Phòng chống tham nhũng đã khó, mà xử lý tài sản không giải trình được của cán bộ còn khó hơn. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thanh toán tất cả giao dịch bằng tiền mặt, thì những kẻ tham nhũng có 1001 chiêu thức để chuyển hoá tài sản cá nhân một cách khôn ngoan và khéo léo. Tài sản hàng trăm tỷ đồng của quý ông được tích luỹ từ nghề chăn nuôi của người vợ đài các quần là áo lụa chăng? Chẳng ai tin! Tài sản hàng ngàn tỷ đồng của quý bà được dành dụm từ nghề tài xế của người chồng thường xuyên ra vào nhà hàng sang trọng chăng? Cũng chẳng ai tin! Loại tài sản không giải trình được ấy, không những tạo nên làn sóng thị phi mà còn tổn thương lương tri của cộng đồng.




LÀM SAO XỬ LÝ TÀI SẢN THAM NHŨNG?

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thì vấn đề bức xúc nhất là làm sao xử lý tài sản tham nhũng: “Thực tế xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm thời gian qua cho thấy, có một số cán bộ công chức, viên chức có tài sản rất lớn, nhưng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, trong khi Nhà nước chưa có cơ sở pháp lý nào để xử lý”. Hơn 10 năm áp dụng, Luật Phòng chống tham nhũng có những phát huy tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra hai phương án xử lý tài sản tham nhũng: Thứ nhất, truy thu thuế dựa theo Luật thuế thu nhập cá nhân. Thứ hai, đưa ra toà án phân định trắng đen.

Trong vài năm gần đây, sự giàu nhanh của một số cán bộ ở nhiều bộ ngành và các địa phương khiến người dân sửng sốt. Vô số biệt thự, biệt phủ, trang trại, siêu xe… mà họ đang sở hữu làm dấy lên lo ngại về những khuất tất trong quản lý công sản cũng như các thủ thuật đưa và nhận hối lộ. Không cần giấu giếm, nhiều cán bộ công khai sự phú quý của họ, như thể quan trường không phải nơi tận tuỵ cống hiến mà thành chốn tìm kiếm lợi ích kinh tế sôi động hơn cả thương trường. Chẳng ai dám chắc các cán bộ khi kê khai tài sản cá nhân, đã khai đúng khai đủ, nhưng ngay cả những khối lượng vật chất mà họ kê khai thì chính họ cũng không thể giải trình mạch lạc. Tài sản không phải từ trên trời rơi xuống, vậy nó từ đâu ra? Nếu không trả lời được, thì dĩ nhiên tài sản ấy phải bị xử lý. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, có thể truy thu ở mức cao nhất 35% và phạt thêm 3 lần nữa vì hành vi trốn thuế.

Phòng chống tham nhũng đã khó, mà xử lý tài sản không giải trình được của cán bộ còn khó hơn. Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thanh toán tất cả giao dịch bằng tiền mặt, thì những kẻ tham nhũng có 1001 chiêu thức để chuyển hoá tài sản cá nhân một cách khôn ngoan và khéo léo. Tài sản hàng trăm tỷ đồng của quý ông được tích luỹ từ nghề chăn nuôi của người vợ đài các quần là áo lụa chăng? Chẳng ai tin! Tài sản hàng ngàn tỷ đồng của quý bà được dành dụm từ nghề tài xế của người chồng thường xuyên ra vào nhà hàng sang trọng chăng? Cũng chẳng ai tin! Loại tài sản không giải trình được ấy, không những tạo nên làn sóng thị phi mà còn tổn thương lương tri của cộng đồng.

Về mặt tâm lý tội phạm, kẻ trộm lo ngại nhất hai thứ: đèn sáng và chó sủa. Đối với tệ nạn tham nhũng và tài sản không giải trình được, yếu tố “đèn sáng” chính là sự minh bạch trong các chính sách quy hoạch, các cơ chế tài chính, sự gương mẫu từ trên xuống dưới. Còn yếu tố “chó sủa” thì phải trông cậy vào sự giám sát của dư luận, của người dân khắp nơi luôn khao khát sự tiến bộ cho xã hội!

                                                    LTN