Trường Sơn thực sự bước vào thời kỳ biết tự làm dáng. Nhớ mãi màu vàng ấm áp, gợi nhớ màu rơm rạ ở quê nhà của những mái lán lợp lá trung quân. Suốt ngày làm bạn với màu xanh bạt ngàn của rừng cây, vách núi…xế chiều về tới trạm nhìn thấy màu rộm vàng, nghe thấy tiếng gà cục tác, tiếng bầy lợn rúc máng, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, thênh thang hơn. Nơi nào không kiếm nổi lá trung quân, thì vào rừng kiếm bương, luồng chẻ đôi, xếp khúc sấp ấp khúc ngửa làm ngói. Ngày mưa, nước từ mái ngói bương, luồng đổ xuống trong vắt, trong veo.



THUỞ CON GÁI LÊN TRƯỜNG SƠN

TÔ HOÀNG

Sáu mươi năm trước, vào cái thuở ông Võ Bẩm cùng đồng đội mò mẫm tìm một con đường trên đỉnh Trường Sơn để có thể chuyển gạo đạn, chuyển quân từ Bắc vào Nam, trong đạo quân ra đi ngày ấy chắc chắn không thể có những cô gái mười tám, đôi mươi. Nhưng mười năm trôi qua, kể từ sau cuộc Tấn công Tết Mậu thân ( 1968), trên đỉnh Trường Sơn đã xuất hiện những mái tóc dài, những bờ vai tròn lẳn, những tiếng cười từ rất xa cũng dễ nhận ra: Những cô gái giao liên, nuôi quan, y tá, coi kho, lắp đặt đường ống dẫn dầu… thuộc biên chế của đoàn 559 đã được điều tới tận Binh trạm 47, nằm nơi ranh giới Việt – Lào – Campuchia. Trong dòng quân đi vào bổ sung cho các chiến trường lại cũng đã có mặt chị em thuộc nhiều ngành nghề y tế, giáo dục, bưu điện, văn công, nhà báo…Từ các chiến trường đi ngược ra Bắc cũng đông vui bóng chị bóng em về hậu phương lớn để đi học, chữa bệnh, để gặp gỡ hợp đồng công việc giữa trong này ngoài ấy…
Chiến tranh chưa biết đến khi nào mới kết thúc, thành ăn ở sao cho đàng hoàng, tiện lợi, sạch đẹp đã là một nhu cầu. Có những “ bóng hồng “ nơi này, nơi kia thì sự gọn gàng và nhu cầu làm đẹp càng trở nên tự nhiên hơn…
Trường Sơn thực sự bước vào thời kỳ biết tự làm dáng. Nhớ mãi màu vàng ấm áp, gợi nhớ màu rơm rạ ở quê nhà của những mái lán lợp lá trung quân. Suốt ngày làm bạn với màu xanh bạt ngàn của rừng cây, vách núi…xế chiều về tới trạm nhìn thấy màu rộm vàng, nghe thấy tiếng gà cục tác, tiếng bầy lợn rúc máng, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, thênh thang hơn. Nơi nào không kiếm nổi lá trung quân, thì vào rừng kiếm bương, luồng chẻ đôi, xếp khúc sấp ấp khúc ngửa làm ngói. Ngày mưa, nước từ mái ngói bương, luồng đổ xuống trong vắt, trong veo. Lá sả, bồ kết ở rừng tìm đâu chẳng ra. Lính tráng kháo nhau, thỉnh thoảng bưng cho em một nồi nước lá nấu bằng thứ nước mưa ấy để em gội đầu, em sẽ như chú sáo quen ăn cơm trộn muối rồi, có mở lồng cũng đố dám bay…Đường xuống suối cũng bắc lan can tre nứa em vịn tay, nơi rửa mặt đánh răng cũng lát thêm tấm nứa đan để em giữ bàn chân cô Tấm cho trắng, cho sạch mãi. Cái bàn, cái ghế được thưng mây. Những cậu khéo tay còn đóng được cả tủ để đầu giường tặng em làm nơi đặt gương, lược. Vài năm trước, chiếc bọc võng chỉ đơn giản