Mối họa gian lận thi cử
Ngày xưa danh sư Cao Bá Quát cảm thấy tiếc tài năng của một số thí sinh ở trường thi Thừa Thiên năm 1841, đã lấy muội đèn để chỉnh sửa 2...
http://www.lethieunhon.vn/2018/07/moi-hoa-gian-lan-thi-cu.html
Ngày xưa danh sư Cao Bá Quát cảm thấy tiếc tài năng
của một số thí sinh ở trường thi Thừa Thiên năm 1841, đã lấy muội đèn để chỉnh
sửa 24 bài thi phạm quy. Dù quý trọng tầm vóc lỗi lạc của Cao Bá Quát, vua Thiệu
Trị vẫn tống giam ông vào ngục. Đành rằng, Cao Bá Quát hồn nhiên và thiện chí đấy,
nhưng luật lệ thi cử không chấp nhận bất kỳ khuất tất gì, dẫu có nhân danh điều
cao cả và thiêng liêng nhất. Hôm nay, câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang thực
sự khiến cộng đồng bàng hoàng và nhức nhối.
MỐI HỌA GIAN LẬN THI CỬ
LÊ THIẾU NHƠN
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ
Công An vào cuộc điều tra hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia tại Hà
Giang. Đây là một vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục nước ta.
Không phải một vài trường hợp nhỏ lẻ, mà có đến 330 bài thi của 114 thí sinh được
nâng điểm, cá biệt có thí sinh được nâng đến 29,95 điểm. Nghĩa là, lẽ ra có những
thí sinh phải trượt Tú Tài thì lại có cơ hội vào những Đại học uy tín, nếu sự
thật ê chề không được phát hiện kịp thời!
Qua xác minh ban đầu, người trực tiếp thao túng và
chỉnh sửa toàn bộ bài thi ở Hà Giang là ông Vũ Trọng Lương – Phó Phòng khảo thí
của Sở GD-ĐT tỉnh này. Chỉ trừ môn Văn phải viết nghị luận, thì hầu hết các môn
thi trắc nghiệm đều bị phù phép trắng trợn. Lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong
quy trình giám sát và chấm thi trắc nghiệm, ông Vũ Trọng Lương chỉ mất 6 giây để
biến một thí sinh kém thành một… thí sinh giỏi. