Nhà báo- nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ nhận định: Nsản xuất trả tiền để đưa tin, bài về bộ phim là một thực tế đang diễn ra. Điều này có tác động là giúp công chúng biết được đang có một bộ phim vừa khởi quay hoặc vừa khởi chiếu, nhưng không ai hình dung được bộ phim như thế nào. Nghĩa là, về tác động truyền thông, chỉ mang đến cho độc giả một nửa sự thật về một bộ phim. Một nửa sự thật thì có được như một nửa cái bánh mì đâu. Khi cái hạn chế của bộ phim bị giấu biệt, thì định hướng thẩm mỹ điện ảnh dành cho khán giả cũng bị triệt tiêu. Tuy nhiên, điều đáng hãi hùng hơn là những bài viết in trên báo do chính ê-kip làm phim cung cấp cho báo chí luôn thổi phồng giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tư tưởng của bộ phim theo cách quảng cáo thiếu đạo đức. Nếu tin theo những bài viết ấy để mua vé vào rạp, thì công chúng nếm một quả lừa ngoạn mục!



NHÀ PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH CÁT VŨ: BÂY GIỜ PHỔ BIẾN HÌNH THỨC TRẢ TIỀN ĐỂ ĐƯA TIN

@ Hiện nay, điện ảnh tư nhân đang chiếm ưu thế. Mỗi công ty giải trí khi đầu tư làm phim đều có một bộ phận truyền thông khá nhạy bén. Từ khi lên kế hoạch sản xuất đến khi phát hành, đều liên tục cập nhật thông tin bộ phim trên fanpage, website và gửi thông cáo báo chí cho các phóng viên. Như vậy, hình thức phê bình điện ảnh trên báo chí còn tồn tại không?
Cát Vũ: Trên lý thuyết, thì vẫn còn. Thế nhưng, trên thực tế thì bẽ bàng lắm. Muốn có phê bình điện ảnh trên báo chí, không chỉ cần bản lĩnh của phóng viên mảng này mà còn cần sự chú trọng của ban biên tập mỗi tờ báo. Khi phóng viên không hứng thú và khi tờ báo cũng không khuyến khích, thì không còn cơ hội cho bất kỳ bài phê bình điện ảnh nào xuất hiện trên báo chí. Đành rằng, phóng viên trẻ thì chưa thể viết phê bình điện ảnh, nhưng nếu muốn thì tờ báo có thể đặt hàng để có bài viết ra tấm ra món về một bộ phim nào đó.
@ Vì nhu cầu kinh tế báo chí, nhiều cơ quan truyền thông chấp nhận in những bài giới thiệu phim dưới dạng một hợp đồng quảng cáo. Điều này có tác động như thế nào đến người xem?
Cát Vũ: Nhà sản xuất trả tiền để đưa tin, bài về bộ phim là một thực tế đang diễn ra. Điều này có tác động là giúp công chúng biết được đang có một bộ phim vừa khởi quay hoặc vừa khởi chiếu, nhưng không ai hình dung được bộ phim như thế nào. Nghĩa là, về tác động truyền thông, chỉ mang đến cho độc giả một nửa sự thật về một bộ phim. Một nửa sự thật thì có được như một nửa cái bánh mì đâu. Tôi thấy đau lòng!
@ Không có nhà sản xuất nào muốn báo chí nói đến hạn chế của bộ phim mà họ bỏ tiền đầu tư. Như vậy, sự định hướng thẩm mỹ cho công chúng điện ảnh trên báo chí sẽ đi về đâu?
Cát Vũ: Khi cái hạn chế của bộ phim bị giấu biệt, thì định hướng thẩm mỹ điện ảnh dành cho khán giả cũng bị triệt tiêu. Tuy nhiên, điều đáng hãi hùng hơn là những bài viết in trên báo do chính ê-kip làm phim cung cấp cho báo chí luôn thổi phồng giá trị nghệ thuật cũng như giá trị tư tưởng của bộ phim theo cách quảng cáo thiếu đạo đức. Nếu tin theo những bài viết ấy để mua vé vào rạp, thì công chúng nếm một quả lừa ngoạn mục!
@ Là một người được đào tạo chính quy ở khoa Phê bình phim của Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh, chị đánh giá trong màu sắc rực rỡ những thông tin điện ảnh trên báo chí bây giờ, tỷ lệ những bài đúng nghĩa phê bình phim chiếm bao nhiêu phần trăm?
Cát Vũ: Nếu được 1% đã là an ủi. Tôi xin báo động một thực tế nữa là không ít phóng viên điện ảnh của các báo kiêm luôn vai trò nhân viên PR của công ty sản xuất phim, nên thông tin mà họ đưa ra chỉ nhằm có lợi cho việc bán vé khi bộ phim ra rạp. Trong bối cảnh ấy, tìm đâu ra bài phê bình phim sắc sảo! Sự thật là nhà phê bình phim chuyên nghiệp không thể sống được bằng nghề. Tôi cầm tấm bằng cử nhân cũng phải đi làm báo mới có thể tồn tại theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Nghệ thuật điện ảnh, nếu biết sơ sơ thì không thể phê bình được. Cho nên, một phóng viên không được đào tạo chuyên môn sẽ thấy được hạn chế của mình, và chỉ có thể viết về phim một cách chung chung!
@ Chị nghĩ gì trước xu hướng khai thác những scandal của diễn viên trong phim, như một cách quảng bá bộ phim?
Cát Vũ: Đó là chiêu trò rẻ tiền, nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận khán giả tò mò. Một nhà báo viết về điện ảnh có khát vọng trở thành một nhà phê bình phim đúng nghĩa, thì không nên nhúng bút vào những thông tin chụp giựt ấy!
@ Với tư cách tiền bối, chị cho rằng làm sao để nhà báo có thể làm nhà phê bình điện ảnh?
Cát Vũ: Bản thân người viết phải rất yêu điện ảnh. Viết về điện ảnh, nếu hạn chế về kỹ thuật có thể trao đổi thêm với đạo diễn để bổ sung cho bài viết, nhưng nếu hạn chế về văn hoá thì gay go! Phê bình điện ảnh phải là một tác phẩm độc lập so với bộ phim, khi tương tác với khán giả. Muốn làm nhà phê bình điện ảnh, đôi khi phải chấp nhận “thuốc đắng dã thật, sự thật mất lòng”. Tôi cứ nhớ mãi câu nói một giáo sư đã nhắc trên giảng đường: “Khi nhà phê bình ngồi cà phê với nhà sáng tác thì nền phê bình bị tê tiệt”. Người phê bình và người sáng tác phải phản biện lẫn nhau thì điện ảnh mới có cơ hội phát triển!

                                                    THÁI HIẾU (thực hiện)