(Đọc tập thơ MẮC CẠN của Trương Tuyết Mai, NXB Hội Nhà Văn – 2018)
“Mắc cạn” là tập thơ thứ năm của chị. Thơ Trương Tuyết Mai giàu cảm xúc và nữ tính, ở tập này chị có thêm nhiều trải nghiệm cùng những suy tư và nỗi niềm trăn trở…
Giấu kín nỗi niềm riêng
Trong âm thầm câm nín
Ôm cô đơn giăng trải
Khắp dặm dài lang thang
(Ta làm bạn Gấu nhé)
Là nhạc sĩ, cả cuộc đời gắn bó với âm thanh mà có lúc phải «âm thầm câm nín » đủ biết cơn sóng ngầm tâm trạng cuộn xô đến mức nào, thể hiện cuộc sống giàu trải nghiệm đến độ tràn dâng và phức tạp của cá nhân nghệ sĩ mà ngôn từ phải bất lực nếu phải lý giải. Và chúng ta hiểu thêm một Trương Tuyết Mai ở tuổi :
Túi đã cạn
Thời gian cũng cạn
Mà hoa
Vẫn hớn hở chào…
(Hoa và nàng)
Ba câu trên bị chặn lại ở vạch giới hạn, nhưng câu thứ tư lại mở ra một tương lai không giới hạn, ấy là sự giải thoát kỳ diệu của nghệ thuật thông qua một ẩn dụ thường thấy ở các nghệ sĩ tài danh. Mặt khác, càng thấy rõ uy lực ghê gớm của thời gian mà người nghệ sĩ phải đối mặt từng giây phút. Và dễ nhận ra ở các nghệ sĩ là tình yêu không có tuổi:
Có một góc khuất
Vừa đủ
Người ấy náu mình
Nhưng luôn tỏa sáng
Dịu dàng
Ấm áp hồn tôi.
(Có một góc khuất)
“Góc nhỏ/ nhưng luôn tỏa sáng” cũng là một liệu pháp tình yêu nhằm cưỡng lại uy vũ của thời gian mà Trương Tuyết Mai đang phải gồng mình trên sàn đấu. Trên đấu trường không cân sức này, chị luôn tung ra những thế võ độc chiêu:
Tôi ngược miền thiếu nữ
Tiếng lòng
Ào ạt
Xô
Gió gầm gào
Sóng thét
(Cơn đau sóng lừng )
“Tôi ngược miền thiếu nữ” lại là liệu pháp mới nhằm cưỡng lại uy vũ thời gian nhưng thật dữ dội “biển tràn bờ/ gió gầm gào/ sóng thét”, mệt quá nhưng trong cuộc chơi nghệ thuật thì người nghệ sĩ không được quyền bỏ cuộc. Có lẽ cảm hứng về thời gian đạt tới độ chín là vào cái tuổi “tri thiên mệnh” (50). Trước cột mốc này của cuộc đời, con người ta nhìn về quá khứ với những trải nghiệm đớn đau và hướng tới tương lai với nhiều thử thách đầy bí ẩn. Ý thức về cuộc thử thách trước đối thủ ghê gớm nhất là thời gian ở hiệp cuối này là không được quyền sai lầm bởi cơ hội để sửa chữa hầu như không còn nữa. Tuy nhiên đối với nhiều nghệ sĩ nói chung và Trương Tuyết Mai nói riêng hầu như họ không bận tâm nhiều lắm bởi cứ nhìn qua sự hồn nhiên trong trẻo của họ là thấy ngay. Suy cho cùng thì phải như vậy mới sáng tạo được, đó là cái “nghiệp” Trời đầy của người nghệ sĩ và cũng là dũng khí không biết sợ của Trời cho và đây chính là sự hy sinh và cống hiến của người nghệ sĩ:
Cuồng si và mê đắm
Sóng dữ cũng bạc đầu
Những rung động nhiệm màu
Lòng càng thêm cháy khát.
(Sóng dữ cũng bạc đầu)
Họ vẫn cứ “cuồng si và mê đắm” như thường, chỉ có như vậy mới có được “những rung động nhiệm màu” mà văn chương cần đạt tới.
Đã nhiều năm nhạc sĩ nhà thơ Trương Tuyết Mai làm công tác biên tập âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, nơi phồn hoa đông đúc. Bỗng đùng một cái, chị bán nhà ở thành phố chuyển chỗ ở đến một nơi xa, cách đấy trên hai chục cây số. Ở đây chị làm bạn với cây cỏ cá chim, côn trùng rỉ rả ngày đêm hòa âm cùng những ca khúc của chị. Bạn bè thảng hoặc lui tới nhưng chắc là thưa thớt lắm, tất nhiên là vắng vẻ, có phần hiu quạnh... Ở đây chị đọc sách và viết. Cô đơn trong “cõi tạm” này là nơi lý tưởng cho người nghệ sĩ chăng? Đúng thế, lao động sáng tạo chỉ có hiệu quả khi người nghệ sĩ tạo cho mình một không gian cô đơn vắng lặng chứ không phải chỗ đám đông ồn ào.
