Là người có thói quen viết nhật ký, Lưu Quang Vũ đã ghi chép khá đầy đủ từ cuộc sống đời thường, trường học và cả những suy nghĩ của một cậu bé 15 tuổi về cuộc sống, văn chương nghệ thuật. Trong nhật ký có đoạn Lưu Quang Vũ về thăm lại khu ở cũ, nếu không biết trước, người đọc khó hình dung được những dòng hoài niệm, nhận xét đầy sâu sắc về những người quen cũ đó lại là của một cậu bé 15 tuổi. Cũng ở giai đoạn này, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ và như nhiều nhà thơ trẻ khác, chủ đề thường là những khái niệm khá cao xa như cuộc sống và cái chết, cái vô hạn của thời gian và hữu hạn của đời người… 




DI CẢO LƯU QUANG VŨ

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh (1948) và 30 năm ngày mất (1988) của nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. NXB Trẻ  tái bản, giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Di cảo Lưu Quang Vũ, do PGS-TS Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ tuyển soạn.
 Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ mất ở tuổi 40, khi sức sáng tạo đang ở độ dồi dào, tài năng đang ở độ chín. Lưu Quang Vũ nổi tiếng trên văn đàn từ khá sớm với tập thơ Hương cây - Bếp lửa (in cùng Bằng Việt). Khi đó anh mới 20 tuổi và đang phục vụ trong quân đội. 
Ngay từ khi mới xuất hiện và cho đến giai đoạn sau này, Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những cây bút tiêu biểu của thời kỳ chống đế quốc Mỹ và là tác giả thơ có phong cách rõ nét. Vào thập niên 1980 của thế kỷ 20, Lưu Quang Vũ đến với sân khấu và trong khoảng thời gian gần 10 năm, anh đã sáng tác hơn 50 vở kịch, được các nhà phê bình đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả như: Tôi và chúng ta, Lời thề thứ 9, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita….
Trong lời giới thiệu của mình, PGS-TS Lưu Khánh Thơ cho biết, ngoài những tập thơ đã xuất bản và hơn 50 vở kịch đã được công diễn, Lưu Quang Vũ còn để lại một khối lượng di cảo khá lớn gồm: nhật ký, thư từ, sổ tay ghi chép, bản thảo đã hoàn thành hoặc còn dang dở… một số đã được công bố vào khoảng năm 2008 và đến năm 2018, gia đình tiếp tục công bố phần còn lại. Hy vọng qua đó, bạn đọc có thể hình dung và có một cái nhìn đầy đủ hơn về con người, tính cách và những yếu tố góp phần làm nên tài năng Lưu Quang Vũ.
Cuốn sách được chia làm 3 phần, phần đầu có tên gọi “Mùa hoa phượng và nhật ký lên đường” gồm những trang nhật ký được Lưu Quang Vũ viết trong thời gian học cấp III cho đến những ngày tháng đầu tiên bước vào quân ngũ. Là người có thói quen viết nhật ký, Lưu Quang Vũ đã ghi chép khá đầy đủ từ cuộc sống đời thường, trường học và cả những suy nghĩ của một cậu bé 15 tuổi về cuộc sống, văn chương nghệ thuật. Trong nhật ký có đoạn Lưu Quang Vũ về thăm lại khu ở cũ, nếu không biết trước, người đọc khó hình dung được những dòng hoài niệm, nhận xét đầy sâu sắc về những người quen cũ đó lại là của một cậu bé 15 tuổi. Cũng ở giai đoạn này, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ và như nhiều nhà thơ trẻ khác, chủ đề thường là những khái niệm khá cao xa như cuộc sống và cái chết, cái vô hạn của thời gian và hữu hạn của đời người… 
Phần 2 của sách được đặt tên “Những bông hoa không chết”, bao gồm các bài thơ được Lưu Quang Vũ sáng tác trong giai đoạn 1971-1975. Đây là giai đoạn sau này được nhìn nhận là khó khăn nhất với người nghệ sĩ khi chất chứa sự thất vọng, cô đơn, thậm chí có khi là bế tắc (ly hôn, thất nghiệp, đi vẽ thuê…). Khi đó, làm thơ trở thành một cứu cánh để Lưu Quang Vũ bỏ nỗi mệt mỏi, hoài nghi, dù rằng thơ của anh khi đó không được báo nào đăng. Các bài thơ được sắp xếp theo tuyến thời gian mà nếu đi theo đó, bạn đọc sẽ thấy sự thay đổi về tâm trạng của tác giả, từ bế tắc khủng hoảng đến dần dần tìm ra được lẽ sống.

Phần 3 của sách mang tên “Người trong cõi nhớ”, tuyển chọn một số bài viết về Lưu Quang Vũ của bạn bè, đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu.


                   XUÂN THÂN – Sài Gòn Giải Phóng