Viết, theo Ngọc Linh, trước hết là bày tỏ nhiệt tình, là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. Viết còn có ý nghĩa lớn lao hơn – góp sức mình xây dựng và cải tạo cuộc sống mới: “Tôi luôn viết với một nỗi day dứt đè nặng tâm hồn. Tôi thường xuyên tự hỏi: Cuộc sống, xã hội đang đề ra những vấn đề gì? Mình phải tìm cách giải đáp ra sao? Tôi tìm câu giải đáp trong xã hội mà chúng ta đang sống, tôi tìm cả trong lịch sử dân tộc. Có được hướng giải đáp rồi, tôi suy nghĩ cố tìm cách tạo ra các xung đột để dựng thành kịch bản. Cách giải quyết những xung đột kịch cũng chính là hướng đề nghị của mình”



DẤU ẤN NGỌC LINH TRONG VĂN CHƯƠNG PHƯƠNG NAM

PHÙNG THỊ PHƯƠNG

Nhà văn đa tài
Nhắc đến Ngọc Linh, người ta có thể gọi là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà thơ đều đúng. Ông là người khá đặc biệt, sự nghiệp sáng tác của Ngọc Linh đã đi cùng những thăng trầm lịch sử dân tộc Việt Nam. Ông trưởng thành và sáng tác qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hơn 40 năm cầm bút, Ngọc Linh đã để lại hơn 70 tác phẩm ở nhiều thể loại tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn và thơ.
Ngọc Linh, tên thật là Dương Đại Tâm, sinh ngày 30 tháng 11 năm 1935 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông được đồng nghiệp đánh giá là nhà văn đa tài, trên lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành công nhất định. Bén duyên với nghiệp viết lách từ một ký giả. Sau đó ông viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Trước năm 1975, bạn đọc ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ đã quá quen thuộc với các tác phẩm của Ngọc Linh với những cái tên Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Trời không có nắng, Trên sông hoàng hôn… dưới hình thức truyện đăng nhiều kỳ – một hình thức viết Feuilleton trên các báo Lẽ Sống, Tiếng Dân, Buổi Sáng, Tiếng Dội, Đồng Nai, Điện Ảnh, Sai Gon Mai, Phim Kịch… được bạn đọc đón nhận và các nhà phê bình đánh giá cao. Bên cạnh đó, Ngọc Linh khá thuận tay khi viết truyện ngắn, phê bình kịch trường điện ảnh với hai bút danh uy tín: Kim Đồng Tử và Dương Hoài Dung. Ngoài ra, ông còn viết phóng sự với bút danh Sơn Linh và đặc biệt là viết tiểu thuyết với bút danh Ngọc Linh.
Ngọc Linh tâm sự rằng, thực tế cuộc sống đã cho ông nhiều thứ. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cũng không có truyền thống viết lách. Đất nước biến loạn, ông theo gia đình lên Sài Gòn kiếm sống bằng đủ thứ nghề trên đường phố. Ông “chẳng có bằng cấp gì, ngoài hai cái bằng… võ Karaté và Aikido”. Thế nhưng, cái sự học hành lủng củng đó đã bị khuất phục bởi nghị lực của ông. Năm 1956 – 1957, Ngọc Linh chủ trương tuần báo Nhân Loại – tờ báo đấu tranh công khai trong lòng địch để hiệp thương hai miền Nam – Bắc, sau Hiệp định Genève. Nhưng phải đến 1961, khi tiểu thuyết Đôi mắt người xưa và được chuyển thể thành phim, thì tên tuổi của Ngọc Linh mới được khẳng định. 
