Sao lại đặc cách Nghệ sĩ Nhân dân?
Nếu chưa đến đợt xét duyệt mà phải phong tặng vì hoàn cảnh đặc biệt thì mới “đặc cách”, như trường hợp ca sĩ Y Moan được trao danh hiệu N...
http://www.lethieunhon.vn/2018/07/sao-lai-ac-cach-nghe-si-nhan-dan.html
Nếu chưa đến đợt xét duyệt mà phải phong tặng vì hoàn cảnh đặc
biệt thì mới “đặc cách”, như trường hợp ca sĩ Y Moan được trao danh hiệu Nghệ
sĩ Nhân dân tại live show cuối cùng trước khi qua đời vì bệnh nan y. Còn ba nghệ
sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu không cần đặc cách, mà cần sự đánh giá
công bằng cho những đóng góp tận tụy của họ với nghệ thuật cải lương! Do vậy, cần
kiến nghị thẩm định lại hồ sơ của Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu, chứ
không phải kiến nghị “đặc cách” phong tặng. Danh hiệu là sự ghi nhận, chứ không
phải sự ban ơn!
SAO LẠI ĐẶC CÁCH PHONG TẶNG NGHỆ SĨ NHÂN DÂN?
Bất kỳ đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu
tú nào cũng có tiếng bấc tiếng chì. Điều ấy dễ hiểu, bởi nghệ thuật vốn không
có thước đo chuẩn mực. Thế nhưng, có những tên tuổi đã định vị trong công chúng
mà khi họ đã nộp hồ sơ vẫn bị đánh trượt, thì e chừng không thuyết phục được
đám đông!
Ở phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX, đại
biểu Nguyễn Thị Quế Trân cho rằng nhiều nghệ sĩ lao động nghệ thuật suốt đời,
tham gia giảng dạy nhiều thế hệ học trò, làm giám khảo ở các liên hoan nghệ thuật
uy tín nhưng không được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân do không đủ huy
chương: "Tiêu chí không đủ huy chương để xét tặng danh hiệu chưa hợp tình,
đạt lý cho sự cống hiến nghệ thuật của các nghệ sĩ thời gian dài. Tôi mong
thành phố kiến nghị đặc cách xét danh hiệu nhà nước cho các nghệ sĩ xứng
đáng". Cũng có suy nghĩ tương tự, ông Huỳnh Thanh Nhân- Giám đốc Sở Văn
hóa - thể thao TP.HCM, cho biết sẽ đề nghị trung ương đặc cách trong việc phong
tặng danh hiệu xứng đáng với sự cống hiến của các nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn
và Giang Châu.
Đã bị hỏng ba đợt phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, danh ca cải
lương Minh Vương buồn bã: “Là một người nghệ sĩ suốt đời sống vì nghệ thuật,
tôi nghĩ mình đâu cần thiết ngồi đó kể ra những cống hiến của mình nữa. Tôi chỉ
muốn nói là kết quả này thật sự bất công với tôi!”. Còn nghệ sĩ Thanh Tuấn lại
thổ lộ: “Tôi cảm thấy có sự bất cập ở đây là ở cái vòng bình bầu 15 người trong
Hội đồng bình bầu Nghệ sĩ Nhân dân tại sao lại là bỏ phiếu kín mà không phải là
công khai. Nếu họ bỏ phiếu công khai thì ai là người không đồng tình chọn nghệ
sĩ nào thì họ sẽ phải đứng lên phát biểu lý do tại sao mình không muốn chọn.
Còn bỏ phiếu kín cái kiểu đó thì rất là mơ hồ và cảm tính, không minh bạch dẫn
đến những sự bất công cho những người bị đánh trượt mà không hiểu tại sao mình
bị trượt”.
Nghệ sĩ tồn tại trong lòng khán giả bằng tài năng và nhân
cách. Không có cái danh hiệu nào bảo đảm cho vị trí một nghệ sĩ bằng chính những
vai diễn của họ trên sân khấu. Tuy nhiên, đã đặt ra danh hiệu thì phải phong tặng
một cách sòng phẳng. Lên tiếng dùm các nghệ sĩ lão luyện là cần thiết, nhưng tại
sao lại dùng khái niệm “đặc cách”? Nếu chưa đến đợt xét duyệt mà phải phong tặng
vì hoàn cảnh đặc biệt thì mới “đặc cách”, như trường hợp ca sĩ Y Moan được trao
danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân tại live show cuối cùng trước khi qua đời vì bệnh
nan y. Còn ba nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu không cần đặc cách,
mà cần sự đánh giá công bằng cho những đóng góp tận tụy của họ với nghệ thuật cải
lương! Do vậy, cần kiến nghị thẩm định lại hồ sơ của Minh Vương, Thanh Tuấn và
Giang Châu, chứ không phải kiến nghị “đặc cách” phong tặng. Danh hiệu là sự ghi
nhận, chứ không phải sự ban ơn!
TUY
HÒA