Đỗ Bích Thúy từng băn khoăn, rằng những điều mình “tự thú” có sợ nó quá riêng tư không? Quả thực ngoài cái lập luận ta thường nói “đi đến tận cùng cái riêng tư sẽ chạm vào cái chung”, thì nhìn sâu hơn, còn thấy, mỗi chúng ta đều chỉ là một “hiện tướng”- tức là hình hài này, thân thể này sinh ra để phản chiếu một ánh lấp lánh, tủi khổ nào đấy của cuộc sống-một cuộc sống “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn). Cái mà ta tưởng là riêng tư ấy là biểu hiện bên ngoài để “tải” ánh phản chiếu của cái chung. Cái mà ta nghĩ là riêng tư ấy, sẽ trở về với đất, và cái còn gửi lại là thế giới mênh mông của tâm hồn con người, với những đau đáu muôn thuở.



 “Tôi đã trở về trên núi cao” – Tập tản văn mới nhất của Đỗ Bích Thúy

KHÔNG BAO GIỜ BUỒN THÌ CÓ GÌ VUI?

Đó là tựa đề của bài viết gần như cuối cùng trong tập sách này, lại cũng như một sợi chỉ mềm xuyên suốt, như ngọn khói sớm quẩn lên, như một tiếng còi tàu từ ký ức vọng suốt những trang sách của “Tôi đã trở về trên núi cao”. Không bao giờ buồn thì có gì vui? - Đỗ Bích Thúy với câu hỏi này đã cùng bạn đọc - trên hành trình trở về với chính mình để rồi cuối cùng có câu trả lời rõ ràng về một thái độ sống biết ôm ấp, vượt lên nỗi buồn. Sống để biết ơn!
“Tôi đã trở về trên núi cao” ngay từ trong tiêu đề đã là một triết luận. Ra đi, đi mãi rồi cũng phải trở về, và trở về nói cách khác chính là đích cuối cùng của việc đi, sống… Những trang viết tất nhiên có nói nhiều về những chuyện đã qua, dưới con mắt chọn lọc, nhạy cảm của một ngòi bút tinh tế. Ví như: “Rằng những người miền núi chúng ta rồi sẽ về những ngôi nhà như thế, và yên ả ngồi trong nó, nhìn qua ô cửa, phía sau lưng là bếp lửa đang cháy, rất ấm áp, trên bếp lửa có một ấm nước đang sôi. Trên gác bếp, một tảng thịt mà mẹ chúng ta đã sấy từ rất lâu, ám đầy muội khói. Một bó mùi già...”. Nhưng đây cũng không hoàn toàn là thí dụ ôm trọn hết ý nghĩa của việc trở về. Sau những hiện diện của một đời sống đã qua ấy, quan trọng nhất là Đỗ Bích Thúy đã ngồi đối diện với mình để nghĩ thẳng, hỏi thẳng về những điều mà mấy mươi năm trước mình đã hỏi và mấy mươi năm sau, qua rất nhiều sóng gió mình vẫn còn muốn hỏi, muốn trả lời. Đấy chính là về với bản thể! Một chân bản lai diện mục.
“Một mình với một mình thôi / Một mình với một mình ngồi với nhau” (NTMT) cũng là hình ảnh, trạng thái cô đơn nhất và đẹp đẽ nhất của người viết, mà không, là của văn nghệ sĩ nói chung.
Có thể gặp trong tác phẩm này rất nhiều nỗi băn khoăn như thế: “Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể lựa chọn. Đúng hơn là, có những lúc có rất nhiều phương án, nhưng ta chỉ có thể lựa chọn duy nhất một. Những phương án khác không thuộc về chúng ta, không dành cho chúng ta”. Và nữa, “Quyền được nghỉ ngơi, quyền được nằm xuống, thậm chí là quyền được thất bại. Chúng ta đều có thể lựa chọn, hoặc cứ lao đi như một đoàn tàu, không dừng ở ga nào. Lao đi đến khi rệu rã, rơi rụng tan tành mỗi nơi một mảnh; Hoặc đôi khi dừng lại, lặng yên, chợp mắt trên đường ray ấy”.
Đỗ Bích Thúy từng băn khoăn, rằng những điều mình “tự thú” có sợ nó quá riêng tư không? Quả thực ngoài cái lập luận ta thường nói “đi đến tận cùng cái riêng tư sẽ chạm vào cái chung”, thì nhìn sâu hơn, còn thấy, mỗi chúng ta đều chỉ là một “hiện tướng”- tức là hình hài này, thân thể này sinh ra để phản chiếu một ánh lấp lánh, tủi khổ nào đấy của cuộc sống-một cuộc sống “bất khả tư nghị” (không thể nghĩ bàn). Cái mà ta tưởng là riêng tư ấy là biểu hiện bên ngoài để “tải” ánh phản chiếu của cái chung. Cái mà ta nghĩ là riêng tư ấy, sẽ trở về với đất, và cái còn gửi lại là thế giới mênh mông của tâm hồn con người, với những đau đáu muôn thuở.
