Mặc dù, TAND Cấp
cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện "Tranh chấp giữa
thành viên công ty với công ty" vào ngày 20-9, tuyên hủy bỏ quyết định bãi
nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực Tậo đoàn Trung Nguyên của bà Lê
Hoàng Diệp Thảo, đồng thời ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Lê
Hoàng Diệp Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty. Thế nhưng, “qua” đã đón nhận
“mặc khải” của đấng tối cao để “cứu thế giới” nên “qua” đếch thèm nghe phán quyết
của Tòa cấp cao. Được sự uỷ nhiệm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bộ phận truyền
thông của Tập đoàn Trung Nguyên đã phát ra thông cáo báo chí dài loằng ngoằng để
tiếp tục cấm cửa bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Mời đọc nguyên
văn Thông tin dành cho báo chí rất lâm ly của “qua” để tìm hiểu xem “qua” muốn
nhắn gửi gì đến “những người anh em báo chí thiện lành”
Tp.HCM, ngày 21
tháng 9 năm 2018
THÔNG TIN DÀNH
CHO BÁO CHÍ
(V/v: Thông tin rõ các hành vi sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với cá nhân
Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập Đoàn Trung Nguyên từ năm
2015 đến nay)
Sau hơn 22 năm từ
thời điểm sáng nghiệp (1996 - 2018), Tập đoàn Trung Nguyên đã hoàn tất nhiệm vụ
thứ nhất của mình và trách nhiệm xã hội trong giai đoạn khai nghiệp – tăng trưởng.
Chỉ trong vòng hai thập niên, với Sách Lược Tâm và Tầm nhìn trở thành tập đoàn
số 1, thống ngự toàn diện và trên toàn cầu thì Trung Nguyên không những đã trở
thành tập đoàn cà phê số 1 – thương hiệu cà phê Việt Nam nổi tiếng toàn cầu với
các thành quả kinh tài; mà còn là doanh nghiệp tiên phong tổ chức chuỗi các
chương trình, hành động dấn thân phụng sự cộng đồng; trở thành nguồn cảm hứng
cho nhiều thế hệ thanh niên; là hình mẫu về tinh thần sáng tạo khởi nghiệp cho
nhiều tổ chức và doanh nghiệp.
Sách Lược Tâm mà
Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ
luôn dẫn dắt tổ chức Trung Nguyên và luôn coi đó là sự sống còn, đó chính là
“Khác biệt, Đặc biệt và đi đến tính Duy nhất”. Nền tảng đầu tiên và lớn nhất của
Sách Lược Tâm là tinh thần yêu thương và phụng sự cộng đồng xã hội, là kinh
doanh theo phương châm “Cho là Nhận”. Sách Lược Tâm được hiểu là sách lược từ
tâm, nhân tâm, thiện tâm và trung tâm. Từ tâm có nghĩa là động lực và giá trị cốt
lõi của Trung Nguyên được hình thành và phát triển là từ tình yêu thương chứ
không phải vì lòng tham lam thành công hay nỗi sợ hãi bởi nghèo đói và thất bại.
Nhân tâm nghĩa là coi trọng việc chinh phục lòng người, làm gì cũng phải hợp với
lòng người, đem lại đa lợi ích bền vững: lợi ích về mặt xã hội, lợi ích về mặt
tinh thần toàn diện. Thiện tâm là tấm lòng đau nỗi đau của thiên hạ, lo nỗi lo
của thiên hạ để từ đó hiểu được nguyên lý và lợi ích của việc phụng sự “Cho là
Nhận”; muốn càng thành công thì càng phải cống hiến vì cộng đồng. Trung tâm
nghĩa là sách lược phải dựa trên sự tính toán mưu lược kỹ lưỡng để loại bỏ hết
các hành động ngoại vi mà đi vào được đúng yếu tố trung tâm của vấn đề. Sách Lược
Tâm chính là linh hồn sống còn để Trung Nguyên hình thành và phát triển. Hệ
Sách Lược tâm cũng vô cùng mới mẻ và ở một tầm mức rất xa, đòi hỏi nền tảng của
tài thao lược trí tuệ, có tầm nhìn toàn diện toàn cầu để đảm bảo việc thiết kế
vận hành các chương trình hành động thực thi được nhất quán và xuyên suốt từ Tầm
nhìn, sách lược đến mô hình vận hành và phẩm tính.
