Từ một nhân viên
đánh máy, Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu cũng có cơ hội ngồi lên cái ghế Giám đốc NXB Văn Học
(sau khi những nhân vật tầm cỡ như Lữ Huy Nguyên, Nhật Tuấn, Hoàng Lại Giang…lần lượt về
hưu). Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu có ưu điểm viết lúc nào cũng rối như canh hẹ,
nhưng được cái nết chăm chỉ và hùng hổ. Khi đọc cuốn “Chuyện lính Tây Nam” của
Trung Sỹ, Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu đánh giá: “Rõ ràng chuyện người thực việc
thực, chuyện đời ở Chuyện lính Tây Nam phong phú sâu sắc giầu tính nhân văn,
hơn hẳn các tiểu thuyết hư cấu như Miền hoang hay Nỗi buồn chiến tranh. Tác giả
là người lính của một thế hệ được thừa hưởng một nền văn hóa – giáo dục đáng
kính nể: Xã hội – Nhà trường – Gia đình, cho anh kiến thức và sức mạnh. Tùng hồi
ức là con người ở đẳng cấp văn hóa cao hơn hẳn Tùng tiểu thuyết…”
CHUYỆN LÍNH TÂY
NAM
CHU GIANG
Khi bình luận về
tiểu thuyết “Miền hoang” (trên báo Văn nghệ TP.HCM số 353 năm 2015) chúng tôi vẫn
tin tưởng vào những tiếng nói của lương tri về cuộc chiến tranh biên giới Tây
Nam. Niềm tin đó đã được đền đáp. Hồi ức “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sĩ là
câu chuyện chân thực sâu sắc về tính nhân văn của sự nghiệp quốc tế cao cả, cứu
dân tộc Campuchia khỏi bọn diệt chủng. Những người lính Việt Nam tình nguyện
sang giúp nhân dân Campuchia đã trải qua những gian khổ không sao nói hết. Và họ
đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh cho dân tộc bạn như cho chính dân tộc mình.
Hồi ức “Chuyện
lính Tây Nam” của Trung Sĩ do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2018. Nhân vật
chính của tiểu thuyết “Miền hoang” là Tùng, một học sinh Hà Nội bước vào cuộc
chiến và khi ra khỏi cuộc chiến, thành một Dã Nhân, Người Rừng, bị đời quên
lãng. Nhân vật chính của “Chuyện lính Tây Nam” cũng là Tùng, một học sinh Hà Nội.
Xin để anh tự giới thiệu: “Tôi là một người lính bộ binh, tham gia cuộc chiến
tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chính phủ diệt chủng Khơme Đỏ từ năm
1978 đến năm 1983” (Sđd. Trg.5. Lời tựa).
“Tôi năm đó 18
tuổi, đang học lớp 10 trường Phan Đình Phùng – Hoàng Diệu, phố Cửa Bắc, hệ 10
năm. Thằng con trai 18 tuổi thời đó còn dại lắm, không quái như bọn trẻ con bây
giờ. Vẫn dở ông dở thằng, đôi khi còn mặc quần đùi thông lổng ra hồ Hoàn Kiếm
câu tôm trong những ngày nghỉ. Một lần cùng bọn con trai đuổi nhau trong trường,
tôi chạy ngoặt qua cái góc cầu thang gỗ, ngực va sầm vào một cô giáo thực tập
đang đi lên. Tôi đỡ cô giáo dậy, lúng búng xin lỗi rồi xấu hổ biến mất. Nhưng vết
sẹo vô hình bởi sự va chạm chết người trên ngực thì không mất, nó lẩn quất đâu
đó mãi trong đầu. Vết sẹo vô hình thời áo trắng làm tính tình trở nên chững chạc
thanh niên hơn hẳn” (Sđd. Trg.7-8).
Qua lời tự giới
thiệu này ta thấy tuổi trẻ học đường của Tùng tiểu thuyết và Tùng hồi ức đã thuộc
về hai đẳng cấp văn hóa khác hẳn nhau, tuy cùng là dân Hà Nội gốc. Sự khác biệt
về đẳng cấp văn hóa của hai nhân vật chính – cũng là của hai tác phẩm văn học sẽ
lần lần bộc lộ rõ nét hơn trong những trải nghiệm của hai người lính.
