Nhà báo Đặng Vỹ cay đắng tổng kết: "Nghề báo cũng có nhiều người miệng ra rả nói công bằng và dạy đạo đức, nhưng bụng chứa đầy mưu mô, và không thiếu thủ đoạn gian lận, dối trá. Những vụ nhà báo tống tiền thì đã rõ, còn thiên hạ ta thán thì đã quá nhiều. Họ nói nghề họ là vì con người, nhưng họ sẵn sàng lừa lọc, ăn thịt cả đồng nghiệp. Nghề báo cũng không thiếu người thoả hiệp với cường quyền, tiền bạc. Không hiếm những cây bút bẻ cong và luồn lách, đi ngược lại quyền lợi và tâm tư tình cảm của đối tượng mà mình có bổn phận phục vụ, là độc giả".




NGHỀ BÁO...
(Nghĩ nhân chuyện báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản)

ĐẶNG VỸ

Nghề báo, vinh quang và cay đắng.
Nghề báo, gian khổ và nhục nhằn.
Nghề báo, bè bạn và thù hằn.
Nghề báo, thượng vàng hạ cám.
Nghề báo, hào quang tưởng tượng.
Không nghề nào nếm trải nhiều cung bậc và đón nhận nhiều thái độ xã hội như nghề báo. Một bước lên xe, một bước xuống ngựa, sáng đưa chiều đón, có. Nhưng chầu chực, chờ đợi, như chó chờ xương, lại cũng thường xuyên. Vinh quang có, nhục nhã có. Bạn bè đông, kẻ thù nhiều. Người trân trọng, kẻ khinh khi. Được mang ơn, bị căm hận. Ân và oán luân phiên, triền miên. Lúc nhà hàng 5 sao, cao lương mỹ vị; khi nhịn đói giữa rừng, phải ăn bắp non, ổi già, uống nước lỗ chân trâu.
Nói chung, nghề báo, lên voi xuống chó, vinh nhục có đủ.
Nghề báo, có nước mắt, có nụ cười, có hoa tươi, có máu đỏ.
Có cả nước mắt, dù nhà báo không bao giờ khóc.
Nghề báo nghèo. Hoạ hoằn lắm trong số cả vạn, mới có vài ba nhà báo giàu. Nhưng họ giàu vì họ giỏi ở lĩnh vực khác nào đó, ví dụ kinh doanh, chứ không phải từ thu nhập nghề báo mà ra. Ở đây nói luôn: giả sử họ có bóp cổ doanh nghiệp, cũng không giàu được.
Nhà báo nghèo nhưng có cái danh, cũng xênh xang ăn nói, cũng được trọng vọng ít nhiều. Từ đó mà sinh ra ảo tưởng. Nhờ đó mà dẫu nghèo, đói, thu nhập rất kém, vẫn sống được. Sống ảo giỏi nhất là người báo. Thậm chí đó là môi trường sống. Bỏ thế giới ảo, trở về đời thực, với cái thu nhập đó, chắn chắn người báo không sống nổi. Rõ nhất là có rất nhiều tờ báo không trả lương, mà vẫn có nhiều người chấp nhận làm việc. Họ kiếm ăn cách khác, để nuôi cái danh. Hoặc bí quá không có nghề ngỗng gì, bèn đi... làm báo! Không biết làm gì bèn làm báo. Không làm báo thì không biết làm gì!
Có nhiều sinh viên khi tôi đi dạy thỉnh giảng, hỏi vì sao chọn nghề báo, trả lời là vì thấy nghề này “hay hay”, hoặc “sang trọng quá”, hoặc “được đi đây đi đó”, hoặc “được xã hội kính nể”... Nói chung, khi chọn nghề báo, ít người coi đó là một nghề để sinh nhai, nói gì đến nhận thức được chức phận, bổn phận và trách nhiệm.
Nghề báo, nói những điều đao to búa lớn, nhưng bản thân không làm được. Viết kinh tế, dạy người ta cách kinh doanh, nhưng đi kinh doanh buôn bán là chết thẳng cẳng! Dạy đạo đức, nhưng vi phạm đạo đức và luật pháp cũng nhiều.
Nghề báo, đi đấu tranh đòi sự công bằng cho người khác rất giỏi. Dám “đánh đập” cả những ông bự, quan to, doanh nghiệp lớn, bảo vệ người dân, người lao động. Nhưng đụng chuyện của mình trong cơ quan, trong tòa soạn, là thúc thủ, là chịu thua, là ấm ức, là bỏ việc, là chuyển đi chỗ khác.
Không đâu bất công như nghề báo. Cùng là làm báo, cùng nghề với nhau, nhưng khác tòa soạn là thu nhập khác nhau một trời một vực. Thậm chí một nhà báo giỏi làm ở tờ này, thu nhập kém gấp ba gấp bảy một phóng viên xoàng ở báo khác.
Không đâu bất công, vi phạm chế độ lao động và tiền lương như nghề báo. Xin việc, phải làm cộng tác viên, tức làm việc không công, năm bảy năm chưa được ký hợp đồng, mặc dù làm còn giỏi, còn tốt hơn cả những phóng viên khác trong toà soạn.