Với tầm nhìn trở
thành Tập đoàn số 1 trên toàn cầu, thống ngự toàn diện thì phải có tính Khác biệt,
Đặc biệt và Duy nhất để đưa Trung Nguyên phát triển nhanh hơn, rộng khắp hơn, mạnh
mẽ hơn ở tầm vóc toàn cầu, cạnh tranh với thế giới và hội tụ được những con người
có đủ tầm vóc hiểu về Sách Lược Tâm. Vì vậy, Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng
giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ nhận thấy sự cần thiết mang
tính bắt buộc: phải tái định vị tổ chức – đặc biệt phải tái thiết kế tổ chức mạnh
mẽ để Trung Nguyên không còn sự ách tắc trong khâu điều hành do bà Lê Hoàng Diệp
Thảo ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực đã không đủ nền tảng hiểu biết về
Sách lược Tâm, chỉ tư duy ở tầm mức kinh doanh buôn bán cà phê thông thường và
thoát ly mô hình quản trị gia đình nhỏ lẻ, sớm đưa Trung Nguyên trở thành tập
đoàn toàn cầu, hội tụ và hợp tác với các nguồn lực số 1 của thế giới.
Song song là việc
tiến hành tái đầu tư bằng công cuộc đổi mới toàn diện, mạnh mẽ với những quyết
sách đầu tư thích hợp để hình thành nên Hệ sinh thái cà phê vật lý, Hệ sinh
thái cà phê tinh thần, tạo ra những thương hiệu mới như Trung Nguyên Legend,
E-coffee, hệ sản phẩm mới cà phê năng lượng - cà phê đổi đời, mô hình kinh
doanh phân phối kiểu mới, các dự án mới như Thành phố cà phê, Bảo tàng Thế giới
cà phê,... mang tính đột phá, Khác biệt, Đặc biệt để cụ thể hóa Sách lược Tâm
nhằm đưa Trung Nguyên thống ngự toàn diện và trở thành thương hiệu Việt toàn cầu
đầu tiên trong ngành cà phê.
Song song với việc
đầu tư phát triển kinh tài mạnh mẽ thì Trung Nguyên luôn cam kết phụng sự xã hội,
giúp cho thanh niên Việt có ý chí, khát vọng lớn để xây dựng một Việt Nam hùng
cường và đúng với tầm vóc, tư tưởng, hệ giá trị mà Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng
Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ theo đuổi từ những ngày đầu
sáng nghiệp đến nay. Chính vì thế, ở cương vị một nhà quản lý – Chủ Tịch – Tổng
giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ đã thực hiện chính sách trao quyền tự chủ, tâm thế
làm chủ, khuyến khích và động viên các cộng sự, các cấp quản lý trong công ty để
thúc đẩy tinh thần Sáng tạo khởi nghiệp trong một công ty, thoát ly tâm lý “làm
thuê chủ - tớ”, phát huy tinh thần trách nhiệm toàn diện, công chính, kỷ luật
trong mỗi cá nhân làm việc tại công ty. Trong suốt 22 năm nay, mọi tư tưởng,
sách lược, chiến lược, kế hoạch hành động đều được Tổng giám đốc Đặng Lê Nguyên
Vũ luôn theo sát, chỉ đạo thường xuyên với các cộng sự, các cấp quản lý để đảm
bảo tính Khác biệt, Đặc biệt và tính nhất quán xuyên suốt từ tư tưởng đến hành
động trong công tác điều hành tại Tập đoàn.
