Trong xã hội hiện đại, phân công lao động chuyên sâu hơn, nghề hơn, chuyên nghiệp hơn. Làm quan là một nghề. Nghề làm quan không xấu. Quan liêm đi hết chặng đường hạ cánh an toàn, tự hào với sự trung chính của mình. Quan tham bòn vét, trục lợi đến lúc “ngã ngựa giữa đường”, mới thấm cái triết lý dân gian “quan nhất thời dân vạn đại” ; thấy được cái sự quan nha bạc bẽo, hối cũng chẳng kịp.



NGÃ NGỰA GIỮA ĐƯỜNG & TRIẾT LÝ “QUAN NHẤT THỜI DÂN VẠN ĐẠI”

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Mấy năm gần đây, nhiều ông quan chức lớn lao đao sự nghiệp. Các “ông kễnh” như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Sơn... lần lượt ra trước vành móng ngựa, dù chưa đến tuổi về hưu, dù con đường quan chức vẫn còn rất dài. Nhiều “ông kễnh” bị kỷ luật như Trần Văn Truyền - cựu Tổng thanh tra Nhà nước, hay Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng bộ Công Thương, Nguyễn Xuân Anh - cựu Bí thư Đà Nẵng.... Quan chức, với người này là vinh hoa phú quý, với người kia là thân bại danh liệt. Bạc bẽo lắm! Kẻ bị vào tù thì mất tự do, hoang mang, bất lực tuyệt vọng bởi chẳng biết đến ngày nào sẽ được ra ngoài làm người tự do. Người bị xử lý hành chính thì bị dư luận chê cười, phê phán, giễu cợt, coi thường. Mới hay cái nghề làm quan chức cũng đoạn trường gian nan lắm. Muôn sự tại người, nhưng người ta cứ đổ tại thiên?

Trong những ngày hè nóng bỏng, lại thêm một “ông kễnh” nữa nửa đường đứt gánh”. Dân chúng tiễn một ông Bộ trưởng "về vườn". Chả là, ngày 23-7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn vì đã “vi phạm khuyết điểm và Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật về Đảng tại Quyết định số 806-QĐNS/TW ngày 16-7-2018”. Ở Việt Nam, công tác cán bộ và công tác tổ chức luôn song hành đồng bộ với nhau. Một vị nào đó bị kỉ luật Đảng thì cũng sẽ nhận một mức kỉ luật chính quyền tương đương. Có đi tiếp hết chặng đường quan chức nữa hay không còn tùy thuộc vào ảnh hưởng của sai lầm nhiều hay ít và uy tín cá nhân. Thì đúng là trước đó, Bộ Chính trị đánh giá những vi phạm của ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn là rất nghiêm trọng. Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trương Minh Tuấn. Thủ tướng chính phủ cũng đã ra quyết định cảnh cáo đối với ông Trương Minh Tuấn.
Những người không quan tâm lắm đến chốn quan trường có lẽ bất ngờ khi một ông Bộ trưởng đương chức bị ngã ngựa giữa đường. Song, không có bất cứ một cái gì tự nhiên đến, không có một tai họa nào bỗng dưng bị giáng vào đầu. Tất cả, đều có nguyên cớ theo quy luật nhân quả. Sóng gió quan trường của ông Trương Minh Tuấn bắt đầu từ vụ Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu, viết tắt là AVG. Thương vụ mua bán này bị nghi ngờ ngay từ lúc khởi sự với những khuất tất động trời và không qua mắt dư luận nhân dân. Tất nhiên, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận MobiFone đã vi phạm, làm trái quy định, gây nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước khoảng 7.006 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỉ đồng. Đồng thời, dự án đầu tư 95% cổ phần này ảnh hưởng trực tiếp tiêu cực đến kinh doanh viễn thông, hiệu quả kinh doanh sụt giảm lớn ngay từ năm 2016 và các năm tiếp theo. Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra một con số khổng lồ: “số lỗ lũy kế đến cuối tháng 12-2017 là 1.982,7 tỉ đồng”. Của đau con xót. Tiền nhà nước cũng là tiền của dân đóng thuế cứ như vỏ sò vỏ hến. Trách nhiệm lớn để xảy ra hậu quả nặng nề này thuộc về HĐTV, chủ tịch HĐTV, ban tổng giám đốc, bộ phận đàm phán, kế toán trưởng, các bộ phận của MoboFone và các bộ ngành liên quan.