Sau đó, hàng loạt tác phẩm khác của Ngọc Linh liên tiếp được ra mắt bạn đọc: Nước mắt người đàn bà (1962), Buổi chiều lá rụng (1962), Ngã rẽ tâm tình (1962), Hoa nở về đêm (1963), Trời không có nắng (1963), Nắng sớm mưa chiều (1964), Trên sông hoàng hôn (1964)…
Bên cạnh niềm đam mê sáng tác, ông còn tham gia công tác quản lý. Ông từng giữ các trọng trách: Phó Tổng Biên tập Tuần báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, hội viên Hội Sân khấu Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên trong Ban Chấp hành Hội Sân khấu Thành phố nhiều nhiệm kỳ. Những năm cuối đời Ngọc Linh vẫn miệt mài sáng tác. Ông viết truyện, viết kịch bản, viết truyện phim với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Thời gian cuối của chặng đường sáng tác, ông trở lại viết truyện ngắn và đã cho xuất bản các tuyển tập: Lời thề không khắc ghi vào đá, Con chim ngưng tiếng hót…
Chặng đường sáng tác, Ngọc Linh đã có những bước ngoặt quan trọng đánh dấu sự nghiệp sáng tác của mình. Trước năm 1975, Ngọc Linh làm báo và viết tiểu thuyết. Sau ngày đất nước thống nhất ông không viết tiểu thuyết nữa mà chuyển hẳn sang viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim, cải lương với những tác phẩm nổi tiếng như: Như thế là tội ác (viết chung với Thiếu Linh) được phổ biến rộng rãi và được bằng khen của Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 5. Năm 1977, ông viết vở kịch nói Cho tình yêu mai sau, đoàn Bông Hồng trình diễn. Năm 1979, ông viết Xa thành phố yêu dấu, đoàn kịch Cửu Long Giang dàn dựng. Cả hai vở trên đều đoạt giải thưởng trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980. Từ đó, ông tự tin hơn với những vở sau này: Những bà mẹ của Hoàng Oanh (1985), Giải thưởng Văn học Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Ngôi nhà không có đàn ông (1993), Ngôi nhà thiếu đàn bà (1993), Đêm khuya về với mẹ (1994), Vết thương ngày cũ (1995), Ngôi nhà của chúng ta (1996). Trong 13 kịch bản được dàn dựng, đã có tới 7 kịch bản được giải thưởng trong các cuộc hội diễn.
Đối với một người viết thì đây là sự thành công rất đáng kể trong bối cảnh xã hội miền Nam vùng tạm chiếm đầy phức tạp lúc bấy giờ, chưa kể bộ phận tuyên truyền của chế độ Việt Nam Cộng hòa do Ngô Đình Diệm chủ xướng ngày đêm ra rả chống lại chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà thực chất là chống lại cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa. Đồng thời, lúc bấy giờ Chủ nghĩa thực dụng đã tràn ào ạt vào miền Nam, phá hoại đạo lý và thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh phức tạp như vậy, một số văn nghệ sĩ trưởng thành trong khánh chiến chống Pháp tham gia hoạt động cách mạng. Một số khác vì hoàn cảnh riêng, không trực tiếp tham gia kháng chiến nhưng lại có sự ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân khi trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Họ tích cực sáng tác các tác phẩm trong sáng, lành mạnh phát huy truyền thống, tinh thần yêu nước của dân tộc qua các truyện dã sử, truyện ngắn, tiểu thuyết đề cao vấn đề đạo đức và tính cách dân tộc bảo vệ thuần phong mỹ tục tốt đẹp đã được vun đắp giữ gìn hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngọc Linh chính là một trong những nhà văn tiến bộ ấy.
Đề cao trách nhiệm của người cầm bút
Ngọc Linh luôn trăn trở về nghề, ở bất cứ thời điểm nào ông cũng luôn đề cao sự nhạy cảm của người sáng tác. Là một tác giả có đóng góp cho văn học – nghệ thuật rất đáng kể nhưng ông luôn không cho phép mình tự mãn. Đứng trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống ông luôn cho rằng mình chưa tự đổi mới trong tư duy, trong cách đặt ra và giải quyết vấn đề cấp thiết của cuộc sống.
Trong quá trình nói chuyện với học viên trẻ lớp bồi dưỡng viết kịch, do trong lực lượng sáng tác người Hoa những năm đất nước vừa thống nhất còn rất mỏng, có sự cách biệt về ngôn ngữ và văn hóa cho nên có sự khó khăn trong nắm bắt tư tưởng và nhịp sống. Bằng kinh nghiệm và tâm huyết của mình, Ngọc Linh khuyên các cây viết trẻ “phải đi xem thật nhiều về điện ảnh, sân khấu, đọc thật nhiều sách báo, từ đó mà nghiên cứu, tiêu hóa, tiếp thu để rồi sáng tạo ra những gì là của mình. Học vô bờ bến, tôi cũng từ học mà có!”. Ngọc Linh kiên quyết phản đối với cách viết vô tội vạ, viết không phải để giải trí, viết phải nghiêm túc: “Không có mục đích nghệ thuật chân chính, không có một tấm lòng phục vụ cho quần chúng lao động người Hoa, không có thẩm mỹ quan…chân chính, thì không thể viết ra tác phẩm tốt được!”.
