Một góc nhìn của nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa: Những người sáng lập quán cơm xã hội 2000 đồng đầu tiên nhấn mạnh rằng mô hình quán cơm 2000 đồng là quán cơm xã hội- một mô hình quán cơm xã hội trước năm 1975. Nhớ lại thế hệ chúng tôi, những sinh viên – học sinh nghèo, người lao động đều biết và nhớ đến những buổi ăn cơm chỉ có 5 đồng mà no bụng. Ngày đó, ở những quán cơm xã hội buổi trưa chen chúc nhau là những chiếc áo trắng ngồi cạnh bên những chiếc áo bạc màu của phu xe, của người công nhân. Chúng tôi ăn cơm nhà nghèo với người lao động nhưng không mặc cảm đã dành phần ăn từ thiện của họ là vì đây là những quán cơm xã hội. Một quán cơm bán giá thấp hơn những quán ăn bình thường chứ không phải quán ăn cho không có giới hạn số khẩu phần và cho một thành phần nghèo nhất định nào đó…



BỮA CƠM CỦA BÌNH DÂN

LÊ VĂN NGHĨA

Mỗi trưa đi ngang đường Cống Quỳnh đều thấy một hàng người sắp hàng mua phiếu để được vào ăn ở quán cơm xã hội 2000 đồng. Bây giờ nhiều quán cơm xã hội 2000 đồng đã được thành lập để cùng nhau giúp người nghèo được bữa ăn trưa no, không đến nỗi thiếu chất dinh dưỡng. Ăn trưa xong còn được “đét xe” trái chuối, ly trà đá nữa. Trước và sau khi ăn còn có chỗ rửa tay cho nó hợp vệ sinh thường thức.

Trước khi hệ thống quán cơm xã hội 2000 được thành lập thì thành phố đã có nhiều nơi tổ chức quán cơm từ thiện cho người nghèo. Có thể là quán ăn chay, cũng có thể là quán ăn mặn nhưng đều do một số mạnh thường quân tư nhân đứng ra tổ chức để giúp người cùng khó. Tất cả những thể loại quán ăn từ thiện nầy đều không lấy tiền của người đến ăn. Riêng quán cơm xã hội 2000 thì  người ăn phải mua phiếu cơm 2000 đồng để nhận được một phần ăn trị giá 20 ngàn đồng đổ lại vì đầy là quán cơm xã hội. Dù từ thiện hay xã hội, các quán cơm nầy là “đặc sản” của Sài gòn phát kiến rồi bây giờ đã được phát triển tại Hà Nội và một vài địa phương trên cả nước.

Những người sáng lập quán cơm xã hội 2000 đồng đầu tiên nhấn mạnh rằng mô hình quán cơm 2000 đồng là quán cơm xã hội- một mô hình quán cơm xã hội trước năm 1975. Nhớ lại thế hệ chúng tôi, những sinh viên – học sinh nghèo, người lao động đều biết và nhớ đến những buổi ăn cơm chỉ có 5 đồng mà no bụng. Ngày đó, ở những quán cơm xã hội buổi trưa chen chúc nhau là những chiếc áo trắng ngồi cạnh bên những chiếc áo bạc màu của phu xe, của người công nhân. Chúng tôi ăn cơm nhà nghèo với người lao động nhưng không mặc cảm đã dành phần ăn từ thiện của họ là vì đây là những quán cơm xã hội. Một quán cơm bán giá thấp hơn những quán ăn bình thường chứ không phải quán ăn cho không có giới hạn số khẩu phần và cho một thành phần nghèo nhất định nào đó. (Báo chí nước ngoài dùng từ “low fare restaurant”) Sở dĩ quán cơm xã hội tồn tại được để giúp đỡ cho cuộc sống người nghèo vì đây là quán cơm do Nha Xã Hội (thuộc Bộ Xã Hội cũ) thành lập năm 1967 và quản lý. Người bình dân ai cũng bình đẳng ăn cơm xã hội 5 đồng khi cùng một khẩu phần thức ăn y như nhau và thoải mái ăn cơm thật no còn có thêm tăm xỉa răng nữa. Nhờ quán cơm xã hội ngày trước mà một số bác sĩ, luật sư, nhà văn nhà báo tương lai được nuôi ăn và thành danh trong xã hội. Mà, quên, không hiểu sao ở quán cơm xã hội toàn là nam SVHS đến ăn rất ít khi thấy bóng người con gái. Dù cho có người tình đang ăn cơm xã hội cũng chẳng giúp đỡ cho cái bao tử được vì quán cơm chỉ cho ăn tại chỗ, không bán mang về. Chắc chắn tình yêu trong chuyện ăn cơm thì không thể xã hội được rồi hé em! Anh ăn xong rồi nói chuyện tình yêu Romeo và Juliette cho em nghe.

