Tô Hải gay gắt lên án những mảng tối của nghề báo với một cái nhìn chua chát, mỉa mai: “Nói trắng ra, những người làm báo trẻ đã chẳng còn tin mình sẽ được viết sự thật khi cầm cái thẻ nhà báo đi vào mọi lĩnh vực của đời sống để tìm tư liệu cho bài viết. Họ biết rõ những vụ động trời như vụ bán chạy hàng ngàn ngôi nhà trước lệnh đình chỉ bán nhà của trung ương, cho nó thành “việc đã rồi”. Họ quá rõ những vụ cướp trắng trợn qua tịch thu, biến nhà máy công thành nhà máy tư, những đại gia Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Robert Hải… vì sao một thời là bất khả xâm phạm cho đến khi những nhọt bọc Minh Phụng Epco, Tamexco bị vỡ (...). Không ít người trong bọn họ trở thành giàu có rất nhanh nhờ mánh khoé làm xăng-ta với những công ti, nhà máy vi phạm luật chơi với “các anh”, “các chú” - chứ luật nhà nước thì họ phạm dài dài”



Hồi kí nhà báo- những giây phút trải lòng sau sự thật

TRẦN THỊ HỒNG HOA

Được coi là “quyền lực thứ tư” sau tam quyền (lập pháp, tư pháp và hành pháp), mang nhiều trọng trách như thông tin sự kiện, phản biện xã hội, tạo dư luận xã hội, chống tiêu cực..., báo chí là công cụ đắc lực của các tầng lớp xã hội, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Nhưng nghề báo, cũng như nghề văn, là một nghề không hề đơn giản và dễ dàng. Với bản chất tiếp cận và phản ánh sự thật, báo chí nếu làm tốt nhiệm vụ sẽ được ngợi ca, tôn vinh không tiếc lời nhưng nếu làm ẩu, làm chưa tới, nhà báo ngay lập tức bị xếp vào diện “nói láo ăn tiền”, bị người đời mỉa mai, nguyền rủa. Những được - mất của nghề, những ranh giới mong manh giữa sự thật và dối trá, những góc khuất cần được giãi bày... tất cả những điều đó đã thôi thúc nhiều nhà báo tìm đến với hồi kí. Lật giở lại những tác phẩm hồi kí ấy, ta không chỉ hiểu hơn bản thể của họ sau trang viết mà như được nhìn lại cả lịch sử thăng trầm của báo chí Việt Nam.
Trước năm 1975, các trường đào tạo báo chí chuyên nghiệp chưa xuất hiện. Hầu hết các nhà báo của nước ta khi đó là những người đam mê với nghề báo nên tự học hỏi, tự mài giũa bút lực. Nhiều nhà văn nổi tiếng cũng lấn sân và đảm nhiệm vị trí kép, vừa tạo ra những tác phẩm mang tính hư cấu, vừa hăng hái dùng ngòi bút để phản ánh những vấn đề thời sự nóng hổi của nước nhà. Không có gì lạ khi thiên hồi kí đỉnh cao và trọn vẹn nhất về nghề báo trước năm 1975 lại là của một nhà văn với giọng tự trào sắc sảo - Vũ Bằng với Bốn mươi năm nói láo. Sau năm 1975, chúng ta có thêm những hồi kí giá trị của một thế hệ nhà báo chuyên nghiệp hết lòng với nghề như Những ngày chưa xa của Hữu Thọ, Hồi kí không tên của Lý Quý Chung, Hồi kí Bà Tùng Long, Lời hứa với ngày mai của Thy Ngọc, Bốn mốt năm làm báo của Hồ Hữu Tường…; chưa kể đến các hồi kí văn học cũng nhắc đến hoạt động báo chí và hình ảnh các nhà báo như Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn, Cát bụi chân ai của Tô Hoài, Rễ bèo chân sóng của Vũ Bão. Gần đây nhất là bộ sách công phu do GS. Hà Minh Đức chủ biên: Thời gian và nhân chứng - ghi lại hồi kí của 43 nhà báo cách mạng tiêu biểu như Xuân Thủy, Thép Mới, Quang Đạm, Phan Quang...

