Nhạc sĩ Văn Lương kể chuyện nhạc sĩ Phạm Duy trước năm 1975 ở Sài Gòn: “Anh lâm nạn vì chuyện “ăn chè ở Nhà Bè” với cô Khánh Ngọc, một cơn địa chấn đối với anh, khi cả làng báo Sài Gòn rộ lên làm một cuộc “bề hội đồng” không thương tiếc! Bởi cái tên anh lớn. Sự kiện bi thảm này đã thực sự khiến anh mất tinh thần. Mặc dù sau khi tỉnh hồn, anh vẫn đáp trả lại công luận bằng sự đanh thép, gan lì của một nghệ sĩ không sợ gì ai cả, đó là bản nhạc “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!”. Rồi tiếp theo bản “Sức mấy mà buồn!”, “Buồn ơi! Bỏ đi Tám”, nghe nó rẻ rúng làm sao ấy! Rồi anh lại tự đại hạ giá, bằng cách gia nhập vào tốp nhạc trẻ thời đó. Chỉ trừ loại ca nhạc của Trịnh Công Sơn là anh dị ứng. Bởi anh cho rằng: “Nhạc của Trịnh Công Sơn làm hèn con người, vong ân với tiền nhân và Tổ quốc”.




TÔI VỚI PHẠM DUY

VĂN LƯƠNG

Tôi, Văn Lương, nhạc sĩ kháng chiến, cựu chiến binh, Hội CCB -TP. Hồ Chí Minh, hiện nay 85 tuổi, nhỏ hơn Phạm Duy mấy tuổi. Sau Hiệp định Genève 1954, tôi về Sài Gòn với tư thế một điền chủ trẻ, con nhà giàu, từng vào Ban Công tác Thành đội quyết tử quân – tiền thân của Biệt động Sài Gòn, là lính của Trung tướng Nguyễn Bình năm 1946. Sau thời gian kháng chiến chống Pháp, thuộc “diện ở lại”, sau khi tập kết tại Cao Lãnh, tôi về Sài Gòn với mẹ và em thơ. Tiếp tục hoạt động, đấu tranh chính trị trong lòng địch. Lúc đó, chính phủ Ngô Đình Diệm đặt CS ngoài vòng pháp luật! Tôi chỉ là Việt Minh, cũng bị ghép chung với CS, vì hoạt động cho CS, mặc dù tôi không là đảng viên, chỉ là Việt Minh, công dân yêu nước! Những năm sau đó, tôi vẫn bị bắt bỏ tù và bị đày ra Huế, vì tội… yêu nước! Trong khi tôi chỉ biết yêu Tổ quốc mà thôi! Đơn giản là thế đó.
Sau khi từ chiến khu, bay liền về Sài Gòn, tôi khoác danh nghĩa là nhạc sĩ, vẫn giữ nghệ danh Văn Lương, bị hai cây bút chống Cộng khét tiếng là Lê Văn, Vũ Bắc Tiến, với Giang Hải hỏi thăm sức khỏe, biết tôi đang là địa chủ, có 70 mẫu ruộng, không là đảng viên, nên không có bài báo nào tố tôi là CS nằm vùng! Tuy nhiên, tôi không chịu cầu an, yên phận nhà giàu nên bị tù và bị đày ra Huế, mới biết gái Huế mặc áo dài trắng ôm cặp đi học, đi qua cầu Trường Tiền. Ôi chao, đẹp biết thế nào mà tả! Chỉ mơ thôi.
Tôi bán bớt 10 mẫu ruộng ở xã Tân Bửu cho bà cô ruột, để có tiền mua xe Peugeot 203 mới, để chở các anh em đi hoạt động, họp mặt hàng tuần… Tôi đã là lá bài “tự lật ngửa” lúc nào không hay. Và nổi tiếng mau lẹ nhờ hai em gái Túy Phượng và Túy Hồng hát như bản dân ca “Tía em, má em” trên đài Sài Gòn. Sau đó, Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết song ca bản nhạc “Thao thức”. Tiếp sau đó, nam ca sĩ Thanh Hùng thu đĩa và trình chiếu Đại nhạc hội bài “Tình không biên giới”, cho tôi có dịp chính danh vào làng Tân ca nhạc Sài Gòn lúc bấy giờ.