 Thoạt đầu cứ những tưởng đây là sáng kiến “vĩ đại” nuôi bụng cho bọn SVHS, lao động nghèo là của Nha Xã Hội. Rồi cứ theo dòng thời gian, càng ngày càng vở ra nhiều điều về lịch sử dù chỉ là lịch sử rất “hình nhi hạ”. Quán cơm từ thiện trước 1975 chẳng phải là phát kiến của chính quyền cũ mà chỉ là sự tiếp nối và phát triển theo quy luật triết học của “Bữa Ăn Bình Dân” do báo Phụ Nữ Tân Văn kêu gọi thành lập vào năm 1933. Theo Bằng Giang trong “Sài Gòn Cố Sự”, báo Phụ Nữ Tân Văn số 198 ngày 4 tháng 4 năm 1933 kêu gọi đồng bào tham gia việc cứu trợ như lập nhà nghỉ (asile de nuit)  đêm quán cơm Quán cơm thí (soup populaire). Từ số sau đó Phụ Nữ Tân Văn tổ chức “bữa cơm của bình dân” tại 54 đường D’ormay (nay là đường Mạc Thị Bưởi quận 1), quán cơm An Nam ở gần ga Taberd ( ga xe diện ở đường Paul Blanchy, nay là Hai Bà Trưng Quận 1 bên hông trường Taberd) và sau cùng là quán cơm ở đường Amiral Roze (nay là đường Trương Định. Q1).”
Tuy nhiên thời nầy, muốn ăn được bũa cơm bình của báo Phụ Nữ Tân Văn thì người bình dân hơi bị nhiêu khê một chút, khi số báo 200 ra ngày18 tháng 5 năm 1933 thông báo “Ai là người thiếu hụt muốn dùng một bữa ăn bất luận hạng đàn ông đàn bà con nít cứ lại báo quán Phụ Nữ Tân Văn ở số 48 Vannia (chợ cũ) Sài Gòn hỏi lấy một tấm thiệp rồi đến ngay các quán cơm kể trên đây dùng bữa sẽ có người tiếp dọn tử tế”.

Có lẽ thấy báo Phụ Nữ Tân Văn “chơi trội” vuốt mặt không nể mũi tòa đốc lý thành phố Sài gòn, nên đầu tháng 9 /1933 “Ban ủy viên cứu tế thất nghiệp có mở những nhà nấu cơm và dọn cho Tây, Nam dùng” thay thế Bữa cơm bình dân của Phụ Nữ Tân Văn” ( số 216). Nhưng “hành trình” muốn được ăn cơm tây còn nhiêu khê hơn đi nhận “thiệp” của báo Phụ Nữ Tân Văn. Người nghèo muốn được ăn cơm tây thì phải làm đơn xin cứu xét được ăn cơm từ thiện. Báo Phụ Nữ Tân Văn ngày 14- 9-1933 có thông báo  “1 và 4 tháng 9/1933 Ban Uỷ Viên Cứu Tế Thất Nghiệp ở Sài gòn có mở những nhà nấu cơm và dọn cơm cho người Tây, Nam dùng. Tây thì đến số 19-21 đường Albert 1er Dakao ăn cơm Tây. An Nam thì đến 39-41 đường D’Ayot Sai gòn . Ngày 31/8 đã có 378 đơn xin ăn cơm. Đã xét cho hơn 200 người .” Đọc thông báo nầy ta thấy thời kỳ nầy có mấy ông tây bà đầm tóc xanh mũi lỏ ở Sài Gòn cũng thuộc hạng người cơ nhỡ. Tuy vậy, người ăn cơm từ thiện là người tây thì không ăn chung với người Việt ta. Có lẽ vì món ăn tây khác món ăn Việt Nam  hay là một sự kỳ thị-dù tây nghèo nhưng vẫn hơn người “Việt mít”?


 Nhờ tư liệu xưa mới biết được một điều rất mới: Quán cơm từ thiện đầu tiên xuất hiện từ “Bữa Cơm Bình Dân” của một tờ báo nổi danh tại Sài Gòn ngày xưa. Té ra từ ngày xưa làm báo đâu chỉ là chuyện đưa tin, viết bài. Gẫm lại người xưa hay thật là là…!