Trong kịch mục đồ sộ hàng dăm chục kịch bản đãđược dựng trên sân khấu cả nước của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988) thì kịch bản “Hồn Trương Ba Da hàng thịt”của ông đã gánh chịu số phậnthậtlong đong, vất vả. Viết xong năm 1981, kịch bản này bị cho là có vấn đề về phản ánh hiện thực, bị nằm im trong ngăn kéo bản thảo của Lưu Quang Vũ 5 năm. Sau nhiều nỗ lực của Nhà hát Kịch VN và đạo diễn NSND Nguyễn Đình Nghi, từ kịch bản này, năm 1986 đã ra đời vở diễn chói sáng và lộng lẫy nhất của Nhà hát kịch Việt Nam thập niên cuối thế kỷ 20. Thành công liên tiếp theo thời gian,đến nay, “Hồn Trương Ba Da hàng thịt” đã thành vở diễn thể loại kịch, theo tôi, có lẽ là duy nhất ở sân khấu Việt hiện đại, đạt tới một số phận văn hóa.



Hồn Trương Ba Da hàng Thịt - Vở diễn đạt đến số phận văn hóa

NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Một. Cơ duyên với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi
Dù khởi đầu thiếu may mắn, bị “ngủ đông” 5 năm mới được dàn dựng, song, sự xuất hiện như một tác gia kịch trẻ trung, đầy tinh thần đổi mới, đi tiền phong trong cách viết kịch ngay thời kì đầu đổi mới văn nghệ, kịch bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” (HTBDHT) tuy mang dáng dấp câu chuyện dân gian, nhưng lại đầy ắphơi thở hiện đại, trên tinh thần phản biện xã hội rất khảng khái và nồng nhiệtcủa Lưu Quang Vũ. Chỉ tính nguyên một con giáp, từ 1986 ra đời cho đến 1998, bằng hiệu ứng xã hội và nghệ thuật đã đạt được, HTBDHT đích thực trở thành vở diễn có số phận văn hóa.Từ đó đến nay, vở diễn mặc nhiên mang tính mẫu mực của một tác phẩm kịch kinh điển trong kịch mục của chính nhà hát Kịch VN.
Vậy kịch bản này đã đặc biệt hấp dẫn đạo diễn Nguyễn Đình Nghi bằng phẩm chất văn chương nào, để ông nhất định dàn dựng cho bằng được, bất chấp mọi định kiến về nó?
Theo tiêu chí mỹ học về nghề đạo diễn của Nguyễn Đình Nghi, ngay lần chạm mặt đầu tiên, ông Nghi đãtìm ra cách rất riêng để giải thích tính đa nghĩa của kịch bản văn học này. Cẩn trọng tránh xa cách hiểu kịch bản sai lạc lúc bấy giờ, cho rằng văn bản HTB DHT được viết với ngôn ngữ cạnh khóe, có ý “chửi xéo” lề lối làm việc tắc trách, đầy thói dửng dưng vô trách nhiệm của một thời mà tệ quan liêu bao cấp tràn lan như dịch hạch, Nguyễn Đình Nghi đã tỉnh táo lướt qua bề ngoài có vẻ“cạnh khóe” của ngôn ngữ HTBDHT, để bóc lấy cái hạt nhân cơ bản bên trong, chính là nỗi đau nhân thế, nằm chìm dưới đáy sâu của kịch bản này. Không ai không đau đớn khi phải sống phận tha nhân: hồn của mình“ăn đậu ở nhờ” trong xác kẻ khác, nên đã phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu cảnh sống “hai mang”: hồn nọ xác kia.