Đồng thời, Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ chủ trương doanh nghiệp, doanh nhân (thương gia) trong hoạt động sản
xuất kinh doanh phải luôn tạo ra những giá trị Khác biệt, Đặc biệt về thương hiệu,
sản phẩm, dịch vụ,..; nhưng kinh doanh của một doanh nghiệp còn phải phụng sự lợi
ích của quốc gia và phụng sự cộng đồng, vì cộng đồng, gánh nhận trọng trách
“kinh bang tế thế”. Suốt chặng đường hơn 22 năm phát triển của Tập đoàn Trung
Nguyên không chỉ là chặng đường xây dựng một thương hiệu, một doanh nghiệp mà
chính là hành trình phụng sự với hàng trăm chương trình ý nghĩa được Trung
Nguyên tiên phong, phát động vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh và ảnh
hưởng như: Xây dựng thương hiệu Việt, thương hiệu nông sản Việt Nam, Diễn đàn
Nước Việt nhỏ hay không nhỏ, Xây dựng Thánh địa cà phê toàn cầu tại Buôn Ma Thuột,
Xây dựng Cụm ngành cà phê quốc gia, phong trào Sáng Tạo Khởi nghiệp cho thanh
niên… Đặc biệt, trong đó “Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho
30 triệu Thanh niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên khởi xướng từ năm 2012 đến
nay là một hành trình dài hạn nhằm xây dựng sức mạnh toàn diện: kiến tạo Khát vọng
lớn, Chí cả vĩ đại, tinh thần và tri thức Khởi nghiệp thông qua việc trao tặng
hàng chục triệu cuốn sách đổi đời đến thanh niên Việt, từ đó chuyển hóa sức mạnh
tinh thần thành sức mạnh vật chất và thể chất, tạo nên sức mạnh của quốc gia.
Những quan điểm
nêu trên của Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ gặp phải những mâu thuẫn gay gắt về quan điểm và triết lý kinh
doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - nguyên Phó tổng giám đốc thường trực. Bà Lê
Hoàng Diệp Thảo chủ trương kinh doanh theo tư duy “con buôn’, kinh doanh kiếm lợi
nhuận ngắn hạn, coi công ty và thương hiệu Trung Nguyên mà hàng ngàn lao động
đang tạo dựng và đóng góp chỉ là tài sản cá nhân, tất cả vì lợi ích cá nhân, mà
bất chấp lợi ích của người tiêu dùng. Những khác biệt lớn trong tầm nhìn, nhận
thức của bà Lê Hoàng Diệp Thảo khiến Trung Nguyên không thể phát triển lớn mạnh
nếu bà Thảo tiếp tục quản lý, điều hành tập đoàn Trung Nguyên theo lối tư duy
chỉ kinh doanh tận thu lợi nhuận đơn thuần mà không gắn với những ý nghĩa lớn
lao phụng sự cho cộng đồng xã hội. Từ hơn 3 năm qua, bản thân ông Đặng Lê
Nguyên Vũ với vai trò người chồng đã nỗ lực và tìm mọi cách, nhiều lần khuyên
nhủ bà Lê Hoàng Diệp Thảo vì 20 năm tình nghĩa vợ chồng, vì tình thương trách
nhiệm với 4 người con chung tạm lui về lo cho gia đình, lo cho các con nhưng đều
không nhận được sự đồng thuận của bà Thảo.
Mâu thuẫn quan điểm kinh doanh không thể giải quyết được, gây khó khăn rất lớn
cho việc điều hành hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên, nên ngày
13/4/2015, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã ban hành
quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Tập
Đoàn Trung Nguyên của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Ngày 22/9/2017,
Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận một phần yêu
cầu khởi kiện của nguyên đơn tuyên hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh của
bà Thảo vì lý do Quyết định bãi nhiệm ghi chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị
kiêm Tổng giám đốc” và Bản án nhận định rằng Chủ tịch Hội đồng quản trị không
có quyền bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc. Không hài lòng với bản án sơ thẩm
này, Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã thực hiện
quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm. Đồng thời, thể hiện sự hợp tác và tuân thủ pháp
luật theo Bản án sơ thẩm, nên ngày 9/10/2017, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập
đoàn Trung Nguyên ra quyết định về việc thu hồi và hủy bỏ quyết định ngày
13/4/2015 vì ghi sai chức danh “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc”.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 22/9/2017, đại diện ủy quyền của Công ty Cổ phần Tập
đoàn Trung Nguyên và đại diện ủy quyền của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng các Luật
sư đã yêu cầu Tòa án đình chỉ việc khởi kiện của nguyên đơn vì đối tượng khởi
kiện là Quyết định ngày 13/4/2015 đã bị thu hồi và hủy bỏ từ ngày 09/10/2017
nhưng vì nguyên đơn không đồng ý rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án nhân dân cấp
cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên Bản án sơ thẩm về việc thu hồi và hủy
bỏ Quyết định ngày 13/4/2015 vì không có cơ sở để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của
nguyên đơn theo kháng cáo của các bị đơn.