Khoảng lùi về thời gian trong hồi kí khiến những hồi ức của các nhà báo đều gặp nhau ở tiêu điểm của những sự kiện báo chí đã cách xa người đọc đương thời vài thập kỉ. Được gợi nhắc và tái hiện nhiều nhất chính là thực trạng báo chí nước nhà trước năm 1975. Toàn cảnh báo chí hai miền Nam - Bắc đã hiện lên sống động với nhiều vấn đề nổi cộm, qua những chi tiết điển hình được đặt vào các cấu trúc không  gian, thời gian xác thực của những tác phẩm hồi kí tiêu biểu.

Hồi kí Bà Tùng Long lựa chọn không gian Sài thành để tái hiện một góc khung cảnh báo chí - văn nghệ sau Hiệp định Genève. Tác giả cố ý sử dụng những mảng màu trầm và những góc cắt hẹp khi miêu tả không gian, làm nổi bật tính chất tù mù, bát nháo của báo giới lúc đó. Báo chí như một xã hội thu nhỏ với đủ các hoạt động công kích, châm biếm nhau, với những bài báo rẻ tiền, chạy theo lợi nhuận và thị hiếu dễ dãi của người đọc, những bài “phá làng phá xóm” câu khách kiếm tiền hoặc bợ đỡ, chạy đua về chính trị. Ta cũng gặp không khí báo giới Sài Gòn trước năm 1975 trong Hồi kí không tên của Lý Quý Chung - một nhà báo có thân phận khá đặc biệt trong hệ thống chính trị lúc đó, người được coi là “đại diện cho tầng lớp trung gian của xã hội, trung gian cả về kinh tế lẫn chính trị” (lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng). Đặc điểm nổi bật của báo chí miền Nam thời điểm này chính là sự đối lập của các khuynh hướng báo chí: báo chí cách mạng (phục vụ cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân miền Nam), báo chí cộng hòa (phục vụ cho chế độ Nguyễn Văn Thiệu), chưa kể đến các báo chí “nửa công khai” của học sinh, sinh viên và các hội đoàn gần như “tràn ngập lãnh thổ”. Lý Quý Chung đã dùng ngòi bút công kích sắc sảo của một nhà báo thể thao để gợi nhắc đến không khí “bất thường”, phức tạp của Sài Gòn: “Miền Nam là một bức tranh có đủ màu sắc, từ sáng đến tối, màu này chồng lên màu kia, sự kiện này che lấp sự kiện kia, chi tiết này chen lẫn chi tiết nọ”.

Trong khi đó, tình hình báo chí miền Bắc thời kì trước năm 1975 cũng không mấy khởi sắc. Điểm lại hoạt động báo chí những năm trước Cách mạng tháng Tám, Thy Ngọc trong “Lời hứa với ngày mai” dùng giọng điệu trầm buồn để kết luận một thực trạng đáng báo động của mảng văn học, báo chí dành cho thiếu nhi: “Trẻ em đất nước chúng ta còn bị người lớn lãng quên việc cung cấp món ăn tinh thần cần phải có, đó là sách báo”. Trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài cũng dựng lại không khí nặng nề ám ảnh của đời sống báo chí những năm 1950 qua số phận long đong của những tờ báo văn nghệ điển hình: báo Nhân văn bị đình bản vì có “ý đồ chính trị”, báo Trăm hoa chỉ tồn tại một thời gian rồi đóng cửa vì không đáp ứng được mục tiêu vận động của cấp trên…