Tùng hồi ức bộc
lộ những cảm xúc – có thể nói là những mỹ cảm – về những sự việc giản dị bình
thường nhưng giầu phẩm chất nhân văn. Đó là khi anh kể về những ngày mới vào
quân ngũ, ở trong nhà dân, trong quan hệ qua lại, xuất hiện những tình huống mà
tuổi trẻ nhất định phải thế, nhưng rất trong sáng:
“Cái giếng sâu lắm,
dây lại ngắn vừa phải nên mỗi lần Độ cúi nhoài người giật gầu nước thường bị lạnh
lưng hở sườn. Khoảng mát trong thanh khiết thấp thoáng dưới tà áo xanh chàm. Những
ngày mưa ngâu chúng tôi không ra thao trường được. Nằm tập ngắm bia con chấm
bút bi ở trong nhà sao cho tia ngắm chụm. Ngắm bia thì ít, ngắm phần trắng trắng
dưới vạt áo đang múc nước ngoài giếng kia thì nhiều.
…
Có ai còn nhớ quả
chấp? Nó giống như quả cam, vỏ màu vàng, múi bên trong chua gắt. Độ hay gội đầu
bằng nước bồ kết nướng, thêm nhánh sả và mấy miếng vỏ bưởi.
Em đứng dưới
sân, xổ tóc ra trong chậu nước đặt trên thềm đá cao, từ từ chải thật kỹ, thật cẩn
thận. Sau cùng nước tráng vắt nửa quả chấp chua làm cho tóc mượt mềm. Đâu đó
xong xuôi, Độ vuốt tóc cho nước xuôi xuống. Động tác cuối cùng là mê ly nhất,
em đứng giữa sân, nắm suối tóc sát đầu ngay ngọn nguồn rồi quay vù vù như máy
bay lên thẳng. Mái tóc nặng, vóc hình thôn nữ khỏe khoắn lắc dẻo như múa ba lê,
phơi cái cổ thon thon tròn nõn chuối. Nước mát li ti, thơm bay lòa tòa khắp mặt
sân kết cầu vồng trong nắng. Tưởng như có thể bay lên được vì tóc em dài lắm”
(Sđd. Trg.10-11).
Đây là một bài
thơ văn xuôi. Càng thương tiếc hơn, khi sau chiến tranh, Tùng hồi ức tìm về
thăm người xưa cảnh cũ thì Độ không còn nữa. Người con gái Xóm Núi thôn Lãm huyện
Kim Thanh tỉnh Hà Nam đã mất, em bị đuối nước ngoài cống Non. Tùng không nói ra
nhưng giọng văn trầm xuống ngậm ngùi, gợi lại Màu tím hoa sim: Nhưng không chết
người trai khói lửa / Mà chết người em nhỏ hậu phương… Và cùng chết trong nước.
Cô Lê Đỗ Thị Ninh, người vợ trẻ của tác giả Màu tím hoa sim, cũng đã chết đuối
khi ngồi giặt ở cầu ao, vì bị động kinh (tiền đình)…
Và một lần nữa,
khi Tùng hồi ức trên toa tàu trong đêm từ ga Vĩnh Yên về Hà Nội:
“Tàu đông kín,
tôi ngồi phệt trên sàn tàu cạnh một cô gái khá già dặn nhưng cứ xưng em rất ngọt…
Có cảm giác bờ vai tôi trĩu nặng. Cô ấy buồn ngủ, đầu cô ấy tựa vào vai tôi, những
sợi tóc mai lòa xòa buồn buồn… Cô gái với tay lấy chiếc nón úp lên ngực rồi tựa
hẳn vào tôi ngủ thật. Tôi mơ màng như chàng chăn cừu của Daudet, cao thượng gồng
mình chịu đựng.
Giật mình vì thấy
tay ai nắm nhẹ tay mình, rồi nắm chặt hơn nữa. Rồi bàn tay ấy đưa tay tôi đến bầu
ngực mềm đang phập phồng nhè nhẹ. Trời ơi hồi đó mới yêu thương qua thư từ chứ
có biết thân thể đàn bà nó ra sao đâu. Tay bóp cò súng… Cả năm chiến trận, giờ
run bắn trên bầu ngực bỏng. Tất cả sự kiện ấy diễn ra trong chiếc nón che, dưới
bóng tối toa đen đồng lõa… Trái với sự mất bình tĩnh của tôi, cô gái vẫn thản
nhiên giữ chặt tay tôi …” (Sđd. Trg.272-273).
