Tác gia Hồ Biểu Chánh (1885-1958) là tiểu thuyết gia tiêu biểu của văn chương Việt Nam hiện đại. Ông để lại 134 tác phẩm dài ngắn khác nhau, bao gồm nhiều bộ môn chuyên ngành, nhiều thể loại và thể tài, nhiều hình thức và phương thức sáng tác. Trên thực tế, số lượng tác phẩm của Hồ Biểu Chánh phân chia theo thể loại có 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu, phê bình, 2 tác phẩm dịch và một số bài diễn thuyết… Bên cạnh công việc hành chính sự vụ, cả cuộc đời ông là sự tiếp nối không ngừng nghỉ những trang viết, những cuốn sách, bất luận sự thay đổi của thời gian, thời thế, tuổi tác và sức khỏe. Qua ông, ta thấy phong cách của nhà văn chuyên nghiệp: lao động sáng tạo bền bỉ, kiên trì với những suy tư trí thức và am tường độc giả.




VỀ HAI CHỌN LỰA QUAN TRỌNG CỦA HỒ BIỂU CHÁNH

PHAN MẠNH HÙNG

1.
Hồ Biểu Chánh viết văn phục vụ đại chúng. Đó là một lựa chọn quan trọng đối với đời văn Hồ Biểu Chánh. Không phải Hồ Biểu Chánh không có khả năng “viết văn cao cấp” mà thực ra ông đã lựa chọn và đeo đuổi một con đường trong muôn nẻo của văn chương hiện đại: phục vụ đại chúng. Trong số những nhà văn viết văn phục vụ đại chúng nổi danh đầu thế kỷ XX ở Nam bộ, Hồ Biểu Chánh đã vượt lên trở thành tác gia có tác phẩm trụ lại với thời gian và tạo được tầm ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng nhiều thế hệ. Vậy, yếu tố nào đã tạo nên điều ấy?
Hồ Biểu Chánh là nhà văn sớm ý thức được kiểu hình người đọc đại chúng. Người đọc đại chúng, bình dân chứa đựng hai khả năng đối với quá trình văn học: một mặt kích thích sự sôi động của thị trường chữ nghĩa, mặt khác có những tác động trì kéo sự tìm tòi đổi mới nghệ thuật văn chương của người cầm bút. Kiểu người đọc đại chúng bình dân đến với văn chương không nhằm cốt truy vấn hay đắm mình vào những vấn đề triết lý siêu hình, trừu tượng về đời sống và lẽ sống, tìm kiếm những hình thức mang tính quan niệm mới mẻ mà chủ yếu là để giải trí. Kiểu người đọc đại chúng, có thể nói là ít có những đòi hỏi đổi mới văn chương, đặc biệt là về hình thức. Người đọc dạng này có vẻ “bảo thủ”, thế nhưng nơi đó lại tiềm ẩn một khả năng, theo chúng tôi là cũng không kém quan trọng đối với bất cứ nền văn học nào trong thế giới hội nhập: lưu giữ “mẫu gốc” văn chương, những truyền thống văn hóa trong sự tranh chấp quyết liệt giữa cái dân tộc và cái ngoại lai, đặc biệt trong thời kỳ chuyển giao hiện đại hóa. Và nơi những tài năng văn chương, điều này có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng giúp nhà văn sáng tác những tác phẩm vừa hiện đại nhưng vừa đậm đà dân tộc tính. Hồ Biểu Chánh, với tư cách là nhà văn chuyên nghiệp số một, người đọc nhiều và trực tiếp từ nguyên tác tiểu thuyết nước ngoài (tiểu thuyết Anh, Pháp, Nga chủ yếu qua tiếng Pháp), không phải không có những trăn trở tìm tòi đổi mới, và chắc là thừa khả năng để đổi mới bằng con đường học tập. Nhưng, có một điểm mà chúng tôi muốn nói đến, nơi vừa là điểm mạnh làm nên tính hiện đại nhưng đồng thời làm nên giới hạn không chỉ riêng trường hợp sự nghiệp văn chương của Hồ Biểu Chánh, mà là của phần đông người cầm bút cùng thời chính là sự chi phối của người đọc đại chúng. Như Hồ Biểu Chánh từng thú nhận trong hồi ký Đời của tôi về văn nghệ: “Năm nọ, một nhà xuất bản tác phẩm của tôi bố cáo với công chúng rằng bộ tiểu thuyết của tôi sắp ra đời viết theo kim văn thời và bố cuộc theo thể thức mới. Tôi liền được thơ của bạn đọc tha thiết yêu cầu tôi cứ theo thể thức thuở nay mà viết, đừng đổi văn đổi sáo chi hết”(1). Theo dõi suốt hành trình sáng tạo của Hồ Biểu Chánh, chúng ta thấy ông ít có sự thay đổi trong sự chọn lựa đề tài và kỹ thuật viết. Bởi tâm thế cầm bút của ông bị chi phối bởi tâm lý đón đợi của độc giả đại chúng, một đại chúng mang những kích hoạt của quá trình dân chủ hóa văn học nhưng đồng thời đầy những giới hạn. Sự chi phối của thị hiếu độc giả đối với hoạt động sáng tác là một trong những dấu hiệu quan trọng xác định tính hiện đại của Hồ Biểu Chánh(2) và các nhà văn thế hệ ông ở Nam bộ.