bằng miếng vải dù pháo sáng lót vòng phía dưới lưng cho ấm, phủ qua võng vừa như chăn đắp vừa để chống muỗi. Lính chiến trường từ phía Nam ra, từ đồng bằng lên mang theo những cái bọc võng nhuộm đủ thứ màu: Xanh nõn chuối, mỡ gà, tím Huế, xanh mạ non, phớt hồng, hồng thắm, tím hoa cà…Chiều chiều quân về nhập trạm, đi ngang qua bãi khách cứ ngỡ đi ngang qua nơi tiên giáng trần.Nhờ cánh lái xe mua thuốc nhuộm mãi ngoài Hà Nội cũng nấu cũng khoắng đều, nhưng nhúng tấm vải dù vào, thuốc cứ trôi truội khỏi mặt vải. Hỏi thăm, lính chiến trường nhún vai đầy bí ẩn. Đành phải lục tung ba lô có thứ gì quý mang ra đổi hết, để trao vào tay em tấm bọc võng màu tím, màu hồng đào, màu thiên lý..như ý em ưng.Mãi sau này mới hay, lấy trái pháo sáng Mỹ, đem đốt thành tro khuấy trong nước làm thuốc nhuộm: Trái pháo phụt lên trời màu gì, tấm vải dù sẽ quyện đúng màu đó…
Đấy là những gì chỉ được nghe kể lại thôi. Cánh lính đi vào chúng tôi ào ào cuốn qua mỗi ngày mỗi trạm lần hồi cũng phải tìm ra cách tỏ tình cảm với chị em theo kiểu của mình. Vừa tới trạm, chưa kịp mắc võng nhưng phải đáo ngay một vòng để thông báo cho nhau hay trong trạm cả thảy là mấy em, có em nào xứng đáng là “nàng Kiều” không. Nước da mai mái xanh, cặp môi không còn mang sắc đỏ, mớ tóc đã bắt đầu xác khô, nhưng ánh mắt ấy, nụ cười kia ở trạm nào mà chả tìm thấy vài ba em thân quen cứ như thuở ngồi cùng bàn, học cùng lớp. Chỉ thoáng sau, những cha lém lỉnh nhất đã tìm ra “đồng hương”. Không phải là người cùng làng, cùng xã, cùng huyện thì cùng tỉnh, cùng dân khu 3, khu 4- đã chết ai? Ngồi với nhau một lát, lân la trò chuyện một lát y như rằng tìm ra khối điều là sở thích chung. Thích môn toán hơn môn văn, thích giọng ca của Bích Liên, giọng ngâm thơ Linh Nhâm, đã từng đọc “Anna Karenina”, “Bài ca sư phạm”, truyện ngắn tuyệt vời của Pautovsky… Sau bữa cơm chiều,tối sập xuống, đom đóm bay tán loạn ngoài rừng, làn gió cuối thu ào ào chạy dưới thung sâu, phả hơi giá lạnh luồn qua vách lán. Đã cảm thấy một đêm ngắn ngủi sẽ qua đi rất mau. Trong quầng sáng của chao đèn vặn nhỏ ngọn, anh chép để lại cho em mấy bài thơ anh thích, em ghi vào sổ anh mấy bài hát mới em vừa thuộc qua buổi dạy hát trên đài. Lục lọi tận dưới đáy ba lô còn chiếc phong bì, tập pơluya viết thư, con tem nào anh trao cả cho em. Em lặng lẽ nấu cho anh chậu nước ấm, bỏ thêm vài hạt muối để ngâm chân, vá cho anh miệng túi áo bị rách sờn, dặn dò anh uống thuốc phòng sốt rét cho đều, không được đánh cá ngoài suối bằng bộc phá... Có nhiều khi trái tim bắt đầu tăng nhịp trong lồng ngực, ánh mắt nhìn đã phải né tránh nhau, như một quy định từ trước, không ai thốt lời thề bồi với ai, không ai xin ai một dòng địa chỉ. Bao giờ, biết đến bao giờ anh gặp lại em đây? Liệu anh và em có còn sống để tìm về quê hương nhau mà nhận mẹ cha, anh chị, bà con họ hàng, xóm giềng của đôi bên?
