Góc nhìn của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà: Người chuyển giới họ là ai? Trước hết họ là Con Người, hoàn toàn không có gì khác biệt với chúng ta. Họ có những khác biệt cần được chấp nhận và tôn trọng. Dẫu có một thân phận đặc biệt, nhưng mỗi giây mỗi phút họ đã nỗ lực được sống thật nhất với giới tính của mình, biến ước mơ thành sự thật, lớn lao hơn để được những ngày “sống thật” đó có người sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình. Họ luôn muốn sống có ích, họ vẫn tràn đầy hoài bão và ước mơ, họ vẫn luôn muốn cống hiến cho cuộc đời, cho cộng đồng và để lại dấu ấn tốt đẹp cho quãng đời họ đã có mặt ở nhân gian này.



NGƯỜI CHUYỂN GIỚI PHẢI ĐƯỢC SỐNG LÀ CHÍNH MÌNH

NGUYỄN THỊ VIỆT HÀ

Tôi chưa từng thích họ trước đó, những ngươi chuyển giới, trong mắt tôi họ thật… kì lạ, mọi thứ đều cường điệu và thiếu tự nhiên như thế nào đó. Tôi vốn tôn trọng quy luật tự nhiên, nên việc chuyển từ giới tính này sáng giới tính khác, “phá nát” hình hài cha mẹ tạo để có một hình hài như ý mình thích thật bất thường. Dù khéo đến mấy vẫn nhận ra họ nam không ra nam, nữ không ra nữ. Tôi hơi gờn gợn, không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác đó.
Cho đến một ngày tôi nhận lời chấp bút cho một người chuyển giới nổi tiếng. Tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi chưa bao giờ từ chối cơ hội hiểu một ai đó khác mình, tôi luôn khát được đi vào sâu thẳm nội tâm ai đó. Chính xác hơn, tôi thích những cuộc dấn thân. Tôi đã chấp bút cho cuộc đời ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi với tựa đề “Lột Xác”.
Bốn tháng là thời gian tôi thực hiện cuốn sách, nhiều điều vỡ ra. Cái tôi (và chắc là nhiều người) đã nhìn thấy ở người chuyển giới trước kia chỉ là bề nổi phiến diện. Chuyển giới nói riêng và LGBT nói chung không phải là một hội chứng, không phải là sở thích và tuyệt đối không phải là căn bệnh. Họ đã khao khát đến tận cùng được sống thật với giới tính bẩm sinh của mình nhưng lại bị nhốt trong hình hài không đồng nhất. Họ chấp nhận đánh đổi tuổi thọ của mình để “điều chỉnh” sự khập khiễng đó. Chặng đường đi đến cái gọi là “sống thật” không chỉ là hy sinh, đánh đổi, mà còn nhọc nhằn, bị kì thị, vô cùng cô độc thậm chí có những người đã tuyệt vọng đến mức tuyệt diệt bản thân mình.
Người chuyển giới họ là ai? Trước hết họ là Con Người, hoàn toàn không có gì khác biệt với chúng ta. Họ có những khác biệt cần được chấp nhận và tôn trọng. Dẫu có một thân phận đặc biệt, nhưng mỗi giây mỗi phút họ đã nỗ lực được sống thật nhất với giới tính của mình, biến ước mơ thành sự thật, lớn lao hơn để được những ngày “sống thật” đó có người sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình. Họ luôn muốn sống có ích, họ vẫn tràn đầy hoài bão và ước mơ, họ vẫn luôn muốn cống hiến cho cuộc đời, cho cộng đồng và để lại dấu ấn tốt đẹp cho quãng đời họ đã có mặt ở nhân gian này.
Tôi hoàn thành “Lột Xác” trong rất nhiều nước mắt của tôi, tôi sống trong đời sống của họ và viết như cho chính mình. Tôi gần như phát sốt sau đó, khi hiểu được rằng họ, những người chuyển giới, họ đã dũng cảm biết mấy, thế giới này hiểu họ ít biết mấy, rằng những thứ tôi đã nhìn thấy không phải họ…
Làm sao để “Lột xác” trước định kiến xã hội? Cuộc “giải phẩu” trước định kiến còn khắc nghiệt trước trăm ngàn lần so với những cuộc đại phẩu để lột xác nếu rủi ro có thể cướp đi sinh mạng họ. Cuộc cách mạng về thay đổi quan điểm cộng đồng về LGBT tạm gọi là thành công khi họ đã được quốc hội thông qua những dự luật cho cộng đồng mình. Pháp luật đã thừa nhận họ, thế giới đã thừa nhận họ, nhưng định kiến xã hội vẫn chưa sẵn sàng mở rộng vòng tay với họ. Không có điều gì là không thể, tôi đã thấy những người chuyển giới họ sống rất hạnh phúc và gần như xóa được ranh giới trước kia họ thuộc giới tính nào, cụm từ “chuyển giới” không còn đè nặng trong cuộc sống của họ. Nhưng đó vẫn là số rất ít…
Sống tử tế, sống hết có ích, sống là chính mình, sống lạc quan, sống bản lĩnh… có lẽ là những điều để người chuyển giới chinh phục được “định kiến” của xã hội về họ. Mà những điều đó đâu chỉ cần cho những người chuyển giới, chúng cần cho tất cả chúng ta… Người chuyển giới trước hết đừng xem mình thuộc về một “thế giới khác”, đừng cố tỏ ra mình đáng thương, đừng bao giờ tự đặt mình vào những vị trí thấp kém. Hãy cứ sống là chính mình, sống thật tốt đẹp.

Lại mượn câu nói rất nổi tiếng của Trịnh Công Sơn: “Đời có bao lâu mà hững hờ”, được sống là chính mình đó đã là hạnh phúc.