Thế nhưng, có một phương diện cần lưu ý, Hồ Biểu Chánh dù chiều theo đại chúng nhưng đồng thời luôn có ý thức hướng về việc thể hiện tư tưởng đạo lý và văn hóa phong tục trong tác phẩm. Hay nói một cách khác, ông đã “phục vụ đại chúng có kiểm soát”. Trong khi tìm cách chiều theo đại chúng, ông vẫn ý thức về sứ mệnh của người cầm bút: viết văn nhằm truyền tải đạo lý và văn hóa dân tộc. Do vậy, theo thời gian, những phương diện thuộc về thị hiếu của đại chúng một thời có thể bị vượt qua, nhưng phương diện văn hóa tư tưởng của tác phẩm vẫn còn giá trị. Cũng cần thấy rằng, việc nhà văn thể hiện những vấn đề đạo lý trong tác phẩm cũng có sự “trợ lực” từ phía độc giả. Công chúng văn học hình thành nhanh chóng nhờ sự phổ cập chữ Quốc ngữ và các thiết chế văn hóa gắn liền với xã hội hiện đại như báo chí và xuất bản, nhưng từ trong sâu thẳm lý tưởng và ý thức thẩm mỹ của họ vẫn thuộc hệ hình truyền thống. Một truyền thống văn chương vốn đậm yếu tố đạo lý cổ truyền, phương Đông. Người cầm bút dẫu có trăn trở suy tư đổi mới vẫn phải lưu ý điểm này. Và do vậy, trong sáng tác không chỉ của Hồ Biểu Chánh mà của nhiều nhà văn Nam bộ đương thời đã cho thấy sự tranh chấp (nhiều chỗ cho thấy sự thỏa hiệp) giữa cái cũ và cái mới, giữa con người cá nhân và con người cộng đồng đạo lý. Cũng cần tính đến một căn nguyên từ bản thân ý thức người trí thức cầm bút, như Nguyễn Văn Trung đã chỉ ra: “Khi tiếp xúc với văn hóa Pháp, một văn hóa được trình bày trong chính sách đồng hóa đe dọa mất gốc, tiêu diệt bản chất dân tộc, người miền Nam không những không thể bỏ văn hóa truyền thống dựa trên Nho học, mà còn coi nó như điểm tựa, chỗ dựa chống lại chính sách đồng hóa của người Pháp” và điều này có ảnh hưởng lớn đến văn chương, Nguyễn Văn Trung viết tiếp, “do đó đi tới chỉ tiếp thu kỹ thuật Tây phương nói chung và ở đây là kỹ thuật viết tiểu thuyết”(3).
Khi tìm hiểu tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, các nhà nghiên cứu phê bình thường nói đến các yếu tố: đạo lý, phong tục, phiêu lưu và diễm tình(4). Các yếu tố này kết hợp nhuần nhuyễn với nhau tạo nên đặc trưng và giá trị tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Trong 4 yếu tố vừa nêu, phiêu lưu và diễm tình là những yếu tố bề nổi, nằm nơi sự kiện, tình tiết nhằm thu hút độc giả đại chúng; hai yếu tố còn lại là đạo lý và phong tục được truyền tải một cách khéo léo qua kỹ thuật kể và tả của nhà văn.
