Trong bài viết
“Vĩnh biệt nhà lãnh đạo gần gũi, người bạn thân thiết của giới báo chí” đăng
trên Báo QĐND số ra ngày 22-9 vừa rồi, nhà báo lão thành Nguyễn Hồng Vinh
cũng đã thừa nhận: “Với những cống hiến tích cực và có hiệu quả, Báo Đảng đã tặng
anh huy chương Vì sự nghiệp Báo Nhân dân, đồng thời Liên chi hội Hội Nhà báo
Báo Nhân dân đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (lúc đó là Bộ Văn hóa) cấp
Thẻ Nhà báo cho nhà báo Trần Đại Quang”. Còn khi làm việc với báo CAND, ông đã
khiến anh em tòa báo rộ lên cười khi tâm sự rằng, mặc dù bấy giờ, đời sống của
phần đông cán bộ công chức còn khó khăn, song không phải ông viết vì… “nhuận
bút”, mà viết là để “rèn nghề”; để chia sẻ kinh nghiệm trong công việc.
CÓ MỘT NHÀ BÁO
TRẦN ĐẠI QUANG
PHẠM KHẢI
Khi tôi về làm
việc tại Báo CAND thì các anh Phạm Văn Miên (hiện là Thiếu tướng, Tổng Biên tập),
Nguyễn Thái (nguyên Thư ký tòa soạn) đã công tác ở đó từ lâu rồi. Nghe các anh
kể lại, có thời Chủ tịch nước Trần Đại Quang (khi ấy đang là lãnh đạo một Cục
nghiệp vụ của Tổng cục An ninh) thường xuyên viết bài cộng tác với báo; và
chính các anh là người trực tiếp sang đặt bài. Không phải “thấy người sang
bắt quàng làm họ” đâu, điều này bản thân Chủ tịch nước, trong một lần đến thăm
Báo trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an (nhân kỷ niệm 67 năm ngày Báo CAND phát
hành số đầu tiên) cũng đã tiết lộ.
Còn nhớ, hôm ấy,
ông đã khiến anh em tòa báo rộ lên cười khi tâm sự rằng, mặc dù bấy giờ, đời sống
của phần đông cán bộ công chức còn khó khăn, song không phải ông viết vì… “nhuận
bút”, mà viết là để “rèn nghề”; để chia sẻ kinh nghiệm trong công việc.
Với tư cách người
đứng đầu Lực lượng Công an toàn quốc, ông nói, ông tự hào với bước phát triển của
tờ báo, rằng đi đâu, thấy người ta đọc, khen các ấn phẩm của Báo CAND, ông cảm
thấy như được “thơm lây”, thấy mình như “lên mấy chân kính” (xin chép lại nguyên
văn chữ dùng của ông). Cũng trong cuộc gặp ấy, ông còn nhiều lần khiến chúng
tôi bật cười, để rồi phải ngẫm ngợi, rút ra bài học làm nghề. Ấy là khi ông
chia sẻ thực rằng, viết báo, đưa tin về hoạt động của lãnh đạo Bộ, ông không
thích cách đưa tin đại loại kiểu: Ngày này, tháng này, năm này, tại Thành phố
X,Y,Z….đã diễn ra Hội nghị….Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã dự
và phát biểu chỉ đạo…Bộ trưởng đã nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng của….
Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn thiếu thốn…Bộ trưởng lưu ý đơn vị cần phải…vv
và vv…
Ông cho cách viết
như vậy là “khô”; rằng người làm báo cần phải thường xuyên thay đổi cách thể hiện
để bài viết dễ đến với người đọc. Chúng tôi bật cười vì thấy điều ông nói sao
“trúng phóc” những điểm hạn chế cố hữu mà anh em phóng viên trẻ vẫn lười biếng
lặp lại hàng ngày. Lời nhận xét bất giác làm tôi nhớ lại lần đầu tiên được gặp
và trò chuyện với ông tại phòng làm việc của ông ở trụ sở Bộ Công an.
