NXB Trẻ và gia đình cố nhà văn Sơn Nam đã tổ chức buổi giới thiệu các tựa sách tái bản của “ông già” và cùng ôn lại những câu chuyện không bao giờ cũ với nhà Nam Bộ học “độc nhất vô nhị” này Tổng Biên tập - Giám đốc NXB Trẻ cho biết Nguyễn Minh Nhựt cho biết: “Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, chúng tôi cho tái bản lại toàn bộ những tựa sách hay trong gia tài văn chương của ông, trong đó có nhiều tác phẩm để đời: Hương quê, Tình nghĩa giáo khoa thư và các truyện khác., Hương rừng Cà Mau và các truyện khác., Ngôi nhà mặt tiền và các truyện vừa khác., Bà chúa Hòn., Xóm Bàu Láng…đã được mua bản quyền và độc quyền xuất bản trên toàn thế giới”.



Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày. Ông sinh năm 1926 ở Kiên Giang. Chính tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, muôn thú đã khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của nhà văn. Tác phẩm đầu tay của Sơn Nam là tập thơ Lúa reo, xuất bản năm 1948. Năm 1951 – 1952, sau khi hai truyện ngắn Bên rừng Cù lao Dung và Tây đầu đỏ giành giải nhất cuộc thi do Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam bộ tổ chức, ông “nổi đình nổi đám” thêm hơn với tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau xuất bản năm 1962. Ngoài dã sử, truyện ngắn, truyện dài… Sơn Nam còn thành công ở những công trình biên khảo như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh Miệt Vườn, Đất Gia Định xưa, Bến Nghé xưa… Ông từng tâm sự: “Lịch sử Nam bộ Việt Nam là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang, mở đất. Nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất… Đây cũng là đề tài mà người dân Nam bộ rất quan tâm, bởi trong ký ức của những người Sài Gòn cũ, người Nam bộ cũ vẫn còn lưu giữ rất nhiều ấn tượng trong việc vật lộn với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên trong những ngày đầu mở đất, mở nước.”.
Con gái của nhà văn Sơn Nam, bà Đào Thúy Hằng kể lại những ngày sống vô cùng khó khăn ở Sài Gòn của cha mình, đến mức ông phải đến… mượn tiền liên tục ở nhà xuất bản mà không bao giờ bị cằn nhằn. "Vì chưa kịp cằn nhằn thì ba tôi đã tới mượn tiếp tiền. Các anh em còn tổ chức sinh nhật tươm tất khiến ông cảm động nhắn tin về nhà cho tôi. Ông biểu: “Tụi bây lên đây ăn rồi cám ơn một tiếng đi về, còn không nói được thì cũng lên ăn cho vui. Hôm nay, khi ba tôi mất đi, NXB Trẻ còn đứng ra tổ chức in sách của ba tôi tặng cho các thư viện, trao học bổng cho học sinh nghèo làm tôi quá cảm động”, bà nói.

Nhận định về “thương hiệu” của Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho rằng: “Dù bây giờ cũng có nhiều nhà văn viết về Nam bộ nhưng tên tuổi cây đại thụ Sơn Nam chưa có ai thay thế được và sự ra đi của ông đã tạo một khoảng trống lớn không dễ lấp đầy”. Nhà thơ Cao Xuân Sơn bổ sung thêm: “Cùng với Trang Thế Hy và Nguyễn Quang Sáng thì nhà văn Sơn Nam có tầm vóc rất lớn, độc nhất vô nhị của miền Nam..”.

Nhân dịp này, NXB Trẻ cũng công bố giải thưởng hằng năm về Bình luận văn chương của nhà văn Sơn Nam với 1 giải nhất 10 triệu đồng và nhiều tặng thưởng sách, đồng thời tiến hành trao 100 suất học bổng là 100 triệu đồng trích trừ tiền bán sách của nhà văn Sơn Nam cho học sinh ba tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang. NXB Trẻ cũng đang vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp cùng phối hợp kinh phí in sách theo các phiên bản khác nhau tặng thư viện các trường học để góp phần “lan tỏa” tủ sách Sơn Nam, đưa văn chương Nam bộ đến với bạn đọc các vùng miền của cả nước.

LÊ CÔNG SƠN – Báo Thanh Niên