Đối với Phạm Duy, tôi biết anh ấy là cây cổ thụ trong làng âm nhạc, từng đi kháng chiến ở Liên khu Tư, “dinh tê” về thành, cùng với cả Ban hợp ca Thăng Long. Tôi đến với anh tại tư gia, lúc gia đình anh còn ở một căn hộ tại chung cư gần ngã tư Phú Nhuận. Rất ngưỡng mộ tài năng và yêu chuộng một số tác phẩm nhạc khuynh hướng dân ca của anh, nhưng tôi không nể anh do anh “dinh tê” về thành, còn tôi vẫn tự hào là… người về từ khu chiến! Chiến sĩ ẩn danh.
Phạm Duy biết tôi điều đó, nên anh cũng dành cho tôi sự thân ái và rất khen ngợi bản nhạc dân ca “Tía em, má em”… Anh nói: “Đúng là dân ca Nam bộ!”. Anh cho tôi nghe bài “Tiếng hò miền Nam” của anh vừa sáng tác và có hảo ý trao tặng. Anh nói: “Biếu cậu bản nhạc này, cậu đem bán cho nhà xuất bản, lấy tiền tiêu!”. Bởi lúc tôi mới tới, anh hỏi tôi “đi bằng gì?”. Tôi bảo: – Tôi đi xích-lô máy (vì tôi không muốn cho biết là tôi đi xe hơi). Nhưng dù sao, tôi cũng nhớ mãi hảo ý của anh dành cho tôi.
Cho tới khi anh lâm nạn vì chuyện “ăn chè ở Nhà Bè” với cô Khánh Ngọc, một cơn địa chấn đối với anh, khi cả làng báo Sài Gòn rộ lên làm một cuộc “bề hội đồng” không thương tiếc! Bởi cái tên anh lớn. Sự kiện bi thảm này đã thực sự khiến anh mất tinh thần. Mặc dù sau khi tỉnh hồn, anh vẫn đáp trả lại công luận bằng sự đanh thép, gan lì của một nghệ sĩ không sợ gì ai cả, đó là bản nhạc “Tôi còn yêu, tôi cứ yêu!”. Rồi tiếp theo bản “Sức mấy mà buồn!”, “Buồn ơi! Bỏ đi Tám”, nghe nó rẻ rúng làm sao ấy! Rồi anh lại tự đại hạ giá, bằng cách gia nhập vào tốp nhạc trẻ thời đó. Chỉ trừ loại ca nhạc của Trịnh Công Sơn là anh dị ứng. Bởi anh cho rằng: – Nhạc của Trịnh Công Sơn làm hèn con người, vong ân với tiền nhân và Tổ quốc.
Cũng có nghĩa là, Phạm Duy không phản bội lại người xưa, và Tổ quốc, nhưng không chung tình với CM Việt Nam. Anh là nghệ sĩ thích tự do và hưởng thụ tình ái theo sở thích, không cần mặc đẹp, chỉ thích ăn ngon, y như Lê Thương vậy thôi. Tiếc cho anh, đã có sự nghiệp sáng tác âm nhạc quá lớn mà tự đánh mất một cuộc đời, đáng lý con cháu đời sau vẫn ngưỡng mộ với những tác phẩm – nhạc phẩm bất hủ của một Phạm Duy tài hoa. Nhạc dân ca của Phạm Duy nằm lòng đại chúng đời đời, vượt thời gian lẫn không gian… Dù rằng, mọi người nghệ sĩ đều có lúc phải chết ra ma, nhưng các tác phẩm đậm tình Tổ quốc, nặng nghĩa với quê hương, thì nó có quyền tồn tại với thiên thu.
Phạm Duy tài hoa, tự anh tạo được sự nghiệp lớn. Rồi cũng vì cá nhân chủ nghĩa, để lạc lòng giữa phong ba bão táp của cuộc đời, mà để lạc tay lái, danh bất hư truyền bỗng nhiên tan nát bởi những nhạc phẩm thể hiện sự ô nhục của anh.
Nay tôi vẫn còn nhớ vài kỷ niệm với người nhạc sĩ tôi ngưỡng mộ ngày xưa. Một lần tôi tới chơi với anh tại tư gia, sau khi có đình chiến bởi Hiệp định Genève 1954, anh có hảo ý tặng tôi bản nhạc “Tiếng hò miền Nam” như đã kể, có lần anh bị cả làng báo “bề hội đồng”, khiến anh hoảng loạn, anh mới tìm tôi. Lạ thật!
