Trong cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tham Thiện
Kế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Văn Giá thổ lộ: “Tôi là người không thuộc típ người lạc
quan. Buồn và thất vọng về đời sống này nhiều thứ. Cái buồn nhất là đất nước đổ
vỡ về văn hóa, đổ vỡ tận nền tảng. Các giá trị, các thiết chế, các di sản truyền
thống bị mai một, bị làm tiền, bị dung tục hóa, bị giải thiêng, bị biến tướng…Nghĩa
là rất nhốn nháo. Thêm nữa, những vấn đề tưởng như vĩ mô nhưng lại đánh động
tâm can mình rất mạnh, vì nó động chạm tới chính sách phát triển quốc gia, vấn
đề chủ quyền đất nước, vấn đề quan lại và tham nhũng…Đây là thời cực kỳ hỗn loạn,
thời mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hay nói là “thời mạt pháp, thời vô đạo”. Lỗi
này do toàn bộ sự vận hành xã hội hơn 70 năm nay đã tạo ra”.
SỐ PHẬN VĂN CHƯƠNG THỜI 4.0
Nguyễn
Tham Thiện Kế (NTTK): Thưa TS, ông sở hữu không gian
đô thị biến động, đã bao giờ xài tiện ích smartphone sử dụng dịch vụ Uber,
Grab… chưa? Trong cảnh huống đó, ông ngẫm ngợi hay dấy lên cảm xúc nào không
trước những công ty taxi không xe, khách sạn không phòng tầm cỡ toàn cầu?
Văn
Giá
(VG): Mấy thứ ấy tôi đã và đang sử dụng. Tội gì mà lại nói không với chúng. Nó
là thành tựu vĩ đại của nhân loại. Mình không sử dụng thì thôi chứ đừng chê bai
nó, đổ lỗi oan cho nó. Vấn để là con người sử dụng và làm chủ nó như thế nào mà
thôi. Đúng là nhờ các phương tiện truyền thông hiện đại, cảm giác về không
gian/thời gian đã khác. Nó biến thế giới thành cái làng toàn cầu như người ta vẫn
thường hay nói. Bảo có mất gì không, có chứ, nhưng được là chính, được rất nhiều.
Thí dụ tôi với ông cả năm có gặp nhau bao giờ đâu, nhưng cũng chả thấy xa nhau,
do thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho nhau, gửi mail, “chát chít” với nhau. Cái công
nghệ truyền thông hiện đại đã tạo nên cái cảm giác ấy. Và như vậy, quan niệm về
thời gian, không gian đã và sẽ luôn thay đổi. Nó kéo theo các quan niệm và giá
trị khác. Nhưng cũng cần phải nói thêm điều này: công nghệ luôn luôn thuộc về
người trẻ, mà chúng ta thì không thuộc về nữa. Khả năng làm chủ và ứng dụng
công nghệ của chúng ta đã chậm so với bọn trẻ rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa
là chúng ta quay lưng với nó. Nó cần được ủng hộ để phát triển.
NTTK:
Năm 2016, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải thưởng Nobel Văn học cho ca sĩ,
nhạc sĩ Bob Dylan vì đã "tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền
thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ". Ông có bị “choáng” bởi chiều kích quan niệm
về văn học đã “open”hết cỡ? Đằng sau sự kiện này có một “câu chuyện thời đại”,
ông có thể kể lại “câu chuyện” đó theo ngôn ngữ nghề nghiệp của mình không?
VG:
Tôi có một ông thầy, Giáo sư có uy tín chuyên nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật
văn học phương Tây, lạ lắm, cụ không hề phục Giải Nobel văn học. Cụ cho rằng:
Giải này mang quan niệm của một nhóm người, chưa thể nói đủ tư cách đại diện
cho các giá trị cao nhất của văn học. Vả lại, không ít lần, giải mang màu sắc
chính trị, tôn vinh những giá trị ngoài văn học…Vị Giáo sư bảo: Giải Nobel văn
học nếu mà tổ chức như tranh cúp bóng đá, từ thấp lên cao, qua các vòng tuyển,
công khai minh bạch thì mới có sức thuyết phục. Tôi không hẳn đồng ý với ý kiến
của Giáo sư, nhưng tôi lắng nghe như một ý kiến tham khảo.