“Tôi không nghĩ đến cái chết dễ dàng thế. Mà tôi cần một cái hố để nằm yên dưới đó, nhắm mắt, nghe lao xao tiếng những cơn gió tước vài chiếc lá rời khỏi cành; nghe những tia nắng đang vờn trên ngọn cỏ mần trầu xanh mượt; nghe cuộc đời với muôn triệu số phận đang trôi đi như mây...”.
Nghĩ về cái chết, nói về cái chết cũng là điều mà các nhà văn quan tâm, như một cách để căn vặn về sống và ý nghĩa của việc sống…
Một điều nữa, cuốn sách này có nhiều trang viết, như những hoá thạch của đời sống. Những chi tiết đủ để gọi dậy “một phiên bản” nào đó của nhà văn trong số những độc giả của chị… Những chi tiết lưu giữ lại những nét văn hóa có thể sẽ… chỉ còn trong văn học. Như là: “Và trong mọi căn bếp, những ngọn khói chỉ quẩn quanh với mái lá vẫn còn sũng nước. Khói cũng biết buồn chăng?
Khói có mùi của những hạt ngô còn sót lại trên những lõi ngô khô bị đốt cháy, mùi của gộc củi gỗ dẻ, mùi của tinh dầu vỏ cam, mùi của vỏ cây sẹ bị tước dùng thay lạt, có cả mùi của lông chú mèo tam thể nằm sưởi, mải ngủ, lửa bén sém cả một khoảng...”. Rồi “Sau một ngày, dù là đi đâu, làm gì, thì đến cái giờ ấy, bìm bịp ra khỏi tổ…”. Nhiều đoạn như một thước phim, cô đọng và lay động khủng khiếp: “Đầu gối sát tai. Những sợi tóc trắng như mây rơi ra ngoài khăn vấn. Phía sau mí mắt nhăn rúm lại là đôi mắt tinh anh kỳ lạ. Và tôi nhớ mùi lá thuốc phơi héo. Bà chẳng phải bà tôi. Tôi với bà cũng chưa bao giờ hiểu người kia nói gì. Sao tôi nhớ bà đến thế? Tôi nhớ giọng nói, nhớ mùi khói bếp trộn với mùi lá thuốc trên người bà. Nhớ cái cảm giác yên bình dễ chịu khi tôi ngồi đó và bới những mẹt lá mềm xốp thơm tho của bà…”.
Và nữa, hẳn là nhiều độc giả sẽ muốn khóc khi đọc những dòng này: “Người có thể yêu người mà không nhất thiết phải nói gì với nhau”.
“Tôi đã trở về trên núi cao” cũng đã dành cho một Hà Nội mà Đỗ Bích Thúy đã sống và viết suốt 20 năm qua, nhiều trang viết, quả thực là nhiều trang viết rõ âm thanh, mùi vị của đời sống, cả những trạng thái nữa… “Thò cổ ra ngoài. Những ngày trời lạnh, lá long não rụng đầy hè phố. Bước chân ra khỏi cửa là bước ra hè phố. Trước nhà, một người phụ nữ gầy guộc đang đặt gánh rau củ, tranh thủ bán cho vài bà lão dậy sớm đi tập thể dục”. Những nhận định có thể không mới, nhưng nó làm đẹp thêm cái vẻ đẹp thực chất của Hà Nội: “Hà Nội, vẫn còn đâu đó những cũ xưa phảng phất. Không phải ở những gì to lớn, vạm vỡ, mà là ở những góc nhỏ, lặng yên như thế”.
Cảm hứng sống xanh, sống gần thiên nhiên, cảm giác sống “vừa vặn”, thấm đẫm tinh thần “tối giản” lan tỏa nhẹ nhàng suốt những trang sách. Nghĩa là đẹp nhất là giản dị nhất, bỏ đi hết những rườm rà. Tất nhiên nó không phải là sự bỏ đi để trơn phẳng, đơn giản chỉ là sự bỏ đi để đạt đến độ tinh… Và nữa, nó có tình bạn, lấp lánh vẻ đẹp của tình bạn qua “Lưu lạc thế gian với Đỗ Doãn Hoàng”, “Về nhà với A Sáng”, “Nàng Olga Việt Nam”, “Câu chuyện hoa sen”, “Mộng ở trong vườn”. Đặc biệt là những trang gần như cuối cùng về một tình yêu nào đó thật đặc biệt, dịu ngọt và mãnh liệt cho dù nó luôn mang theo đó “Một vết cứa. Rất sâu. Tàn nhẫn và lạnh lùng” - “Không bao giờ buồn thì có gì vui?”.
Cái nỗi buồn này là nỗi buồn của tình yêu con người, yêu một tia lấp lánh, một khuất lấp, giản dị và đẹp đẽ nào đó của cuộc sống, yêu đến tha thiết… Cái nỗi buồn mà ngay cả khi ở trong nó, Đỗ Bích Thúy vẫn cho thấy những chi tiết được đẩy tới nhiều chiều, hóm hỉnh, bất ngờ: “Bà đã già quá rồi, không thể già hơn được nữa. Mà không thể già hơn được thì chết làm sao được?”.
“Cuộc đời phía sau còn dài không? Tôi thậm chí không cần cả đặt ra câu hỏi ấy. Chỉ biết là tôi sẽ luôn có một nơi để nằm dài ra, thân thuộc, thoải mái thở than. Đôi khi cũng thật là buồn… Nhưng, đời mà không bao giờ buồn thì có gì vui?”.
Đỗ Bích Thúy dường như đã cùng bạn đọc đi hết nỗi buồn rồi. Mà đi hết nỗi buồn rồi thì làm sao còn gì buồn hơn được nữa…


CAO HẢI GIANG – Báo Nhân Dân