Không còn là mâu thuẫn giữa hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo, những diễn biến mới nhất tại Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cho thấy nhiều yếu tố pháp lý và đạo lý đang bị thử thách gay gắt giữa những người đang hưởng lợi từ thương hiệu này. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng và nhiều lãnh đạo cấp cao, với mong mỏi “cứu chồng, cứu Trung Nguyên”. Thực chất, tập đoàn Trung Nguyên đang thực hiện sứ mệnh một doanh nghiệp hay một tổ chức mang màu sắc tôn giáo và chính trị?




THẤY GÌ QUA TRANH CHẤP QUYỀN LỰC TẠI TẬP ĐOÀN TRUNG NGUYÊN?

TÂM HUYỀN


Tại buổi lễ kỷ niệm 22 năm thành lập tập đoàn Trung Nguyên, nhân viên và công chúng mới có dịp gặp lại ông Đặng Lê Nguyên Vũ sau 5 năm ẩn cư núi thiêng M’Drack. Trang phục kỳ lạ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ngôn ngữ kỳ lạ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến nhiều người hoài nghi về sức khoẻ tâm thần của nhân vật rất thành đạt trên thị trường cà phê Việt trong thập niên đầu tiên thế kỷ 21. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tự hào về khả năng “thông linh” để đón nhận “mặc khải” từ đấng tối cao, là một câu chuyện không dễ tin. Cái ân huệ ngồi thiền 49 ngày để được Thượng Đế trao truyền siêu năng lực là một thứ huyền thoại thêu dệt dựa theo quá trình đắc đạo của Đức Phật. Sự tích vị thái tử Tất Đạt Đa chân tu ngồi dưới gốc bồ đề 49 ngày để giác ngộ trở thành Thích Ca Mâu Ni là một quà tặng cho những ai tin vào sức mạnh màu nhiệm của cõi an lành và hạnh phúc. Phiên bản “49 ngày” được áp dụng trong trường hợp Đặng Lê Nguyên Vũ hơi cưỡng cầu và hơi ngây ngô.  

Hành trình “49 ngày” đã biến ông chủ Trung Nguyên thành một người khác. Đây là khẳng định của chính người đầu ấp tay gối với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Sau bức màn sương khói nửa huyền ảo nửa man trá của cuộc thiền định nhịn ăn 49 ngày, đã xảy ra rất nhiều biến cố tại trụ sở chính của Tập đoàn Trung Nguyên. Đầu tiên là bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị phế truất chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực, tiếp theo là lá đơn ly dị và những giằng co về tài sản giữa hai vợ chồng. Tất cả những điều đó trực tiếp nói lên rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ hứng thú tự xưng là “qua” và tỏ ra mãn nguyện khi người khác phải gọi mình là “ngài” mà còn muốn thay đổi môi trường xung quanh theo hướng khác biệt và dị hợm. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đánh giá về thay đổi của chồng mình: “Bước sai lầm của anh là Thiền sai cách. Người thầy dạy Thiền cho anh không phải là một thiền sư. Tôi đã cố gắng ngăn cản việc này, thậm chí còn giận dữ với người dạy thiền của anh. Nhưng vô vọng vì dường như cả hai đều bị hoang tưởng. Chúng tôi gầy dựng công ty từ hai bàn tay trắng nên luôn là thế hệ đi đầu và là tấm gương để các thể hệ trẻ noi theo. Anh Vũ thật sự cần được cứu, vì anh xứng đáng được cứu. Bởi vì anh là một doanh nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Bởi vì các con của tôi cần có cha. Xã hội hãy giúp tôi được làm tròn vai trò của người vợ, chăm sóc chồng khi ốm đau và đưa Trung Nguyên về với quỹ đạo đúng đắn của nó, hoạt động bình thường, lành mạnh”.

                             

Ngày 3-8-2018, Toà án nhân dân TPHCM đã đưa ra xét xử vụ ly hôn và phân chia tài sản giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nhưng kết quả không giải quyết được gì. Hai phía đều mời những luật sư trứ danh, nhưng không thể hoà giải hoặc tìm tiếng nói chung. Biểu hiện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ với đôi mắt trợn ngược và cái đầu lúc gật lúc lắc, khiến ai cũng cám cảnh. Không biết tình trạng bệnh lý của ông Đặng Lê Nguyên Vũ như thế nào, nhưng không thể nào xác định là người có sức khoẻ bình thường. Ông chủ Trung Nguyên vĩ cuồng hoang tưởng hay tâm thần phân liệt? Cần phải có giám định khoa học mới kết luận được chính xác. Tuy nhiên, người có biểu hiện như vậy, thì không thể nào đủ năng lực hành vi để xử lý những công việc liên quan đến quyền lợi bản thân và người khác. Thế nhưng, giọt nước tràn ly dư luận là quyết định bổ nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên vào ngày 8-8-2018, ghi trang trọng và ngạo nghễ là “được sự chấp thuận của Chủ tịch Tôn kính”.

