Luật gia Trần Đình Thu – nguyên Phóng viên báo Thanh Niên, tác giả của các cuốn sách “Giải mã nghi án TTKH”, “5 năm hầu toà của một nhà văn”, cho rằng: “Tôi thấy báo Zing tường thuật là có những đoạn ông chủ Trung Nguyên nói mà phóng viên không hiểu nổi, thì đó chính là biểu hiện hành vi lệch chuẩn. Tôi tin là nếu kéo dài thời gian tiếp xúc thì chắc chắn nhiều hành vi lạ sẽ bộc lộ nhiều hơn. Kết hợp với rất nhiều hành vi lệch chuẩn khác trong xưng hô, ăn mặc, thí dụ như viết văn bản bổ nhiệm mà dùng “Chủ tịch Tôn Kính”, hay thuyết giáo cho người khác nghe về thần thánh một cách lạ lùng trong hoàn cảnh không phù hợp như gặp gỡ báo giới… thì chúng ta có thể kết luận Đặng Lê Nguyên Vũ đã không bình thường rồi. Và tôi cho rằng bi kịch của anh còn ở chỗ những người quanh anh đều vì quyền lợi cá nhân mà khăng khăng bảo vệ quan điểm anh không mắc bệnh nên anh sẽ không được chữa trị đúng mức là phải nhập viện, vì thế bệnh tình anh sẽ ngày càng nặng hơn. Tôi tin là khoảng vài năm nữa, nếu không được chữa trị anh sẽ bị nặng hơn và có thể la hét chạy nhảy ngoài đường!”


LÀM SAO XÁC ĐỊNH ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ CÓ BỆNH TÂM THẦN HAY KHÔNG?

