Ông Nguyễn Quyết Thắng chia sẻ: "Học giả Nguyễn Hiến Lê rất tôn trọng vấn đề bản quyền. Trước khi dịch bản "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi và vui sống, ông đều xin phép trực tiếp tác giả (dẫn chứng ở trang đầu phiên bản cũ từ những năm 1950-1952). Là người gìn giữ gia tài văn hoá của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước. Ngày hôm nay, 15-8, tôi công bố chính thức chọn MCBooks là đơn vị được chuyển giao bản quyền của toàn bộ 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê". 



TRAO BẢN QUYỀN TOÀN BỘ TỦ SÁCH NGUYỄN HIẾN LÊ

Sáng 15-8, tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM) đã diễn ra buổi giới thiệu những cuốn sách đầu tiên nằm trong 120 tựa sách của học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong đó, phải kể đến những cuốn sách đặc biệt như "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống"… Ông Nguyễn Quyết Thắng – người đang thay mặt gia đình quản lý bản quyền toàn bộ 120 cuốn sách của học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê - đã có mặt tại buổi lễ.
Ông Thắng chia sẻ: "Học giả Nguyễn Hiến Lê rất tôn trọng vấn đề bản quyền. Trước khi dịch bản "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi và vui sống, ông đều xin phép trực tiếp tác giả (dẫn chứng ở trang đầu phiên bản cũ từ những năm 1950-1952). Là người gìn giữ gia tài văn hoá của học giả quá cố, tôi vẫn luôn tâm nguyện tìm người đủ tầm và có tâm để phát triển tủ sách Nguyễn Hiến Lê đến độc giả cả nước. Ngày hôm nay, 15-8, tôi công bố chính thức chọn MCBooks là đơn vị được chuyển giao bản quyền của toàn bộ 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê". 
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc MCBooks, đơn vị đã gây dựng tủ sách Nguyễn Hiến Lê - cho hay ông biết đến cụ Nguyễn Hiến Lê lần đầu tiên khi còn là cậu bé bán sách vỉa hè cách đây 20 năm. Tình cờ trong số sách cũ mà ông  bán có 1 cuốn sách mang tên "Đắc nhân tâm" bản dịch Nguyễn Hiến Lê.  Ông đã bị cuốn vào cuốn sách đó, cuốn sách đã giúp ông thay đổi và định hướng tương lai. "Có thể nói đây chính là cuốn sách đã giúp tôi đổi đời. Cho đến nay, tôi đã đọc gần như tất cả các bản dịch "Đắc nhân tâm" nhưng bản dịch của Nguyễn Hiến Lê vẫn là bản dịch hay nhất, đọc sách dịch mà ngỡ như đang được chia sẻ, rất gần gũi và dễ tiếp thu" - ông Cường nói. 
Đời văn của Nguyễn Hiến Lê là một hiện tượng hiếm thấy ở nước ta. Nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú..., trong khoảng thời gian 20 năm (1955-1975), ông cho ra đời 100 tác phẩm, trong đó nhiều cuốn 3, 4 tập và rất có giá trị. Những cuốn sách của ông đã giúp ích cho không biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc tìm thấy kim chỉ nam cho cuộc đời.

HOÀ BÌNH – Người Lao Động