Tôi liên tưởng đến
cảnh Khơrichina và Paven Corsaghin trong phòng giam của bọn Bạch vệ. Khơrichina
tha thiết hiến dâng nhưng Paven không đáp lại, vì ánh mắt của Tonhia. Chỉ
thương cảm mà không thể trách ai được. Còn Tùng hồi ức thì tỏ ra chân thực và
thực tế. Không lên gân, không tự dối lòng mình. Đây chính là yếu tố để hiểu sự
dũng cảm, chịu đựng mọi gian khổ ở chiến trường Campuchia ác liệt: Chỉ có những
con người chân thật mới có được lòng dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh.
Tùng tiểu thuyết không có được điều đó, qua cái đoạn tác giả tiểu thuyết để cho
nhân vật này làm tình với cô gái Miên (nữ binh Khơme Đỏ). Qua bao nhiêu ngày
tháng đói khát lại phải khiêng cõng tên Lục, người chỉ còn nắm xương, đến quần
áo cũng không còn, phải lấy lá rừng che mình… Mà vẫn làm tình, vẫn thấy cảm hứng
cháy bỏng… Nếu có như thế, thì đấy là hành vi bản năng loài xa xưa, nó không hợp
với con người ở thời đại văn minh. Mà loài vật, khi đói khát, nó lo kiếm mồi,
tranh giành cướp giật mồi chứ đâu phải… làm tình.
Cái pha làm tình
của Tùng tiểu thuyết lại được nhắc lại ở bìa 4 quyển “Miền hoang”. Đó là cái
pha hạ con người xuống hàng súc vật. Làm gì có tính người phồn thực, nhân văn ở
đó. Cùng cảnh ngộ này ta nhớ đến Phương của “Nỗi buồn chiến tranh”, trên toa
tàu ra trận đêm ấy, ở ga Thanh Hóa. Trong lúc bom đạn rạch nát màn đêm thì
Phương bị toán lính, không ra tên lửa, không hẳn hải quân, đè xuống cưỡng hiếp.
Chính Kiên chứng kiến, nhưng bất lực, uất ức. Một bên ống quần của Phương bị
rách toạc, một dòng máu chảy xuống… Khi sáng hôm sau, Kiên nhìn tận mắt lúc
Phương tìm một hố bom có nước để tắm rửa. Đây là tâm điểm của “Nỗi buồn chiến
tranh”. Từ đây, Kiên và Phương vẫn nhớ tới nhau nhưng không thể nào trở lại với
nhau. Vết thương không bao giờ lành. Tình yêu và cuộc sống đã bị chiến tranh hủy
diệt hoàn toàn. Tư tưởng này có thể xoa dịu được một phần nhân loại không ý thức
được giá trị của Độc lập – Tự do, không trải qua một truyền thống đến hàng ngàn
năm quyết chiến đấu để giành lại Độc lập Dân tộc, để được sống trong Độc lập –
Tự do. Họ chào đón, đề cao Nỗi buồn chiến tranh như một tâm hồn đồng điệu.
Nhưng dân tộc Việt không chịu đựng, gậm nhấm Nỗi buồn nô lệ. Và họ cao thượng,
nhân văn hơn. Đó là lòng bao dung. Đặt Tổ quốc lên trên nỗi buồn của riêng
mình. Bao dung, tha thứ để chung sống. Có nỗi đau nào hơn của người lính trong “Mùi
thuốc sung” (Nguyễn Văn Thọ). Bố đẻ loạn luân với con dâu. Một sinh mệnh không
ra em không ra con. Nhưng anh đã vượt lên để tất cả được sống trong tình yêu
thương.
