Những phần tử “cấp tiến”  Ucraina nói chung và Odessa nói riêng - vốn nổi tiếng bởi trò la lối, phá đám những buổi hòa nhạc, những vở kịch, những buổi diễn thuyết của những ai-theo chúng là “bộc lộ tinh thần chống Ucraiina”... Và lần này, mũi nhọn của chúng chĩa vào nữ văn sỹ được trao giải Nobel văn học vào năm 2015 –Svetlana Alekxievich. Một buổi nói chuyện của bà bị huỷ bỏ, với lý do “vì diễn giả  đã từng lên tiếng tuyên truyền hướng tới việc thổi bùng lên ngọn lửa hận thù giữa các dân tộc và kích động hóa giới truyền thông xã hội…”



TỪ “NHỮNG NGỌN LỬA CÁCH MẠNG” TỚI “NHỮNG CHÚ LÍNH CHÌ”
            Danh mục sách của nữ nhà văn này cũng nhiều màu nhiều vẻ. Ở thời kỳ đầu chặng đường công danh của mình, Svetlana Alekxievich xuất hiện với thiên phóng sự về Feliks Djerzinsky với tên gọi là “Thanh bảo kiếm và ngọn lửa cách mạng”. Trong tác phẩm này đã có những dòng như sau: “Khi con trai tôi lớn lên, tôi nhất định sẽ cũng cháu đi tới mảnh đất để hai mẹ con cùng cúi chào một tên tuổi đã trở thành bất tử-Feliks Djerzinsky- Thanh bảo kiếm và ngọn lửa của cách mạng”.
            Tiếp sau đó là cuốn sách mang tên “Trong chiến tranh không có gương mặt đàn bà”. Tác phẩm này được tặng rất nhiều giải thưởng, kể cả Giải thưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Bang Xô Viết. Tác phẩm được xếp vào hàng những cuốn sách viết hay nhất về Cuộc Chiến tranh Vệ quốc 1941-1945. Và từ đó nữ văn sỹ nổi lên trong giới văn học.
            “Những chú lính chì” là cuốn sách ra đời vào thời kỳ cải tổ ở nước Nga. Sách kề về cuộc chiến tranh ở Afganhitstan và được nhìn nhận, đánh giá rất khác nhau. Vào thời điểm đó quanh cuốn sách khen, chê cân bằng. Nhiều ý kiến lên án nữ văn sỹ đã lợi dụng sự trung thực của những nhân chứng để “lập ý”  theo chủ quan mình.
            Cuốn sách tiếp nối mang tựa đề “Lời nguyện cầu Tsernobưn “ đề cập tới thảm họa xẩy ra tại Nhà máy điện nguyên tử Tsernobưn.

