Cách biên soạn sách giáo khoa Ngữ Văn 9 là kiểu cầm tay chỉ việc, giáo viên chỉ còn có làm theo. Cái oái oăm là cầm tay chỉ việc lại sai thì sự học không biết sẽ như  thế nào.Chính cách biên soạn này làm cho chương trình nặng lên. Không phải nặng về kiến thức mà nặng về những điều vụn vặt. Theo chúng tôi, đây chính là nguyên nhân làm cho giáo viên đứng lớp không còn không gian nào cho cảm hứng sáng tạo. Theo thời gian, sẽ trở nên xơ cứng, vô cảm… Không cần biết hay không biết SGK đúng sai hay dở. Chỉ biết giảng dạy cho đúng lịch trình và thời lượng. Cái đáng buồn, còn hơn thế, là sự nguy hiểm, khi những người biên soạn không biết rằng mình sai, vẫn cứ rao giảng. Đây chính là sự xơ cứng vô cảm từ gốc, từ các bậc thầy của các Thầy.

MẶT TRÁI CỦA SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN

CHU GIANG

Kính gửi các Giáo sư:
- Nguyễn Minh Thuyết
- Nguyễn Khắc Phi
- Trần Đình Sử
- Nguyễn Văn Long.
Hiện tượng I
Ba câu đầu trong bài Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận) được tuyển vào Ngữ văn 9, in tới lần thứ 13, NXB Giáo dục Việt Nam. H.2018:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi.
là sai về logic thực tiễn ở hai điểm:
- Bờ biển phía Đông không có hiện tượng mặt trời lặn xuống biển như ở bờ biển phía Tây.
- Vào thời điểm 1958, thuyền cá chưa được lắp máy đẩy, ra khơi vào lộng đều phải nhờ sức gió. Gió biển ban ngày thổi vào. Ban đêm thì có gió đất từ đất liền thổi ra biển. Thuyền ra khơi phải chờ đến lúc có gió đất, khoảng 1 – 2 giờ sáng. Không phải “đêm sập cửa” là ra khơi được. Giáo sư Nguyễn Văn Long chú thích là “chỉ có thể thấy được từ vị trí trên con thuyền ra khơi” (Ngữ văn 9. Sđd. Tập I. Trg.141).
Như vậy là nhà thơ có chỗ sai. Người biên soạn chú thích cũng sai nốt. Nhưng điều đáng nói là từ khi bài thơ ra đời và được chọn vào sách giáo khoa (SGK), in lần đầu phải là năm 2004, cho đến nay, hàng vạn giáo viên văn suốt dải duyên hải phía Đông từ Mũi Ngọc (Móng Cái – Quảng Ninh) đến Mũi Cà Mau… không thấy có ý kiến gì. Nghĩa là giáo viên cứ theo SGK mà giảng dạy. Có hai tình huống:
- Hoặc quá tin cậy vào SGK. Điều này có cơ sở. Vì, chỉ lấy Ngữ văn 9, thì tác giả biên soạn là các Giáo sư đầu ngành như Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, danh cao đạo trọng làm sao có thể sai được. Về nguyên tắc, SGK là mẫu mực, không tin sao được.
- Hoặc không có cảm hứng sáng tạo, liên hệ, nghi vấn… nên không nhận ra chỗ sai của nhà thơ và những người biên soạn.
- Hoặc có biết nhưng coi như không biết. Hơi đâu mà ôm rơm cho rậm bụng.

