Từ anh xích lô,
qua người công chức, đến nhà khoa học, nhà văn hóa, người nghệ sĩ… đều nuôi lợn
tuốt! Ở nhà riêng, ở chung cư, ở nhà trệt, ở nhà cao tầng. Có chuồng và không cần
chuồng. Lợn. Lợn sống chung với người, có tư cách và giá trị như người, thậm
chí còn hơn, quan trọng hơn người. Bởi lợn là nguồn sống, là cách sống còn duy
nhất. Tất cả vì lợn. Không phải người nuôi lợn, mà lợn nuôi người. Lợn là cứu
cánh, là mục đích, là lẽ sống của người... Viết được một cuốn sách thật hiện thực
về một thời phi lý mà hoàn toàn có thật như thế đã là rất quý. Có một bức tranh
xã hội như thế, sinh động, vừa bi vừa hài, thống thiết trong "Chuyện ngõ
nghèo" của Nguyễn Xuân Khánh!
“CHUYỆN NGÕ
NGHÈO” BỊ BỎ QUÊN 36 NĂM
NGUYÊN NGỌC
Nguyễn Xuân
Khánh là tác giả mấy cuốn tiểu thuyết nổi tiếng xuất hiện liên tục trong khoảng
mươi năm qua, mặc dầu anh đã lớn tuổi, chứng tỏ sức viết rất khỏe và bền bỉ: Hồ
Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa … Nhưng ông cũng là một tác giả
của một tác phẩm rất đặc sắc, độc đáo, viết cách đây đã 36 năm (1981-82), từng
gây xôn xao và khâm phục trong giới cầm bút, thậm chí có thể coi là tác phẩm
quan trọng nhất của ông, nhưng lại ít được biết trong công chúng đọc rộng rãi.
Đơn giản là vì sách không được xuất bản. Tên gốc của tiểu thuyết là Trư cuồng,
cũng có khi được gọi là Porcinomanie trong những anh em quen biết
chuyền tay nhau mà đọc lén. Mãi đến năm 2016, nó mới được NXB Văn học và Công
ty sách Nhã Nam cho ra đời với một cái tên rất đỗi hiền lành: Chuyện ngõ
nghèo.
Gọi là chuyện
ngõ nghèo cũng được, vì ấy là chuyện một thời bao cấp kéo dài ngu dốt và kỳ quặc
cả nhiều năm sau chiến tranh, tự mình làm khó mình khiến cả xã hội suy kiệt
nghèo khốn một cách vô lý, bởi vì có một hệ ý thức chủ trương con người mà giàu
thì tất hư hỏng (bắt nguồn từ quan niệm “tư hữu là nguồn gốc của mọi tội ác”
chăng?), nghèo mới là tốt, càng nghèo càng trong sạch, càng tốt, tốt nhất. Mọi
ngóc ngách để tìm cách sống khá lên một chút đều bị ngăn cấm nghiêm ngặt, là có
tội, thậm chí tội hình sự (“Vua Lốp”)… Để sống sót, cả xã hội đổ đi nuôi lợn. Không
phải, không chỉ ở nông thôn, nông thôn nuôi lợn là thường rồi. Cả ở thành phố,
thậm chí chủ yếu ở thành phố. Đủ thành phần và khắp các thành phố lớn nhỏ, tràn
ngập thủ đô. Nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn. Từ anh xích lô, qua người
công chức, đến nhà khoa học, nhà văn hóa, người nghệ sĩ… đều nuôi lợn tuốt! Ở
nhà riêng, ở chung cư, ở nhà trệt, ở nhà cao tầng. Có chuồng và không cần chuồng.
Lợn. Lợn sống chung với người, có tư cách và giá trị như người, thậm chí còn
hơn, quan trọng hơn người. Bởi lợn là nguồn sống, là cách sống còn duy nhất. Tất
cả vì lợn. Không phải người nuôi lợn, mà lợn nuôi người. Lợn là cứu cánh, là mục
đích, là lẽ sống của người... Viết được một cuốn sách thật hiện thực về một thời
phi lý mà hoàn toàn có thật như thế đã là rất quý. Có một bức tranh xã hội như
thế, sinh động, vừa bi vừa hài, thống thiết trong Chuyện ngõ nghèo.
…
Tuy nhiên Nguyễn
Xuân Khánh không dừng ở đó. Ông đi xa hơn, rất xa hơn, vượt xa tính thời sự
của sự kiện, chạm đến những điều dữ dội hơn, quyết liệt hơn, thiết yếu và quan
trọng hơn nhiều. Ông chỉ ra rằng cái thời đẩy xã hội và con người vào tận cùng
khốn khổ, người sống với lợn, lợn sống với người, lợn còn trọng hơn người ấy, đồng
thời cũng đánh thức dậy, làm phơi lộ ra điều khủng khiếp hơn: cái chất lợn vốn
tiềm ẩn, che giấu trong con người.
Nhân chi sơ,
tính bản lợn. Có một con lợn nấp trong con người, mỗi con người. Hoàng, nhân vật
chính của ông, một trí thức nhỏ, một anh nhà báo kiêm nhà văn nhỏ nhoi và
nghèo, lại không được chính quyền ưa thích, tất nhiên Hoàng cũng phải nuôi lợn,
sống với lợn, sống hết mình với lợn, sống còn vì lợn. Cuộc sống với lợn, cùng lợn,
vì lợn, khiến anh bàng hoàng nhận ra có bản chất lợn trong bản chất người. Tất
nhiên, như trong mọi tiểu thuyết, sự việc cốt lõi bắt đầu bằng một sự cố. Ấy là
từ khi, dấn sâu vào nghề lợn, ngoài ba con lợn ỉn vẫn có lâu nay, Hoàng mua
thêm một con lợn có đôi mắt giống bò và bộ lông màu hung mà anh đặt tên là con
Lợn Bò.
Lúc mới về Lợn
Bò bị ba con lợn ỉn ỷ thế chủ nhà lâu năm bắt nạt, phải chịu lép vế, bị chúng
khủng bố liên tục, không dám hó hé tranh ăn, chịu ngủ một xó chuồng dơ bẩn nhất.
Chỉ đến khi lũ lợn ỉn đã no nê nằm ườn ra ngủ say, nó mới dám lò mò bò ra ăn
mót chút gì còn lại… Nhưng nó được cái tính hết sức hám ăn, đã ăn thì ăn cực
hăng, vét sạch máng mỗi khi có dịp, và tăng trọng rất nhanh. Nó lớn như thổi. Đến
khi đủ to khỏe, nó quay đánh lại ba con lợn ỉn, mà đã đánh là đánh tàn bạo,
hung ác, cả hiểm độc nữa. Cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ, ngày càng
khốc liệt…
Cho đến ngày Lợn
Bò chính thức lên ngôi, thành chúa tể toàn trị. Chuồng lợn của Hoàng y hệt sân
khấu chính trị xã hội ngoài đời, một xã hội toàn trị điển hình, ở đó thống trị
luật rừng mạnh được yếu thua, kẻ mạnh có quyền cắt tiết đứa yếu…
Hoàng có hai người
bạn thân: Lân, nguyên là chiến sĩ đặc công, thương binh giải ngũ, tự nhận là
người nuôi lợn chuyên nghiệp, đương nhiên hiểu biết sâu sắc và suy nghĩ ám ảnh
nhiều về lợn, đến mức cuối cùng trở thành loạn trí, rồi điên thật sự… Người bạn
thứ hai là Tám, giáo viên sinh học cấp ba, đột ngột bỏ ngang nghề, cũng đương
nhiên về nuôi lợn, căm cụi say mê viết một cuốn sách tên là Bách khoa lợn,
hay cũng có thể gọi là ‘‘triết lý lợn”, thỉnh thoảng gửi cho Hoàng đọc một đoạn.
Đọc sách bách
khoa và triết học của Tám, có lần Hoàng nghiệm: ‘‘Tìm từ nguyên của từ đồ tể thấy
gồm tiền tố "đồ" và hậu tố ‘tể’. Riêng hậu tố "tể’' chỉ thấy hiện
diện trong hai từ khác: đồ tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có
họ hàng gần với bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc. Họ gần gũi nhau
về điểm gì? Xét có ba nghề làm vua, làm quan và giết lợn, thì thấy cả ba giống
nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ
tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất
trong mọi quyền uy. Suy cho cùng nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể, chỉ
có khác, đối tượng giết ở đây là con người.’’
Cuốn tiểu thuyết
của Nguyễn Xuân Khánh được bố cục thành ba phần. Phần một là những
trang ghi chép hằng ngày của anh nhà báo Hoàng bỏ nghề văn chương chữ nghĩa rắc
rối về nuôi lợn trong cái xóm nghèo ven đô Hà Nội. Phần này có tên là ‘‘Nhật ký
Lợn’’, kể từ chuyện bắt đầu nuôi ba con lợn ỉn, cho đến bước ngoặt mua con Lợn
Bò, và quá trình lên ngôi bá chủ của Lợn Bò.