Hầu hết các tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh kết thúc có hậu, thể hiện quan niệm đạo lý của tác giả: Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chí tranh lai tảo dữ lai trì (Thiện ác cuối cùng đều báo ứng, chẳng qua là sớm hay muộn mà thôi). Quan điểm đạo lý của nhà văn thể hiện qua cái nhìn cuộc sống và con người theo luật nhân quả. Người tốt, sau khi gặp những khó khăn, bất trắc, thường nhận được kết cục có hậu. Trong Đời của tôi về văn nghệ, ông khẳng định: “Viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh”. Về cuối đời, ông tự nhận thấy: “Sản xuất cả mấy chục pho tiểu thuyết… luôn luôn tôi vẫn theo đuổi một cái mục đích là: Thành nhân với thủ nghĩa”(5). Có thể thấy, xuyên suốt các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bản hòa tấu giai điệu yêu thương của tình cha con, chồng vợ, trai gái thủy chung cùng những đạo lý cương thường, đối nhân xử thế của các nhân vật. Bên cạnh một bức tranh hiện thực rộng lớn, đa chiều là vô số những hoàn cảnh trái ngang, những bi kịch gia đình và bi kịch cá nhân được thể hiện. Dẫu thế, cuộc sống tuy phức tạp, sự đời lắm éo le, nhưng người tốt dù gặp nhiều tai họa, cuối cùng vẫn tìm được hạnh phúc, cùng với sự suy vi của các thế lực ác nghịch. Thông qua các câu chuyện, các số phận của nhân vật, Hồ Biểu Chánh có dịp bày tỏ, phát biểu quan điểm đạo lý. Nhà văn bày tỏ thái độ tin tưởng vào lẽ phải, lên tiếng ủng hộ lẽ phải, phê phán cái xấu, cái ác, những điều trái với đạo lý, trái với thuần phong, mỹ tục.
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh phản ánh phong tục tập quán, cung cách sinh hoạt của người dân miền Lục tỉnh sông nước những năm đầu thế kỷ XX, đó cũng là nguyên cớ để các nhà nghiên cứu xếp ông vào hàng tiểu thuyết gia phong tục. Nhiều nét đặc trưng của văn hóa, phong tục miền Nam được Hồ Biểu Chánh miêu tả trong tác phẩm của mình, từ phong tục cưới hỏi, ma chay, lễ Tết, quan niệm sống cho đến cách ăn uống, làm nhà, làm ruộng, món ăn, trang phục… Nhà thơ Đông Hồ từng nhận xét: “Nói chung, nếu bây giờ, nhà khảo cứu nào muốn khảo cứu những sinh hoạt bề ngoài của xã hội miền Nam Lục tỉnh, tôi nói lại “những sinh hoạt” bề ngoài dưới thời thuộc địa Pháp, cứ đọc khắp hết tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thì nhận thấy rõ đủ mọi khuôn mặt trong một nếp sống đặc thù khác hẳn hai miền Trung Bắc”(6).
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đông đảo, đủ các thành phần trong xã hội miền Nam đầu thế kỷ XX như: thông ngôn ký lục, thợ thuyền, trẻ em bán báo, con sen, gái điếm, trưởng giả thượng lưu, trí thức thành thị, tá điền, điền chủ, cường hào ác bá, hương chức hội tề… Hồ Biểu Chánh thường để cho nhân vật chính (phần lớn là nghèo khổ, mồ côi) của mình “xê dịch” trong một khoảng thời gian và không gian địa lý cụ thể. Quá trình “xê dịch”, qua những vùng đất mà dấu chân của nhân vật đặt tới, nhà văn có điều kiện thuận lợi để mô tả phong cảnh và con người ở tầm bao quát rộng lớn. Điều đó lý giải vì sao tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đầy ắp các sự kiện, yếu tố thuộc về phong tục tập quán của nhiều vùng đất. Xét về mặt nghệ thuật, là một chủ ý của Hồ Biểu Chánh.
Ngôn ngữ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh gần với ngôn ngữ người bình dân, do vậy rất sống động và rất chân thực. Trong khi viết, Hồ Biểu Chánh đã có ý thức viết cho đông đảo quần chúng bình dân đọc. Vì vậy ông đã chú ý sử dụng từ ngữ thật giản dị. Việc sử dụng khéo léo và phong phú lớp từ địa phương, đặc biệt là khẩu ngữ tự nhiên góp phần tạo nên dấu ấn riêng của phong cách tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
2.