Câu chuyện quay
qua đội ngũ làm báo, ông đã nhắc cụ thể tên một số cây bút của Báo CAND mà ông
cho là “viết được”, đồng thời cũng “điểm danh” một vài người viết ông thấy
không có gì “sắc cạnh”, chỉ là “sống lâu lên lão làng”. Tôi giật mình khi thấy,
ở vị trí cao vời như thế, lại bận cả núi công việc, song ông vẫn chú ý tới những
việc rất cụ thể, những con người rất cụ thể. Đúng là, nếu không phải người từng
trực tiếp cầm bút và có đòi hỏi nghiêm khắc, ông không thể có cách nhìn chuẩn
xác và sâu sát như thế.
Lại nhớ, trong
buổi gặp gỡ riêng cuối cùng (hồi tháng 12-2017) với nhóm phóng viên vẫn thường
được tháp tùng ông trong những chuyến công tác nước ngoài, ông cũng đề cập tới
việc viết sao cho uyển chuyển, sinh động, như thế mới “có người đọc”, “mới đi
vào cuộc sống”.
Ông bảo, ai cũng
thế thôi, ngồi nghe đọc báo cáo trên hội trường, thấy câu chữ cứ “đều đều”. Về
nhà đọc lại văn bản bằng mắt, đánh dấu lại thì “đọng” trong trí nhớ lâu hơn.
Riêng với báo chí, nếu cứ viết như báo cáo, cứ 1-2-3-4 thì chẳng ai nghe.
Trong buổi đến
thăm Báo CAND, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết trước đây ông từng được cấp Thẻ
Nhà báo. Điều này, trong bài viết “Vĩnh biệt nhà lãnh đạo gần gũi, người bạn
thân thiết của giới báo chí” đăng trên Báo QĐND số ra ngày 22-9 vừa rồi,
nhà báo lão thành Nguyễn Hồng Vinh cũng đã thừa nhận: “Với những cống hiến tích
cực và có hiệu quả, Báo Đảng đã tặng anh huy chương Vì sự nghiệp Báo Nhân dân,
đồng thời Liên chi hội Hội Nhà báo Báo Nhân dân đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền
thông (lúc đó là Bộ Văn hóa) cấp Thẻ Nhà báo cho nhà báo Trần Đại Quang”.
Đến nay, hẳn nhiều
lãnh đạo của Báo CAND đều còn lưu giữ kỷ niệm về những lần được (hoặc bị) Bộ
trưởng Trần Đại Quang gọi điện “uốn nắn” về nghiệp vụ làm báo. Kể cả những lần
bị “dựng dậy” giữa đêm. Tất nhiên, chung quy cũng chỉ là chuyện chữ nghĩa, chuyện
đưa tin “thiếu ý tứ”, nhưng qua cách phân tích của Bộ trưởng thì đó không còn
là chuyện chữ nghĩa, chuyện sơ ý nữa mà có thể bị lái thành vấn đề chính trị. Nhà
văn - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái (nguyên Phó Tổng biên tập Báo CAND, hiện là
Viện trưởng Viện Lịch sử CAND) kể: Có lần, Bộ trưởng Trần Đại Quang đưa in một
bài trên Báo; đã dùng chữ “nước họ” để nói về một quốc gia láng giềng. Sau
này, khi ông giữ cương vị Chủ tịch nước, bài viết trên được tập hợp đưa vào
sách. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu anh em biên tập phải chỉnh lại chữ
“họ” thành chữ “bạn” mới đồng ý cho in. Ông bảo, ở vị trí Chủ tịch nước thì
cách nói, cách đặt vấn đề cũng phải kỹ càng hơn, ý tứ hơn.
Từng là nhà báo,
từ lâu, ở Chủ tịch nước Trần Đại Quang hình thành một tác phong làm việc là nắm
thông tin theo cách của nhà báo. Những lúc ngồi ôtô trên đường, ông thường
tranh thủ truy cập báo mạng. Một Trợ lý của ông kể: “Nhiều khi định báo với bác
đọc bài này bài kia. Mới nói ra thì bác bảo đã đọc rồi. Có tòa soạn gửi biếu
báo bác (báo giấy), vì trong ấy có bài viết về hoạt động của bác. Bác lịch sự
nhận song sự thực thì bác đã đọc trước đó ở trên mạng rồi”.