Căn cứ Luật
doanh nghiệp năm 2014, căn cứ quyền & nghĩa vụ của chức danh Tổng giám đốc
và Bản án phúc thẩm ngày 20/09/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ
Chí Minh, nên ngày 21/09/2018, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trung
Nguyên đã ban hành quyết định số 06/2018/QĐBN-TGĐ về việc “Bãi nhiệm chức vụ
Phó tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần tập đoàn Trung Nguyên của bà Lê
Hoàng Diệp Thảo”.
Bất chấp việc
tuân thủ các Quyết định của Chủ Tịch – Tổng Giám đốc Đặng Lê Nguyên Vũ và triết
lý kinh doanh, Tầm nhìn và sứ mệnh của Tổ chức Trung Nguyên; mục đích của bà Thảo
là chiếm trọn Tập đoàn Trung Nguyên nên bà Thảo muốn ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt
buộc phải là người tâm thần, người mất năng lực hành vi dân sự. Luôn có một kế
hoạch bài bản cho lộ trình thực hiện dã tâm của bà Thảo và tùy vào thời điểm để
vận dụng các cách thức khác nhau, khi thì gây rối, đe dọa các nhân viên để
không còn ai dám làm việc cho Trung Nguyên trong thời điểm này; lúc thì phá hoại
để làm tê liệt hệ thống vận hành của Trung Nguyên. Nhưng xuyên suốt diễn trình
thì tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự là mục tiêu mà
bà Thảo luôn theo đuổi vì là cách nhanh nhất để thâu tóm Trung Nguyên và bà Lê
Hoàng Diệp Thảo đã liên tiếp thực hiện các hành vi sai trái vi phạm pháp luật
có tính hệ thống như sau:
1. Âm mưu chiếm
đoạt Tập đoàn Trung Nguyên thông qua việc yêu cầu tuyên bố ông Đặng Lê Nguyên
Vũ mất năng lực hành vi dân sự
(i) Ngày 6/5/2015, bà Thảo đã nộp đơn ra Tòa án Nhân dân Quận 3 với nội dung
“khẩn thiết yêu cầu Tòa án nhân dân quận 3 thực hiện mọi thủ tục theo quy định
của pháp luật để công nhận mất năng lực hành vi dân sự đối với ông Đặng Lê
Nguyên Vũ để cho Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên
Đặng Lê Nguyên Vũ (bà Lê Hoàng Diệp Thảo) được quyền giám hộ theo Điều 62 BLDS.
Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ
yêu cầu được quyền và nghĩa vụ theo Điều 67 BLDS: Điều hành Công ty Cổ phần Tập
đoàn Trung Nguyên; Quản lý tài sản; Đại diện cho người được giám hộ trong các
giao dịch dân sự trong đó có việc Quản lý tài sản Công ty Cổ phần Tập đoàn
Trung Nguyên và đại diện tất cả các giao dịch dân sự, kinh tế trong việc quản
lý điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên”.
Nội dung yêu cầu
nêu trên đã bộc lộ rõ bản chất thật sự của bà Thảo khi yêu cầu Tòa án công nhận
ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự là để chiếm đoạt quyền quản
lý điều hành Trung Nguyên.
(ii) Sau khi âm mưu chiếm đoạt toàn bộ tài sản và quyền điều hành tại Tập đoàn
Trung Nguyên bị thất bại do Tòa án nhân dân Quận 3 đã đình chỉ giải quyết việc
dân sự này, bà Thảo đã chuyển qua phương án ly hôn và nộp Đơn vào ngày
17/11/2015 để yêu cầu Tòa án Tp.HCM phân chia tài sản của vợ chồng 50/50, bên cạnh
bà Thảo liên tiếp việc tạo ra hàng loạt các vụ kiện tại Tòa án các nơi từ năm
2015 đến nay, nhằm gây rối, phá hoại tổ chức để buộc Nhà sáng lập – Chủ Tịch –
Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ phải giao quyền quản lý,
điều hành Tập Đoàn Trung Nguyên cho bà Thảo. Mặt khác, bà Thảo giành quyền nuôi
con và đề nghị Tòa án buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải chia cho 04 người con, mỗi
người 5% cổ phần của riêng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, để bà Thảo có thể chiếm
đa số cổ phần trong các công ty thuộc Tập đoàn, nhằm để bà Thảo quyết định toàn
bộ các vấn đề của Trung Nguyên. Điều này thể hiện sự dã tâm của bà Thảo khi
dùng mọi thủ đoạn để giành bằng được quyền quản lý, điều hành Tập đoàn Trung
Nguyên.
