Về hưu, mẹ tôi mở một quán bán tạp hóa nhỏ ở ngay đầu ngõ... Mấy năm cuối đời mẹ tôi không bán quán tạp hóa nữa. Nhưng mẹ tôi có giữ lại một cuốn sổ. Cuốn sổ đó là để ghi tên những người còn nợ tiền mua hàng mà chưa trả. Theo thời gian ghi trong đó, tôi thấy có người nợ đến bảy, tám năm. Nhưng vào một ngày, mẹ tôi đưa cuốn sổ ghi nợ cho tôi và sai tôi đốt đi. Mẹ tôi nói: “Có người có tiền nhưng không trả nợ, có người thì quên còn nhiều người túng thiếu quá chưa trả được. Con đốt cái sổ nợ cho mẹ, coi như mình giúp người ta một chút”. Nghe lời mẹ, tôi đã đốt cuốn sổ ấy.





CÓ MỘT ĐỨA TRẺ VỪA GỌI MẸ VỪA LỚN LÊN

Mỗi khi gặp nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông luôn mang lại cho tôi những cảm xúc trái ngược nhau. Khi thì thân thiết, lúc lại xa xôi, khi thì tận cùng sự giản dị, và đôi lúc thật sự tôi có cảm giác rằng, ông là một thế giới bí ẩn và đầy những va đập để có thể làm nên một Nguyễn Quang Thiều của ngày hôm nay: Một nhà văn, nhà thơ, một họa sĩ, một vị Giám đốc NXB Hội Nhà văn đầy tận tâm và lao lực với anh em văn nghệ sĩ nhưng cũng là một người ít ai sánh kịp về sự tỉnh táo và khôn ngoan trong cuộc sống. Nhưng trên hết, mỗi lần gặp Nguyễn Quang Thiều điều khiến cho mọi trái tim đều tan chảy, đó là tình yêu ông dành cho mẹ... Một người mẹ quê, một bà giáo làng tảo tần suốt một đời mưa nắng, đã là một giá trị vĩnh cửu trong văn chương Nguyễn Quang Thiều, làm nên một Nguyễn Quang Thiều riêng biệt không lẫn với bất kỳ ai trong nền văn học nước nhà...

PV: Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong rất nhiều bài thơ, các tản văn, truyện ngắn và cả những bài viết, hình ảnh người mẹ luôn hiện lên trong mỗi tác phẩm, mỗi thể loại văn chương của ông với rất nhiều tình yêu và sự tôn kính. Rõ ràng, ai cũng có một tình yêu thiêng liêng dành cho mẹ, nhưng có lẽ, có một điều gì đó đặc biệt hơn ở ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Theo tôi nghĩ, mỗi người đều yêu mẹ theo cách riêng của mình. Mẹ tôi là một bà giáo làng. Khi còn trẻ, bà dạy bình dân học vụ. Về hưu, mẹ mở quán tạp hóa nhỏ. Thi thoảng lại có người đi qua kính cẩn chào bà. Nhiều học sinh đã lớn tuổi nhưng hễ gặp mẹ tôi là kính cẩn chào.  Gia đình bên ngoại của tôi khá đặc biệt, mẹ tôi 5 tuổi đã được ông ngoại mời một thầy dạy tiếng Pháp mỗi tuần đi xe từ Hà Nội về dạy. Thứ hấp dẫn tôi nhất từ lúc tôi còn bé tí là tủ sách của gia đình ông bà ngoại tôi.  Ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước mà một gia đình ở nông thôn có một tủ sách với ngót hai ngàn đầu sách thì quả là một tài sản khổng lồ. Và tôi đã được hưởng cái tài sản chữ ấy. Khi còn nhỏ, nhất là vào những đêm mùa đông rét buốt, vì hồi đó chẳng có quần áo ấm, anh chị em tôi nằm co ro trong ổ rơm bên một chậu than củi. 
Khi chúng tôi chìm vào giấc ngủ là lúc mẹ bắt đầu soạn giáo án cho lớp học hôm sau. Mẹ tôi thức rất khuya và chỉ chợp mắt được một lúc lại dậy nấu cám lợn, tưới rau, gánh nước và nấu ăn cho chúng tôi rồi lên lớp. Hầu như tất cả các thầy, cô giáo dạy học ở nông thôn đều vất vả như thế. Hồi chiến tranh, có một thời nhà tôi trở thành lớp học vì trường lớp bị hư hỏng và các lớp học cũng không tập trung sợ bị ném bom. Sáng nào mẹ tôi cũng dậy sớm quét dọn lớp và lau bảng cho học sinh. Vào mùa thu hoạch khoai, thi thoảng mẹ tôi lại luộc một nồi khoai để trong lớp cho học sinh của mình ăn thêm vì sợ chúng đói. 
Mùa đông thì mẹ tôi thường rang ngô cho học sinh của mình ăn thêm. Khi tôi học cấp ba, nếu khi nào mẹ ốm, không có giáo viên dạy thay, mẹ lại bảo tôi trông lớp cho mẹ. Tôi cứ dùng giáo án mẹ tôi đã soạn kỹ lưỡng mà dạy các em. Nhưng chủ yếu các em chỉ thích tôi kể chuyện. 
Thế là những câu chuyện tôi đã đọc được trong sách đều mang ra kể cho các em nghe. Đặc biệt các em rất thích nghe kể chuyện Đội thiếu niên du kích Đình Bảng. Câu chuyện này được các em yêu cầu kể đi kể lại nhiều lần.