Với giải thưởng văn học cho Bob Dylan, ban đầu tôi
cũng hơi shock, song ngẫm lại thì thấy rằng từ đây gợi lên mấy điểm: 1)Văn học
ngày hôm nay không còn tự trị trong thế giới của chính nó, mà nó được hóa thân,
thậm chí vong thân vào trong các thể loại/loại hình nghệ thuật khác, khi đó
không phải là tác phẩm văn chương hiểu theo nghĩa đen lên ngôi, mà là tính văn
chương lên ngôi; 2) Tuy nhiên, cho dù có vong thân/hóa thân bằng mấy, thì loại
hình nghệ thuật ngôn từ như một cơ sở nền cũng không thể mất đi, hay bị xóa sổ;
nó phải còn được là nghệ thuật ngôn từ, nơi ngôn từ lên tiếng, ngôn từ phải là
chân mệnh. Ca từ của Bob Dylan mang phẩm tính thi ca, nhiều trường hợp là những
bài thơ đấy chứ. Xét theo nghĩa đó, Trịnh Công Sơn cũng là một nhà thơ đích thực.
NTTK:
Ngoài nghiên cứu, ông còn hoạt vụ truyền thụ kiến thức văn học cho các học trò
vài thập kỷ. Đã bao giờ ông hình dung sẽ có một ngày phải thay đổi cách thức
giao tiếp giữa thầy với trò với những nội dung cũ nhưng được tích hợp các tiện
ích của công nghệ hay chưa ?
VG:Phải
tương thích chứ ông. Thí dụ bây giờ nhiều khi tôi chấm bài, góp ý bài vở, tác
phẩm cho học trò là qua email; kể cả công việc, giao dịch, tâm tình qua email,
chat bằng computer, smartphone trên các giao diện của Viber, Facebook…hết.
Nhưng có một điều đáng quan tâm là công nghệ thông tin đã can thiệp tổng thể để
tạo ra một tâm thế chỉ thích viết ngắn/đọc ngắn. Điều này vừa hay vừa không.
Hay ở chỗ nếu tạo ra cái viết/đọc ngắn đích đáng. Còn không hay ở chỗ là không
muốn viết/đọc những cái viết dài hay, chứ không phải cái dài dở. Cái dở thì ngắn/dài
đều có.
NTTK:
Học trò của ông hiện nay có ai thuộc lòng Truyện Kiều không? Và tỉ lệ nào đó
trong số họ có đọc các tiểu thuyết cổ điển nặng như viên gạch vồ như thời chúng
ta vẫn đọc từ thế kỷ trước?
VG:
Tôi có thể khẳng định là hầu như không. Tôi cũng không thuộc lòng hết được.
Nhưng khi gặp những tình huống, tâm trạng nào trong đời sống thực tại, thì lại
rất hay nhớ Kiều, thậm chí lẩy Kiều. Hóa ra Truyện Kiều nó phục sẵn trong ta để
tương tác, ứng nghiệm. Cái việc thuộc lòng truyện Kiều là quý, nhưng thuộc lòng
cũng chưa nói lên điều gì. Ngày xưa, đọc và truyền khẩu là phương tiện truyền
thông duy nhất, nên người ta mới thuộc lòng, kể cả một số người không biết chữ.
Chứ nay thì khác. Con người ta có biết bao phương tiện truyền thông trong tay,
cần là có Google ngay, nên họ cũng chả cần phải nhớ. Dĩ nhiên, tôi vẫn đánh giá
cao những người thuộc lòng Kiều.
Tôi vẫn mừng vì có một số sinh viên vẫn đọc những
tác phẩm cổ điển , tuy số này không nhiều. Và xét trên đại lượng tổng quát, thì
việc đọc sách văn học cổ điển trong sinh viên, kể cả sinh viên ngành văn giảm
đi trông thấy. Cho nên, khi thấy trong tay đứa sinh viên nào khư khư “Chiến
tranh và hòa bình”, “Anh em nhà Karamazov”, “Vụ án”, “Lâu đài”…tự nhiên thấy
lòng xúc động lắm, thấy chúng đáng yêu hẳn lên.