Không đâu “hào phóng” như nghề báo, nếu cần thì cấp cho cái “thẻ phóng viên”, cấp chức danh Trưởng văn phòng đại diện. Đang làm anh thương nhân, thoắt cái trở thành nhà báo, được ăn được nói, thậm chí được hù người ta.
Nghề báo cũng có nhiều người miệng ra rả nói công bằng và dạy đạo đức, nhưng bụng chứa đầy mưu mô, và không thiếu thủ đoạn gian lận, dối trá. Những vụ nhà báo tống tiền thì đã rõ, còn thiên hạ ta thán thì đã quá nhiều.
Họ nói nghề họ là vì con người, nhưng họ sẵn sàng lừa lọc, ăn thịt cả đồng nghiệp.
Nghề báo cũng không thiếu người thoả hiệp với cường quyền, tiền bạc. Không hiếm những cây bút bẻ cong và luồn lách, đi ngược lại quyền lợi và tâm tư tình cảm của đối tượng mà mình có bổn phận phục vụ, là độc giả. Rất nhiều người làm báo lâu năm mà vẫn không hiểu ra rằng, mình (tức báo chí) là đối trọng của Chính phủ, là giám sát Chính phủ, chứ không phải là công cụ của Chính phủ. Rất nhiều nhà báo nỗ lực làm thân với quan chức và doanh nghiệp, và lấy đó làm niềm tự hào. Họ không biết, họ đã chính thức đánh mất nghề, đánh mất mình từ thời khắc đó.
Một ông chủ bút tờ báo ở Mỹ đã hét lên trong toà soạn: “Tôi không biết con đường nào dẫn đến thành công, nhưng tôi biết rất chắc chắn con đường dẫn đến thất bại, đó là sự thoả hiệp của các anh!”. Nhưng nghề báo không thiếu những điều tốt đẹp. Vẫn có hàng ngàn, chục ngàn người ngày đêm lăn lộn trên từng nẻo đường, từng ngõ ngách, tìm kiếm thông tin tốt nhất cho bạn đọc. Hàng trăm, ngàn người không quản khó khăn nguy hiểm, dân thân vào những hang hùm nọc rắn, phamh phui, đưa ra ánh sáng những hành động, âm mưu hại nước hại dân, hại con người.
Vẫn có hàng ngàn nhà báo chịu đựng bất công thiệt thòi, nghèo khổ, để được sống hết mình với nghề, đem lại những giá trị cho nghề, đem lại thông tin quý giá cho bạn đọc.
Vẫn có những người đêm đêm đổ mồ hôi trên từng con chữ, để sáng mai ra đem đến cho bạn đọc của mình những thông tin đáng giá.
Sự cải thiện xã hội có công của báo chí thì đã thấy rõ. Nếu không có bao chí, thì biết bao nhiêu việc bị chìm xuồng, biết bao thân phận phải sống một đời oan khuất, hoặc chết trong tức tưởi. Có những văn bản, chủ trương vừa ban ra đã phải thu hồi, vì báo chí đã chỉ ra cái sai, cái bất cập, đi ngược lòng dân, ngược với quyền lợi của dân (đương nhiên bên cạnh đó có vai trò rất lớn của mạng xã hội, nhưng vì đây chỉ nói về nghề báo).
Nghề báo, hiện đang bị những người trong nghề và những người không phải trong nghề nhưng lại đứng trong nghề làm hư hỏng. Nó đang gánh đầy tai tiếng; xã hội không mấy xem trọng như trước.
Nghề báo, với tình cảnh bị quản lý như hiện nay, đang bị thúc thủ. Cái bạn đọc chờ đợi đọc thì không được đọc, vì cái nhà báo muốn viết không được viết. Đành phải đi viết hở vú nhú mông, khiến bạn đọc càng thêm ngao ngán vì thấy mình bị thiếu tôn trọng. Bạn đọc thất vọng.
Nếu nói nghề báo đang trong thời kỳ mạt vận thì hơi quá, nhưng mất phương hướng là có thật.
Buộc người ta phải tự bán báo mà sống, nhưng phải viết theo định hướng, mà toàn những cái hướng bạn đọc không muốn nhìn, vậy thì báo bán có ai mua!
Đừng nghĩ tôi đã bỏ nghề nên quay qua nói xấu nghề. Tôi rất yêu nghề nên tôi mới cám cảnh như thế. Cũng chính vì như thế, nên dẫu tiếc nuối và xót xa, tôi vẫn đành phải chia tay với nghề.
Tôi yêu con chữ, tôi yêu nghề báo. Nên tôi rất quý trọng những người làm báo chân chính.

Bởi ở ta, những người làm báo chân chính luôn cô đơn!