(iii) Để dọn đường
cho việc tiếp tục yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ mất năng lực hành vi dân sự và
rêu rao trước công chúng rằng ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị tâm thần, không có khả
năng quản lý Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo đã quay lén hình ảnh ông Đặng Lê
Nguyên Vũ ở trong tâm trạng chán chường, thất vọng vì “kiếp nạn” hôn nhân gia
đình của mình tại phiên hòa giải vào ngày 03/8/2018 và cho tung lên mạng xã hội,
tạo nên làn sóng dư luận tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh sự,
nhân phẩm của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên.
(iv) Đến ngày 16/8/2018, tức trước ngày Tòa án đưa vụ án ra xét xử 20 ngày, ông
Đặng Lê Nguyên Vũ nhận được từ Tòa án TP. Hồ Chí Minh đơn của bà Thảo tiếp tục
yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định để xác định Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng
giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ mất hay hạn chế năng lực hành
vi dân sự.
(v) Kể từ khi vụ
án “yêu cầu tuyên bố công dân mất năng lực hành vi dân sự” bị Tòa án có thẩm
quyền đình chỉ giải quyết, Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn tiếp tục tạo dư luận, gây
hoang mang về việc cho rằng Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn
Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ là người mất năng lực hành vi dân sự. Vì vậy,
ngày 13/7/2017, Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ đã yêu cầu Viện pháp y Tâm thần Trung ương/ Bộ Y tế giám định sức
khỏe tâm thần đã có kết luận số 48/17/GĐSKTT ngày 17/7/2017 về việc giám định sức
khỏe tâm thần với kết luận: “tại thời điểm giám định đối tượng Đặng Lê Nguyên
Vũ không có bệnh tâm thần, đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành
vi”.
(vi) 04 Bệnh viện
hàng đầu trong nước, gồm có: Bệnh viện đại học Y dược, Bệnh viện Pháp – Việt, Bệnh
viện tâm thần trung ương II và Viện pháp y tâm thần trung ương đều xác định ông
Đặng Lê Nguyên Vũ hoàn toàn khỏe mạnh, có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển
hành vi.
2. Liên tục phá
hoại Tập đoàn Trung Nguyên trên mọi phương diện để buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ
phải nhượng bộ quyền quản lý, điều hành.
Trong vòng 20 năm qua, chưa một ai (ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh cùng
ngành) phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên dữ dội và khốc liệt như bà Lê Hoàng Diệp
Thảo. Bà Thảo biết rằng, Tập đoàn Trung Nguyên chính là sinh mệnh, là cuộc đời,
là đứa con tinh thần của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nên việc hủy hoại Tập đoàn Trung
Nguyên chính là cách thức bà Thảo buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nhượng bộ
giao quyền quản lý, điều hành cho bà. Từ năm 2015 đến nay, bà Thảo đã liên tiếp
thực hiện hàng loạt các hành động có hệ thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên như sau:
(i) Ngày
16/10/2015, tại Trụ sở Tập đoàn Trung Nguyên số 82-84 Bùi Thị Xuân, phường Bến
Thành, Quận 1, TP.HCM, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cùng cộng sự đã chiếm đoạt 12 con
dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc
Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị
ngưng trệ do không có con dấu để giao dịch. (Vụ việc đã được Tòa án Tp.HCM
tuyên xử buộc bà Thảo phải hoàn trả con dấu và Giấy phép kinh doanh cho Công ty
CP Đầu tư Trung Nguyên theo Bản án sơ thẩm số 310/2018/KDTM-ST ngày 21-03-2018
về việc tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty).