PV: Người ta nói rằng, con trai thường yêu mẹ hơn và ngược lại, con gái lại ảnh hưởng nhiều từ bố. Anh thấy điều này có đúng trong hoàn cảnh của mình?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi sống bên mẹ quá lâu và ảnh hưởng tính cách của mẹ rất rõ. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhân ái nhưng tính tình khảng khái, rõ ràng, quyết liệt trong mọi việc và đặc biệt thích chia sẻ với mọi người. Tôi không được như mẹ, nhưng hầu hết thời gian sống của tôi, kể cả khi không ở cạnh mẹ, đều mang tư tưởng và tính cách của mẹ. Tôi nghĩ về mẹ rất nhiều mỗi khi quyết định một điều gì đó dù bé dù lớn trong cuộc đời.
 Hồi trẻ tôi có yêu một cô gái cùng làng, nhưng vì nhiều lý do mà bố tôi không cho tôi lấy cô gái ấy. Mẹ tôi thì tôn trọng mọi quyết định của tôi nhưng lúc chỉ có hai mẹ con bên nhau, bà bảo: Quang Thiều phải xem lại tình yêu của mình, bởi vì mình yêu chính đáng thì mình phải đấu tranh cho tình yêu ấy chứ. Đôi lúc sợ tôi buồn, cô gái của tôi buồn, bà khuyên hai đứa hãy đi ở một nơi nào đó thật xa, sinh một đứa con, và khi có đứa con trở về thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng tôi hồi ấy là một cậu thanh niên non nớt đã không dám làm điều đó. Sau này khi tôi đã lập gia đình, sinh con, người con gái ấy cũng đã có gia đình riêng thì mỗi lần nhắc lại chuyện cũ, mẹ tôi vẫn trách khéo rằng, Nguyễn Quang Thiều đã là một người đã không dám hy sinh cho tình yêu của mình!

