Đạo diễn Trần Minh Ngọc bày tỏ: “Tôi không e dè gì để nói thật rằng, những nhà quản lý văn hoá chưa nắm được tinh thần xã hội hoá sân khấu, và chưa hiểu về sân khấu thị trường. Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần có những cán bộ có đẳng cấp như bầu show, vừa có kinh nghiệm sân khấu vừa có khả năng nắm bắt nhu cầu khán giả. Do đó, mới có thực trạng đáng buồn là Nhà nước vẫn đầu tư cho sân khấu, nhưng đầu tư không đúng chỗ. Trên thế giới, chả nước nào không đầu tư cho văn hoá, nhưng quan trọng là đầu tư như thế nào. Đầu tư kiểu chia nhỏ miếng bánh, mỗi người một góc lót dạ thì chẳng nên trò trống gì”.




@ Thưa đạo diễn Trần Minh Ngọc! Ông đã từng là Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TPHCM. Ông nghĩ gì về nguồn lực sân khấu hiện nay?
Trần Minh Ngọc: Phải sòng phẳng nhìn nhận, nhân lực cho sân khấu vừa thừa vừa thiếu. Thừa những người có thể đóng đủ loại vai nhàn nhạt, nhưng lại thiếu những người có thể đóng được một vai xuất sắc. Việc đào tạo trong nhà trường, mỗi khoá được vài người có tài thì chúng tôi đã mừng lắm rồi. Vì vậy, nhân lực đông nhưng không đáp ứng được các loại vai, đành phải chấp nhận quy luật đào thải của thị trường. Cũng may có sân khấu tư nhân, họ cũng là lò đào tạo đáng nể, như chỗ bà bầu Hồng Vân chẳng hạn. Chờ nhà trường chính quy cứ 4 năm cho ra một lớp diễn viên, thì sốt ruột lắm. Sân khấu tư nhân đào tạo nguồn nhân lực theo khuynh hướng của nghệ thuật của từng sân khấu, là một giải pháp cần ủng hộ!
@ Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là điểm sáng xã hội hoá sân khấu. Thế nhưng, bây giờ chính sân khấu tư nhân cũng cảm thấy họ rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Có thể tìm kiếm trợ lực ra sao, thưa ông?
Trần Minh Ngọc: Tôi không e dè gì để nói thật rằng, những nhà quản lý văn hoá chưa nắm được tinh thần xã hội hoá sân khấu, và chưa hiểu về sân khấu thị trường. Lãnh đạo Sở Văn hoá Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần có những cán bộ có đẳng cấp như bầu show, vừa có kinh nghiệm sân khấu vừa có khả năng nắm bắt nhu cầu khán giả. Do đó, mới có thực trạng đáng buồn là Nhà nước vẫn đầu tư cho sân khấu, nhưng đầu tư không đúng chỗ. Trên thế giới, chả nước nào không đầu tư cho văn hoá, nhưng quan trọng là đầu tư như thế nào. Đầu tư kiểu chia nhỏ miếng bánh, mỗi người một góc lót dạ thì chẳng nên trò trống gì.
@ Công chúng phương Nam rất hào hứng với những hoạt động cộng đồng. Có lẽ những nhà quản lý văn hoá cũng quan niệm rằng, chính khán giả sẽ cứu sân khấu mà không cần có chính sách hỗ trợ nào…
Trần Minh Ngọc: Ít nơi nào có khán giả nồng nhiệt như thành phố Hồ Chí Minh, Tuy nhiên, khán giả chỉ bỏ tiền mua vé, chứ không thể bỏ tiền bù đắp cho giá cả mặt bằng làm tụ điểm sân khấu vẫn tăng chóng mặt. Nhiều rạp hát để trống, hoặc nhiều rạp chiếu bóng đã chuyển đổi công năng thành quán cà phê hoặc tiệm thời trang, thì khán giả đâu có quyền chỉ đạo để cho sân khấu tư nhân thuê!
@ Sự chuyển động của quá trình xã hội hoá sân khấu, theo ông cần tổng kết lại theo tiêu chuẩn nào để có quyết sách mới cho hành trình tồn tại và phát triển?
Trần Minh Ngọc: Từ năm 1986 đến 1996 là 10 năm vinh quang của xã hội hoá sân khấu, đỉnh cao phải kể đến vở kịch “Dạ cổ hoài lang” công diễn hàng ngàn buổi. Sau đó, cơ chế thị trường lại tác động tiêu cực làm thành một vòng lẩn quẩn, hết hài nhảm lại đến kinh dị. Sau trào lưu “Người vợ ma” suy thoái, thì sân khấu tư nhân mạnh ai nấy… nín thở chờ đợi thời cơ!
@ Và kết cục tất yếu là sân khấu né tránh mọi vấn đề cuộc sống mà xã hội đang quan tâm… Những người làm nghề cũng dần lãng quên tính xung kích của sàn diễn…?
Trần Minh Ngọc: Đúng, xã hội hoá sân khấu chỉ còn chú trọng tính giải trí. Tôi lưu ý, giải trí lành mạnh cũng là một khía cạnh của nghệ thuật, nhưng sân khấu không thể rời xa thời cuộc. Những người làm sân khấu đang né tránh những vấn đề gai góc như tham nhũng, nhất là các tác giả. Người viết kịch toàn cung cấp những câu chuyện đâu đâu. Chống tham nhũng trên sân khấu được không? Được chứ, nhưng phải có tính khái quát. Chứ nói cho hả hê thì không được, hình tượng sân khấu mới là điểm nhấn. Tôi thấy nhiều tác giả viết kịch chưa đủ tầm với tới đề tài gai góc. Và tôi cũng chờ một kịch bản chống tham nhũng để bản thân được dàn dựng một cách hào hứng!
@ Trong bối cảnh bị cạnh tranh bởi nhiều loại hình nghệ thuật nghe nhìn khác, sân khấu phải tự cứu mình trước khi… trời cứu chứ nhỉ?
Trần Minh Ngọc: Truyền hình đang thâu tóm gần hết đội ngũ sáng tạo nghệ thuật. Sân khấu chịu thua thiệt trong cuộc cạnh tranh không cân sức với truyền hình. Muốn duy trì, phải làm sân khấu tư nhân sang trọng hơn. Trước hết là hiện đại hoá không gian sân khấu, chứ tụ điểm tạm bợ thì ai mà thèm tới. Tiếp nữa, sân khấu phải phát huy thế mạnh của mình là tính trực tiếp giao lưu gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả. Truyền hình hoặc điện ảnh không thể có sự tương tác như vậy. Xem nghệ sĩ trên ti vi làm sao cảm giác bằng xem nghệ sĩ bằng xương bằng thịt chỉ cách mình vài mét thôi!

                                                GIA QUAN ( thực hiện)