Một đồng đội thông minh láu lỉnh của tôi vào phút chia tay như thế đã bảo người bạn gái nhắm mắt lại và xòe bàn tay ra. Cậu ta rút bút viết chữ gì đó và buộc cô gái hứa sống hứa chết khi cậu ta rời xa trạm mới được xòe tay ra đọc. Thằng quỷ, mày gieo rắc thương nhớ, khổ đau cho cô gái tội nghiệp ấy à ? Cậu lính ngửa cổ cười hơ hơ thanh minh: Cậu ấy đã viết tên tên mình, tên cô ta trong lòng bàn tay nóng ấm kia, giữa hai cái tên cậu ta đặt một dấu cộng, sau hai cái tên đặt một dấu bằng, phép cộng ấy sẽ đưa đến con số tổng là hai chữ “ muôn năm”. Cũng dễ đoán ra cô gái sẽ cười, sẽ khóc, sẽ khóc rồi sẽ cười, nhưng trong lòng mãi mãi vẫn là những cảm xúc thật đẹp.
Tôi khờ khạo, vụng về, chắc ông Trời thương nên đã ban tặng cho tôi một kỷ niệm Trường Sơn để nhớ đời. Trời đổ mưa từ sáng sớm. Khi chúng tôi đến triền dốc cỏ gianh thì chân người lê theo bùn đất đi qua đã khiến những búi cỏ ngả rạp, láng ướt, bùn đỏ trở nên trơn nhẫy. Vừa lúc ấy có một đoàn các cô gái từ chiến trường ra đang ngược dốc đi lên. Những bộ bà ba đen may bằng vải tốt bó chặt lấy những bờ vai thon thả, những tấm lưng eo, những chiếc mũ tai bèo ướt sũng nước vẫn cong cong một đường vành duyên dáng. Các em xinh tươi, yêu kiều quá, em nào em nấy đều đeo bên hông một khẩu K.59, loại súng ngắn ấy chỉ dành cho cán bộ tiểu đoàn trở lên. Người vượt dốc, người đổ dốc ồn ã tiếng cười, lời thăm hỏi nhau. Tôi cứ nghếch mắt ngắm nhìn các em như thế, bỗng trượt chân ngã nhoài. Như một bản năng, tôi quờ tay sang bên để bấu víu lấy một gốc cây hay búi cỏ. Nào ngờ tôi đã nắm lấy bắp chân một em đi ngược lên. Thế là tôi đã kéo em lăn xuống dốc theo mình. Trên dốc, dưới dốc tiếng cười rộ lên, lây lan. Tôi đỡ em đứng lên, cả hai cùng bật cười theo. Dù em lấm lem bùn đất, tôi vẫn nhận ra một đôi mắt to tròn ánh lên vẻ cương nghị, một cặp môi mỏng, mềm mại, khi cười lấp lánh hàm răng trắng đều tăm tấp. Đôi quai bòng kéo căng hai vai áo em khiến tôi còn nhận ra cả những giọt mồ hôi lấm tấm tụ nơi hõm cổ hồng hồng. Không nói lời xin lỗi, cũng không nói câu cám ơn, tôi buột miệng nói ra một câu có lẽ là vô duyên nhất đời:
-Đồng chí ơi, xin hỏi thăm, chiến trường trong ấy có ác liệt không ?
Em ngước nhìn tôi vẫn với đôi mắt ấy, miệng tủm tỉm. Vài giây trôi đi, vẻ mặt em đột nhiên trở nên thoáng buồn:
-Biết nói với anh thế nào đây?...Nếu bây giờ anh bảo em trở vào cùng anh, em đi tức thì à!
Lẽ ra lúc đó tôi sẽ đưa em trở lên đỉnh dốc, cũng có thể tôi theo em về tận trạm giao liên sáng ấy tôi vừa  rời đi, ăn với em một bữa cơm trưa, rửa mặt cùng em chung một dòng suối…Làm hết từng ấy công việc, tôi sẽ cuốn nước “ mã hồi” về trạm sau vẫn còn sớm chán. Vì thuở ấy tôi mang sức vóc của một chàng trai tuổi 20. Nhưng tôi vẫn đứng như trời trồng, lòng dạ lâng lâng, bồng bềnh một cảm giác rất lạ, chưa xảy đến bao giờ, mắt níu bóng dáng em đang nhỏ dần, nhỏ dần sau màn mưa phía lưng chừng dốc…
Từ sau tháng 4/1975 đến nay tôi đã đi khắp dải đất miền Trung, đã qua nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Không thổ lộ với ai, tôi vẫn âm thầm, nhẫn nại đi tìm ánh mắt, nụ cười ấy…
Tôi không bao giờ tìm ra em nữa và chợt hiểu rằng nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã vĩnh viễn thuộc về Trường Sơn một thuở.