Đọc
Cho tâm hồn ta
Biết vút lên những tầng mây
Và cũng biết chùng sâu dưới đáy…
(Đọc)
Đến cung đoạn này, sáng tác của Trương Tuyết Mai bên cạnh chất trong sáng hồn nhiên còn có thêm chất lắng sâu suy tưởng “biết vút lên những tầng mây/ biết chùng sâu dưới đáy” là sự trải nghiệm thực tiễn có chiều sâu nội tâm nội lực.
Ở nơi vắng vẻ này không phải để đóng cửa tu hành mà để có điều kiện thì người nghệ sĩ mặc sức tung cửa hòa nhập vào cuộc sống sôi động ngoài kia. Vâng, tôi biết chị chịu khó đi lắm, nhiều khi không quản ngại “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”. Chị đến với các chiến sĩ Hải quân và gia đình của họ:
Mỗi lần nghe báo bão
Lòng mẹ lại cồn cào
Mắt dõi về phía biển
Mong các con bình yên
(Thư mẹ từ đất liền)
Và chị có rất nhiều chuyến đi xa hơn nữa tới các châu lục trên Địa cầu:
Muốn nói nhiều với Đại Tây Dương xanh thẳm
Và rất muốn cạn lòng cùng biển sớm nay
Nhưng nàng chỉ lặng yên ngắm nhìn mê đắm
Bất ngờ giang tay ôm hết sóng vào lòng.
(Với Đại Tây Dương)
Vòng tay của nghệ sĩ bây giờ rộng lớn hơn nhiều, ôm trùm tất cả sóng ở các đại dương: Hơi có một chút khoa trương nhưng chấp nhận được. Đây là sự trải nghiệm thật tâm can cốt lõi. Qua tuổi “tri thiên mệnh” đến tổi “xưa nay hiếm”, Trương Tuyết Mai vẫn nguyên vẹn sự đắm say xông xáo đi và viết, cô đơn và hòa nhập. Đấy là nét đáng quý của người nghệ sĩ sẵn sàng “sinh ư nghệ tử ư nghệ” thật khác xa một số người mang danh nghệ sĩ mà lúc nào cũng rất chừng mực và quá cẩn trọng. Chừng mực cẩn trọng trong cuộc sống thì được, chứ trong lao động sáng tạo thì quá dở.
Trong bài “Hợp âm đêm” có đoạn rất ấn tượng:
Tiếng đêm giao thoa
Phập phồng
Hơi thở
Tim ta rung thẳm
Lênh đênh
Phận người.
Tôi hình dung ra căn nhà nhỏ thật vắng lặng giữa khu vườn cũng vắng lặng, chị lắng nghe “tiếng đêm giao thoa/ phập phồng… tim ta rung thẳm/ lênh đênh/ phận người” tâm trạng ấy mênh mang và sâu thẳm biết chừng nào. Trong khu vườn tuyệt vời ấy, chị nhìn thấu cả cõi sinh diệt, luân hồi một cách điềm tĩnh ung dung:
Ngày ấy sẽ đến
Ta chỉ còn biết gối trăng
Mơ về những miền cũ...
Ta ngồi một mình…
Mơ màng
Giữa muôn vàn âm thanh tha thiết
Nhưng không thể nào
Bay lên được nữa
(Ngày ấy sẽ đến)
Khu vườn nhà chị cũng có cái giếng nhưng nay thì giếng đã cạn rồi. Bất ngờ ở phân khúc cảm xúc khác, thơ chị bỗng thăm thẳm nỗi đau đời với bài thơ ngắn:
Đã biết giếng không sâu mà vẫn thả dây dài
Sợi dây tôi mắc cạn giữa muôn vàn rỗng không.
(Mắc cạn)
Chắc Trương Tuyết Mai lấy cảm hứng từ câu ca dao: Tưởng nước giếng sâu anh nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn, anh tiếc hoài sợi dây. Nhưng qua sự trải nghiệm riêng, chị có sự sáng tạo mới mẻ: giếng không sâu, đã biết rõ rồi sao lại thả dây dài làm gì? (Khác với câu ca dao trên: tưởng nước giếng sâu). Và vì sao giữa muôn vàn rỗng không mà sợi dây vẫn mắc cạn? Phi lý quá nhỉ! Trong lĩnh vực lý luận nghệ thuật người ta gọi đó là phi lý hình thức trong hợp lý nội dung, chỉ những cao thủ văn chương mới vận dụng được độc chiêu này, người non tay không làm được. Một ẩn dụ về nhân tình thế thái, về tình yêu tình bạn chăng? Một sự trả giá đớn đau nào đó chăng? Ẩn sau đấy là sự điềm tĩnh của người từng trải, không kêu la, không đau khổ, không trách cứ. (Câu ca dao tiếc hoài, bài thơ thì không). Bài thơ thể hiện cái mỉm cười bao dung của người nắm được quy luật cuộc sống và lẽ đời. Một thái độ ứng xử văn chương và văn hóa. Một nghịch lý mà Trương Tuyết Mai khám phá và triển khai rất hiệu quả đạt tới độ sâu sắc và đắt giá. Bài thơ ngắn chỉ có hai dòng nhưng hàm chứa suy tư minh triết. Đây là bài thơ tôi cho là hay nhất, ấn tượng nhất trong tập, khác với một số bài còn bị dàn trải.