Tuần báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát phát hành được 40 số, thì bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa. Số báo cuối cùng ra ngày 30-9-1944 in một lời tạm biệt rất đanh thép, khiến những kẻ cầm quyền lúc đó điên tiết cho cảnh sát ập vào toà soạn để tịch thu mọi phương tiện làm báo và truy bắt hai nhân vật thân cận với Huỳnh Tấn Phát là Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng, đồng thời chiếm giữ toà soạn hòng chờ… chộp cổ luôn vị kiến trúc sư đảm đương cương vị chủ nhiệm báo. Cũng may, Huỳnh Tấn Phát đoán được tình hình nên thoát khỏi cú giăng lưới trùng trùng nguy hiểm kia. Đường Lucien Lacouture có toà soạn tuần báo Thanh Niên đặt tại nhà số 9, bây giờ đã được đổi tên thành đường Nam Quốc Cang – một nhà báo cách mạng cùng thời với Huỳnh Tấn Phát!





KIẾN TRÚC SƯ HUỲNH TẤN PHÁT NHỮNG NGÀY LÀM BÁO Ở SÀI GÒN

LÊ THIẾU NHƠN

Nhắc đến tên tuổi Huỳnh Tấn Phát (1913-1989) nhiều người đều biết ông là một trong những chính khách tầm cỡ của nước ta. Thế nhưng, các chức vụ mà ông từng đảm trách như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đều không thể che mờ vóc dáng một trí thức mẫu mực của ông. Và có lẽ cũng ít ai biết rằng, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát từng làm chủ nhiệm báo Thanh Niên ở Sài Gòn để chuẩn bị tư tưởng cho tuổi trẻ đô thị bước vào cuộc Cách mạng tháng Tám!

 Sinh ra ở Bình Đại – Bến Tre, từ nhỏ Huỳnh Tấn Phát đã bộc lộ sớm bộc lộ sự thông minh và tài hoa. Học xong trung học ở trường Petrus Ký – Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938. Về lại Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát làm việc cho Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon của người Pháp gần 2 năm để tích luỹ kinh nghiệm. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng Kiến trúc sư đầu tiên của người Việt Nam ở địa chỉ 70 đường Mayer (bây giờ là đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM). Không chỉ cạnh tranh với những văn phòng kiến trúc sư của người Pháp một cách sòng phẳng về giá cả và chất lượng công trình, Huỳnh Tấn Phát còn đánh bại những kiến trúc sư người Pháp kiêu hãnh để giành giải nhất cuộc thi thiết kế Hội chợ triển lãm Đông Dương trong khuôn viên Tao Đàn.

Với nghề kiến trúc sư, Huỳnh Tấn Phát hoàn toàn có thể thụ hưởng cuộc sống giàu sang phú quý, nhưng ông không cam chịu tình cảnh đất nước bị đô hộ. Huỳnh Tấn Phát nung nấu kế hoạch đánh thức tinh thần ái quốc của giới trẻ, nhất là lực lượng có trình độ học vấn ở đô thị. Sau nhiều buổi gặp gỡ và trao đổi với những người cùng chí hướng, Huỳnh Tấn Phát đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom góp hết số tiền dành dụm để mở tờ báo Thanh Niên. Số đầu tiên của tuần báo Thanh Niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm, được phát hành ngày 7-8-1943, ngay lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Chủ trương của tuần báo Thanh Niên rất rõ ràng: đoàn kết người Việt khắp ba miền để chống lại óc địa phương tai hại, kêu gọi thanh niên chứng tỏ sức sống người Việt chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhớ những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng…

Với uy tín và tấm lòng của Huỳnh Tấn Phát, những cây bút tên tuổi lừng lẫy bấy giờ đều gửi bài cộng tác với tuần báo Thanh Niên. Mỗi số báo đến tay độc giả đều thấy xuất hiện những ngôi sao văn chương đương thời như Xuân Diệu, Mạnh Phú Tứ, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Nguyên Hồng… và những nhà báo sắc sảo hàng đầu như Khuông Việt, Dương Tử Giang, Nguyễn Hải Trừng, Nghiêm Xuân Việt, Bình Nguyên Lộc… Và cũng chính tuần báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát đã cho in những tác phẩm đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng.  

Tuần báo Thanh Niên của Huỳnh Tấn Phát phát hành được 40 số, thì bị chính quyền Pháp ra lệnh đóng cửa. Số báo cuối cùng ra ngày 30-9-1944 in một lời tạm biệt rất đanh thép, khiến những kẻ cầm quyền lúc đó điên tiết cho cảnh sát ập vào toà soạn để tịch thu mọi phương tiện làm báo và truy bắt hai nhân vật thân cận với Huỳnh Tấn Phát là Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng, đồng thời chiếm giữ toà soạn hòng chờ… chộp cổ luôn vị kiến trúc sư đảm đương cương vị chủ nhiệm báo. Cũng may, Huỳnh Tấn Phát đoán được tình hình nên thoát khỏi cú giăng lưới trùng trùng nguy hiểm kia. (Xin được nói thêm: đường Lucien Lacouture có toà soạn tuần báo Thanh Niên đặt tại nhà số 9, bây giờ đã được đổi tên thành đường Nam Quốc Cang – một nhà báo cách mạng cùng thời với Huỳnh Tấn Phát!)

Nhà nghiên cứu Bằng Giang (1922-2000) trong cuốn sách “Trận tuyến công khai giữa Sài Gòn” đánh giá về tờ báo cách mạng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát: “Thanh Niên là một tuần báo có giá trị thật đặc biệt. Nó ít nói chính trị, mà bài vở của nó ở các mục khác nhau hợp lại như một bản hoà tấu rất chính trị. Nó vạch ra một hướng đi đúng theo dòng tiến hoá của lịch sử. Đối diện với thực tại đen tối mà nó lên án gắt gao trong “một bản cáo trạng” sôi bỏng, nó phóng mắt về tương lai với một niềm tin sắt đá… Đọc tuần báo Thanh Niên một cách liên tục, người ta có cảm giác như hơ tay trên lửa đỏ, người ta khó có thể nguội lạnh dửng dưng được. Chính ở điểm đó, tuần báo Thanh Niên kín đáo lên tiếng gọi đàn, chuẩn bị một ngày trọng đại”.

Một người nữa thấu hiểu giai đoạn kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm tuần báo Thanh Niên chính là vợ ông – bà Bùi Thị Nga. Hai người quen nhau từ năm 1943. Huỳnh Tấn Phát rất mê tủ sách kiến trúc mà người cha quá cố của Bùi Thị Nga để lại (thân phụ của Bùi Thị Nga lúc sinh thời làm trưởng phòng hoạ đồ và thiết kế của hãng thầu xây dựng Pháp – Brossard Mophin) và thường đến nhà để mượn đọc xuyên đêm. Thế nhưng, khi tuần báo Thanh Niên đang ở cao trào xôn xao dư luận, thì Bùi Thị Nga thấy thưa vắng bóng dáng Huỳnh Tấn Phát lui tới. Có lẽ biết tờ báo của mình rủi nhiều may ít, thỉnh thoảng Huỳnh Tấn Phát mời Bùi Thị Nga đi ăn ở nhà hàng sang trọng với tâm sự chân thành: “Hôm nay đại lý phát hành mới trả tiền báo cho tôi. Có tiền lúc nào ăn lúc ấy. Mai sẽ hết ngay, cô à!”. 

Tháng 6-1945, Huỳnh Tấn Phát và Bùi Thị Nga làm đám cưới. Sau nghi lễ đơn sơ, cô dâu về nhà chồng trên chiếc xe du lịch sơn đen, không trang trí gì cho ra vẻ một dịp đại hỉ. Cô dâu tủi thân, khóc. Đêm tân hôn cũng bẽ bàng, vì khách vừa về thì chú rể ngồi ngay vào bàn hý hoáy viết diễn văn để sáng sớm hôm sau nói chuyện với công nhân Xưởng sửa chữa đường sắt Sài Gòn, theo sự phân công của Xứ ủy Nam kỳ.

Không còn tuần báo Thanh Niên, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thúc đẩy không khí Cách mạng Tháng Tám theo cách riêng của ông. Chỉ trong một đêm 24-8-1945, Huỳnh Tấn Phát đã dựng lên một kỳ đài sơn đỏ có chiều cao 15 mét ở ngã tư Charner – Bonard trung tâm Sài Gòn ( tức giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM ngày nay). Ngày 25-8-1945, tổng khởi nghĩa bùng lên khắp Sài Gòn, người ta ngỡ ngàng nhìn thấy kỳ đài đỏ do Huỳnh Tấn Phát làm, ngạo nghễ ghi danh tính của 11 ủy viên trong Ủy ban hành chính kháng chiến Nam kỳ!

                                  
Vợ chồng kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại chiến khu Tân Biên!


Có một điều do bà Bùi Thị Nga tiết lộ cho nhà văn Nguyệt Tú ( vợ của cố Chủ tịch Quốc hội – Lê Quang Đạo) viết trong cuốn sách “Chuyện tình của các chính khách Việt Nam”, đó là sau Cách mạng Tháng Tám thì kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vẫn nung nấu làm lại tuần báo Thanh Niên để có thêm vũ khí hữu hiệu chống Pháp. Ngay giữa Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát thuê một căn nhà bí mật để phục vụ cho việc in báo. Chính tại căn nhà bí mật này, khi Bùi Thị Nga đến thăm chồng thì cả hai đều bị địch bắt, vào ngày 1-4-1946. Huỳnh Tấn Phát bị kết án 2 năm tù. Bùi Thị Nga cũng bị giam, khi đang mang thai đứa con trai đầu lòng Huỳnh Thiện Hùng!


Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực kiến trúc. Nhiều công trình kiến trúc của Huỳnh Tấn Phát vẫn được truyền tụng về giá trị thẩm mỹ như Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Hoà Bình – TPHCM… Đặc biệt, có những ngôi biệt thự rất đẹp ở Sài Gòn từng được Huỳnh Tấn Phát thiết kế khi mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn tồn tại khiến bao người trầm trồ chiêm ngưỡng, nhưng cả đời Huỳnh Tấn Phát không xây dựng căn nhà nào cho ông và gia đình. 76 năm sống trên dương gian, Huỳnh Tấn Phát cống hiến trọn vẹn và trong sáng cho Tổ quốc. Trong chiến tranh, Huỳnh Tấn Phát phải nuốt nước mắt nén nỗi đau một người cha khi đứa con gái Huỳnh Lan Khanh hy sinh lúc mới 19 tuổi ở Tân Biên – Tây Ninh vào năm 1968. Trong hoà bình, Huỳnh Tấn Phát chấp nhận cảnh vợ chồng cách xa hai đầu công tác, khi ông làm lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội, còn bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ TPHCM một thời gian dài. Bà Bùi Thị Nga hồi ức về người chồng tri thức chỉ biết đóng góp cho non sông một cách tận tuỵ và liêm khiết: “Lúc gần cuối đời, anh ao ước có một chiếc Honda để khi về hưu chở vợ hay cháu nội, cháu ngoại đi chơi!”./.