GIẢI THƯỞNG NOBEL SAU BÀI BÁO “PUTIN TẬP THỂ”.
            Sự trùng hợp kỳ lạ của hoàn cảnh là Svetlana Alekxievich được trao giải thưởng Nobel văn học sau khi tác giả bộc lộ tinh thần chống Nga một cách gay gắt.
            Trên tờ báo Đức “Frankfurter Allgemeine Zeitung”, nữ văn sỹ cho đăng đoản thiên “Putin tập thể” trong đó có những dòng như sau: “Putin đã thực thi cái bản năng thấp kém của mình và ông ta đã chiến thắng. Thậm chí nếu ngày mai ông ta không còn tồn tại, chúng ta biết biện hộ ra sao với chính mình? Viên đại tá KGB này đã ve vãn bản thân với ý tưởng vẫn còn đó trong lịch sử những người biết gìn giữ từng mấu đất Nga. Giống như trong Biên niên sử đã ghi lại: “Đất Nga vẫn trải ra mênh mông”. Ai ngồi tại Điện Kremly vẫn nghĩ rằng Donest và Kharkov- đó vẫn là đất Nga. Người dân Crưm có thể bỏ phiếu tán thành việc trở về làm thành viên của nước Nga, không cần tới sự gợi ý của Moskva. Điều này bởi vì tại Crưm người Nga chiếm số đông. Nói đúng ra, Điện Kremly ưa trò cơ bắp. Họ thích dọa nạt. Họ, những kẻ ngồi trong điện Kremly không thể nào tin rằng ở Ucraina lại diễn ra một cuộc cách mạng của nhân dân, mà đó chỉ là những cuộc chính biến do bọn phát xít mới phát động. Không, đó là một cuộc cách mạng chân chính! Người Ucraina nhận ra quê hương xứ sở của họ dưới ách thống trị của Kremly hệt như cái hố xí được mạ vàng.Như một mặt hàng của chế độ Xô Viết, người Ucraina nghĩ rằng họ có quyền được làm tất cả. Và họ đã sai. Trong 20 năm con người đã đổi thay. Maidan thứ nhất đẻ ra Maidan thứ 2. Mọi người đã làm cuộc cách mạng thứ hai. Còn bây giờ điều quan trọng là những người cầm đầu đừng một lần nữa làm cuộc cách mạng ấy thất bại”.
            Trước khi bài báo này xuất hiện, báo chí Phương Tây không mảy may để ý gì tới bản thân nữ văn sỹ Svetlana Aleksievich cùng  các cuốn sách của bà. Bây giờ thì họ xúm nhau phỏng vấn bà. Còn nữ văn sỹ vẫn không hạ giọng phỉ báng “chế độ Kremly”.
            Và vào tháng 10 năm 2015, Svetlana Aleksievich được trao giải thưởng Nobel văn học với lý do “Văn chương của bà đã cao giọng tố cáo những khổ đau và ngợi ca lòng dũng cảm ”. 

“TÔI KHÔNG THÍCH CUỘC PHỎNG VẤN NÀY. TÔI YÊU CẦU ANH KHÔNG CÔNG BỐ TRÊN BÁO”
            Vào năm 2017 vừa rồi, có một vụ xì-căng-đan đã xẩy ra với nữ văn sỹ Svetlana Alekxievich. Số là bà trả lời phỏng vấn của một phóng viên tên là Sergey Gurkin. Kết thúc cuộc trò chuyện, Svetlana Alekxievich bỗng tuyên bố: “Tôi không thích cuộc phỏng vấn này. Tôi yêu cầu anh không đưa lên báo”. Cho dù đã nghỉ việc ở tòa soạn báo “Thông điệp Peterburg”, Sergey Gurkin vẫn cho công bố bài phỏng vấn trên tờ IA REGNUM.
            Sau đây là một số đoạn của bài phỏng vấn đó:
PV: ..10 năm trước cơ quan thông tấn Gallup đã tiến hành một cuộc khảo sát xem có bao nhiêu phần trăm người Ucraina suy nghĩ bằng tiếng Nga…
Svetlana Alekxievich: Tôi biết chuyện ấy. Hiện nay người Ucraina học cả tiếng Ucraina và tiếng Anh.
PV: ..Họ làm việc đó rất đơn giản: Phân phát các bản ghi nguyện vọng bằng hai thứ tiếng-Ucraina và Nga. Ai chọn ngôn ngữ nào, người đó suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó.Có tới 83% dân Ucraina suy nghĩ bằng tiếng Nga.
Svetlana Alekxievich: Anh định nói điều gì với hiện tượng này? Họ bị Nga hóa suốt 70 năm nay rồi. Giống như người Belorusia vậy! Ucraina rất muốn đi với châu Âu. Họ không muốn sống với các anh.
PV: Để đạt mục đích ấy cần bỏ tiếng Nga sao đây?
Svetlana Alekxievich: Không phải vậy ! Nhưng có lẽ đến một lúc nào đó..Để làm đậm đặc một dân tộc.
PV: Có nghĩa là có thể cấm người ta nói một thứ tiếng mà họ vẫn thường suy nghĩ sao ?
Svetlana Alekxievich: Đúng! Điều đó luôn luôn phải như thế ! Không làm vậy, dân tộc kia sẽ không còn...