Hiện tượng II
Cũng trong Ngữ văn 9, phần trích Trâu Việt Nam theo Từ điển Bách khoa nông nghiệp… thì sai khủng khiếp. Đoạn văn khoảng 300 chữ (18 dòng) mà có đến 20 lỗi cả nội dung lẫn văn phạm. Xin nhắc lại chút ít:
- Trâu (Việt Nam) đẻ có mùa vụ. Nhưng lại không nói rõ vào mùa nào vụ nào.
- Khả năng cho sữa: 400-500 kg trong một chu kỳ vắt.
Xin các Thầy mách hộ xem ở Việt Nam nơi nào có bán sữa trâu.
Xin thưa là trâu Việt Nam, lượng sữa có khi không đủ cho con nó bú.
- Khả năng cho phân: trong 24 giờ, trâu 2 răng thải ra 10 kg phân; trâu 4 răng: 12 – 15 kg; và trâu trưởng thành: 20 – 25 kg…
(Theo Từ điển Bách khoa nông nghiệp. H.1991)
SGK văn, văn tuyển, văn uyển đến như thế thì tuyệt đỉnh rồi!
Rõ ràng tri thức về trâu Việt Nam của người soạn Từ điển lẫn người chọn vào Ngữ văn 9 đều… khó nói!
Điều lặp lại ở Hiện tượng I (Mặt trời xuống biển) là từ khi Ngữ văn 9 ra đời đến nay, các thế hệ giáo viên văn dạy bài này, suốt cả trung du và thượng du Bắc bộ, miền Trung và Tây Nguyên và cả Nam bộ (ở vùng có nuôi trâu) đều cũng như các bạn đồng nghiệp miền duyên hải, không có ý kiến gì. SGK, sách hướng dẫn giáo viên thế nào, cứ thế mà… tác nghiệp!

Hiện tượng III: Cây chuối trong đời sống Việt Nam
Dẫn theo Nguyễn Trọng Tạo, tạp chí Tia Sáng, Ngữ văn 9, trg. 24-25, sđd.
Nguyễn Trọng Tạo có tài năng về âm nhạc (các bài nhạc phổ thơ) nhưng đọc bài văn xuôi về cây chuối thì chưa thấy ai ba hoa sáo rỗng như thế. Xin bạn đọc thưởng thức:
- … chuối hương, chuối ngự, chuối sứ, chuối mường (chuối hương, chuối mường là chuối gì nhỉ?).
Có một loại chuối được người ta rất chuộng, đấy là chuối trứng cuốc – không phải quả tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc.
- … Cây chuối là thức ăn thức dụng từ thân đến lá, từ gốc đến hoa, quả.
- Có buồng chuối cả nghìn quả.
- Chuối xanh lại là món ăn thông dụng trong các bữa ăn hàng ngày…
- … là món ăn cặp tuyệt vời với các món tái hay món gỏi.
- Cây chuối rất ưa nước nên người ta thường trồng bên ao hồ để nhanh tươi tốt, còn bên những khe suối hay thung lũng, chuối mọc thành rừng bạt ngàn vô tận.
Trong đời người mấy ai chưa thưởng thức một quả chuồi như của Nguyễn Ánh – diễn viên, cán bộ tạp chí Sân Khấu, trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nguyễn Ánh đã qua đời nhưng anh là một người vui tính bụng để ngoài da… Cho nên tôi xin hiến cho các tác giả Ngữ văn 9, nhạc sĩ ẩm giả Nguyễn Trọng Tạo một bài riêng về cây chuối và các món ăn về cây chuối ở một kỳ báo sau.
Vấn đề ở Hiện tượng III cũng như các hiện tượng trên, là bài văn tuyển sai sờ sờ ra mà bao nhiêu năm qua, không thấy ai có ý kiến gì. Thầy cứ dạy, trò cứ học theo, nhà xuất bản cứ tái bản, tác giả biên soạn cứ biên soạn.