PV: Rõ ràng, hình ảnh của mẹ luôn ám ảnh trong tâm thức nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Người ta vẫn thấy anh nói về Làng Chùa, về Mẹ đầy ắp tình cảm trên từng trang giấy, từng dòng kỷ niệm ngay cả khi mẹ anh còn sống hay khi bà đã đi xa. Trong vô vàn những kỷ niệm ấy, có điều gì anh thấy nhớ nhất và thường bị ám ảnh về nó mỗi lần nghĩ về mẹ anh, thưa nhà thơ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Về hưu, mẹ tôi mở một quán bán tạp hóa nhỏ ở ngay đầu ngõ. Mỗi khi về quê, tôi thường ngồi với mẹ trong quán và nghe mẹ kể mọi chuyện trong làng ngoài xóm. Rất nhiều câu chuyện tôi viết về làng là nghe mẹ kể. Thi thoảng có một người nông dân đi qua dừng lại và kính cẩn chào mẹ tôi: “Em chào cô ạ!”. Họ là những học sinh cũ của mẹ tôi. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11 là những học sinh cũ của mẹ tôi đang sống ở làng lại mang một bó hoa đến chúc mừng mẹ tôi. Họ ở nhiều thế hệ, có nhiều người đã thành ông, thành bà nhưng ai gặp mẹ tôi cũng kính cẩn chào cô giáo. Kể cả những con cháu trong họ thường gọi mẹ tôi bằng bà, bằng cụ cũng chào mẹ tôi như vậy khi đến chúc mừng mẹ tôi. Mấy năm cuối đời mẹ tôi không bán quán tạp hóa nữa. Nhưng mẹ tôi có giữ lại một cuốn sổ. Cuốn sổ đó là để ghi tên những người còn nợ tiền mua hàng mà chưa trả. Theo thời gian ghi trong đó, tôi thấy có người nợ đến bảy, tám năm. Nhưng vào một ngày, mẹ tôi đưa cuốn sổ ghi nợ cho tôi và sai tôi đốt đi. Mẹ tôi nói: “Có người có tiền nhưng không trả nợ, có người thì quên còn nhiều người túng thiếu quá chưa trả được. Con đốt cái sổ nợ cho mẹ, coi như mình giúp người ta một chút”. Nghe lời mẹ, tôi đã đốt cuốn sổ ấy.

PV:  Ở vào tuổi lục tuần, nếm trải đủ những vui buồn thành bại ở cuộc đời, anh luôn chia sẻ rằng, tình mẹ đã ảnh hưởng và lay động cả một đời văn của Nguyễn Quang Thiều...
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hồi mới tập làm thơ, tôi viết bài thơ “Vùng ngày riêng” tặng mẹ tôi. Đó là những buổi tối khi chúng tôi đi ngủ thì mẹ lại thắp đèn và chuẩn bị giáo án, bài vở để mai lên lớp dạy học trò. Mẹ chẳng bao giờ hết việc. Mẹ phải sống và làm việc gấp đôi. Cả đời mẹ là vất vả, lo toan và sống cho người khác.  Nhưng chưa bao giờ tôi dám đưa cho mẹ tôi bài thơ ấy. Một trong những lý do là bài thơ rất vụng về. Sau này, mẹ là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi. Hầu hết những câu chuyện mẹ kể tại chính làng quê cho tôi, sau này tôi viết nên những truyện ngắn về làng mình, những truyện ngắn nổi tiếng, có cái đã chuyển thể thành phim, kịch như "Mùa hoa cải bên sông". 
Tới đây, tôi sẽ xuất bản cuốn sách "Những câu chuyện kỳ bí của làng Chùa", toàn bộ những câu chuyện trong cuốn sách này, đều là do mẹ tôi kể lại thậm chí có những câu chuyện mẹ chứng kiến và kể lại trên mâm cơm, trong giường ngủ, trong ổ rơm bếp những ngày đông... 
Và tôi nghiệm ra một điều, khi đã về già, là khi mọi kỷ niệm về mẹ, về cố hương càng rõ rệt và day trở trong mỗi bước đường, mỗi suy nghĩ. Bây giờ dù cha mẹ đã đi xa, nhưng tuần nào tôi cũng về quê, ngồi yên lặng thật lâu trong không gian ấy, chỉ để cảm nhận rất rõ rằng, mọi thứ vẫn như ở đâu đây, rất rõ ràng. Và tôi viết: "Hơi lạnh cơn mưa gần sáng/ Con rắn nước trườn qua tôi/ Giấc mơ còn đọng lại/ Trên chiếc lá ký ức/ Trong khu vườn thời gian/ Nhớ mãi giấc mơ xa xôi/ Những ngày mẹ còn sống/ Tuổi thơ hoang hoang cánh đồng/ Cậu bé đứng im lặng/ Thời gian cũng ngừng trôi/ Bông cúc vạn thọ lay nhẹ/ Nghĩa địa vọng giọng người xưa/ Mẹ lau nước mắt cho con/ Trên biên giới mùa Thu mây trắng/ Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn/ Chợt già đi trong những cúc thẫm chiều..."


                                                 TRẦN HOÀNG THIÊN KIM