Đặt ra tình huống kịch thật sắc sảo, mang tính “giả định” thâm sâu, Lưu Quang Vũ đã “dựng đứng” trong HTBDHT một câu hỏitriết học-thế sự cho nhân vật chính là Hồn ông Trương Ba trong xác anh thịt rằng:liệu ông còn muốn tiếp tục sống phận “hai mang” oái oăm, nhục nhã như thế nữa không? Câu trả lời của tác giả kịch, cũng là lựa chọn cuối của nhân vật chính, khikết thúcvở kịch là: Không! Không đời nào! Hồn mình phải được sống trong thân xác của chính mình, mà không có lựa chọn nào khác! Trong diễn tiến căng thẳng và khốc liệt của kịch tính, Lưu Quang Vũ đã trình bày và lý giải quá trình vỡ lẽ đau đớn, khắc khoải, đầy trăn trở của hồn ông Trương Ba trong xác anh hàng thịt, xuyên suốt 7 cảnh kịch, như một thử nghiệm sống cay đắng, khi phải chấp nhận thân phận “tha nhân”, để buộcphải tìm về giá trị bản nguyên của chính mình, chứ khôngchịu sốngthêm nữa, cảnh “kí gửi” vào kẻ khác. Hãy sống bằng chính giá trị bản thân,là chính mình, trong sự nhất thể giữa hồn và xác của mình! Và khởi đi từ đó, cuộc hạnh ngộ đẹp đẽ nhất giữa ngôn ngữ văn học vốn “phi vật thể” của Lưu Quang Vũ với ngôn ngữ dàn dựng sân khấuđược“vật thể hóa” thành vở diễn của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đã được bắt đầu như thể một cơ duyên.
Bởi ngay từ đầu đã có cái nhìn xuyên thấu tận đáy văn học kịch bản HTBDHT, và lập tức thành kẻ tri âm đầu tiên của nó, Nguyễn Đình Nghi thực sự mê đắm cái tứ kịch của HTBDHT đậm đặc chất bi kịch-triết học “hồn nọ buộc phải sống trong xác kia”, cùng chất liệu dân gian hồn hậu, tự tại của câu chuyện kịch. Và ông Nghi còn bị mê hoặc bởi lối viết kịch thông minh, hài hước, sắc bén theo cấu trúc giả định, với ngôn ngữ đối thoại có chiều sâu văn chương, (mà ông biết chắc, khi lên sân khấu, sẽ được biến hóa thành nghệ thuật thốt lời, đem lại vẻ đẹp tiềm-đài-từ của nghệ sĩ giỏi nghề khi thể hiện vai diễn), nên, ông Nghi đã biết chắc: việc chuyển hóa tất cả phẩm chất văn chương ấy lên sân khấu, bằng ngôn ngữ dàn dựng do ông đạo diễn, sẽ cầm chắc… thành công. Thêm nữa, cái chất liệu văn chương dân gian thấm đẫm trong kịch bản này còn kích thích ông sáng tạo, vận dụng các ngón nghề đạo diễn mà ông đã học được từ cả sân khấu cổ truyền Việt Nam lẫn sân khấu phương Tây hiện đại.

Hai. Vai kịch để đời của NSND Trọng Khôi
Năm 1990, Liên hoan sân khấu kịch quốc tế được tổ chức tại Matxcơva, thủ đô Liênxô, với hàng chục nước Đông Âu tranh tài. Tôi du học ở St-Peterbourg, đi tàu đêm lên Matxcơva, vào nhà hát tận mắt chứng kiến vở kịch HTBDHT trổ tài trên đấu trường quốc tế, với phong cách đạo diễn rất độc đáo, hiện đại của Nguyễn Đình Nghi và vai diễn chính cũng rất độc đáo và hiện đại của Trọng Khôi, vai anh Hàng thịt, cùng dàn diễn viên thiện nghệ của Nhà hát Kịch VN: Mỹ Dung vai vợ ông Trương Ba,Trần Tiến vai Tiên Cờ, Trần Thạch vai Trương Ba, Lan Hương vai vợ anh Hàng thịt, Anh Dũng vai con trai, Bích Thu vai con dâu…Trong dàn diễn viên gạo cội ấy, quả thật là Trọng Khôi chói sáng, với vai kịch đã đạt tầm cỡ quốc tế, theo đánh giá của cuộc họp báo quốc tế được tổ chức trang trọng ngay sau đêm diễn, với những tràng pháo tay vang dội, những cơn mưa hoa và những đánh giá cao nhất của những đồng nghiệp và nhà báo dành cho vở diễn của Việt Nam, và đặc biệt, dành cho vai diễn để đời của Trọng Khôi.
