Danh sách 20 tác phẩm (gồm 17 truyện dài và 3 tập truyện ngắn) lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6 đã được ban tổ chức công bố. Diễn ra trong 3 năm (từ ngày 24-12-2015 đến hết ngày 31-5-2018), cuộc thi nhận được gần 460 tác phẩm, vượt hơn 100 tác phẩm so với cuộc thi lần 5. Trong đó hơn 50% đối tượng dự thi là những người trẻ thuộc thế hệ 9x và đa số là sinh viên. Ban Giám khảo gồm có PGS.TS Nguyễn Thành Thi, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Nguyễn Bình Phương và nhà văn Phan Hồn Nhiên. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ diễn ra vào tháng 1-2019.



Với chủ đề “Viết về cuộc sống với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ hiện nay”, các tác phẩm dệt nên bức tranh muôn màu về thế hệ thanh xuân thời đại mới. Ở đó có bức tranh hiện thực về quê hương miền Tây với những phận đời, phận người bẽ bàng nhưng thấm đẫm yêu thương trong Tự nhiên say của Phát Dương; là lát cắt bế tắc, khát vọng của những con người thành thị trong “Những câu chuyện trong thành phố” của Vũ Tùng Lâm; là hành trình lý giải những uẩn ức, câu hỏi được – mất giữa cuộc đời của cô gái đôi mươi trong “Sau những ngày mưa” của Phạm Thu Hà...

Nhiều tác giả không ngại đối diện và đau đáu với những vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường, giá trị truyền thống phai mờ trong cơn lốc hiện đại hóa, nỗi đau chiến tranh, khác biệt và định kiến văn hóa, sự rạn nứt và gãy đổ giữa các thế hệ... Tín hiệu đặc biệt và đáng vui mừng nhất trong cuộc thi lần này có lẽ là các tác phẩm khai thác trầm tích văn hóa, lịch sử dân tộc tăng vọt về số lượng cũng như chất lượng. 

Trong 20 tác phẩm lọt vào chung khảo, có rất nhiều cái tên gây chú ý khi khai thác đề tài thú vị nhưng lắm thử thách này. Có thể kể đến như “Yagon – Những kẻ vô cảm” của Phạm Bá Diệp (khai thác về đạo Mẫu và truyền thuyết dân gian), “Trăng trong cõi” của Phạm Thúy Quỳnh (viết về vua Lê Long Đỉnh), “Những đứa con cổ tích” của Bạch Đằng (câu chuyện xuyên không của một nữ sinh lạc về thế giới cổ tích, thần thoại), “Nhân gian nằm nghiêng” của Đặng Hằng (câu chuyện giả sử mang màu sắc Phật giáo viết về cuộc kháng chiến vệ quốc thế kỷ XIII của con dân Đại Việt)... 

“Khai thác đề tài giả sử - lịch sử khá khó khăn nhưng tôi rất hứng thú khi càng tìm hiểu, càng thêm yêu đất nước, lịch sử ngàn năm văn hiến. Và tôi muốn truyền tình yêu đó lên trang sách và đưa nó đến độc giả. Để bổ sung kiến thức và thu thập chất liệu viết nên “Trăng trong cõi”, tôi được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Chắc chắn thời gian tới tôi tiếp tục khai thác đề tài này dù biết lắm chông gai”, tác giả Phạm Thúy Quỳnh chia sẻ.

Mang nhiều đề tài phong phú nhưng các tác phẩm tựu chung là đề cao con người, là khát khao cháy bỏng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Ta là ai? Cuộc đời ta có ý nghĩa gì? Từ đó, không ít tác phẩm bộc lộ những tâm hồn đẹp, luôn trăn trở đi tìm ý nghĩa sống, một con đường thực hiện những hoài bão, khao khát gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, yêu quý và tự hào về nguồn cội dân tộc.

QUỲNH NGA - CAND