Tất nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những khuyết điểm vi phạm của Bộ Thông tin – Truyền thông với nhiệm vụ, chức năng là cơ quan chủ quản và quản lý nhà nước trong việc thẩm định dự án trên trời này. “Quyết định số 236/2015 phê duyệt dự án đầu tư không bảo đảm căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước”. Thật đáng tiếc! Lúc đó, ông Nguyễn Bắc Son đương nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông và ông Trương Minh Tuấn đương nhiệm chức Thứ trưởng là hai người liên quan trực tiếp nhất đến dự án này gây thất thoát thoát tiền của nhà nước rất nghiêm trọng. Nhân dân tin tưởng thông qua Quốc hội giao cho các ông quản lý nhà nước về truyền thông – thông tin, nhưng các ông đã phê duyệt một dự án truyền thông làm mất lòng tin của các cử tri đã từng bỏ phiếu đưa các ông vào nghị trường và lên chức.
Có người sai lầm nhất thời, có kẻ lầm lỗi quá trình. Những sai lầm khuyết điểm của ông Trương Minh Tuấn mắc phải từ thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng và khi còn làm Thứ trưởng nhiệm kỳ 2011 -2016. Ủy ban kiểm tra TW cũng vào cuộc và chỉ ra ông Tuấn đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện dự án; ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21-12-2015 của Bộ TT-TT phê duyệt dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công”. Thật lạ kỳ! Có những văn bản thuộc mảng công việc không được phân công phụ trách, mà ông Trương Minh Tuấn vẫn ký phê duyệt. Làm sao mà hiểu biết, mà am tường được lĩnh vực mình không theo dõi, không phụ trách? Dư luận đặt câu hỏi xung quanh câu chuyện này. Ông Trương Minh Tuấn có biết mình làm sai, làm trái quy định, trái nguyên tắc không? Chắc chắn là không! Ông đã ngoi lên chức thứ trưởng rồi, được nhà nước chọn rồi, không thể ấu trĩ hành chính và nguyên tắc tổ chức như thế. Vả lại, dân gian thường có câu: “Nó lú nhưng chú nó khôn”. Nếu ông thứ trưởng Trương Minh Tuấn phụ trách lĩnh vực nọ, phê duyệt văn bản ở lĩnh vực kia trái quy định thì còn có đội ngũ chuyên gia, có cơ quan chuyên môn, có các bộ chuyên ngành. Họ ở đâu để cho thủ trưởng của mình, đồng nghiệp của mình, để cho cán bộ của Đảng, của nhà nước phạm sai lầm khuyết điểm, trượt ngã mà không can ngăn, không túm áo kéo lại? Hay, ông Trương Minh Tuấn biết sai nhưng vẫn phê duyệt? Hay ông không muốn phê duyệt, không muốn ký mà vẫn phải làm vì một áp lực hữu hình nào đó?

Bây giờ thì trắng đen đã rõ. Thanh tra Chính phủ và Ủy ban kiểm tra TW đều đã kết luận về sai phạm của ông Trương Minh Tuấn thời còn đương nhiệm thứ trưởng. Và cả lúc này “với cương vị Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng từ tháng 4-2016 đến nay, ông Trương Minh Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng nhiệm kỳ 2016-2021”. Có gan làm thì có gan chịu. Đường quan chức chông chênh lắm rồi. Ngoái lại, nếu đặt ra một câu hỏi: Thời gian trôi trở lại, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn có làm những chuyện động trời như vừa rồi không? Rất có thể hai ông vẫn làm. Lúc chưa có quyền lực trong tay thì người ta còn dè dặt, sợ hãi. Nắm chắc quyền lực rồi thì được làm những gì mình muốn, chính danh rồi mà. Nhưng, mấy ai biết quyền lực thường hay làm cho người ta sa đọa. Người hiểu biết, thông thái là người biết sử dụng quyền lực để xác lập vị thế vững chắc của mình, nhưng cũng phải biết nắm cái quyền trượng ấy để làm ích nước lợi dân. Còn chỉ bo bo mưu lợi thì trước sau của thiên cũng trả địa.

Nhà văn Lê Lựu cũng đồng thời là một nhà tư tưởng. Trong tiểu thuyết “Thời xa vắng”, Lê Lựu xây dựng rất thành công một nhân vật ông đồ nho chính trực nhìn xa trông rộng. Ông đồ nho của Lê Lựu khuyên người em giữ một chức vụ khá to ở tỉnh đường đại ý là: Chú làm gì thì làm cũng phải nước có chỗ mà lui về. Dân gian thì bảo: Đánh đĩ chín phương còn giữ một phương. Ấy là uống nước không uống cả cặn. Làm ác chín điều thì cũng phải làm một điều nhân. Với quan chức làm được cả mười điều nhân thì dân được nhờ. Làm quan là một nghề, đã hành nghề phải chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp có nghĩa là lâu dài. Không có đạo đức thì không thể đi được xa trên con đường quan chức dài rằng rặc. Cụ Hồ lúc đương thời nói rằng: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc / Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người.” Nhiều kẻ cố làm mọi cách để ngoi lên giành quyền cao chức trọng, lại quên không học Cụ Hồ, nên trong cuộc đời cứ thiếu một mùa, thiếu một phương, thiếu một đức, thì làm sao mà thành người được.
Xưa nay, chốn quan trường đẫm máu là do không hiểu được thời và thế. “Chẳng ai nắm tay từ tối đến sáng” là một minh triết dân gian. “Quan nhất thời dân vạn đại” cũng là triết lý dân gian. Ưu thời mẫn thế, hiểu biết các lẽ đời ấy, nhưng còn phải biết suy tư, biết nhìn lại đằng sau lưng, biết nhìn ra chặng cuối. Mấy ai “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!"