Trong vở kịch, Trọng Khôi là vai diễn đã gánh vác toàn bộ sức nặng của tấn bi kịch “tha nhân” mà Lưu Quang Vũ đã đặt vào kịch bản sắc sảo nhất của mình. Hiểu rõ diễn xuất “hai mang” của nhân vật Hồn Trương Ba, Da hàng thịt, cộng hưởng sáng tạo với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, đọc “vỡ chữ” những ý chìm sâu trong tính cách nhị nguyên của nhân vật này, Trọng Khôi đàng hoàng đĩnh đạc bước vào thế giới nội tâm đầy khắc khoải, giằng xé lưỡng cực của nhân vật Hồn Trương Ba trong thể xác anh hàng thịt. Với bản lĩnh nghệ thuật cao cường, Trọng Khôi đã đi cùng nhân vật của mình qua những chặng đường cam go nhất của cuộc sống “lưỡng phân”, với xử lý diễn xuất chói sáng bản lĩnh chuyên nghiệp. Cảnh kịch mà Trọng Khôi diễn đạt tinh tế, nồng nàn nhất trong vở kịch chính là cảnh cao trào: Nghe vợ anh hàng thịt thổ lộ tình yêu với tâm hồn Trương Ba, chứ không phải cái thân xác thô lậu của anh hàng thịt chồng mình, hồn Trương Ba đã run rẩy xúc động và chỉ một chút xíu nữa đã không ngăn nổi mình ngã vào lòng người đàn bà đang phải lòng mình. Song hồn Trương Ba đã kịp dừng lại trong xác anh hàng thịt, đã chế ngự được lửa lòng đang ngùn ngụt cháy lên và đã chối từ được tình yêu của vợ anh hàng thịt, mặc dù chính ông cũng cầm lòng không đậu. Phải nhận thực rằng đây là cảnh yêu đương đẹp rực rỡ lãng mạn và thật hiếm hoi trên nền văn hóa Á Đông trong xử lý phong nhã cảnh nóng trên sân khấu của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi. Màu sắc Á Đông này như thể hồi quang của sân khấu Chèo cổ Việt Nam đã “ăn mặn” vào cách dàn dựng một cảnh nóng của Nguyễn Đình Nghi, đẹp và phong nhã đến mức không nhấp nháy bất cứ một tín hiệu gợi dục tầm thường nào cho người xem…
Và ở một cảnh khác, Trọng Khôi đã đẩy tính kịch lên tới đỉnh điểm cần thiết phải “xé đôi” mình thành hai nhân vật (theo yêu cầu của kịch bản và xử lý đạo diễn), khi ông hiểu đã đến lúc Hồn Trương Ba chịu hết nổi cảnh sống chung với “da hàng thịt”. Cảnh này đã đạt tới sự hài hòa của ba vẻ đẹp vốn ít chịu đi cùng nhau trong cùng một vở diễn sân khấu: vẻ đẹp ngôn từ của chữ nghĩa văn chương, của ngôn ngữ dàn cảnh đạo diễn và ngôn ngữ biểu diễn nhân vật của diễn viên. Trong vở kịch HTBDHT, cả ba đã tổng hòa thành một khối nhất nguyên trọn vẹn của cái đẹp và cùng bùng nổ trên sân khấu khiến người xem choáng ngợp. Bao trùm trên hết, chính là bản lĩnh nghề nghiệp của Trọng Khôi, một nghệ sĩ lớn đã biết dâng hiến hoàn hảo tài năng cho một vai kịch lớn.
Cho nên, khi HTBDHT đã thành công trên kịch trường quốc tế, đã chiếm huy chương vàng, được chấm giải vở diễn thành công nhất của Hội diễn Kịch Quốc tế Mátxcơva 1990 và sau này, vở diễn tiếp tục chinh phục công chúng tại hơn 20 trường đại học Mỹ năm 1998, trong chương trình giao lưu sân khấu Việt Mỹ, ngay sau đó là biểu diễn trích đoạn “Cái chết của anh hàng thịt” cho Hội thảo sân khấu Châu Á tại Hà Nội, rồi vở diễn lại rong ruổi vào Nam hợp diễn diễn viên hai miền Nam Bắc trong cùng vở diễn này, cũng dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi…thì sau tất cả thành công vể mọi phương diện sân khấu ấy, nó xứng đáng đạt tới một số phận văn hóa.