Vũ Bằng tổng kết lại cả chặng đường dài của báo chí Việt Nam trong “Bốn mươi năm nói láo”: từ 1930 đến 1945 tại Hà Nội thời tạm chiếm, từ 1946 đến 1954 với ít năm báo chí kháng chiến và báo chí nội thành Hà Nội, chặng từ 1954 đến 1969 tại đô thị Sài Gòn. Trong dòng chảy của hồi ức, những cái tên như Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy, Trung Bắc chủ nhật, Trung Việt tân văn, Zân mới, Lửa sống, Hoà bình, Thế giới và công chúng... đủ cho ta hình dung về bầu khí quyển báo chí của một dân tộc bị nô dịch cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là một nền báo chí hầu như do tư nhân phụ trách (chỉ một vài tờ thuộc cơ quan ngôn luận của chính quyền), lúc nào cũng ở tình trạng cạnh tranh nhau khốc liệt để tồn tại, luôn chịu sự kiểm duyệt gắt gao của thể chế, không bao giờ được tự do tuyệt đối và mãi mãi khát vọng về cái gọi là “tự do ngôn luận”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, báo chí cũng như văn học đã được quy về một mối và có không gian cởi mở hơn để phát triển. Tuy nhiên, tình hình đất nước rối ren, yêu cầu đổi mới cấp bách trên mọi lĩnh vực đời sống tạo nên những thử thách không nhỏ cho giới cầm bút. Nhà báo Hữu Thọ trong hồi kí “Những ngày chưa xa” đã kể về những ngày làm báo thời kì Đổi mới với biết bao băn khoăn của những người “đứng mũi chịu sào”, trực tiếp thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước: “Lúc đó tôi đã viết: “Nhìn thẳng vào sự thật là thái độ dũng cảm, không ngoắt ngoéo, che đậy… Sự thật có mặt tốt, mặt chưa tốt, thậm chí có mặt xấu… Đánh giá đúng sự thật đặt ra yêu cầu ở mức cao hơn (…) Còn nói rõ sự thật là nói tính công khai… Công việc này rất tế nhị và khá phức tạp, phải được tính toán trong từng vụ việc cụ thể trong quá trình đổi mới thông tin với trách nhiệm xã hội cao cả của người viết báo”. Bằng tất cả trách nhiệm và tâm huyết của nhà báo, những người như ông Hữu Thọ đã vượt qua những tháng năm sóng gió nhất của đất nước để hoàn thành vai trò sứ giả thông tin, hỗ trợ đắc lực cho tiến trình hội nhập và phát triển của nước ta với thế giới. Hồi kí của họ có thể coi là một nhịp cầu cho bạn đọc lật giở lại quá khứ của một thế hệ “bút sắc, tâm sáng” đã cống hiến, hi sinh trên mặt trận ngôn từ, góp phần củng cố niềm tin vào tương lai của báo chí nước nhà.

Ngược lại, ông Tô Hải gay gắt lên án những mảng tối của nghề báo với một cái nhìn chua chát, mỉa mai: “Nói trắng ra, những người làm báo trẻ đã chẳng còn tin mình sẽ được viết sự thật khi cầm cái thẻ nhà báo đi vào mọi lĩnh vực của đời sống để tìm tư liệu cho bài viết. Họ biết rõ những vụ động trời như vụ bán chạy hàng ngàn ngôi nhà trước lệnh đình chỉ bán nhà của trung ương, cho nó thành “việc đã rồi”. Họ quá rõ những vụ cướp trắng trợn qua tịch thu, biến nhà máy công thành nhà máy tư, những đại gia Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn, Robert Hải… vì sao một thời là bất khả xâm phạm cho đến khi những nhọt bọc Minh Phụng Epco, Tamexco bị vỡ (...). Không ít người trong bọn họ trở thành giàu có rất nhanh nhờ mánh khoé làm xăng-ta với những công ti, nhà máy vi phạm luật chơi với “các anh”, “các chú” - chứ luật nhà nước thì họ phạm dài dài” (Hồi kí của một thằng hèn). Những trang viết gai góc này đã giúp nhiều nhà báo trẻ thức tỉnh về lương tâm, trách nhiệm với nghề và không ngừng tự hoàn thiện mình, rèn luyện bản lĩnh và thế giới quan vững vàng để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của xã hội.