NTTK:
Ông đang chịu trách nhiệm đào tào những nhà văn nhà thơ, kể từ ngày ông đảm nhận
công việc đó, đã bao nhiêu sinh viên của ông trở thành nhà văn, nhà thơ? Sinh
viên nào khiến ông tự hào? Sinh viên nào được ông yêu quí? Nhà văn, nhà thơ có
thể đào tạo như phương thức hiện nay nhà trường đang thực hiện không ? Phải
chăng đây là kiểu “trại viết đặc biệt” ?
VG:
Chuyện này tôi, và không chỉ tôi, các tiền nhiệm của tôi từ thời còn là Trường
Viết văn Nguyễn Du, như thầy Hoàng Ngọc Hiến đã từng nói nhiều lần rằng nơi
chúng tôi không có ảo tưởng đào tạo ra các nhà văn, mà chúng tôi chỉ đào tạo ra
những người viết văn thôi; còn sau này họ muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp
hay không tùy thuộc vào tài năng và sự khổ luyện của chính họ. Có một số ý kiến
bạn đọc, kể cả một số người trong giới phản đối việc đào tạo viết văn, cho rằng
nhà văn không đào tạo được. Chúng tôi quá hiểu điều ấy chứ. Chỉ có điều họ
không chịu hiểu chúng tôi. Trường chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm được mấy
việc sau: 1)Trang bị một nền tảng tri thức bậc đại học về văn chương, về một số
ngành khoa học XH và NV có liên quan; 2) Trang bị một ý thức làm nghề chuyên
nghiệp, chứ không phải chỉ dựa vào năng khiếu có tính bản năng thuần túy; 3) Tạo
điều kiện cho học viên gặp gỡ các nhà văn, nhất là những nhà văn nổi tiếng; các
nhà trí thức, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực bổ trợ văn chương để học hỏi; Và
4) giúp học viên viết văn ý thức sâu sắc về tự do, sự sáng tạo, tính cách trí
thức, tinh thần khai phóng, biết theo đuổi những giá trị cao quý.
Nếu hiểu nhà văn theo nghĩa cứ phải mang danh Hội
viên Hội NVVN, thì ở chỗ tôi, chỉ tính từ khóa 8 (khi tôi mới về làm Chủ nhiệm
khoa, 2007) cũng đã có một số như Đoàn Văn Mật, Nguyễn Mạnh Hùng, Lữ Thị Mai.
Nhưng tôi e hiểu như thế không ổn lắm. Nên hiểu nhà văn là những người viết
chuyên nghiệp, đã tạo lập được uy tín bước đầu trong nghề. Hiểu thế, chúng tôi
có thể kể ra rất nhiều gương mặt trẻ đang góp phần vào diện mạo văn học trẻ của
đất nước: Đinh Ngọc Hùng, Cấn Vân Khánh, Hồ Huy Sơn, Nguyễn Văn Học, Vi Văn Choồng,
Vũ Thị Huyền Trang, Hoàng Chiến Thắng, Du Nguyên, Trung Long, Phạm Thị Thanh
Thúy, Vũ Thị Thanh Huyền, Đinh Phương, Tru Sa, Nguyễn Thị Kim Nhung, Nguyễn Thị
Luyến, Nguyễn Văn Toan, và nhiều cây bút khác…Trong số này đã có nhiều cây bút
đoạt giải cao trong các cuộc thi thơ/truyện ngắn của tạp chí VNQĐ, báo Văn nghệ.
Sinh thời, thầy Hoàng Ngọc Hiến nói một câu rất hóm,
nghĩ vẫn có phần đúng: Trường viết văn cũng tựa như cái chuồng gà, cứ đem nhốt
tất cả các con gà lại, thế là chúng đua nhau gáy”. Ý thầy muốn nói, một môi trường
tốt sẽ có khả năng truyền cảm hứng, đánh thức tiềm năng cho mọi cá tính sáng tạo.
