Trao đổi xung quanh nghi án “Thơ Dự Thi là… thơ đạo”, quan điểm của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh từ Thái Nguyên: “Một số người nói đã sử dụng dữ liệu từ thơ người khác thì phải dẫn nguồn. Điều này không hẳn đã nhận được hoàn toàn đồng thuận của tất cả mọi người. Tôi cho dẫn nguồn là thao tác kỹ thuật, là việc NÊN làm trong một bài thơ nếu có sử dụng dữ liệu từ một bài thơ khác, chứ không bắt buộc PHẢI LÀM nghiêm cẩn như trong nghiên cứu khoa học. Nếu thiếu thao tác đó thì như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn nói, là thiếu chuyên nghiệp. Nhưng dù thiếu dẫn nguồn, thiếu chuyên nghiệp thì cũng không có nghĩa là Trần Gia Thái đạo văn…”



TRẦN GIA THÁI CÓ ĐẠO THƠ KHÔNG?

NGUYỄN THÚY QUỲNH

(Trao đổi xung quanh nghi án “Thơ Dự Thi là… thơ đạo?” in trên lethieunhon.vn)

Những người lên án Trần Gia Thái dựa trên ba chi tiết giống nhau trong hai bài thơ: 1. “cơ thể 90% là nước”, 2. “cơ thể 90% là tình yêu”. 3. “bã thải”.
Họ cũng khẳng định rằng, cách lập tứ và cách triển khai bài thơ của “Tỷ lệ” và “Trong cơ thể mỗi con người bình thường” là y hệt nhau.
1.
Chi tiết giống nhau - đúng vậy. Nhưng có là đạo không?
Ai cũng thấy là bài “Tỷ lệ” của TGT rất liên quan đến bài kia. Thậm chí, chúng ta còn phán đoán rằng bài của TGT có thể được gợi cảm hứng từ bài “Tỷ lệ”, và đã sử dụng dữ liệu (1), (2), (3) từ đó.
Vì sao sử dụng lại? Vì TGT dẫn lại để trao đổi suy nghĩ của mình về chính vấn đề đó, tức là cái tỷ lệ 90% đó. Nếu không dẫn lại, lấy gì mà trao đổi?
Trao đổi cái gì?
Rằng, cái tỉ lệ 90% không phải như ông nhà thơ, ông “nhà khoa học”, ông “nhà chính trị” nghĩ đâu. Cho dù tuyệt đại đa số là “quá tốt”, là “áp đảo” ở trong một con người hay trong một cộng đồng xã hội, thì hãy nhìn kia, phân chim vẫn phủ trắng trên đầu trên vai các vĩ nhân đấy. Cái xấu, cái ác 1% đã quá thừa.
Trao đổi là thế.
Vậy không dẫn lại lấy gì mà trao đổi?
Tôi gọi đấy là đối thoại.
Trần Gia Thái viết: Nhà khoa học nói.../Nhà thơ nói.../Chính trị gia nói... Tức là TGT đang dẫn lời người khác, không phải lời của tác giả. Vậy cũng gọi là đạo ư?
2.
Về cách lập tứ, cách triển khai bài thơ - có “y hệt” hay không.
Bài “Trong cơ thể mỗi con người bình thường” , tác giả dùng thủ pháp song song, các khổ thơ cùng một tuyến triển khai, cùng một nhịp đi.
Bài “Tỷ lệ”, tác giả dùng thủ pháp đối lập, hai khổ cuối phản bác lại nội dung ba khổ đầu.
Vậy có gọi là y hệt nhau không?
3.
Ngoài ra - đây là ý tôi - về tinh thần thơ: Hai bài mang hai tinh thần khác nhau hoàn toàn.
Voznesensky nêu ra một tỉ lệ 90% đáng – tin - cậy với tinh thần tích cực. Vì tinh thần tích cực nên bài thơ mang giọng điệu lạc quan, ấm áp, có phần thiết tha. 
Trần Gia Thái lập luận để chứng minh rằng cái tỉ lệ 90% áp đảo, đa số kia là không – đáng - tin - cậy. Với giọng điệu giễu nhại, bài thơ được viết với mục đích phủ định cái tỉ lệ 90% kia, và đưa ra góc nhìn cảnh báo, đáng lo lắng về cái xấu, cái ác dù rất ít ỏi nhưng vẫn đáng sợ, chứ không phải “không đáng ngại”, “không đáng lo”, “tuyệt vời”, “yên chí đi” như nhà khoa học, nhà thơ, nhà chính trị - các nhân vật giả định trong bài thơ – đang cổ vũ. 
4.
Một số người nói đã sử dụng dữ liệu từ thơ người khác thì phải dẫn nguồn. Điều này không hẳn đã nhận được hoàn toàn đồng thuận của tất cả mọi người (quý vị có thể xem thêm ở FB Nguyễn Hoài Nam) Ok, tôi cho dẫn nguồn là thao tác kỹ thuật, là việc NÊN làm trong một bài thơ nếu có sử dụng dữ liệu từ một bài thơ khác, chứ không bắt buộc PHẢI LÀM nghiêm cẩn như trong nghiên cứu khoa học. Nếu thiếu thao tác đó thì như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn nói, là thiếu chuyên nghiệp. Nhưng dù thiếu dẫn nguồn, thiếu chuyên nghiệp thì cũng không có nghĩa là Trần Gia Thái đạo văn. Đạo là ăn cắp, bảo một ai đó ăn cắp văn là chuyện liên quan đến danh dự của người ta, không phải đơn giản thấy vài chữ giống giống mà kết luận vội vàng được.
Tôi nghe một người bạn ở Hà Nội nói con trai ông Trần Gia Thái hỏi ông ấy: “Bố ơi, có phải bố đạo văn không?”. Mong rằng bạn ấy đọc được stt này.


Nguồn: facebook Nguyễn Thúy Quỳnh