TRẦN ĐÌNH THU


Chiều 13-8-2018, tập đoàn Trung Nguyên có tổ chức cuộc tiếp xúc giữa Đặng Lê Nguyên Vũ với một số phóng viên, sau đó có một số bài viết khiến độc giả băn khoăn: Liệu ông chủ Trung Nguyên có dấu hiệu của bệnh tâm thần thật không? Từ góc độ cá nhân, tôi xin đưa thêm vài phân tích cụ thể …
Bệnh tâm thần là 1 căn bệnh mà ai cũng biết nhưng phần lớn lại không hiểu rõ thực chất nó là gì. Thật ra đó là một căn bệnh khá khó hiểu với đại đa số người, ngay cả với các nhà báo chưa từng tìm hiểu về nó. Trước hết, cần biết là không phải mọi bệnh nhân tâm thần đều chạy nhảy la hét ngoài đường mà ngược lại có những bệnh nhân thoạt nhìn như người bình thường, thậm chí còn ăn mặc chải chuốt và nói năng rất lịch sự.
Tôi từng đến làm việc với Ban giám đốc bệnh viện tâm thần Biên Hòa nhiều lần trong tư cách nhà báo và sau này là tư cách tác giả viết sách về Bùi Giáng nên tôi hiểu khá rõ. Ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa và hầu hết các bệnh viện tâm thần, có nhiều khu khác nhau dành cho bệnh nhân các thể nhẹ, vừa, nặng, bệnh nhận cuồng nặng có thể tấn công bác sĩ, khu bệnh nhân nam bệnh nhân nữ…
Điểm chung nhất mà các bác sĩ cho biết là tất cả các bệnh nhân tâm thần đều khẳng định là họ không bị bệnh. Chưa có bất kỳ bệnh nhân tâm thần nào đồng ý là họ đang bị bệnh. Và vì vậy nhiều gia đình phải cưỡng chế con em họ đến bệnh viện để khám chữa bệnh, nhất là ở thể nặng. Nếu bạn tiếp xúc với một bệnh nhân thể nhẹ, ban đầu bạn sẽ bất ngờ vì họ không có gì biểu hiện là bị bệnh cả. Nếu cuộc nói chuyện không kéo dài quá lâu thì bạn hầu như sẽ không bắt gặp bất cứ triệu chứng nào ở họ. Nhưng nếu bạn nói chuyện với họ khá lâu, đến một lúc nào đó bạn sẽ bắt gặp những đoạn mà bạn sẽ không hiểu họ muốn nói gì. Họ sẽ bị rối loạn nhận thức vài phút rồi trở lại bình thường, tiếp tục nói chuyện với bạn. Đó là 1 trong những biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân tâm thần thể nhẹ.
Tôi từng tiếp xúc với một nữ sinh viên năm cuối Đại học sư phạm TP.HCM mà gia đình đưa đến đây chữa trị. Cô gái rất đẹp, nói chuyện lịch thiệp. Nếu bạn gặp cô ấy trong quán cà phê, bạn sẽ không hề biết cô ấy là bệnh nhân. Vì ban ngày cô ấy hoàn toàn bình thường, chỉ có ban đêm vào những giờ rất khuya thì cô ấy mới nói lảm nhảm những điều cao siêu mà gia đình không thể hiểu. Vì thế mà gia đình cô cho cô nhập viện.
Cho nên một cuộc tiếp xúc với báo giới của anh Đặng Lê Nguyên Vũ trong khoảng thời gian chừng một vài tiếng đồng hồ không thể bộc lộ hết những dấu hiệu của tâm bệnh. Chỉ có người nhà hoặc bác sĩ có điều kiện gần gũi ngày đêm mới chứng kiến được những giây phút mất kiểm soát bản thân của anh. Việc tiếp xúc một thời gian ngắn để kết luận là có bệnh hay không có bệnh là không thể chính xác. Với những người thể nhẹ, ít nhất là phải gần gũi họ trong 24 tiếng thì mới biết rõ họ thế nào.
Các bác sĩ ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa là những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về bệnh tâm thần. Bệnh viện thành lập từ thời Pháp, kéo dài qua thời Việt Nam Cộng Hòa cho tới ngày nay. Có nhiều bác sĩ có những công trình khoa học có giá trị trên thế giới. Tôi đã đặt câu hỏi cho các bác sĩ ở đây, là có thể xét nghiệm 1 người để kết luận là tâm thần không và khi nào thì bắt đầu kết luận 1 người bị tâm thần để đưa vào chữa trị. Theo các bác sĩ, khác với nhiều bệnh khác, khoa học hiện nay không thể làm các xét nghiệm để kết luận ai bị tâm thần ai không mà chỉ căn cứ vào hành vi lệch chuẩn của người bệnh ít hay nhiều để kết luận mà thôi. Chứ còn không thể tìm thấy dấu vết các tổn thương trên cơ thể.
Khi một người thực hiện một hành vi nào đó khác thường mà gia đình hoặc cộng đồng thấy còn chấp nhận được thì gia đình vẫn có thể nghĩ rằng họ bình thường. Nhưng khi thấy hành vi ấy không thể chấp nhận thì đưa đến bệnh viện chữa trị. Và lúc ấy người ta coi người đó là bệnh nhân tâm thần. Vì vậy cho nên thật ra những người bình thường như chúng ta vẫn có thể kết luận người nào bị tâm thần người nào không. Còn bác sĩ thì họ sẽ phân loại sâu hơn là người đó thuộc vào nhóm bệnh nào, mức độ nặng hay nhẹ, phác đồ điều trị thế nào… Lấy thí dụ một người vào một đêm nào đó họ leo lên mái nhà ngồi khoảng 1 tiếng trầm tư rồi xuống, và lâu lâu vài ba tháng mới có 1 lần như thế thì gia đình có thể coi là bình thường. Nhưng nếu đêm nào họ cũng leo lên mái nhà thì rõ ràng không thể chấp nhận là bình thường và cần phải chữa trị.
Một ví dụ khác. Nếu một doanh nhân thành lập ra một công ty, khi đơn vị đang làm ăn phát đạt, họ vắng mặt ở công ty khoảng vài tuần để theo một khóa tu thiền nào đó rồi trở lại công ty ngay để điều hành, gọi điện cho các đối tác xin lỗi là mình đã vắng mặt mất mấy tuần, thì đó là hành vi bình thường có thể chấp nhận. Nhưng nếu người ấy bỏ công ty lên núi tu thiền đến 5 năm thì không thể coi là một người bình thường.
Một thí dụ khác, nếu 1 người đi công tác, thân phụ thân mẫu mất mà do kẹt tàu kẹt xe hoặc bị bệnh tới mức không về chịu tang được thì hành vi đó là chấp nhận được. Nhưng với một người mà thân phụ mất trong khi mình chỉ cách nhà khoảng 200 km và không kẹt gì cả nhưng vẫn không về chịu tang thì hành vi này quá lệch chuẩn tới mức không thể coi là bình thường.
Với những người bệnh giai đoạn đầu, thì biểu hiện bên ngoài khá khó nhận ra đòi hỏi phải gần gũi họ mới nhận ra. Phải trải qua thời gian rất dài khi họ bệnh nặng hơn thì mới có người bỏ nhà đi lang thang, có người chạy nhảy la hét, có người giết người…
Chúng ta nhớ lại vụ án hồi năm ngoái ở Tân Phú, TP.HCM, một dân phòng đã giết 1 cháu trai 6 tuổi. Vì tiếp xúc ít nên công an phường không nắm hết hành vi lệch chuẩn của người này mới chấp nhận cho họ vào làm dân phòng.
Cho nên một cuộc tiếp xúc ngắn với báo chí trong trạng thái chuẩn bị trước như vừa qua thì phóng viên chỉ thấy những biểu hiện mạch lạc của ông Đặng Lê Nguyên Vũ mà không thấy hành vi lệch chuẩn thì không có gì lạ. Tuy nhiên tôi thấy báo Zing tường thuật là có những đoạn ông chủ Trung Nguyên nói mà phóng viên không hiểu nổi, thì đó chính là biểu hiện hành vi lệch chuẩn. Tôi tin là nếu kéo dài thời gian tiếp xúc thì chắc chắn nhiều hành vi lạ sẽ bộc lộ nhiều hơn.
Kết hợp với rất nhiều hành vi lệch chuẩn khác trong xưng hô, ăn mặc, thí dụ như viết văn bản bổ nhiệm mà dùng “Chủ tịch Tôn Kính”, hay thuyết giáo cho người khác nghe về thần thánh một cách lạ lùng trong hoàn cảnh không phù hợp như gặp gỡ báo giới… thì chúng ta có thể kết luận ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã không bình thường rồi. Và tôi cho rằng bi kịch của anh còn ở chỗ những người quanh anh đều vì quyền lợi cá nhân mà khăng khăng bảo vệ quan điểm anh không mắc bệnh nên anh sẽ không được chữa trị đúng mức là phải nhập viện, vì thế bệnh tình anh sẽ ngày càng nặng hơn. Tôi tin là khoảng vài năm nữa, nếu không được chữa trị anh sẽ bị nặng hơn và có thể la hét chạy nhảy ngoài đường!



Nguồn: Facebook Trần Đình Thu