Rồi rủ tôi đi ăn trưa tại chợ Vườn Chuối, trong một tiệm ăn của người Tàu, vắng vẻ. Mỗi người một đĩa cơm gà, tôi đang đói bụng nên ăn không khách sáo. Còn anh đang có nỗi buồn không tên mà trở thành thiên thu. Ở Sài Gòn lúc bấy giờ, giới làm báo với giới nghệ sĩ tân nhạc, mấy ai không biết tiếng… Văn Lương viết báo, làm báo đi tù hoài!
… Dù không là đảng viên, mà khi có bút chiến thì dễ bị chụp mũ là “VC nằm vùng”! Vì thế mà Phạm Duy, có lẽ anh cũng nghĩ tôi vẫn có “đường dây” liên lạc với bên trong “khu”, hay cục “R” gì đó. Anh đã rõ biết, câu chuyện bi đát của anh bị cả làng báo Sài Gòn “bề hội đồng” thì tôi đã biết rồi, không cần nhắc lại, mà anh chỉ hỏi tôi:
- Nếu bây giờ, tôi muốn nhờ cậu giúp tôi, giới thiệu tôi được vào trong khu, rồi sau đó đi qua Nam Vang, tôi trở về Bắc, có được không?
Tôi nhanh trí, biết ngay lúc này hoảng loạn tâm hồn, anh ấy cố tình chạy trốn công luận nghiệt ngã đang tàn phá cuộc đời oanh liệt của anh, nên anh mới có ý nghĩ như vậy…
Tôi từ chối khéo:
- Anh thấy tôi đang như lá bài bị lật tẩy, tù hoài, mấy anh trong đó biết tôi luôn bị theo dõi, làm sao dám quan hệ với tôi!
Nghe tôi nói có lý, anh tỏ vẻ thất vọng ra mặt! Tôi trân trọng giờ phút đau buồn của nghệ sĩ. Nhưng tôi phải cảnh giác, phải hiểu rằng: – Lúc này, anh ấy khủng hoảng tinh thần, thì có ý định đi về Bắc, rời bỏ cái “thế giới tự do” rất nguy hiểm này; đến lúc anh hoàn hồn, bỏ ý định về Bắc, vẫn ở Sài Gòn ăn chơi bằng thích, anh sẽ méc với công an, nói Văn Lương vẫn có đường dây với VC ở ngoài khu, thì công an bắt tôi, tra tấn mềm xương sao!”. Thế nên, tôi từ chối yêu cầu của anh ấy. Có lẽ Phạm Duy cũng hiểu cho tôi nên tôi không nói gì nhiều để làm anh đau đớn thêm.
Bỏ qua xu hướng chính trị, tình nghệ sĩ vẫn có chỗ để tiếp nạp, thông cảm, chia sẻ với nhau dù hoàn cảnh trái ngược nhau… Do cá tính của mỗi người… 

Thế rồi thời gian qua mau, hôm tôi được tin Phạm Duy hồi cư về Sài Gòn, tôi đến khách sạn để mừng anh. Anh tặng tôi đĩa nhạc của anh sáng tác toàn bài mới với chủ đề “Những dòng sông quê hương”, được lắm.
- Lần này, về đây có lẽ là để gửi xác tại Sài Gòn này?
- Tôi vẫn muốn mãi mãi là người của quê hương Việt Nam. Cậu có câu nào để tặng tôi?
Tôi đáp với tất cả bồi hồi và ngậm ngùi:
- Anh là người ở xa mới về, tuy tôi kém tuổi hơn anh, chúng ta đều là nghệ sĩ rồi cũng đều lần lượt đi xa. Thấy được anh về, tôi vui lắm xin nhường lời để anh có gì cởi mở, nói trước tôi nghe đây, tôi không có tư cách nhà báo, ký giả như thuở nào, mà chỉ là nghệ sĩ lắng nghe những điều nghệ sĩ tâm sự với nhau.
Phạm Duy cười hiền hòa:
- Tôi đã có viết sách và nhà xuất bản in ấn tác phẩm. Trong đó, tôi nói rất nhiều điều với mọi người. Còn ở đây, anh em mình đều là nghệ sĩ, tớ nói ít thôi nhé!
