Quan điểm của nhà văn – đạo diễn Tô Hoàng: Chúng ta nên chấm dứt những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ theo định kỳ! Bởi lẽ, khi đã mở hội thì sẽ có sự chen lấn và xô đẩy. Theo tôi biết, công việc này khởi nguồn từ Liên Xô. Trong 14 các nước thuộc "phe ta" thuở ấy, chỉ có riêng Bungary sao chép lại mà thôi. Sau khi "phe ta" tan rã, từ đó đến nay - cả nước Nga lẫn Bungary đã ngưng lại việc xét duyệt các danh hiệu này. Tại Cu Ba xưa kia và ngày này cũng không hề thấy nghệ sỹ nào mang danh hiệu nhân dân hay ưu tú. Trong các tiêu chuẩn xét duyệt,  người ta có xem xét  đến cả đạo đức tư cách và lập trường tư tưởng. Mà người nghệ sỹ đích thực sao tránh được một lần "trượt miệng"? Các tác phẩm của họ sao tránh được một lần nào đó "có vết"? Chỉ cần một kẻ "tà tâm” tung hóa mù nói nọ nói kia là ứng viên bị bật ra ngoài vòng xét tuyển rồi! 




@ Mỗi đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đều xảy ra điều nọ điều kia. Là một nhà báo theo dõi đời sống văn hoá, lại dự phần trực tiếp với tư cách nhà biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu, ông cảm thấy thế nào?
Tô Hoàng: Cảm thấy ồn ào không đáng, nhưng cũng thú vị, vì hiểu thêm được nhiều con người và nhiều số phận.

@ Danh hiệu nghệ sĩ cũng giống như miếng giữa làng, vì giá trị bằng một sàng xó bếp nên gay go và éo le?
Tô Hoàng: Nào có miếng gì, nào có sàng gì. Với người tự trọng thì cái đích cuối cùng của họ vẫn là khán giả, chứ không phải huy chương hay danh hiệu. Chuyện bầu chọn là việc "bếp núc " của các Hội đồng duyệt, qua các khâu duyệt . Tôi chưa bao giờ là thành viên của các Hội đồng  này nên không rành rõ mọi chuyện trong cái "tổ tò vò " ấy được.

@ Hiện nay, nhiều nghệ sĩ tài danh vẫn đứng ngoài danh sách Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân. Theo ông, ngành văn hoá có nên bày tỏ thiện chí mời họ làm hồ sơ chăng?
Tô Hoàng: Thiện chí hay không, không ở chỗ "mời họ làm hồ sơ", mà là cách đối đãi trong quá trình cống hiến của họ! Xin nhớ cho một điều, không phải nghệ sỹ nào cũng rầu rĩ, sùi sụt khi không được xét tặng danh hiệu. 

@ Đó là lý do ông không xin phong tặng danh hiệu, dù đã làm nghề lâu năm?
Tô Hoàng: Xét về tư cách cá nhân, tôi vừa là nhà văn cũng là người phê bình phim, đạo diễn phim phóng sự- tài liệu. Xét về phương diện ghi nhận, tôi đã được tặng Bông Sen Vàng cho phim tài liệu "Hồ Chí Minh-Cội nguồn cảm hứng sáng tạo" và giải Nhất cho công trình nghiên cứu phê bình "Có một thế giới khác nằm ngoài ống kính", giải Nhì cho công trình "Gánh nặng đường xa". Nhưng tôi chưa hề viết đơn hoặc ngong ngóng tới các lần xét duyệt danh hiệu.Bởi chỉ vì một điều, tôi chú trọng tác phẩm, chứ không quan tâm những thứ ngoài tác phẩm!

@ Theo ông, làm sao để xét tặng danh hiệu một cách thuyết phục mà không phải hành vi ban phát?
Tô Hoàng: Có lẽ, cũng nên đắn đo cho một tư duy mang tính phản biện nữa. Phải chăng, chúng ta nên chấm dứt những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ theo định kỳ? Bởi lẽ, khi đã mở hội thì sẽ có sự chen lấn và xô đẩy. Theo tôi biết, công việc này khởi nguồn từ Liên Xô. Trong 14 các nước thuộc "phe ta" thuở ấy, chỉ có riêng Bungary sao chép lại mà thôi. Sau khi "phe ta" tan rã, từ đó đến nay - cả nước Nga lẫn Bungary đã ngưng lại việc xét duyệt các danh hiệu này. Tại Cu Ba xưa kia và ngày này cũng không hề thấy nghệ sỹ nào mang danh hiệu nhân dân hay ưu tú. Trong các tiêu chuẩn xét duyệt,  người ta có xem xét  đến cả đạo đức tư cách và lập trường tư tưởng. Mà người nghệ sỹ đích thực sao tránh được một lần "trượt miệng"? Các tác phẩm của họ sao tránh được một lần nào đó "có vết"? Chỉ cần một kẻ "tà tâm” tung hóa mù nói nọ nói kia là ứng viên bị bật ra ngoài vòng xét tuyển rồi! 
@ Nếu chấm dứt đột ngột, thì những người chưa có danh hiệu sẽ cảm thấy thiệt thòi…

Tô Hoàng: Nghệ sĩ thực tài chả ai nghĩ thế! Trường hợp Thành Lộc chẳng hạn, thử hỏi Nghệ sĩ Nhân dân nào ở lĩnh vực kịch nói dám… phủ nhận tài năng và cống hiến của Thành Lộc. Hào quang của Thành Lộc đến từ vai diễn của anh ta, không cần ai phong tặng bằng sự ngạo nghễ bề trên!

                                                         HƯƠNG NGÂN (thực hiện)