Thị trường nghe nhạc trực tuyến cần cải cách mạnh mẽ
Chúng ta không thể phủ nhận được, thị trường showbiz Việt Nam được hình thành trên một nền tảng đông đảo không chắc chắn. Đó là tiềm năng...
http://www.lethieunhon.vn/2018/08/thi-truong-nghe-nhac-truc-tuyen-can-cai.html
Chúng ta không
thể phủ nhận được, thị trường showbiz Việt Nam được hình thành trên một nền tảng
đông đảo không chắc chắn. Đó là tiềm năng về lực lượng người nghe rất cao (90
triệu dân số) nhưng tỷ lệ những người sẵn sàng trả tiền cho việc nghe nhạc thì
lại vô cùng nhỏ. Những lượt nghe được ví dụ kể trên với "Bùa
yêu" và "Người ta có thương mình đâu" đều đến từ đại đa số thính
giả Việt. Và số người Việt đăng ký sử dụng 1 nền tảng nghe nhạc trực tuyến có
trả phí hằng tháng vẫn còn rất nhỏ. Đó cũng là lý do trong vài năm qua, rất nhiều
nền tảng OTT đã ra đời với kỳ vọng bắt kịp xu thế thời đại nhưng cuối cùng đều
thất bại cay đắng chỉ vì không thể thuyết phục được người dùng trả tiền cho những
sản phẩm mà họ thụ hưởng.
Thị trường nghe
nhạc trực tuyến cần cải cách mạnh mẽ
VĂN ĐOÀN
"Bùa
Yêu" (78 triệu - 14 triệu - 880 ngàn), "Người ta có thương mình
đâu" (6,5 triệu - 241 ngàn - 63 ngàn), hai cái tên điển hình, và những con
số đi kèm với chúng mang ý nghĩa gì? Thứ nhất, đó là hai ca khúc mới được ra mắt
thời gian gần đây, và trở thành hits trong showbiz. Thứ hai, các con số đi kèm,
theo thứ tự là lượt xem trên youtube (chính thức), lượt nghe trên trang nghe nhạc
trực tuyến (chính thức) của Việt Nam và cuối cùng là lượt nghe trên spotify, một
nền tảng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới đã và đang tham gia thị trường
Việt Nam. Những con số có cách biệt quá xa với nhau giữa các nền tảng miễn phí
(youtube và các nền tảng nghe nhạc trực tuyến nội địa) với spotify cho thấy một
khác biệt rất lớn của thị trường âm nhạc Việt Nam so với mặt bằng chung của thế
giới. Trên thế giới, thước đo về lượt nghe trên những nền tảng như Spotify,
Apple Music, Pandora, Google Music… là những thước đo không chỉ thể hiện tầm
phát tán, sức ảnh hưởng, danh tiếng của nghệ sỹ mà còn thể hiện cả doanh thu trực
tuyến của họ.
Rõ ràng, chúng
ta không thể phủ nhận được, thị trường showbiz Việt Nam được hình thành trên một
nền tảng đông đảo không chắc chắn. Đó là tiềm năng về lực lượng người nghe rất
cao (90 triệu dân số) nhưng tỷ lệ những người sẵn sàng trả tiền cho việc nghe
nhạc thì lại vô cùng nhỏ. Những lượt nghe
được ví dụ kể trên với "Bùa yêu" và "Người ta có thương mình
đâu" đều đến từ đại đa số thính giả Việt. Và số người Việt đăng ký sử dụng
1 nền tảng nghe nhạc trực tuyến có trả phí hằng tháng vẫn còn rất nhỏ. Đó cũng
là lý do trong vài năm qua, rất nhiều nền tảng OTT đã ra đời với kỳ vọng bắt kịp
xu thế thời đại nhưng cuối cùng đều thất bại cay đắng chỉ vì không thể thuyết
phục được người dùng trả tiền cho những sản phẩm mà họ thụ hưởng. Kèm theo với ý
thức chưa chịu trả tiền cho các sản phẩm văn hoá mà mình sử dụng trực tuyến của
người dùng Việt Nam, xâm hại bản quyền cũng là một nguyên nhân lớn nữa dung dưỡng
cho thói quen xấu ấy của người dùng.
Nếu chúng ta gõ
tên một ca khúc Việt Nam bất kỳ trên thanh công cụ tìm kiếm của google, chúng
ta sẽ có hàng chục, nếu không nói là cả trăm kết quả là những đường dẫn tới những
website cho nghe nhạc miễn phí. Những website đó lại thường được xây dựng kiểu
đánh nhanh rút gọn, với server không đặt ở trong nước và khi một trang này bị
cơ quan quản lý phát hiện và xử lý, lập tức trang phụ của nó sẽ nổi lên thế
chân để tiếp tục hành vi ăn cắp bản quyền. Trước tình trạng
ấy, bắt đầu manh nha việc những nhà sản xuất, nghệ sỹ Việt Nam bày tỏ thái độ bằng
hành động "không chơi với các nền tảng nghe nhạc miễn phí trong nước".
Thay vào đó, họ thông qua các công ty đại lý và trung gian ở trong nước để phát
hành trực tiếp trên những nền tảng quốc tế, nơi mà bạn chỉ có thể nghe nếu bạn
chịu bỏ tiền. Đây quả thật là
hành động dũng cảm bởi nó có thể khiến các dự án của nghệ sỹ không tạo tiếng
vang lẫy lừng khi phát hành tại các nền tảng miễn phí trong nước nhưng nó cũng
khiến các nền tảng lâu năm như Zing hay Nhạc Của Tui phải giật mình.
Tất nhiên, để
các nền tảng trong nước chuyển mình mạnh mẽ, đi theo hướng áp đặt người sử dụng
phải từ bỏ thói quen chỉ nghe, xem miễn phí, sẽ cần thời gian rất dài, cùng nhiều
tác động mạnh mẽ từ các cơ quan quản lý văn hoá. Đặc biệt là khi vẫn có nhiều
nghệ sỹ trẻ, nhất là những người mới thành danh hoặc đang ngấp nghé thành danh,
đang tận dụng chính sự miễn phí kia để tạo lập vị trí cho mình trong showbiz. Họ suy nghĩ rằng,
cứ nổi tiếng trước đã rồi hẵng tính sau. Để rồi khi nổi tiếng, họ mới bắt đầu
có những động thái thắt chặt lại với những nền tảng mà họ từng cậy nhờ kia. Thế
mới nói, khi chính nghệ sỹ muốn kiếm tìm sự dễ dãi, họ sẽ đến lúc phải trả giá
cho chính sự dễ dãi ấy.
Thị trường nghe
nhạc trực tuyến Việt Nam sẽ còn phải làm rất nhiều để thay đổi ý thức người
dùng. Và ngay lúc này, ý thức của nghệ sỹ là điều cần cải thiện nhất. Chỉ có họ,
trong vai trò nhà cung cấp nội dung, mới có thể tạo áp lực trực tiếp để các nền
tảng nghe nhạc trực tuyến cải cách.
Và bản thân các
nền tảng nghe nhạc trực tuyến kia cũng hiểu đòi hỏi phải cải cách cấp bách thế
nào khi mà mối đe dọa mất thị phần vào tay những ông lớn như Spotify đang ngày
một hiện hình rõ rệt hơn.