(ii) Bà Thảo giả
mạo chữ ký của Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần)
của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu
với giá 01 SGD (Một đô la Singapore). (Vụ án đang được Tòa án tối cao Singapore
thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 07/4/2016 của
Cơ quan giám định Singapore).
(iii) Ngày 13/05/2016, bà Thảo đã chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn
Trung Nguyên tại Bắc Giang, để tự ý sản xuất, kinh doanh mà không tuân thủ quyết
định của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị và Đại Hội đồng cổ
đông.
(iv) Tháng
12/2016 và tháng 8/2017: bà Thảo đã yêu cầu Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ra
các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Nhà sáng lập – Chủ Tịch
– Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ với tư cách Chủ tịch Hội
đồng quản trị và đại diện theo pháp luật của các Công ty trong Tập đoàn Trung
Nguyên, khi vay mượn, chi tiêu cho các hoạt động kinh doanh…phải được sự đồng ý
trước bằng văn bản của bà Thảo. Mục đích của yêu cầu này là để triệt hạ toàn bộ
hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, khiến Tập đoàn không thể hoạt động và vận
hành vì không thể tiến hành bất kỳ giao dịch gì nếu không có sự đồng ý của bà
Thảo.
(v) Bà Thảo đã tự ý cùng gia đình của mình thành lập Công ty riêng mang tên có
yếu tố và logo mang một phần nhận diện của Tập đoàn Trung Nguyên (Công ty TNHH
MTV TNI) để tự sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp sản phẩm với chính
Công ty Trung Nguyên, mặc dù bà Thảo vẫn đang là cổ đông lớn trong công ty. Điều
này đã xâm phạm nghiêm trọng Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh và Luật doanh
nghiệp.
(vi) Bà Thảo đã
cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt ra bên ngoài về vai trò người sáng lập
Trung Nguyên và Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Trung Nguyên thành lập cơ sở kinh
doanh vào ngày 15/8/1996, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là chủ cơ sở kinh doanh. Đến
năm 1999, chuyển thành Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất
Thành, P. Tân Lập, Buôn Ma Thuột. Tháng 12/2002, Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên
chuyển đổi thành Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên với hai thành viên là (Đặng
Lê Nguyên Vũ) và cha là – ông Đặng Mơ. Đến ngày 27/4/2007, từ Công ty TNHH Cà
Phê Trung Nguyên chuyển đổi thành công ty Cổ phần Cà Phê Trung Nguyên và theo
Luật doanh nghiệp bắt buộc Công ty Cổ phần phải có ít nhất 03 cổ đông, vì vậy
ông Vũ và cha của mình đồng ý cho bà Thảo tham gia vào cơ cấu công ty với tỷ lệ
cổ phần là 10% vốn điều lệ. Như vậy, bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công
ty Trung Nguyên từ năm 2007 và tính đến nay chỉ 11 năm. Do đó, việc bà Thảo rêu
rao đã quản lý và điều hành Trung Nguyên hơn 20 năm là bịa đặt sai sự thật. Mặt
khác, từ khi Trung Nguyên thành lập (năm 1996) đến nay, cơ cấu quản lý, điều
hành không có chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ - là
người đã gầy dựng Trung Nguyên, quản lý, phát triển nó từ những ngày đầu thành
lập (năm 1996) đến nay.
(vii) Bà Thảo đã
thực hiện hành vi vu khống khi cho rằng Tập đoàn Trung Nguyên không chia cổ tức
cho cổ đông bà Lê Hoàng Diệp Thảo - mặc dù trước đó Tập đoàn Trung Nguyên đã
nhiều lần có văn bản chính thức yêu cầu cổ đông bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp
thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chi trả.
(viii) Bà Thảo
đã tạo ra hơn 10 vụ kiện đối với các Công ty trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên
và Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Và yêu
cầu Tòa án áp dụng 09 biện pháp khẩn cấp tạm thời để gây áp lực về pháp lý
và tâm lý cho Tập đoàn Trung Nguyên và hơn 5.000 lao động đang làm việc tại
đây.