- Vâng! Được nghe tiếng nói của anh là vui rồi!
Cười cười, Phạm nhạc sĩ hỏi câu đầu:
- Sau hơn 30 năm gặp lại, tôi muốn biết hiện nay cậu có gì, còn những gì, nói nghe để mừng cho cậu.
Bỗng nhiên tôi trở thành người bị phỏng vấn, bụng nghĩ thầm, thằng cha này “gay” thiệt! Lúc còn ở bên Mỹ, hẳn anh ta cũng nghe Việt kiều về Sài Gòn, nói lại từng hoàn cảnh của mỗi nghệ sĩ trong số đó có mình. Nếu tôi nói, hiện nay tôi vẫn là tỷ phú, có nhà cửa như dinh thự, đất đai ông bà để lại tài sản nhiều tỷ bạc… ắt hẳn anh ta cười thầm, cho rằng tôi nói chính trị, nói phét đây! Thôi thì, mình cứ nói thật thà, đúng sự thật, để khỏi bị bắt bẻ là nói láo, là dối trá…
- Sao, nói đi chứ? – Anh ấy cười nhẹ, giục.
Tôi gật:
- Được. Tôi nói đây. Trước hết tôi đang có cả một “Sài Gòn giải phóng”, và một nước VN độc lập, thống nhất, có đúng không nào?
Phạm Duy cười cười một lúc, gật gù: – Đúng, còn có gì nữa?
Tôi nói tiếp:
- Tôi có cả một khung trời tự do hít thở không khí và ca hát tưng bừng bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của anh Phan Huỳnh Điểu, chẳng ai phê phán gì tôi. Kể cả tôi hát “Tía em hừng đông đi cày bừa…”, cũng không ai cấm đoán gì, có nghĩa là tôi có tự do của một công dân của một đất nước độc lập. Và kể cả khi tôi hát vang câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” của anh nữa.
Phạm Duy có vẻ… khoái, hỏi tiếp:
- Cậu còn đi xe ô tô như xưa chứ?
- Vâng! Tôi đi xe nhà nước, khỏi tốn tiền, tốn xăng gì cả.
- Vậy là cậu… thuộc diện cán bộ cao cấp?
- Không cần phải thế! Tôi đi xe “bết” có máy lạnh, trên 80 tuổi, khỏi mua vé, trả tiền, có quyền đi bất cứ xe nào, đi suốt ngày nếu muốn. Anh về đây, cũng có quyền đi xe “bết” có máy lạnh như tất cả công dân ở thành phố này… Sài Gòn bây giờ, anh muốn ở nhà lầu cao mấy chục tầng đều có. À quên, còn có nhiều cuộc thi hoa hậu, trình diễn thời trang, giá nào cũng có (bán vé). Các ca sĩ nam nữ nay toàn là đại gia, tỷ phú. Hồi xưa Sài Gòn làm gì có nghệ sĩ tỷ phú!
… Có lẽ Phạm Duy choáng ngợp bởi tôi quảng cáo Sài Gòn tôi, Việt Nam tôi có quá nhiều điều mà nếu ở bên Mỹ, có nằm mơ cũng không thấy! Nghe nhiều quá có lẽ hơi mệt, nên nhạc sĩ mới kết thúc bằng câu nói:
- Nói thật với cậu nhá! Đô la thì tôi có nhiều. Nhưng đã tới tuổi U90 rồi, còn sức đâu mà hưởng của đời! Bây giờ, tới phiên tớ yêu cầu ngắn gọn thôi. Tớ muốn cậu tặng cho tớ một câu hàm súc, đầy đủ ý nghĩa của tớ ngày hôm nay, được chứ?
- Được thôi! – Không cần suy nghĩ lâu, Văn Lương tôi mới xuất khẩu thành văn ngay – Nếu có ai hỏi ông Phạm Duy hiện nay như thế nào, thì tôi mến tặng câu này, ông hãy nói to để vang dội vào tiểu sử cuộc đời mình, rằng là: “Lúc chạy đi, ta không nghĩ là không có lúc ta chạy trở về”. Đúng không?
Phạm Duy vỗ đùi đánh “bép”, bá vai tôi nói lớn: – Tuyệt!




Nguồn: Văn Nghệ TPHCM