Xin bạn đọc thêm
một sự so sánh. Tùng tiểu thuyết bị trói vào cổ để bọn giặc lôi dắt, vừa phải
khiêng cõng “Ông Lớn” mà vẫn đeo được cây đàn ghi-ta, để đến một đoạn, đàn hát
cho bọn Pốt nghe. Thậm vô lý nếu không nói là ngô nghê, mất trí. Còn Tùng hồi ức
đã đập cây đàn ghi-ta khi nó vướng bận trong cuộc sống chiến trận ác liệt:
“Ba lô trên lưng,
cuộn dây trên vai, ruột tượng gạo 5 ký quàng cổ, cái máy điện thoại TA.130 Mỹ
trẹo sườn… Trong tình thế này cây đàn trở thành thừa và vô duyên… Bá Nha (tác
giả) thả ba lô, điên tiết nghiến răng phang thẳng cánh cây đàn thân yêu thời học
sinh vào cột nhà sàn… Phải sống đã, sau đó mới lãng mạn bao la được” (Sđd.
Trg.51).
Mới hay, sinh đẻ,
nuôi dưỡng nhân vật tiểu thuyết còn khó hơn nuôi đứa con ngoài đời. Không thể bắt
nó suy nghĩ và hành động ngược với logic hiện thực được.
Tùng tiểu thuyết
bị bắt làm tù binh. Hành trình của Tùng này là khiêng cõng “Ông Lớn” (tên sĩ
quan Pốt bị thương) đi theo con đường của chúng, khi cả bọn ra khỏi rừng, cũng
là lúc kết thúc tiểu thuyết, thì Tùng này không còn là lính sĩ quan tình nguyện
Việt Nam, mà thành Dã Nhân, Người Rừng, bị đời lãng quên.
Còn Tùng hồi ức,
Tùng người thật việc thật thì như thế nào? Chỉ xin dẫn mấy điểm đáng nhớ.
*Buổi chiều máu:
“Một thằng lính
ban 3 không biết kiếm đâu được chiếc xe đạp… đang đạp dấn lên… Trông nó đạp xe
thong dong nhàn nhã như đi dã ngoại… Chúng tôi ba lô đi tiếp. Mới được khoảng
400m chợt gặp một cảnh kinh hoàng. Thằng lính hậu cần đạp xe lúc nãy nằm sấp mặt
trên vũng máu. Đầu nó lìa khỏi cổ vì một nhát chém bằng dao quắm cực ngọt từ
phía sau… Không còn gì trên người ngoài bộ quân phục đẫm máu… Lính tiểu đoàn rú
lên phẫn uất. Thấy người nào vác dao quắm là xông vào tước dao. Dân chúng sợ
hãi xanh mét mặt. Lúc nãy còn tử tế xin thuốc xin nước nhau samakhi, bây giờ
tình thế đổi khác hẳn. Cơn giận bốc lên mờ mắt. Không khí nén đặc, cảnh báo một
cuộc trả thù. Một người có vẻ là cán bộ chính trị hò hét khản giọng… Anh xô
lính ra, bảo nếu bắn dân thì các đồng chí bắn tôi trước đi. Những cái đầu nóng
dần dần nguội lại… Ước vọng đồng bằng an lành bỗng tan hoang trong buổi chiều
máu” (Sđd. Trg.141-142).
*Vượt dốc:
“… Rừng hỗn hợp
nguyên sinh trên núi chằng chịt dây leo. Tầng cây cao khép tán, tỏa bóng thâm u
che phủ. Đã hơn 9 giờ sáng mà đáy rừng vẫn nhờ nhờ tối… Tôi cũng biết phải giữ
hơi đều, hít sâu và thở ra từ từ. Đến khoảng trưa mớ kiến thức dưỡng sinh ấy trở
thành vô dụng. Mũi, mồm và tai cùng thi nhau hoạt động hết công suất…
Đi! Đi cho kịp
giờ hiệp đồng. Lính trung đoàn im lặng giữ hơi, khoanh tay trước bụng còng lưng
vượt dốc” (Sđd. Trg.120-121).
Chỉ mấy chữ
thôi, “… im lặng giữ hơi, khoanh tay trước bụng còng lưng vượt dốc” nói lên tất
cả. Ai đã vượt Trường Sơn mới thấm thía sẻ chia.