NTTK:
Một năm ông có bao nhiêu giờ thỉnh giảng? Bài viết ưng ý nhất của ông gần đây
là gì? Và nếu không phiền, thì ông có thể “khoe” sở trường nghiên cứu văn học của
mình không?
VG:
Giờ giảng tại trường tôi phải hoàn thành theo đúng quy định, hơn 200 tiết. Còn
lại, thỉnh thoảng tôi có thỉnh giảng ở một vài trường Đại học khác khi họ mời.
Đi giảng dạy được hiểu như một niềm vui. Tuy nhiên, giảng nhiều cũng mệt lắm.
Có khi nó vắt kiệt sức, chả còn tâm sức và thời gian đâu mà nghiên cứu, viết
lách nữa. Tôi là cái anh vừa làm nghiên cứu phê bình, vừa sáng tác. Cũng là do
tham lam mà ra cả. Hướng nghiên cứu phê bình của tôi vẫn là hướng phê bình thi
pháp học, nghĩa là chỉ ra những đóng góp độc đáo của mỗi nhà văn thông qua thế
giới nghệ thuật của nhà văn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cái lý của hình thức
nghệ thuật (mang tính quan niệm). Tôi mong muốn tập trung nghiên cứu, phê bình
vào đối tượng là thế hệ những người cùng thời.
NTTK:
Văn học Âu –Mỹ- Nga bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước, song song với
dòng văn học hư cấu (Fiction) đã ồn ào trào lưu phi hư cấu (Non-fiction) như tự
truyện, chân dung, du ký của những chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân, hoặc những
nhân vật nổi tiếng bình dân thành những sản phẩm văn hóa mang tính thương mại
hiệu quả. Còn ở VN, thực trạng văn học phi hư cấu đang ở thời đoạn nào thưa ông?
Phải chăng, con người càng tiến tới trạng thái ảo của khoa học kỹ thuật thì
trong văn chương người ta càng cầu tới chữ chân?
VG:
Ở Việt Nam, chưa bao giờ văn học phi hư cấu lại mạnh mẽ như ngày hôm nay. Xã hội
càng bức xúc, càng đòi hỏi tính công dân của văn nghệ sĩ, tức là ý thức dấn
thân, trách nhiệm xã hội của mỗi nghệ sĩ và của mỗi tác phẩm. Vì thế, một khi
văn học hư cấu không đủ mạnh để thể hiện tinh thần đó thì văn học phi hư cấu lại
càng bùng phát như một đảm nhiệm cần thiết. Dĩ nhiên, cả hai không thể thay thế
nhau được. Cả hai đều cần trong mọi nền văn học. Lý do văn học phi hư cấu hiện
đang phát triển, ngoài việc đáp ứng ý thức công dân như vừa nói ở trên, còn có
lý do ở chỗ văn học hư cấu đang rơi vào tình trạng giả dối, cạn cợt, vu vơ, làm
mầu nhiều quá. Bộ phận văn học phi hư cấu tự nó có ý nghĩa chống lại sự giả dối
của văn học hiện thời. Cũng còn có lý do nữa, như ông nói là sự đối thoại với
thế giới ảo của công nghệ kỹ thuật số. Nhưng đây là lý do thứ yếu.
NTTK:
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo có thể làm thơ, vẽ tranh, viết những đoạn văn, dịch
thuật. Ông có lo ngại công việc của văn nghệ sĩ có thể mai một. Phần vì bạn đọc
ngày một ít đi phần vì sự phát triển hàm số của công nghệ hay không?
VG:
Tôi thấy không đáng phải lo lắng. Về chỉ số thông minh, công nghệ 4.0 có thể
thay thế được nhiều phần việc của con người. Nhưng có ba thứ, robot không thể
làm được, đó là: ký ức, cảm xúc và cá tính độc đáo. Đấy là những chỗ để cho văn
chương/nghệ thuật tồn tại.
