi cay nghiệt, khổ đau, lại có khi nhớ nhung, nhói buốt. Không ít những thi phẩm để lại ấn tượng mới lạ như “Ngàn Hống”, “Giếng làng”, “Dòng sông tháng Tư”; hoặc độc đáo như “Đường làng”, “Hương Canh”, “Nhật ký Vinh”; hay như “Vu lan nhớ mẹ”, “Xanh đồng”, “Bến cũ”…Người đọc luôn tìm được những câu thơ lạ và có sự tìm tòi: “Sông tuổi trẻ cạn lòng nhìn trời mây. Khát một cơn mưa lũ dốc đáy ngày hun hút. Làng nằm nghiêng mắc cạn một nốt trầm” (Làng tháng Chạp); hay như: “Dọc những chiều vết cắt tha hương. Đường nhói lòng tôi những luống cày trần thế” (Đường làng); hoặc có khi tác giả thảng thốt trong nỗi cô đơn: “Làng của ta ơi, xa lắc của ta ơi. Nơi chôn rau, giờ chỉ là kỷ niệm. Bạn bè, người thân ngày càng trống vắng. Ta hoang mang như kẻ lạc loài” (Nhớ làng)

“Phồn sinh” để lại những suy tư ngổn ngang về con người. Nhìn ở góc độ nào, nhà thơ cũng rút ra được mầu sắc, cùng sự chuyển động bay bổng của cuộc sống. Đó là trách nhiệm công dân của thi nhân. Một con mắt nhìn đầy phản biện, nặng trĩu tâm trạng. Nhưng bao giờ cũng vậy, thơ ca là sự cứu rỗi của tâm hồn, nó vươn tới ánh sáng và một tương lai. Mơ mộng. Bao dung. Bởi vậy cho dù nhà thơ có lúc xốn xang: “Ừ thì ta cứ yêu, dù hoa vàng bỡn cợt. Yêu say đắm để lọt qua cơn hoảng hốt. Bủa vây ta là một kiếp người” (Tản mạn cuối năm); hay lại có khi ứa đầy thất vọng: “Qua thăng trầm giờ còn lại chia ly. Nắng cứ đốt, lòng ta thành khe cạn. Trơ tận đáy ngổn ngang đá sạn. Em yêu ơi vẫn là gió u mê” (Nắng chiều); nhưng cuối cùng nhà thơ vẫn trao gửi tâm cảm vào niềm tin và sự đam mê trong tâm hồn: “Cuộc đời này vốn dĩ giấc chiêm bao. Sáng ngắm bình minh chiều bão nổi. Qua những thăng trầm thấy mình lớn dậy. Có hề chi dù sông rộng núi cao” (Niềm tin). Sức mạnh của sự sống đã vượt qua bão táp phong ba, triết lý về “kiếp người” không hẳn chỉ còn là nỗi đau, mà tác giả nhấn mạnh: “Hạnh phúc ư, là sống ở trên đời. Ta tìm kim cương từ bụi cát. Ngóng mầm trổ giưa bao la trời đất. Ngẩng cao đầu bình thàn đón phong ba” (Niềm tin). Đó chính là mạch nguồn phát sáng trong tâm hồn từ triết lý sinh động từ hình ảnh hòn sỏi nhỏ nhoi. Nhà thơ đã hòa mình vào thiên nhiên và ngang dọc cùng những trầm luân cuộc sống. Người đọc bị lôi cuốn khi nhà thơ viết: “Tôi xin một chút nắng trời. Chút mây của gió, chút Người của tôi” (Xin). Và “Chút người” ấy tạo nên cái duyên thơ của Đinh Sỹ Minh, với “Chông chênh đó, như là cơn gió. Đưa ta về tìm lại những dấu yêu”

“Phồn sinh” thêm một lần khẳng định thơ Đinh Sỹ Minh có giọng điệu riêng, trầm tĩnh, lắng đọng trong ý tưởng, cảm xúc dồn nén trong câu chữ và hình ảnh sáng tạo. Với sự trải nghiệm trong cuộc sống, cùng với trái tim đa cảm, nhà thơ đã biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ qua những hình ảnh liên tưởng phong phú. “Phồn sinh” gợi mở một không gian mới cho một tương lai. Đó chính là sự tìm lại chính mình như tác giả đã gửi thông điệp tới bạn đọc: “Năm tháng vo tròn thai nghén những mầm xanh”. một tứ thơ đầy sự ám ảnh và huyền diệu, tiêu biểu cho tập thơ của Đinh Sỹ Minh.