NHỮNG VÒNG VÈO KHÔNG ĐƠN GIẢN... 
            Mối thiện cảm của Svetlana Alekxievich đối với những gì đang diễn ra tại Ucraina là có thể hiểu được. Dẫu sao thì bà vẫn cất tiếng khóc chào đời tại thành phố Ivano-Frankovska, phía Tây Ucraina. Mẹ bà là người Ucraina. Ông thân sinh của bà là người Belorussia. Bản thân bà thì lớn lên tại Belorussia. Nhưng tất cả điều đó, khó có thể coi là nguyên nhân dẫn tới việc buổi diễn thuyết của bà dự định tổ chức tại thành phố Odessa bỗng bị ngưng lại.
            Buổi hội thảo mang tên “Cuộc trò chuyện với Svetlana Alekxievich” đáng lý sẽ diễn ra tại “Nhà hát xanh” vào hồi 20 giờ ngày 8 tháng Tám. Nhưng vào lúc 16 giờ trên trang facebook của “Nhà hát xanh” lại xuất hiện thông báo sau đây: “Hôm nay vào hồi 16g, tức 4 giờ trước lúc người được trao giải thưởng Nobel văn học Svetlana Aleksievist đọc tham luận đã có lệnh ngưng cuộc tọa đàm này lại. Lý do: “vì diễn giả  đã từng lên tiếng tuyên truyền hướng tới việc thổi bùng lên ngọn lửa hận thù giữa các dân tộc và kích động hóa giới truyền thông xã hội khi bà ta phát biểu tại Bruklina vào năm 2016”.  
            Nhiều tờ báo nhanh chóng loan tin này. Và nhà văn nhận được giải thưởng Nobel hiểu ra ngay rằng nếu lên tiếng trong cuộc hội thảo tại Odessa bà sẽ gặp những hệ lụy không hay ho.

“NHỮNG TÊN LÍNH TIỄU PHẠT ĐANG HOẠT ĐỘNG TRÊN LÃNH THỔ BELORUSSIA ĐỀU ĐẾN TỪ UCRAINA!”.
             Vậy Svetlana Alekxievich đã nói gì trong lần phát biểu tại Bruklina vào năm 2016? 
            “Những tên lính tiễu phạt đang hoạt động trên lãnh thổ Belorussia-tất cả bọn họ đều đến từ Ucraina. Và hơn thế, chúng xuất hiện ở Litva; còn tại Latvia chúng đã giết những người Do Thái ngay trước khi bọn phát xít Đức tới. Chúng đều ở Ucraina” – trích đoạn từ phát biểu của Svetlana Alekxievich.
            Vâng, Svetlana Alekxievich lớn lên và trưởng thành tại Belorussia. Các “kẻ châm lửa” ở phương Tây đã cố gắng vun trồng cho những mầm đọt phát xít mới tại Belorussia mau chóng đâm cành nẩy lá, nhưng quá trình ấy không đạt kết quả như ở Ucraina. Người Belorussia vẫn còn nhớ rõ chính bọn Hitller đã sử dụng họ trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu như thế nào. Họ cũng nhớ rõ ai là kẻ châm ngọn lửa hủy diệt tại Khatưn và nhiều nơi khác, triệt hạ hàng chục ngàn người dân lành Belorussia.
            Đương nhiên từ đã lâu rồi, nữ văn sỹ nhận giải thưởng Nobel không còn mê say hình tượng người anh hùng thời Nội chiến Nga Fedliks Djerzinsky và lý tưởng mà hàng triệu người Nga theo đuổi, nhưng Svetlana Alekxievich cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những thực tế khác.
            Nói thẳng ra, những phần tử “cấp tiến” Ucraina, chính quyền Kiev chỉ đội lên đầu “ những kẻ thuộc dòng giống Đức thượng đẳng; những ai từng là kẻ thù không đội trời chung của bọn Quốc xã”.
Svetlana Alekxievich không được chúng xếp vào danh sách những kẻ chúng tôn sùng ấy!
TÔ HOÀNG

( theo báo Nga )