Viết, theo ông, trước hết là bày tỏ nhiệt tình, là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người cầm bút. Viết còn có ý nghĩa lớn lao hơn – góp sức mình xây dựng và cải tạo cuộc sống mới: “Tôi luôn viết với một nỗi day dứt đè nặng tâm hồn. Tôi thường xuyên tự hỏi: Cuộc sống, xã hội đang đề ra những vấn đề gì? Mình phải tìm cách giải đáp ra sao? Tôi tìm câu giải đáp trong xã hội mà chúng ta đang sống, tôi tìm cả trong lịch sử dân tộc. Có được hướng giải đáp rồi, tôi suy nghĩ cố tìm cách tạo ra các xung đột để dựng thành kịch bản. Cách giải quyết những xung đột kịch cũng chính là hướng đề nghị của mình” (Sài Gòn Giải Phóng, 30/4/1982).
Do đó, Ngọc Linh trong sáng tác luôn đặt cao vấn đề trách nhiệm của người cầm bút đối với con người, đối với xã hội, bao giờ ông cũng muốn phản ánh đến tận cùng của hiện thực nhưng bằng con mắt và tâm hồn thấu hiểu, sẻ chia chứ không phải bằng sự nêu hiện tượng.
Dấu ấn đặc biệt
Hầu hết các tác phẩm của Ngọc Linh đều lấy chủ đề chính là các mối quan hệ trong gia đình, một phần phản ánh những mâu thuẫn trong xã hội nhiễu nhương của thời đại kim tiền. Đề cập đến số phận của con người tác giả đã góp phần phản ánh hiện thực xã hội từ những điều mắt thấy tai nghe. Qua những tác phẩm của Ngọc Linh chúng ta thấy rõ những éo le cuộc đời, những bất công, nghịch lý, những đồi bại trái luân thường đạo lý. Nguyên nhân của những tiêu cực ấy chính là sự ảnh hưởng của luồng gió văn minh nửa vời. Phơi bày những tiêu cực xã hội và những hậu quả con người phải gánh chịu trên những trang viết cùng những trăn trở, xót xa của tác giả đủ để chúng ta thấy tấm lòng của người cầm bút.
Các đề tài tư tưởng trong các tác phẩm của Ngọc Linh khá phong phú, từ tình yêu gia đình đến tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc. Do đó, đã tác động đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau, từ người đọc bình dân đến trí thức. Các tác phẩm của Ngọc Linh đã góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại mảng văn học đồi trụy nguy hại. Thông điệp của từng tác phẩm đã thức tỉnh một bộ phận nhân dân đô thị, nhất là thanh niên, đem lại cho người trẻ lòng tự trọng, ý thức về nhân phẩm, tinh thần dân tộc truyền thống, và tình yêu chân chính.
Về thành quả nghệ thuật tiểu thuyết của Ngọc Linh, điều đầu tiên phải nói đến đó là nghệ thuật kết cấu bố cục tác phẩm. Ngọc Linh từng trả lời phỏng vấn của nhà báo rằng ông không đánh đố độc giả bằng những bố cục lắt léo rắc rối dễ làm người đọc bình dân mất phương hướng mà bằng bố cục xuyên suốt thông thường dễ hiểu nhưng không phải là tầm thường và mục đích quan trọng là hiệu quả tác phẩm, giúp độc giả có cái nhìn hướng thiện về cuộc sống thẩm mỹ và tư tưởng cao đẹp của đạo lý dân tộc trong một xã hội đầy phức tạp lúc bấy giờ.
Cốt truyện tiểu thuyết Ngọc Linh mang tính kịch cao. Đây cũng chính là điểm nổi bật quan trọng lý giải vì sao tiểu thuyết Ngọc Linh có một sức hút mạnh, lôi cuốn người đọc đến như vậy. Ông khéo léo đưa người đọc vào thế giới truyện của mình bằng việc xây dựng kết cấu theo quy luật phát triển tâm lí. Một kiểu kết cấu mới mẻ từ bỏ lối kết cấu của tiểu thuyết truyền thống. Ngọc Linh luôn tạo cho người đọc những tình huống bất ngờ, các sự kiện trong truyện dày, liên tiếp theo suy nghĩ và hành động của nhân vật để đẩy các xung đột đến cao trào, buộc nhà văn phải xử lý, giải quyết các mâu thuẫn ấy để chuyển sang trạng thái mới.
Có lẽ, cũng chính việc sử dụng thành thạo kỹ thuật này mà tiểu thuyết nào của Ngọc Linh cũng dài nhưng lạ là đọc không thấy chán vì người đọc luôn cảm thấy thú vị khi được cùng “sống” với nhân vật trong truyện. Và cũng chính kỹ thuật này mà trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), hầu hết tiểu thuyết của Ngọc Linh được tái bản và chuyển thể thành kịch bản cải lương, kịch nói, hát bội. Rất nhiều tác phẩm cải lương và kịch nói được các đoàn nghệ thuật và các Đài truyền hình trên cả nước dàn dựng. Nhiều vở đoạt giải thưởng cao ở thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương.