Viết văn giản dị, Hồ Biểu Chánh cũng chọn lối sống giản dị. Nhà văn Nguyễn Hữu Ngư, người từng được Hồ Biểu Chánh tiếp chuyện và khuyến khích trong nghề văn, trong mấy dòng đưa tin cụ mất (năm 1958) đăng trên tạp chí Bách khoa đã cung cấp một ít tư liệu lời di chúc của cụ về “hậu sự” như sau:
Mộ của ta
(Trích lời căn dặn thiết tha trối lại với con cháu)
“Hễ ta nhắm mắt thì mướn thợ đào huyệt theo địa đồ ta vẽ và xây kim tĩnh cho chắc chắn. Mộ chẳng nên làm nguy nga hay đồ sộ, trái với đức tánh của ta. Xây mộ đơn giản theo mộ của bà ngoại các con cũng đủ. Nhưng trên nắp mộ gắn một tấm cẩm thạch granito dài và khắc chữ như vầy:
HỒ – BIỂU – CHÁNH
Tộc danh HỒ – VĂN – TRUNG
Sanh: 1-10-1885
Tử:…………….
Một mảnh thanh cần
Ngàn thu lạc tụng
Chừng nào ta nằm yên nơi rồi, ngoài đầu đường vô, đặt treo một tấm bảng ngang đề hai hàng chữ như vầy:
HỒ – BIỂU – CHÁNH
An Tức Viên
Trên bàn thờ của ta, đừng sắm đồ kình càng, chỉ một cái bình để cắm bông, hai chưn đèn để khi cúng cắm đèn cày với một cái lư cắm nhang mà thôi (…)”(7).
Sau khi Hồ Biểu Chánh mất, con cháu đã lập mộ phần theo di huấn của cụ. Có điều, trên mộ phần, con cháu có cho khắc thêm mấy dòng chữ kể tên những tác phẩm của cụ: “Cay đắng mùi đời, Nhơn tình ấm lạnh, Tỉnh mộng, Tại tôi, Nợ đời, Cư kỉnh, Lẫy lừng hào khí, Tắt lửa lòng”. Ngược thời gian, lúc cụ mất, thi sĩ Đông Hồ có làm đôi câu đối lấy tựa các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh để viếng:
Cay đắng mùi đời, con nhà nghèo, con nhà giàu, tác phẩm viết trăm lẻ năm thiên, vì nghĩa vì tình, ngọn cỏ gió đùa, tỉnh mộng mấy ai làm được.
Cang thường nặng gánh, cơn khóc thầm, cơn cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, thiệt giả giả thiệt, vườn văn xưa ghé mắt, đoạn tình còn ở theo thời.
An Tất Viên(8) không ghi dấu cuộc sống của Hồ Biểu Chánh lúc còn tại thế, nhưng là nơi được nhà văn chọn để an giấc ngàn thu, nơi gần như duy nhất còn lưu giữ hình ảnh con người giản dị, thanh cần của nhà văn bên cạnh những trang viết để lại cho đời.
Từ giã cõi đời, Hồ Biểu Chánh để lại cho chúng ta gương giản dị: sống giản dị, viết văn giản dị, giản dị cả lời trăn trối. Nhưng chẳng hay “nỗi lòng” của cụ có giản dị chăng?
                                                  -----
(1)   Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng xuất bản, Sài Gòn 1974, tr.270.
(2) Xem thêm Trần Văn Toàn, Hồ Biểu Chánh và thị hiếu độc giả, Văn hóa nghệ thuật, số 2, 2008.
(3) Nguyễn Văn Trung, Những áng văn chương Quốc ngữ đầu tiên (tài liệu in ronéo), Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 1987, tr.19.
(4) Xem Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1974.
(5) Nguyễn Khuê, Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa thiêng xuất bản, Sài Gòn 1974, tr.174.
(6) Đông Hồ, Hồ Biểu Chánh: nhà văn bạch thoại miền Nam, Tạp chí Văn, số 80 ra ngày 15/4/1967, Sài Gòn, tr.68.
(7) Nguyễn Hữu Ngư, Hồ Biểu Chánh (1884-1958) – nhà tiểu thuyết bình dân được mến trọng nhất, Tạp chí Bách khoa, số 45, ra ngày 15/1/1958, tr.27.
(8) An Tất Viên tọa lạc tại số 30/21 đường số 8, P.11, Q. Gò Vấp. An Tất Viên có diện tích 3.566m2, được gia đình Hồ Biểu Chánh mua năm 1943 bằng số tiền vay mượn của bạn bè. Lúc bấy giờ, nhà văn sống và làm việc tại Phú Nhuận, đến khi mất thi hài được an táng tại An Tất Viên. Hiện nay, An Tất Viên do cháu ngoại của Hồ Biểu Chánh là ông Lê Kỳ Lân trông nom, ngoài phần mộ của ông bà Hồ Biểu Chánh là quần thể mộ thân tộc và là nơi sinh sống của một số con cháu họ Hồ.

Nguồn: Văn Nghệ TPHCM