Vị “Chủ tịch Tôn kính” đã 5 năm không có mặt tại doanh nghiệp, mọi công việc đều uỷ quyền cho một nhóm người, thì không thể nào không có sự bất ổn. Ở tình trạng như thế, ông Đặng Lê Nguyên Vũ uỷ quyền cho ai cũng không đáng tin cậy. Ngược lại, ở tình trạng như thế, ai nhận uỷ quyền của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không đáng tin cậy. Do vậy, chức Phó Tổng Giám đốc thường trực bổ nhiệm cho ông Lữ Ngọc Cư (nguyên Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk từng bị kỷ luật vì nhiều sai phạm trong quản lý hành chính và kinh tế) và chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông và makerting bổ nhiêm cho bà Phạm Thị Điệp Giang (vốn là một nhà báo có làm việc dăm nay ở một trang điện tử) đều gây hoang mang cho những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn Trung Nguyên. Ở đây, xin cung cấp thêm, bà Phạm Thị Điệp Giang chính là tác giả chiến lược truyền thông “Đức tin mới – Cộng đồng mới, áp dụng mô hình Phật – Pháp – Tăng và Trung Nguyên toàn đồ” từng được bàn tán xôn xao với hàng trăm cung bậc cười cợt xen lẫn mỉa mai. 

                                    

Chưa hết, bà Phạm Thị Điệp Giang còn thiết kế ra cái gọi là “cửu cung truyền thông” như… trận bát quái của Gia Cát Lượng năm xưa, với trung tâm là vị trí Thổ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ có ba tiêu chí “Bỉ: phụng sự nhân loại và tự nhiên. Trí: Biết tuyệt đối. Dũng: ý chí và khát vọng”. Đúng là một kế hoạch bơm vá và thổi phồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ lên mức thiên tài của thiên tài, vĩ nhân của vĩ nhân, lãnh tụ của lãnh tụ. Có những người giúp việc thân cận như vậy, thì ông Đặng Lê Nguyên Vũ không muốn thành đấng siêu phàm cũng không được! Bởi lẽ, có một số kẻ muốn “giải quyết vấn đề trung tâm ở Hành Thổ sâu sắc và thông minh”, nhưng ông chủ thì mê mải với những giấc mộng liêu trai trên núi non M’Drack vang vọng câu hát Nguyễn Cường và giọng hát Y Moan “nơi đây thảo nguyên, từng đàn bò đua nắng, tung tăng mặt trời… những đứa con của Trường Sơn, trung kiên như Trường Sơn, như tiếng trống già làng… ”.

Sau khi đẩy bà Lê Hoàng Diệp Thảo ra khỏi chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc thường trực, thì Tập đoàn Trung Nguyên cũng tiến hành cải tiến phương thức nhận diện thương hiệu. Cái tên Trung Nguyên được đổi thành Trung Nguyên Legend nhằm nhấn mạnh yếu tố… huyền thoại, đồng thời cũng thay đổi màu sắc quen thuộc của hình ảnh cà phê Trung Nguyên từng chinh phục đám đông. Dĩ nhiên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo không chịu ngồi yên, mà thành lập TNI (Trung Nguyên Intrenatinonal) và tung ra sản phẩm King Coffee. Thái độ của bà Lê Hoàng Diệp Thảp rất mạch lạc, đó là tiếp tục con đường đã gặt hái nhiều thành tựu của cà phê Trung Nguyên, mà Tập đoàn Trung Nguyên do vợ chồng bà gầy dựng đã bị lái chệch sang quỹ đạo khác.

Hiện tại thương hiệu Trung Nguyên được định giá khoảng 42 triệu USD, nhưng những người đang nắm quyền lực kiểm soát Trung Nguyên vẫn không e dè thổi phồng chiến dịch tặng sách cho thanh niên lập nghiệp với kinh phí… 5 tỷ USD. Sự rắc rối và bất cập xung quanh Tập đoàn Trung Nguyên và ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ đang nhiều lên từng ngày. Chưa kể, vài cá nhân sau một thời gian gắn bó với Trung Nguyên, đã tự mở những công ty khác cạnh tranh trực tiếp với Trung Nguyên, mà ngay những người hết lòng hết dạ với Trung Nguyên cũng day dứt khi thương hiệu này đã phủ lên màu sắc tôn giáo và chính trị huyễn hoặc “cứu thế giới”.


Giải quyết vụ tranh chấp ở Tập đoàn Trung Nguyên, không chỉ lấy lại người cha Đặng Lê Nguyên Vũ không đóng vai “đấng tối cao” cho bốn đứa con đang ngơ ngác chờ “ngài” mỗi ngày, mà còn phục hưng một thương hiệu quốc gia. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn giữ được sự im lặng của một người phụ nữ đúng sau ông chồng thành đạt, mà thẳng thắn lên tiếng: “Trong 5 năm qua, khi anh Vũ ở trên núi và tôi cũng bị âm mưu đẩy mình ra khỏi công ty, còn họ - nhóm người toan tính chiếm đoạt công ty, càng ngày càng chứng tỏ đã nắm giữ hết toàn bộ tập đoàn. Đã có những chiến lược sai lầm của Trung Nguyên thời gian qua. Đầu tiên họ chuyển đổi sang thương hiệu không đúng, mà tôi đã cảnh báo, là đi lệch chiến lược ban đầu. Thậm chí gần đây đưa ra kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận bằng 0 là không tưởng! Trong khi các sản phẩm Trung Nguyên, G7 thì rất được ưa chuộng nhưng giờ lại chuyển sang bao bì khác, màu sắc, cách thức, thậm chí người ta nhìn vào không biết đó là cà phê. Với cách làm thương hiệu như vậy là quá sai!”./.