3. Gây rối, đe dọa
nhân viên và cộng sự của ông Đặng Lê Nguyên Vũ trong cuộc tranh giành tài sản
và quyền quản lý, điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên
(i) Ngày
23/10/2015: trong khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn đang là Tổng giám đốc kiêm Chủ
tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần
Tập Đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên nhưng bà Thảo đã mạo
danh Hội đồng quản trị của để tự bổ nhiệm chính mình làm Tổng Giám đốc của các
công ty này và sử dụng con dấu đã chiếm đoạt để đóng dấu, ký tên bổ nhiệm bà Lê
Hoàng Diệp Thảo làm Tổng giám đốc các Công ty này. Sau đó đã gửi các Quyết định
bổ nhiệm bất hợp pháp này đến toàn thể nhân viên trong Tập Đoàn Trung Nguyên
thông qua hệ thống email nội bộ của toàn Tập Đoàn nhằm;
• Gây tâm lý
hoang mang cho toàn thể các cấp quản lý, người lao động về vai trò quản lý, điều
hành của ông Đặng Lê Nguyên Vũ;
• Gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp, danh dự và uy tín của ông Đặng Lê Nguyên
Vũ trong vai trò là Tổng Giám đốc hiện hành của các công ty nói trên.
(ii) Từ sau khi
TAND TP.HCM có quyết định đưa vụ án tranh chấp ly hôn ra xét xử vào ngày 05/9/2018,
bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nỗ lực quyết tâm đạt được mục tiêu đối với tài sản và
quyền quản lý, điều hành tại Tập đoàn Trung Nguyên. Vì vậy, bà Lê Hoàng Diệp Thảo
đã hàng ngày đưa nhiều thông tin sai lệch lên báo chí, các trang mạng xã hội,
nhất là bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã vu khống một số người lao động giữ chức danh
quản lý trong các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên như: khủng bố tinh thần bằng
tin nhắn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, kể cả có dấu hiệu hình sự liên quan đến
việc gây thương tích cho nhân viên. Nhằm đạt được mục đích và triệt hạ các nhân
sự đang làm việc tại Tập đoàn Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có nhiều
đơn tố cáo gây hoang mang cho người lao động nhằm làm tê liệt hoạt động kinh
doanh và mọi nỗ lực phấn đấu của Tập đoàn Trung Nguyên.
(iii) Ngày 13/04/2018, bà Thảo có đơn vu khống gửi đến Cơ quan Công an TP.HCM,
Công an tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh Đắk Lắk với âm mưu đẩy Nhà sáng lập – Chủ
Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và các cấp quản lý
vào tù bằng việc vu khống Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn
Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tuyên truyền tôn giáo lạ; tố cáo Tập đoàn Trung
Nguyên trốn thuế; Vu khống các cán bộ chủ chốt (17 cán bộ quản lý cấp cao của
Trung Nguyên) thao túng, lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của Công ty.
(iv) Khi kết quả đã được các Cơ quan Công an có thẩm quyền xác minh, làm rõ và
bác bỏ các yêu cầu này của bà Thảo, thì đến tháng 09/2018 bà Thảo tiếp tục dựng
chuyện, tố cáo Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ tham gia Tổ chức phản động Việt Nam lưu vong Việt Tân ở Mỹ để nhằm
mục đích đưa Nhà sáng lập – Chủ Tịch – Tổng Giám Đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng
Lê Nguyên Vũ vào tù bằng mọi giá, để mau chóng thâu tóm toàn bộ quyền điều hành
Tập đoàn Trung Nguyên.
(v) Với hàng loạt
các sự kiện diễn ra ở trên cho thấy, dã tâm của bà Thảo là chiếm đoạt bằng được
Tập đoàn Trung Nguyên. Và để đạt được điều này, cách nhanh nhất là ông Đặng Lê
Nguyên Vũ phải mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ có như thế, bà Thảo mới danh
chính ngôn thuận tiếp quản toàn bộ Tập đoàn, toàn bộ tâm huyết và sản nghiệp mà
ông Đặng Lê Nguyên Vũ và gia đình đã gầy dựng 20 năm qua với một vai trò hết sức
hợp pháp, là “người giám hộ” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ như bà Thảo đã thừa nhận
tại Đơn gửi Tòa án Quận 3 vào ngày 06/5/2015.