NTTK:
Hiệu quả việc nghiên cứu và giảng dạy văn chương phụ thuộc to lớn vào năng lực
đọc của toàn xã hội. Nhưng từ trước đến nay, Tây cũng như Đông. Đọc vẫn là nhu
cầu tự sinh của mỗi cá nhân. Ai cần đọc gì thì tìm nấy. Còn kỹ năng đọc ra sao,
như thế nào là phụ thuộc việc của các thầy truyền thụ…Cái sự đọc hiện nay và
nay mai sẽ thế nào ông nhỉ?
VG:
Không một người làm nghề viết văn nào lại quay lưng với việc đọc. Đọc là cách để
người viết nạp thêm năng lượng sáng tạo. Anh không đọc, sẽ không biết người ta
đã có những gì, đã làm được những gì, đã sai lầm những gì để mà rút ra những
bài học cho mình. Đọc đối với người trong nghề được hiểu như một việc cần phải.
Còn trong tương lai, đối với công chúng, tôi cũng không dám chắc điều gì. Không
có văn học, có thể con người sẽ cằn cỗi, nghèo nàn về nhân tính, nhưng con người
không chết. Trong khi đó, xã hội đang vận hành theo hướng ngày càng thực dụng.
NTTK:
Với những diễn giải văn học và cách học văn trong những năm gần đây từng là
nguyên cớ để đại chúng bàn nhiều trên mạng xã hội. Ông có cho rằng đó là điều
diễn tiến tự nhiên cần thiết, không thể tránh hay là không nên có?
VG:
Bàn bạc trên mạng là chuyện hay chứ. Nó thể hiện một đời sống dân chủ trong xã
hội. Các ý kiến khác nhau được cọ xát, từ đó sinh ra ý tưởng mới. Vả lại, các ý
kiến mang tinh thần phản biện là luôn luôn tốt, để những người có trách nhiệm
phải suy nghĩ thấu đáo và điều chỉnh theo hướng tốt nhất có thể. Miễn là các ý
kiến phản biện phải thể hiện trách nhiệm của mình và chỉ với mục đích vì sự tiến
bộ.
NTTK:
Tôi thấy mấy đệ tử chân truyền của Nguyễn Đăng Mạnh thì chỉ ông và Chu Văn Sơn
là “quèo” thêm phần sáng tác. Chu Văn Sơn thì tùy bút, Văn Giá có truyện ngắn.
Ông cảm xúc thế nào về văn tùy văn ( chữ của Nguyễn Linh Khiếu ) Chu Văn Sơn và
Văn truyện của mình? Văn hóa miền sông Thương có vị trị đặc biệt nào trong văn
xuôi của ông không ?
VG:
Chắc chắn văn hóa vùng Kinh Bắc thượng nằm trong máu của tôi rồi. Nó làm nên cấu
trúc tinh thần, quy định những gì quan tâm tha thiết nhất của tôi đối với đời sống.
Đây là vùng không gian quan họ, tuy không phải là vùng lõi. Đặc biệt đây là
vùng chùa chiền dày đặc, trung tâm của Phật giáo. Dân tình thì nghèo, chủ yếu
làm nông nghiệp, ít nghề thủ công, không biết buôn bán. Nhà tôi ở ven bờ sông
Thương. Cả thời trẻ con tắm táp, chơi đùa, ngụp lặn, ăn nước song Thương. Có lần
vào mùa lũ, do mải bơi ra xa vớt củi, suýt chết đuối, may mà có người cứu. Đây
là con sông thủy triều, quanh năm hiền hòa, tĩnh lặng, đẹp đẽ, nhưng đến mùa lũ
trở nên hung dữ. Nó cũng lấy đi không ít mạng người làng tôi, trong đó có cả em
gái tôi, cháu ruột của tôi. Mỗi lần về làng, đi qua sông, tôi buồn lắm…Tất cả
những thứ đó, chắc chắn rồi, đều quyện vào các trang văn của tôi theo những
cách nào đấy. Thí dụ tôi thích loại văn xuôi có nhịp điệu. Hình như hơi nghiêng
về phía tính thủy/âm tính thì phải.