Hiện tượng IV
Về SGK Ngữ văn 9, chúng tôi đã có bài bình luận chi tiết in trên Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2014, in lại trong Luận chiến văn chương quyển Ba – NXB Văn học – H.2015. Tính đến nay là 4 năm, 4 lần in lại, song nội dung Ngữ văn 9 vẫn y nguyên như thế. Sẽ có các tình huống:
- Các tác giả biên soạn, không đọc sách báo tham khảo cần thiết, không biết có thông tin đó.
- Đọc nhưng vẫn khẳng định mình đúng nên không cần hồi âm.
- Biết là có sai, nhưng sĩ diện…
- Nặng hơn, là không đáp lại với những người “không cùng nền tảng kiến thức”.
Dù bất kỳ tình huống nào cũng là không có thái độ dân chủ học thuật.
Chúng tôi muốn tìm đến căn nguyên của sự rập khuôn máy móc, dựa hẳn, dựa hoàn toàn vào SGK, hoặc là sự bàng quan, vô cảm, cứ sách in mõ tre mà tụng… Đến nỗi văn bản sai, biên soạn sai cũng không nhận ra.
Theo chúng tôi, đó là SGK biên soạn quá dài dòng, choán hết phần của giáo viên đứng lớp. Có thể có giáo viên có tâm lý thụ động nhưng với cách biên soạn như Ngữ văn 9 thì cũng không còn chỗ nào cho họ thi thố. Để bảo đảm đúng giờ lên lớp, theo SGK cũng đã mệt rồi. Xin trở lại bài Đoàn thuyền đánh cá.
Có 6 chú thích thì sai đến 5. Các chú thích này lại không cần đối với giáo viên, học sinh vùng biển. Mà chú thích sai thì thầy trò vùng này đành ngậm miệng chứ không dám cười.
Chú thích rất tỷ mỷ, nhưng lại rất sai.
*Phần Đọc – Hiểu văn bản nêu 5 yêu cầu.
*Phần Ghi nhớ nêu 2 chủ đề.
*Phần Luyện tập nêu 2 yêu cầu. Trong đó có câu 1 là rất trớ trêu: Viết một đoạn phân tích khổ thơ đầu… 
Khổ thơ đầu sai đến như thế, không biết thầy và trò hiểu và phân tích như thế nào?
Theo chúng tôi, phần chú thích, đọc hiểu văn bản, luyện tập ở đây là không cần thiết. Trình độ giáo viên đứng lớp hoàn toàn đảm đương được. Mà chú thích như GS. Nguyễn Văn Long là rất sai, giáo viên người vùng biển họ biết, họ sẽ cười thầm cho. Cũng như câu luyện tập 1. Khổ thơ về logic đời sống sai hoàn toàn, bảo các em phân tích thì các em phân tích như thế nào?
Ở bài Cây chuối trong đời sống Việt Nam (Ngữ văn 9. Sđd. Tập I. Trg.25). Các phần yêu cầu (4 yêu cầu) và luyện tập (6 chi tiết) là những nội dung mà giáo viên đủ hoặc thừa sức làm.
Cách biên soạn như vậy là cầm tay chỉ việc, giáo viên chỉ còn có làm theo. Cái oái oăm là cầm tay chỉ việc lại sai thì sự học không biết sẽ như  thế nào.Chính cách biên soạn này làm cho chương trình nặng lên. Không phải nặng về kiến thức mà nặng về những điều vụn vặt. Theo chúng tôi, đây chính là nguyên nhân làm cho giáo viên đứng lớp không còn không gian nào cho cảm hứng sáng tạo. Theo thời gian, sẽ trở nên xơ cứng, vô cảm… Không cần biết hay không biết SGK đúng sai hay dở. Chỉ biết giảng dạy cho đúng lịch trình và thời lượng.
Cái đáng buồn, còn hơn thế, là sự nguy hiểm, khi những người biên soạn không biết rằng mình sai, vẫn cứ rao giảng. Đây chính là sự xơ cứng vô cảm từ gốc, từ các bậc thầy của các Thầy.
Chúng tôi không nói toàn bộ SGK Ngữ văn Trung học phổ thông. Chỉ khảo sát Ngữ văn 9. Các Giáo sư đầu ngành như Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử mà tắc trách vô cảm đến như thế thì với lớp đàn em, học trò… biết sẽ như thế nào!
Tuy là ý kiến cá nhân nhưng với tinh thần trách nhiệm chung. Mong được hồi âm của các GS. Nguyễn Minh Thuyết – đương kim Tổng chủ biên chương trình tổng thể, GS. Nguyễn Khắc Phi, GS. Trần Đình Sử!



Nguồn: Tuần báo Văn Nghệ TPHCM