Nét duyên dáng của phương ngữ Nam bộ
Trong nghệ thuật viết tiểu thuyết của Ngọc Linh, vấn đề ngôn ngữ chiếm một vị trí quan trọng. So với những nhà văn cùng thời có tên tuổi trong vùng giải phóng như Bùi Đức Ái (Anh Đức), Nguyễn Quang Sáng, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa… và của Ngọc Linh vẫn có nét riêng duyên dáng của phương ngữ Nam bộ. Với lối hành văn trong sáng, giản dị, giàu chất thơ, đặc biệt rất thích hợp với các tầng lớp thị dân nên được giới này mến mộ. Vì thế các tác phẩm của Ngọc Linh luôn thu hút người đọc và được tái bản nhiều lần cả trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Cái chất thơ mà Ngọc Linh gửi vào từng trang viết, vốn bắt nguồn từ tình yêu mảnh đất và con người Nam bộ và được thể hiện trong việc đặt tên cho tác phẩm, đến chi tiết miêu tả, trong ngôn ngữ và tính cách nhân vật. Các tựa đề tác phẩm Ngọc Linh đọc lên thấy có vần, có giai điệu: Đôi mắt người xưa, Nắng sớm mưa chiều, Mưa trong bình minh, Ngã rẽ tâm tình, Yêu trong hoàng hôn, Bây giờ em ở đâu… Cái “chất liệu miền Nam” còn là những câu ca dao, tục ngữ, phương ngữ được Ngọc Linh sử dụng rất nhiều trong tác phẩm mà khi đọc lên ai cũng thấy ngộ ngộ, thân thương. Với số lượng sáng tác khá đồ sộ, đi sâu vào góc cạnh đời sống của từng số phận, về suy nghĩ, nếp sống, sinh hoạt của con người miền Nam ấy, Ngọc Linh đã đem tới nền văn học của chúng ta một dấu ấn đầy mới mẻ, hấp dẫn, một sự bổ sung cho cách nhìn về cuộc sống, con người vùng đất phương Nam.
Tinh thần nhân bản
Đọc tác phẩm của Ngọc Linh người ta thấy được tấm lòng khoan dung của ông với cuộc đời. Khi cánh cửa này khép lại có cánh cửa khác lại mở ra. Ông không bao giờ đẩy bi kịch đến tột cùng của số phận, luôn có lối thoát cho cái ác để nhìn lại lỗi lầm của mình. Ngọc Linh của cuộc đời và Ngọc Linh của tác phẩm luôn thống nhất. Ông cho rằng răn đe cái ác để tự sửa chứ không dồn họ đến bước đường cùng. Đó chính là chân lý sống của Ngọc Linh nói riêng và cũng chính là tính cách của người Nam bộ nói chung.
Trước 1975, đọc tiểu thuyết của Ngọc Linh đa phần là thị dân bình dân gồm già trẻ, trai gái cùng khóc cười với các nhân vật của ông ngay trên trang viết và người ta có thể đoán biết được kết cục của câu chuyện không có yếu tố bất ngờ nhưng điều đặc biệt không nhàm chán do kết cấu tâm lí nhân vật trong tác phẩm kích thích sự tò mò của người đọc với giọng văn êm đềm, nhân hậu không “đao to búa lớn”, thâm trầm như đợt sóng ngầm giữa đại dương. Trong tác phẩm của Ngọc Linh dù nhân vật có hung ác đến mấy vẫn có tính dung hòa không căng thẳng, không có những pha hú tim, đọc xong tác phẩm của ông người ta cảm thấy tâm hồn khoan khoái, nhẹ nhõm.
Có nhiều người cho rằng nhiều tiểu thuyết của Ngọc Linh viết theo tư tưởng Phật giáo. Theo ông, đó là sự nhầm tưởng do các tác phẩm của Ngọc Linh đều kết thúc có hậu nhưng thực chất đó chính là vì sự nếm trải đắng cay của cuộc mưu sinh sớm, cuộc sống của ông trải qua quá nhiều vất vả, chính cuộc sống đã tạo cho ông rất nhiều chất liệu, vốn sống, đề tài để ông viết. Cứ thế như một lẽ tự nhiên, các nhân vật của cuộc đời đã đi vào tác phẩm của Ngọc Linh rất thật, rất sinh động. Chính ông tự nhận khi trả lời một cuộc phỏng vấn rằng điều đã khiến ông có cái nhìn không khe khắt, sự bao dung ngay từ buổi đầu ông chưa biết gì về Phật giáo và cũng không quan tâm mấy về vấn đề triết học. Sự trải nghiệm cay đắng về cuộc đời đã thấm vào ông một cách tự nhiên khi sáng tác.