NTTK:
Cách mạng Công nghiệp Thứ tư "Industrie 4.0" đang làm mờ ranh giới giữa
vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Người trẻ ngày càng tìm kiếm thế giới tinh thần
ở những nhánh giải trí mang có tính công nghệ cao. Và hầu như người già, người
trung niên lại tìm đến văn chương ngày một đông hơn. Vậy sự thách thức đối với
nền văn học đặc thù Việt Nam đương đại và tương lai gần là những nguy cơ cụ thể
nào, với một thể trạng khiêm tốn nên văn học Việt sẽ thích ứng ra sao ngõ hầu để
có thể phản ánh một phần nào đó tinh thần thời đại vốn là nhiệm vụ của nó? Thưa
ông.
VG:
Trong một số tiếng nói có màu sắc bi quan, họ cho rằng có thể vài chục năm nữa
văn học còn biến mất nữa kia. Lại nghe nói hiện giờ một số nước trong các trường
phổ thông, không cả học môn văn nữa. Nhưng tôi nghĩ, văn chương cũng giống các
lĩnh vực khác, nó vẫn tồn tại, vẫn làm bận tâm một số đông nhân loại, trong khi
một số đông khác vẫn thờ ơ. Âu cũng là chuyện tất yếu. Dĩ nhiên, trong tư cách
nhà văn, vốn nặng tình với văn chương, thấy văn chương mất giá cũng buồn chứ.
NTTK:
Hiện thời ông có hài lòng với công việc của mình không? Đối với ông điều gì thuộc
về đời sống hiện tại khiến ông thất vọng? Và điều gì quan trọng nhất với một
nhà nghiên cứu văn học như ông? Ông có thấy cảm văn chương đang bị công nghệ
đang “chèn ép” cả thể xác và tâm hồn của nó ?
VG:
Tôi là người không thuộc típ người lạc quan. Buồn và thất vọng về đời sống này
nhiều thứ. Cái buồn nhất là đất nước đổ vỡ về văn hóa, đổ vỡ tận nền tảng. Các
giá trị, các thiết chế, các di sản truyền thống bị mai một, bị làm tiền, bị
dung tục hóa, bị giải thiêng, bị biến tướng…Nghĩa là rất nhốn nháo. Thêm nữa,
những vấn đề tưởng như vĩ mô nhưng lại đánh động tâm can mình rất mạnh, vì nó động
chạm tới chính sách phát triển quốc gia, vấn đề chủ quyền đất nước, vấn đề quan
lại và tham nhũng…Đây là thời cực kỳ hỗn loạn, thời mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
hay nói là “thời mạt pháp, thời vô đạo”. Lỗi này do toàn bộ sự vận hành xã hội
hơn 70 năm nay đã tạo ra.
NTTK:
Một người mơ mộng trong sự tài hoa, sắc sảo ẩn dưới nhu mỳ như ông, đã bao giờ
vẽ tự bức tranh thân phận văn chương nước Việt trong mười, mười lăm năm nữa. Viễn
kiến cho một bức tranh theo ý ông thì phải cần những yếu tố nào nhi ? Ông có lo
sợ cho tương lai 4.0?
VG:
Tôi không có một đoán định nào. Nhưng thời nay, theo quan sát của tôi, phải là
thời của văn xuôi mới đúng. Có lẽ mới đang là thời của non -fiction. Phải chờ một
sự lắng đọng cần thiết mới có thể tạo ra những văn xuôi fiction tầm vóc như
mong muốn. Cái anh nhà văn có một điều rất mâu thuẫn: Nhiệt tình công dân thì rất
cần, nhưng nếu nhiệt tình công dân lại lấn át nhiệt tình nghệ thuật, thì có khi
lại ra tác phẩm non, ít có giá trị, khi đó chỉ còn là tác phẩm chống tiêu cực
chẳng hạn. Cho nên, giải quyết được vấn đề này một cách êm trôi là cực khó. Còn
tương lai 4.0 phải nghĩ về điểm chính của nó là tốt. Chỉ khi nào con người lợi
dụng khoa học để chống lại loài người, chống lại những giá trị phổ quát của
nhân loại mới đáng sợ. Ví dụ nhân bản vô tính người, hay dùng robot để xâm lược,
để giết người… chẳng hạn.
Nguồn:
Tinh Hoa Việt