Nhà báo gian nan đi tìm sự thật
Để có một bài viết xác thực, sắc bén mang đậm tính chiến đấu, các phóng viên phải tìm hiểu sâu, dấn thân tiếp cận gần nhất với các nhân c...
http://www.lethieunhon.vn/2018/08/nha-bao-gian-nan-i-tim-su-that.html
Để có một bài viết xác thực, sắc bén mang đậm
tính chiến đấu, các phóng viên phải tìm hiểu sâu, dấn thân tiếp cận gần nhất với
các nhân chứng, các tư liệu, tài liệu liên quan đến các sai phạm. Việc này đồng
nghĩa với nguy hiểm và những nguy cơ bị tấn công của các đối tượng để ngăn chặn
các nhà báo thu thập thông tin. Chỉ cần thiếu tỉnh táo, sai sót về nghiệp vụ,
nhà báo sẽ phải chấp nhận những hậu quả mà mình không mong muốn. Các nhà báo đã
gặp nhiều tình huống bị cản trở, bị xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính
mạng đến mức phải xử lý hình sự trong khi tác nghiệp, nhưng hầu hết các vụ việc
được xử lý không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Điều
này đã làm cho không ít cá nhân, tổ chức không sợ mà còn xem thường quy định của
pháp luật, trong khi những người làm báo hoang mang.
GIAN NAN ĐI TÌM SỰ THẬT
CÙ TẤT DŨNG
Trong vòng một tháng qua, liên tiếp xảy ra các vụ
cản trở phóng viên tác nghiệp dưới nhiều hình thức, cụ thể: né tránh cung cấp
thông tin; gây khó dễ; thu giữ phương tiện tác nghiệp; phá hoại phương tiện ghi
âm, ghi hình; giữ người trái pháp luật; tấn công, gây thương tích, đe dọa trả
thù… Ngày 8-6-2018, phóng viên Huy Tưởng, chuyên trang Phapluatnet thuộc
Báo điện tử Người Đưa tin và phóng viên Bùi Văn Đạt, Tạp chí điện tử Luật sư Việt
Nam đã đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình để xác minh việc
mua áo mưa với giá 1 triệu đồng/bộ phục vụ công tác phòng chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn có dấu hiệu bất thường. Sau khi rời trụ sở Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn khoảng 100 mét thì bị hai đối tượng lao vào đánh đấm
túi bụi gây thương tích. Các đối tượng này còn hùng hổ đe dọa sẽ "giết cả
hai" nếu không rời địa bàn trong vòng 30 phút.
Tiếp đến, ngày 18-7-2018, hai phóng viên Nguyễn
Hải Sơn và Hà Văn Long, công tác tại Báo Gia đình Việt Nam đến làm việc tại
Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Mai Linh; địa chỉ: số 5, ngõ 82, đường Nguyễn Khuyến,
phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội để xác minh về những sai phạm tại
doanh nghiệp này. Quá trình làm việc, 2 phóng viên đã bị 2 đối tượng giam lỏng,
uy hiếp đập điện thoại, làm hỏng Thẻ hội viên Hội Nhà báo và dùng những lời lẽ
dọa nạt khó nghe
Sau đó đúng một tuần, ngày 25-7-2018, phóng viên
Nguyễn Chung Thủy của Báo Đời sống và Tiêu dùng cùng các đồng nghiệp đến UBND
xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương để xác minh một số thông tin người
dân phản ánh liên quan đến công tác quản lý đất đai tại địa phương này.