Đặc biệt, với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, bằng một kịch bản xuất sắc về văn chương, ông đã là ngọn nguồn văn hóa cho số phận văn hóa ấy của vở kịch Hồn Trương Ba, da Hàng thịt .Và vở diễn này chính là điểm son lộng lẫy trong Giải thưởng Hồ Chí Minh cho toàn bộ sự nghiệp văn chương và kịch nghệ của Lưu Quang Vũ…

Ba.Tính hiện đại là linh hồn kịch Lưu Quang Vũ
Khởi nguồn đời viết, Lưu Quang Vũ đã là một thi sĩ theo đúng nghĩa đầy đặn và lấp lánh tài năng bẩm sinh của một nhà thơ thứ thiệt. Trong những bài thơ hay nhất của anh, người đọc đã chỉ nghe thấy tiếng “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” từ một tâm hồn thơ lãng đãng bay bổng như mây trắng: “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”.
Nhưng khi bước vào thế giới kịch nghệ, với sự rạch ròi quyết liệt của bản thân thể loại kịch, Lưu Quang Vũ đã trở thành/trưởng thành một nhà viết kịch hiện đại, với tất cả những ưu thời mẫn thế về cuộc sống của xã hội hiện đại, nhất là những vấn đề thuộc về con người, đang liên tục nảy sinh từ cuộc sống đô thị ở Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ 20, khi văn học thời kì đổi mới lên ngôi, và tạo ra một trường sáng tác mới mẻ cho những nhà văn đổi mới như Lưu Quang Vũ trong viết kịch, Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn và Nguyễn Quang Thiều trong thơ trữ tình chẳng hạn. Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy cái viết của mình đầy ưu thế khi viết những kịch bản dàn trận tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ và cái tích cực, tiến bộ. Các kịch bản của Lưu Quang Vũ, vì thế, mang nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi rói từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương của Lưu Quang Vũ với cuộc đời. Ngoài những vấn đề triết học nhân sinh đã được ráo riết đặt ra trong kịch bản HTBDHT, kịch bản của Lưu Quang Vũ luôn dựng dậy những vấn đề thời sự của đời sống đô thị khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, được gợi mở…đến mức có thể thay đổi hành vi, thay đổi cả nhận thức và lối sống.
Với một cách viết kịch bản nồng nhiệt đầy tính khai phá hiện thực như thế, Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành một hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, đã có công vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem, bởi sự thiếu vắng những kịch bản hay, những kịch bản ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại. Sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ, với việc ra mắt liên tiếp những kịch bản mới và hay đã làm đầy sự thiếu vắng, hẫng hụt về kịch bản của cả một nền sân khấu trong thập kỉ 80 của thế kỷ 20. Chỉ trong khoảng một chục năm, trước khi mất vì tai nạn giao thông cùng với bạn đời là thi sĩ Xuân Quỳnh, con trai Quỳnh Thơ năm 1988, Lưu Quang Vũ đã kịp có một gia tài đồ sộ khoảng 50 kịch bản đã được xuất bản và dàn dựng, từ kịch bản đầu tay, viết năm 1979: Sống mãi tuổi 17, và liên tiếp sau đó là Hồn Trương Ba, da Hàng thịt, Người tốt nhà số 5, Ông vua hóa hổ, Tôi và chúng ta, Người trong cõi nhớ, Nguồn sáng trong đời, Nàng Si ta, Trái tim trong trắng, Vụ án 2000 ngày, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Hoa cúc xanh trên đầm lầy…Hầu như, khi sinh thời của Lưu Quang Vũ, trong hơn 100 nhà hát và đơn vị sân khấu toàn quốc, không một nơi nào lại không dựng kịch và ham muốn dựng kịch của Lưu Quang Vũ…