Nghiêm khắc,
đòi hỏi cao ở những người làm báo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thể hiện
là người thực sự cầu thị, chịu lắng nghe. Trong bài báo nhắc tới ở phần trên,
nhà báo Nguyễn Hồng Vinh kể: “Trong bộn bề công việc, anh vẫn dành một tiếng đồng
hồ mời tôi lên phòng làm việc tại Phủ Chủ tịch, thân tình đề nghị tôi góp ý đề
cương một bài viết có tính lý luận - thực tiễn về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với
công tác dân vận. Phong cách bình thản, cầu thị, rất chú ý lắng nghe góp ý về cả
những điều chưa thật chuẩn xác trong vài bài viết cụ thể, đã xua đi sự ngần ngại,
dè dặt giữa Chủ tịch nước với người đang góp ý là nhà báo. Anh tâm sự chân
thành: Ông cha ta đã tổng kết rồi, ba anh hàng da thành Gia Cát Lượng, không ai
có thể vỗ ngực mình biết hết, đúng hết, do vậy mình thành thật tiếp thu, các
anh đừng ngại nhé” (bài đã dẫn).
Nhân nói về sự cầu
thị, nhà báo Phạm Văn Miên kể, hồi Chủ tịch nước Trần Đại Quang mới nhậm chức,
tại một vài buổi tiếp khách ban đầu, trong thực hiện nghi thức ông còn hơi lúng
túng. Khi vỗ tay, có lúc ông còn nâng bàn tay lên hơi cao, khiến ảnh chụp xong,
tòa báo không biết xử lý thế nào vì thường hình ảnh của Chủ tịch rơi vào tình
trạng… tay che khuất cằm.
Là Tổng biên tập
một cơ quan báo chí thường xuyên đưa tin về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, nhà báo Phạm Văn Miên rất “lăn tăn” điều này. Một lần, nhân có
buổi gặp gỡ thân mật với Chủ tịch nước, được ông chủ động hỏi dư luận anh em
báo chí nhận xét về ông thế nào, nhà báo Phạm Văn Miên - sau khi khẳng định một
sự thật là anh em báo chí rất ấn tượng với phong thái ngoại giao của ông - đã mạnh
dạn đưa ra… lời góp ý. Rất mừng là Chủ tịch nước nghe và “cải sửa” ngay. Thậm
chí, sau này, như anh em phản ánh, ông còn luôn tạo điều kiện để các phóng viên
được thuận lợi trong công việc.
Bản thân tôi từng
chứng kiến trường hợp, tại Peru (tháng 11 năm 2016), trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp
cao APEC lần thứ 24, trước khi hai đoàn Việt Nam - Chilê tiến hành hội đàm, nữ
Tổng thống Chilê Michelle Bachelet đứng đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã sôi
nổi trò chuyện với ông nhiệt tình đến mức gần như quên mất nhu cầu chụp hình,
quay phim của các nhà báo. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mỉm cười hồn hậu và
ý nhị mời bà quay về hướng các nhà báo để anh chị em thuận lợi trong tác nghiệp.
Cũng trong một
chuyến công tác nước ngoài (năm 2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chia sẻ
với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn rằng, trong Đoàn
công tác, lực lượng báo chí chính là lực lượng vất vả nhất. Đó là những người
luôn “đi trước, về sau”. Khi Đoàn tới Hội nghị thì cánh báo chí đã có mặt ở đó
trước rồi. Khi Đoàn vào nhà ăn thì họ ở ngoài tranh thủ viết bài. Và khi Đoàn
ngủ thì họ thức để cập nhật tin tức.
Nhắc vậy để thấy
Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của
người làm báo. Những năm gần đây, dù có lúc sức khỏe không thật ổn định, song hầu
như các hoạt động lớn của giới báo chí, ông đều cố gắng tham dự. Nhà báo Nguyễn
Hồng Vinh gọi ông là “nhà lãnh đạo gần gũi, thân thiết của giới báo chí” hoàn
toàn trùng với nhận xét, suy nghĩ của tôi.
Nguồn: CAND