Trong lúc đang tác nghiệp tại chợ giống, các
phóng viên bị một số đối tượng lạ mặt khóa cổng chợ, đồng thời giam lỏng gần một
giờ đồng hồ. Bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng, một người đàn ông đã
túm cổ áo, lao vào hành hung một phóng viên trong đoàn. Chưa dừng lại, đối tượng
này còn đe dọa phóng viên rồi cầm gạch ném vào ôtô và có những lời lẽ dọa nạt cả
những người dân dám hợp tác với nhà báo.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà
nước, các tổ chức chính trị - xã hội, là tiếng nói, diễn đàn của nhân dân lao động,
báo chí luôn bám sát các sự kiện xảy ra trong xã hội, phản ánh kịp thời các hiện
tượng cũng như lột tả bản chất những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình đổi mới,
đi lên của đất nước. Thực tế cho thấy, để viết một bài báo nêu gương điển hình,
khen một tập thể, cá nhân thì luôn được các đơn vị, địa phương nhiệt thành ủng
hộ.
Ngược lại, khi tìm hiểu để phản ánh những vấn đề
bức xúc, gai góc, nổi cộm liên quan đến môi trường bị tàn phá, tài nguyên, đất
đai sử dụng lãng phí, buôn lậu, tiêu cực… thì thường vấp phải sự né tránh, bất
hợp tác từ phía chính quyền cũng như các tổ chức. Các hành vi cản trở báo chí
trong lúc đang tác nghiệp hoặc sau khi vừa tác nghiệp xong, cho thấy có dấu hiệu
liên quan giữa vụ việc sai phạm với những hành vi liều lĩnh của các đối tượng
tham gia hành hung nhà báo.
Để có một bài viết xác thực, sắc bén mang đậm
tính chiến đấu, các phóng viên phải tìm hiểu sâu, dấn thân tiếp cận gần nhất với
các nhân chứng, các tư liệu, tài liệu liên quan đến các sai phạm. Việc này đồng
nghĩa với nguy hiểm và những nguy cơ bị tấn công của các đối tượng để ngăn chặn
các nhà báo thu thập thông tin. Chỉ cần thiếu tỉnh táo, sai sót về nghiệp vụ,
nhà báo sẽ phải chấp nhận những hậu quả mà mình không mong muốn.
Các nhà báo đã gặp nhiều tình huống bị cản trở,
bị xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, đe dọa tính mạng đến mức phải xử lý hình sự
trong khi tác nghiệp, nhưng hầu hết các vụ việc được xử lý không tương xứng với
tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Điều này đã làm cho không ít cá nhân,
tổ chức không sợ mà còn xem thường quy định của pháp luật, trong khi những người
làm báo hoang mang.
Vì thế, việc áp dụng xử lý hành vi cản trở, hành
hung phóng viên tác nghiệp là cần thiết, thể hiện tính cảnh báo, răn đe cao đối
với đối tượng có ý đồ cản trở, hành hung phóng viên, là biện pháp hiệu quả để bảo
vệ họ khi tác nghiệp hợp pháp và cũng chính là bảo vệ lợi ích chung của xã hội,
của nhân dân.
Cần phải có khuôn khổ pháp lý cho báo chí hoạt động,
những quy định phải đầy đủ, rõ ràng và được thực hiện một cách nhất quán; cần
có những biện pháp bảo vệ các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, đồng thời các
nhà báo cũng phải trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật, những kỹ năng
điều tra nghiệp vụ. Vì không ai đảm bảo rằng các lời đe dọa, hành hung phóng
viên sẽ giảm đi trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, những vấn đề bức xúc liên quan
đến cuộc sống của người dân, của doanh nghiệp được báo chí phản ánh nếu có sự đồng
thuận, vào cuộc kịp thời của địa phương, của các cơ quan chức năng thì những
mâu thuẫn, khúc mắc, nghi ngờ sẽ nhanh chóng được giải quyết và không tạo nên
khiếu kiện, phát sinh điểm nóng.
Trong quá trình mở cửa, hội nhập đã tạo ra nhiều
biến động cho xã hội cái tốt, cái xấu, cái mới, cái cũ đan xen nhau không dễ gì
nhận diện. Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, các cơ quan báo chí, những phóng
viên luôn đi đầu trong quá trình định hướng dư luận, đáp ứng yêu cầu thông tin
của nhân dân góp phần ổn định chính trị xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển
đất nước.
Nguồn: Văn Nghệ Công An