Nhà văn Văn Lê là một trong dăm nhà văn đương thời có dan díu với giới nghệ thuật trình diễn. Đã được phong Nghệ sĩ Ưu tú từ lâu và là tác giả kịch bản của bộ phim “Long thành cầm giả ca” đoạt giải thưởng ở nhiều liên hoan phim trong nước và quốc tế, nhưng nhà văn Văn Lê đã nản chí vươn lên Nghệ sĩ Nhân dân. Ông thú thật: “Làm gì có lợi ích kinh tế nào. Chỉ có danh hiệu nửa hư nửa thực”. Còn vì sao mỗi đợt xét tặng đều gây ra những giận dỗi và bức xúc, ông lý giải: “Vì quy định phải được 90% phiếu bầu của những người trong hội đồng thì mới được thông qua. Theo tôi, điều này hơi cắc cớ. Có những vị ngồi trong hội đồng không có chuyên môn về lĩnh vực nghệ thuật mà họ bỏ phiếu, nên họ lắc đầu cũng dễ hiểu”. Đồng thời, nhà văn Văn Lê đề nghị: “Hội đồng chuyên môn đưa ra một danh sách, và mời nhân dân bỏ phiếu. Nghệ sĩ Nhân dân đích thực, sẽ làm hài lòng cả hội đồng chuyên môn lẫn hội đồng quần chúng!”



Dù đã 9 lần phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng càng ngày cuộc bầu chọn mang màu sắc tôn vinh đáng trân trọng này càng nảy sinh nhiều rắc rối hơn. Khoảng cách giữa Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân ngỡ rất gần, mà lại rất xa. Đặc biệt, những nghệ sĩ không nằm trong biên chế của các đoàn nghệ thuật tồn tại bằng ngân sách, thì rất ít cơ hội được chạm tới hào quang lấp lánh kia. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách xét duyệt căn cứ vào số lượng huy chương hoặc số lượng giải thưởng thì chưa hẳn thuyết phục được đám đông. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không có những thang điểm cơ bản như huy chương hoặc giải thưởng thì việc phong tặng lại cảm tính và mơ hồ hơn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn – Nghệ sĩ Ưu tú Văn Lê xung quanh vấn đề này

@ Đợt xét tuyển Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú năm nay quả thật gay go. Có vài gương mặt nổi trội như Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… sau khi trượt lần trước, đã được bầu bổ sung vào danh sách Nghệ sĩ Nhân dân để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước phê duyệt. Theo ông, đây là một tin vui chứ nhỉ?
Văn Lê: Đó là một thái độ lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, theo tôi, cần có sự quan tâm đặc biệt đến giới cải lương nói riêng và giới nghệ thuật truyền thống nói chung. Bởi lẽ, nghề của họ bây giờ hắt hiu lắm. Tất cả đều sống chật vật, nhưng vẫn nuôi ngọn lửa đam mê bằng chính trái tim mình. Đừng nói tầm vóc cỡ Minh Vương, Thanh Tuấn hoặc Giang Châu mà những nghệ sĩ ít tên tuổi hơn một chút cũng rất nên trao danh hiệu cao quý cho họ, như một sự ghi nhận, như một sự tri ân.

@ Ông đã có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ lâu, lại là tác giả kịch bản bộ phim “Long thành cầm giả ca” đoạt giải thưởng Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương, sao ông chưa lên Nghệ sĩ Nhân dân?
Văn Lê: Tôi cảm thấy đủ rồi. Không nên vất vả theo đuổi danh hiệu gì nữa, vì cốt lõi của tôi vẫn là một người cầm bút. Tôi không làm hồ sơ, dù tôi thừa các tiêu chuẩn như giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.

@ Xin tò mò chút, Nghệ sĩ Ưu tú hoặc Nghệ sĩ Nhân dân ở trường hợp như ông, thì về hưu có thêm lương bổng gì không?
Văn Lê: Làm gì có lợi ích kinh tế nào. Chỉ có danh hiệu nửa hư nửa thực.

@ Thế nhưng, cái danh hiệu ấy cũng nhiều thị phi lắm ông ạ. Đợi xét duyệt nào cũng lắm tiếng bấc tiếng chì…
Văn Lê: Vì quy định phải được 90% phiếu bầu của những người trong hội đồng thì mới được thông qua. Theo tôi, điều này hơi cắc cớ. Có những vị ngồi trong hội đồng không có chuyên môn về lĩnh vực nghệ thuật mà họ bỏ phiếu, nên họ lắc đầu cũng dễ hiểu.

@ Tại sao không đặt niềm tin lớn hơn ở hội đồng cơ sở nhỉ?
Văn Lê: Đúng, hội đồng cơ sở là những người trong nghề, gần gũi và thấu hiểu đồng nghiệp. Tôi cho rằng, mỗi ngành nên căn cứ vào hội đồng cơ sở, còn hội đồng cấp trên chỉ xét yếu tố nhân thân khi có khiếu kiện hoặc nghi ngờ hợp lý. Phải tuyệt đối tránh tình trạng dưới cổ vũ trên cự tuyệt, vừa mất thời gian vừa gây bức xúc.

@ Nhiều người cho rằng, việc xét tặng danh hiệu hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất ổn do yếu tố cá nhân xen vào rất nhiều…
Văn Lê: Tôi cho rằng, vẫn có chuyện quen biết và gửi gắm, nhưng quan trọng hơn là thiếu vắng những bậc danh sư để ngồi uy nghiêm trong các hội đồng thẩm định. Lưu ý, danh sư nhé, danh sư thì tài năng và phẩm cách của họ có thể thuyết phục được tất cả mọi người, kể cả những người bị… trượt!

@ Nếu thiếu vắng danh sư, thì phải trông cậy vào đám đông thôi. Lẽ ra, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì phải để… nhân dân bầu chọn chăng?
Văn Lê: Cũng nên lấy ý kiến rộng rãi. Hội đồng chuyên môn đưa ra một danh sách, và mời nhân dân bỏ phiếu. Nghệ sĩ Nhân dân đích thực, sẽ làm hài lòng cả hội đồng chuyên môn lẫn hội đồng quần chúng!

@ Liệu đưa ra danh sách cho nhân dân bình chọn, ông có ứng thí danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không?

Văn Lê: Sẵn sàng! Tôi muốn nghe những tiếng nói hồn nhiên và trong sáng từ công chúng. Dù bị nhân dân đánh trượt thì cũng là một vinh dự!