Trong tiểu thuyết của Ngọc Linh, có thể nói, nhân vật trung tâm của ông chưa đạt đến nhân vật điển hình nhưng những nhân vật ấy rất thật, rất sống động, đạt độ khái quát về tính cách, số phận, tạo ấn tượng mạnh mẽ. Tác phẩm của ông đã đề cập đến đời sống của nhiều tầng lớp trong xã hội, của nhiều ngành, nhiều giới. Khi viết về đối tượng nào, ông cũng cho thấy sự thấu hiểu tận tường những ngóc ngách trong tâm hồn họ. Chính cái chất liệu hiện thực ấy đã tạo nên những giá trị trong tác phẩm của Ngọc Linh.
Người cầm bút yêu nghề đến say nghề
Trong cuộc đời sáng tác của người cầm bút, Ngọc Linh là một người viết nhiều, trên lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành công nhất định. Nhìn bảng kê những tác phẩm của ông viết từ tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim, kịch bản sân khấu và hàng trăm bài báo, cho thấy quá trình lao động rất đáng được trân trọng của một người cầm bút yêu nghề đến say nghề.
Những buổi đầu bước vào con đường sáng tác, trong những năm tháng đầy biến động của đất nước, Ngọc Linh dần rút được kinh nghiệm “phải hết sức kín đáo” khi đưa vấn đề vào tác phẩm. Với đề tài tâm lí xã hội vô thưởng, vô phạt, Ngọc Linh đã khéo léo đưa vào tác phẩm những vấn đề nhức nhối mà cuộc sống đang đặt ra. Vì thế mà hàng chục tiểu thuyết của Ngọc Linh được đăng nhiều kỳ trên báo rồi xuất bản thành sách đều được bạn đọc đón nhận.
Ngọc Linh đến với văn chương với sức sáng tạo luôn tràn đầy, luôn trăn trở, tìm tòi để có những đề tài, nhân vật mới mẻ. Sở dĩ Ngọc Linh có nhiều sáng tác như vậy vì ông luôn giữ được ngọn lửa đam mê sáng tạo. Ông nói, phải xem sáng tác như cái “đạo”, phải “ngộ” thì mới tìm ra được kết quả cuối cùng: “Dường như lúc nào tôi cũng suy nghĩ về nhân vật, cốt truyện có khi nghiền ngẫm đến 3 – 4 năm”. Ông từng nói phải tập nhìn cái gì cũng thanh xuân. Có khi cái đã biết rồi mà nhìn vẫn thấy mới.
Tự nhìn lại mình, Ngọc Linh cũng thừa nhận rằng, thành quả sáng tác của ông về “mặt bằng” thì có nhưng “đỉnh cao” như ông mơ ước thì chưa. Đó là sự thừa nhận khiêm tốn nhưng cũng đúng thực tế. Tuy nhiên, với thành quả nghệ thuật của mình, Ngọc Linh xứng đáng là một trong số những người viết siêng năng, cần cù và sáng tạo, sự sáng tạo không ngừng nghỉ với bề dày tác phẩm đáng giá để người đọc trân trọng đón nhận những gì ông đóng góp. Những năm cuối đời, Ngọc Linh vẫn mơ ước đạt đến những đỉnh cao của sáng tác nhưng tiếc rằng mơ ước ấy chưa thực hiện được bởi cơn bạo bệnh đã cắt đứt mối tơ vương của Ngọc Linh với văn chương. Dở dang trên bàn viết của ông là bản thảo mấy chục tập truyện phim “Đại gia đình”.
Giá trị của văn học, nghệ thuật góp phần tạo ra sự giao lưu xã hội rộng lớn; mang tính giáo dục cao về tính chân, thiện, mỹ. Ý nghĩa lớn lao hơn của đời sống văn hóa, văn nghệ có sứ mệnh giúp đỡ cho quần chúng nhân dân tiếp nhận những thành tựu văn hóa, phát triển mọi tài năng, sức lực của mình trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới. Và với hướng đi này, Ngọc Linh đã góp thêm một ngôi sao sáng lấp lánh trên bầu trời văn học, nghệ thuật nước nhà.


Nguồn: Văn Nghệ TPHCM