Phần thứ hai là
một loạt truyện ngắn kể lại các cơn mê sảng của Hoàng khi anh bị ốm nặng thập tử
nhất sinh vì kiệt sức nuôi lợn, lại nhiều lần bị quấy nhiễu bởi an ninh do có
nói năng hay viết lách gì đó. Trong các cơn mê sảng ấy thường hiện lên một
vương quốc hung bạo mà vị nguyên thủ tối cao hóa ra là chính con Lợn Bò.
Phần thứ ba lại
là Nhật ký Lợn sau khi Hoàng vừa qua cơn bệnh nặng. Và cuốn sách kết lại bằng
cuộc trò chuyện giữa Hoàng và Linh, con trai anh đang học đại học. Dưới đây là
lược thuật cuộc trò chuyện giữa hai cha con. Hoàng hỏi con về tình hình gia
đình trong những ngày anh ôm mê man.
‘‘Linh bảo: Bố muốn hỏi con về đàn lợn chứ
gì? Bố vẫn chưa hết cơn say mê nuôi lợn ư?
Tôi cũng nói đùa theo:
- Cơn bão, trước khi tan, cũng còn dư lại
vài cơn gió giật, nữa là cơn lợn… Hãy còn một chút dư âm đấy Linh ạ.
Linh cúi đầu nói nhỏ:
- Con giải tán cả đàn. Bố ốm, gia đình
túng bấn. Mấy con lợn ỉn chưa hết lớn, phải bán cho người ta nuôi tiếp. Còn con
Lợn Bò, hôm nọ con phải giết thịt, bán lấy tiền trả nợ và bồi dưỡng cho bố.
Tôi thở dài:
- Hoá ra công cốc. Tiền lãi chăn lợn chỉ
đủ để nuôi tôi ốm. Mẹ con cậu phải khổ sở vì tôi.
- Biết làm sao khác được. Bố nghĩ ngợi mà
làm gì. Chỉ cốt bố khoẻ hẳn.
- Rồi thì ra sao nhỉ? Hôm qua tao thấy mẹ
con mày thì thầm tính toán tiền nong. Nghe lõm bõm, chỉ riêng cái khoản mua giấy
bút cho anh em mày đã lên tới trên trăm đồng.
- Mớ rau muống hôm nay còn giá ba đồng.
Cái gì cũng đắt… Chính vì vậy nên…
Tôi ngẩng đầu nghe Linh, nhưng con tôi cứ
ngập ngừng mãi. Tôi bảo:
- Anh định ý kiến gì? Cứ nói.
Vẻ mặt con tôi trở nên nghiêm trang:
- Chính vì vậy nên, con quyết định đi mổ
lợn.
- Anh làm đồ tể?
- Vâng, đồ tể.
Tôi đột nhiên im lặng. Con tôi nhìn tôi
thăm dò. Nó có vẻ lo lắng nhưng quyết tâm thuyết phục tôi:
- Con sẽ đi theo chú Hợi làm thêm buổi
sáng. Cứ giết mỗi con lợn xong cũng được hai chục bạc. Con đã thử tay nghề lần
đầu. Con đã tự tay chọc tiết con Lợn Bò hung dữ, nặng trên một tạ…
Tôi vẫn yên lặng. Trước kia, tôi phản đối
đề nghị ấy của Linh; bây giờ tôi cũng không bằng lòng. Song nói thế nào với con
tôi nhỉ? Mỗi thế hệ có cách nghĩ, cách giải quyết riêng của mình. Thằng Linh vẫn
kiên quyết trình bầy:
- Cả thế giới, bao nhiêu là đồ tể…
Tôi lắc đầu:
- Đừng dùng số lượng để áp đặt với bố…
- Thế giới hiện đại hoang dã, mà cha vẫn
khư khư…
- Con tôi cuồng nhiệt quá. Con nên nhớ rằng,
một ông thày tu cuồng nhiệt sẽ dễ dàng biến thành kẻ sát nhân. Bước nhảy đó rất
gần.
- Biện luận mà làm gì hở cha. Bởi vì thực
tiễn đang cần một giải đáp. Mà cha lại không có lời giải đáp…’’
Cuốn sách khép lại
bằng những câu như vậy. Mà vòng tròn lợn với đồ tể thì vẫn chưa khép lại…
Quả thật đáng
kinh ngạc, 36 năm trước Nguyễn Xuân Khánh đã viết cho nền văn học của chúng ta
một cuốn tiểu thuyết đầy sức nặng, mạnh mẽ, quyết liệt, không chút khoan nhượng
và quan trọng như vậy. Cuốn tiểu thuyết ấy đã bị bỏ quên suốt 36 năm.
Nguồn: Người Đô
Thị