Bên cạnh việc phơi mở dòng chảy của lịch sử báo chí nước nhà, hồi kí còn cung cấp cho công chúng thêm nhiều tư liệu quý giá để hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà báo nổi tiếng, từ những bài học cụ thể của mỗi nhà báo để đặt ra những yêu cầu thiết thân đối với người làm báo. Trong “Bốn mươi năm nói láo”, với cách viết hài hước nhưng sâu sắc, thông qua những câu chuyện nhỏ, Vũ Bằng đã tha thiết chiêm nghiệm và khái quát lên những phẩm chất mà bất cứ nhà báo nào cũng cần phải có. Đó là tình yêu, niềm đam mê với nghề, dám đương đầu với mọi thử thách để quyết liệt đi theo con đường mình đã chọn (như Vũ Bằng đã vượt qua mọi định kiến của gia đình, dám bỏ học, trốn học để theo đuổi nghề viết, không ngại viết bài cho những mục nhỏ nhất, không ngại tiếp xúc, học hỏi những đàn anh đi trước). Đó còn là cá tính, là yêu cầu sáng tạo luôn thường trực với những cây bút nếu họ muốn thành công và có chỗ đứng riêng trong làng báo (Vũ Bằng đã điểm mặt nhiều nhà báo lớn với những cá tính riêng rất thú vị như Hoàng Tích Chu, Nguyễn Văn Vĩnh, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm, Thanh Châu...; bản thân Vũ Bằng đã tự tái hiện cá tính độc đáo của chính mình qua cách viết hóm hỉnh, nhẹ nhàng nhưng chân thành, thấm thía ở hồi kí này). Hơn hết, người làm báo cần có lí tưởng cao đẹp và góp ích cho xã hội, cho dân tộc mình như lời tâm sự của Vũ Bằng: “Báo chí không phải là một trò giải trí, nhưng là một bộ môn văn hoá phản ánh sinh động nhất, đầy đủ nhất tính chất của một chế độ xã hội, không những nói lên phẩm chất hoặc văn minh siêu việt hoặc thoái hoá, đồi trụy của chế độ ấy mà còn đi sâu vào từng tình tiết, tâm tư của con người, từng khía cạnh trớ trêu, uẩn khúc, giả tạo của xã hội”. Ở điểm này, hồi kí của Vũ Bằng đã gặp gỡ với hồi kí của nhiều nhà báo khác, những người đã mượn trang viết để chuyển tải mọi trăn trở với nghề và mang đến cho công chúng sự tiếp cận chân xác hơn với những người làm báo. “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài làm ta xúc động trước những giọt nước mắt của Nguyên Hồng khi tờ báo của mình bị xoá sổ. “Rễ bèo chân song” của Vũ Bão khiến ta day dứt trước những sóng gió tai ương ập đến với anh phóng viên trẻ. Đặc biệt nhất là tuyển tập hồi kí của nhà báo trong bộ sách “Thời gian và nhân chứng” đã mang đến bao câu chuyện đời, chuyện nghề của các nhà báo khiến độc giả không khỏi thán phục, xót xa.

Nghề báo, nghề làm việc với con chữ, cũng là nghề phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, đôi khi cả máu để đánh đổi sự thật. Hồi kí của các nhà báo là một nhịp cầu để đưa công chúng đến gần hơn với những người làm nghề đặc biệt này. Để tạo ra được một tác phẩm báo chí có giá trị, cần rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng những nhà báo có lương tri, có trách nhiệm sẽ không bao giờ nản lòng trên con đường chông gai và muôn vàn thử thách ấy .



Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội