Các nghệ sĩ và những người có trách nhiệm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên có những cuộc bàn bạc, thảo luận nghiêm túc để bàn xem, ở mỗi nơi nên tổ chức ngày Giỗ tổ nghề sân khấu tại một địa điểm chính nào đó trong thành phố, để các nghệ sĩ ở thành phố đó có thể tề tựu làm lễ dâng hương kính tổ. Việc mỗi nơi làm một kiểu, một mâm cúng giỗ khác nhau, thật chẳng khác nào một người cha có một đàn con, đến ngày giỗ mỗi đứa làm một mâm cúng thật thịnh soạn tại nhà mình.



Ngày “giỗ nghề” Sân khấu Việt Nam: Ngày càng khoa trương, lãng phí?

NGUYỆT HÀ

Hàng trăm năm nay, các hoạt động hướng tâm về với Tổ nghiệp đã được các nghệ sĩ khu vực miền Nam duy trì đều đặn, nhưng từ khi ngày 12-8 âm lịch trở thành Ngày Sân khấu Việt Nam, các hoạt động văn hóa được duy trì ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó sôi động nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội như một nét văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, theo những diễn biến được ghi nhận trong dịp “giỗ Tổ 2018”, dường như hoạt động này đang ngày càng trở nên khoa trương, lãng phí...

“Chạy sô” ăn giỗ
Như thông lệ, ngày Giỗ tổ ngành Sân khấu vẫn được tổ chức sôi động tại nhiều nơi ở TP. Hồ Chí Minh như Ban Ái hữu Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh, nhà thờ Tổ của nghệ sĩ Hoài Linh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, Nhà Văn hóa Thanh niên, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu 5B, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Thế giới trẻ...
Tại Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại quận 8 TP. Hồ Chí Minh - nơi sinh sống của nhiều nghệ sĩ từng nổi tiếng một thời có hoàn cảnh khó khăn và neo đơn - một ban thờ Tổ đơn sơ cũng đã được lập để các nghệ sĩ có thể hướng tâm tưởng về với tổ nghề. 
Đây cũng là dịp các nghệ sĩ bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ, động viên và báo ơn đối với những người đồng nghiệp của mình, đối với những người thầy đi trước, nên những dịp như thế này có một số nghệ sĩ tìm đến địa chỉ này để thăm hỏi, động viên các bậc cao niên, tiền bối. Vì thế cho đến nay, ý nghĩa của ngày Giỗ tổ hay Ngày sân khấu Việt Nam theo cách gọi mới có thêm nhân văn gần gũi, ấm áp hơn.
Với đặc thù là địa bàn tập trung đông nghệ sĩ nhất của cả nước, vài chục năm nay, dịp Giỗ tổ nghề sân khấu ở TP. Hồ Chí Minh luôn được tổ chức khá rộn ràng, thậm chí có thể gọi là “linh đình” ở nhiều nơi, thường được tổ chức trong vòng 3 ngày: 10, 11 và 12-8 (âm lịch) nên nhiều nghệ sĩ phải “chạy sô” để có thể có mặt ở nhiều địa điểm như một hình thức “ngoại giao”, “điểm danh”... 
Bởi vì, khác với Hà Nội, một diễn viên thuộc “biên chế” nhà hát nào thì hầu như sẽ chỉ làm việc, dựng vở với nhà hát đó, còn ở TP. Hồ Chí Minh, một diễn viên thường cộng tác với nhiều nơi. Trong một ngày có khi họ có suất diễn ở vài nhà hát là chuyện bình thường. Vì thế, việc khắp nơi dựng bàn thờ “tế Tổ” đã khiến diễn viên phải “chạy sô” đi ăn giỗ cũng là điều dễ hiểu.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, năm nay lễ Giỗ tổ nghề sân khấu được tổ chức quy mô nhất từ trước tới nay. Lễ dâng hương tưởng nhớ Tổ nghề được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Rạp Đại Nam (thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội). 
Để ngày “giỗ nghề” thêm phần trang trọng, năm nay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thêm vào phần trao giải thưởng hàng năm cho các tác giả, nghệ sĩ nên cũng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của khá nhiều nghệ sĩ. Ngoài ra, một số nhà hát đã lập ban thờ tại trụ sở để nghệ sĩ của mình có thể thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ tổ nghề như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, “Thiên trường vọng phủ” của nghệ sĩ Vượng “râu”... Tối 20-8, hàng trăm nghệ sĩ cũng đã có mặt tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội để thực hiện nghi lễ dâng hương tế tổ. Hoạt động dâng hương cũng diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đồng thời các nghệ sĩ biểu diễn vở “Dưới ánh đèn” để phục vụ khán giả và anh chị em nghệ sĩ.
Như vậy, có thể thấy, ngày Giỗ tổ nghề sân khấu, ngoài việc tri ân các bậc tiền bối còn là nhu cầu tâm linh của các nghệ sĩ khi mong muốn được “Tổ phù” để có được những vai diễn hay, sự nghiệp rạng rỡ như các nghệ sĩ vẫn truyền tai nhau, thì cũng có thể coi đây là một nét đẹp văn hóa, là nơi hội tụ, gặp gỡ, chia sẻ... của các nghệ sĩ. 
Nhưng với quy mô cứ năm sau to hơn năm trước, năm sau nhiều địa điểm tổ chức “làm giỗ” hơn năm trước, phải chăng đang có một sự tốn kém, lãng phí đáng kể. Quan sát bàn thờ tế tổ của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, đập vào mắt người xem là đến 20 con lợn quay và rất nhiều lễ vật được cúng tiến, thì không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn thấy cả ở đó sự... trần tục khó có thể diễn tả thành lời. 
Trường học là nơi sinh viên học tập, trau dồi kiến thức văn hóa, kỹ thuật biểu diễn để khi tốt nghiệp có thể có được những cơ hội làm việc tốt, thì hẳn nhiên không nên có những nghi lễ quá rườm rà, phức tạp như vậy mà chỉ nên có một ban thờ giản tiện ở phòng truyền thống hay hội trường để nhắc nhở sinh viên về các bậc tiền nhân, về truyền thống uống nước nhớ nguồn vốn là đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Và đặc biệt, không nên để những sinh viên với sự trong sáng về nghề nghiệp tin rằng, tài năng là thứ có thể “xin xỏ” được, mà đó phải là thành quả của nỗ lực học tập và luyện rèn.
“Phú quý sinh lễ nghĩa”? 
Như trên đã nói, thực hiện nghi lễ giỗ Tổ nghề sân khấu phần đa là nhu cầu tâm linh của cá nhân các nghệ sĩ và cũng là nét đẹp trong đời sống và đạo lý uống nước nhớ nguồn từ xa xưa của dân tộc. Bởi thế, các nghệ sĩ là người đứng đầu nhà hát hay bầu sô mới “tự phát” lập nên quá nhiều nơi “tế tổ”, đáp ứng nhu cầu tâm linh của bản thân mình và đồng nghiệp cũng đang khiến dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, phải chăng là vì “phú quý sinh lễ nghĩa”? Đã bắt đầu xuất hiện những ý kiến trái chiều về việc nên tổ chức nghi lễ Giỗ tổ nghiệp như thế nào cho ngày càng trở nên trang trọng và thực sự mang ý nghĩa tốt đẹp.
Từ năm 2016, khi nhà thờ mang tên Tâm linh Việt của nghệ sĩ Hoài Linh được khánh thành với tổng kinh phí xây dựng lên tới tiền tỷ đã thực sự là một công trình gây choáng ngợp cho cả nghệ sĩ và khán giả. Đây là một công trình tâm linh được nghệ sĩ Hoài Linh ấp ủ suốt mấy chục năm và được sự đồng lòng, chung sức của nhiều nghệ sĩ và khán giả mới có được để dâng lên Tổ nghiệp là rất đáng trân trọng.  Vào các dịp giỗ Tổ 12-8 âm lịch, nghệ sĩ của TP. Hồ Chí Minh tụ hội về đây rất đông, lễ vật cũng vô cùng thịnh soạn. Theo nhiều hình ảnh được lan truyền, có năm vào ngày giỗ nghề, hàng trăm nghệ sĩ đã đến đây để dâng lễ vật với đủ món và riêng chỉ lợn quay có khi đã lên đến hàng trăm con. 
Trên mỗi con lợn như thế đều có cắm biển tên, ghi tên của nghệ sĩ cúng dâng. Từ khi có nhà thờ Tổ của nghệ sĩ Hoài Linh, nhiều người hi vọng đây sẽ là một “địa chỉ văn hóa tâm linh” đúng như mong ước của nghệ sĩ Hoài Linh. Nhưng không, 3 năm đã trôi qua, đây không phải là nơi duy nhất diễn ra hoạt động “dâng tế” cầu kỳ như thế này. Dường như mỗi năm, các bàn thờ tế tổ lập ra vào ngày 12-8 âm lại càng phát triển về quy mô, mức độ: cứ năm sau lại làm to hơn, cầu kỳ hơn, linh đình hơn năm trước.
Còn ở Hà Nội, tuy mới thực hành nghi lễ Giỗ tổ nghề sân khấu ở quy mô lớn mới được dăm bảy năm nay, song việc quá cầu kỳ hóa nghi lễ này đã khiến cho nhiều người băn khoăn về ý nghĩa thực sự của ngày Giỗ tổ. Những cuộc tranh luận về nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Giỗ tổ nghề sân khấu cũng từng nổ ra mà chưa đi đến hồi kết. 
Nên chăng, các nghệ sĩ và những người có trách nhiệm ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên có những cuộc bàn bạc, thảo luận nghiêm túc để bàn xem, ở mỗi nơi nên tổ chức ngày Giỗ tổ nghề sân khấu tại một địa điểm chính nào đó trong thành phố, để các nghệ sĩ ở thành phố đó có thể tề tựu làm lễ dâng hương kính tổ. 
Việc mỗi nơi làm một kiểu, một mâm cúng giỗ khác nhau, thật chẳng khác nào một người cha có một đàn con, đến ngày giỗ mỗi đứa làm một mâm cúng thật thịnh soạn tại nhà mình. Việc làm đó ắt hẳn không thể bằng cùng tề tựu lại bên nhau, dâng lên cha một mâm cúng giản đơn mà ấm áp.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không dám nói rằng việc cúng giỗ dềnh dang hình ảnh phản cảm hay lệch lạc gì, nhưng rõ ràng, đó là một sự lãng phí không cần thiết. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ còn nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn đang sống chật vật, neo đơn ở đâu đó, thậm chí là đang mắc những căn bệnh hiểm nghèo rất cần sự quan tâm, chia sẻ của đồng môn, đồng nghiệp... thì lại chẳng mấy khi có người hỏi han, lui tới...


Nguồn: Văn Nghệ Công An