*Mùa khô rừng khộp
– Nước sọ người:
“… Một ngày khát
nước gần chết lả đi, như nhiều ngày khác, chúng tôi tìm thấy một hũm nước trong
vắt giữa lòng suối cạn… Anh em xô vào tranh nhau giải khát… Đến lượt mình, tôi
vục mũ đưa lên miệng làm một hơi bất tận. Khi vục bi-đông để lấy nước dự trữ,
tôi thấy vật gì trăng trắng dưới đáy. Định thần nhìn kỹ lại, thì đó là cái đầu
lâu người trắng nhờ, đang nhìn đời bằng hốc mắt vô hồn mọc đầy rêu…
Chúng tôi vẫn uống,
và cũng chẳng ai đổ bi-đông nước của mình đi. Đằng nào thì cũng đã vào bụng. Dẫu
sao dùng thứ nước thánh này còn hơn là uống nước đái” (Sđd. Trg.103).
*Thư nhà:
“Tôi nhận được
14 lá thư một lúc… Đây là lần đầu tiên những lá thư tìm đến… Chúi vào một góc
phố vắng xé bì thư, đọc ngấu nghiến như ăn cướp, rồi lại giở ra đọc chậm từng
lá. Nét chữ tròn rõ ràng của mẹ. Mẹ mong con lúc nào cũng rắn rỏi vững vàng như
cây Tùng tên con mẹ đặt. Lén nhìn quanh, rồi cúi mặt xuống quệt ngang tay áo…
Lá thư cuối của
em.
Tùng xa nhớ…! Vỡ
òa một hạnh phúc, một bình minh đang dựng chứ không phải một hoàng hôn đang
trùm xuống bờ sông vắng. Đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Đọc xong dường như lại
quên ngay, muốn giở ra đọc lại đến trăm ngàn lần nữa. Tôi đưa lá thư lên mũi
hít… (Sđd. Trg.82-83).
*Nước mắt quê
hương:
“Từ trạm Long
Bình chúng tôi hành quân ra Hố Nai. Cuộc hành quân cuối cùng trong đời quân
ngũ. Cuộc hành quân không mang vũ khí, không phòng phục kích, không lo đá mìn.
Cuộc hành quân chỉ vài cây số nhưng tưởng chừng như dài vô tận…
Qua ga Bình Lục,
tụi thằng Chiến, thằng Lương nhấp nhổm… Yên tâm! Tụi tao sẽ giật phanh khẩn cấp
cho chúng mày xuống. Hăm ba tháng Chạp. Tết ông Công ông Táo. Đồng chiêm đang cấy
khoảng xanh khoảng bạc, mấp mô mông gái quê chổng lên trời… Tiếng rít phanh…
Toa tàu rùng rùng dừng lại. Thằng Chiến thằng Lương xốc ba lô… cắm cổ chạy thẳng
xuống đồng, chỗ đám đàn bà đang cấy. Từ hàng chục ô cửa sổ con tàu, cả tiểu
đoàn bộ binh gào lên thất thanh lạc giọng, vẫy tay gọi đám đàn bà bằng đủ thứ
tên:
- Chiêm ơi… Mùa
ơi… Lụa ơi… Duyên ơi…!
- Chồng chúng
mày về đây này…!
- Chồng chúng
mày về đây này…!
Đám phụ nữ quăng
mạ, bỏ cấy hớt hải chạy ngược lên. Nước mắt giành cho ngày gặp lại” (Sđd.
Trg. 309-310).
Còn nhiều trang
xúc động nữa, xin giành cho bạn đọc. Nhiều chủ đề có ý nghĩa sâu sắc được đặt
ra trong cuốn Hồi ức này. Chúng tôi sẽ tiếp tục. Xin mấy dòng ngắn trước khi kết
thúc bài viết:
- Rõ ràng chuyện
người thực việc thực, chuyện đời ở Chuyện lính Tây Nam phong phú sâu sắc giầu
tính nhân văn, hơn hẳn các tiểu thuyết hư cấu như Miền hoang hay Nỗi buồn chiến
tranh.
- Tác giả là người
lính của một thế hệ được thừa hưởng một nền văn hóa – giáo dục đáng kính nể: Xã
hội – Nhà trường – Gia đình, cho anh kiến thức và sức mạnh.
- Tùng hồi ức là
con người ở đẳng cấp văn hóa cao hơn hẳn Tùng tiểu thuyết. Cảm ơn Tùng Trung Sĩ
đã ghi lại những trang đặc sắc và quý giá về cuộc chiến tranh cứu bạn – bảo vệ
mình.
Nguồn: Văn Nghệ
TPHCM