Tuy nhiên, bất
chấp những hành vi sai trái của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tập đoàn Trung Nguyên vẫn
giữ vững sự tăng trưởng đột phá trong hoạt động kinh doanh. Căn cứ vào kết quả
hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn Trung Nguyên theo báo cáo tài chính (đã được
Công ty KPMG Việt Nam kiểm toán) tại các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017
ghi nhận tổng lợi nhuận (sau thuế) của Tập Đoàn lần lượt các năm như sau:
(i) Năm 2012 tổng lợi nhuận là: 152 tỷ đồng
(ii) Năm 2013 tổng lợi nhuận là: 287 tỷ đồng
(iii) Năm 2014 tổng lợi nhuận là: 1.294,8 tỷ đồng
(iv) Năm 2015 tổng lợi nhuận là: 808,5 tỷ đồng
(v) Năm 2016 tổng lợi nhuận là: 768,4 tỷ đồng.
(vi) Năm 2017 tổng lợi nhuận là: 682 tỷ đồng
Như vậy, tổng lợi nhuận sau thuế của 04 năm gần nhất (2014, 2015, 2016, 2017) đều
đạt ở mức trên 680 tỷ đồng. So với lợi nhuận năm 2012 và năm 2013 thì lợi nhuận
của các năm 2014, 2015, 2016, 2017 tăng gấp 3, gấp 4 lần. (Theo Báo cáo tài
chính của Tập Đoàn Trung Nguyên đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán KPMG)
Suốt trong thời
gian qua, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên luôn giữ sự im
lặng, luôn ở thế tự vệ chính đáng trước mọi thông tin bịa đặt, vu khống cùng
các hành vi sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trên các phương tiện truyền
thông. Bà Thảo luôn mạo danh vì tình yêu, nhân danh vì trách nhiệm đối với chồng,
với con; luôn mạo danh trách nhiệm vì cứu Trung Nguyên để che đậy cho âm mưu và
hàng loạt các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt Trung Nguyên. Vì luôn nghĩ đến 20 năm
tình nghĩa vợ chồng, tình thương, trách nhiệm đối với 4 người con chung và một
phần công lao đóng góp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trong thời gian qua; đồng thời
vẫn luôn mong hy vọng bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ hồi tâm chuyển ý, cải sửa những
lỗi lầm, sai phạm đã gây ra trong thời gian qua. Nhưng càng im lặng, càng nhẫn
nhịn thì bà Lê Hoàng Diệp Thảo càng tiếp tục lấn lướt, càng gia tăng tấn công
pháp lý liên tục và dồn dập, gây sức ép với ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng Tập đoàn
Trung Nguyên; càng có những hành vi vu khống, thông tin bịa đặt, cung cấp thông
tin sai sự thật…nhằm dồn ép ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đến
bước đường cùng, không còn tình nghĩa vợ chồng để đạt được mục đích chiếm đoạt
Trung Nguyên bằng mọi cách. Vì vậy, Tập đoàn Trung Nguyên buộc phải lên tiếng
và cung cấp đầy đủ thông tin rộng rãi đến các cơ quan truyền thông nhằm bảo vệ
danh dự và uy tín của thương hiệu Trung Nguyên, của cá nhân ông Đặng Lê Nguyên
Vũ.
Tập đoàn Trung
Nguyên hoàn toàn tin tưởng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông,… sẽ sử
dụng những thông tin có kiểm chứng, xác thực và minh bạch, nhằm giúp làm sáng tỏ
mọi việc đến công luận và người tiêu dùng; hy vọng các cơ quan truyền thông,
các nhà báo thông tin một cách đầy đủ, khách quan và trung thực nhất để Tập
đoàn Trung Nguyên cùng toàn thể 5.000 người lao động có thể an tâm làm việc, tự
chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như vượt qua những khó khăn pháp
lý và tâm lý do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã tạo ra bằng mọi phương cách.
Chúng tôi xin chân thành và trân trọng cảm ơn!
TP.HCM, ngày 21
tháng 9 năm 2018
Thừa ủy quyền của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc Tập Đoàn Trung
Nguyên
Giám đốc truyền thông
VÕ THỊ HÀ GIANG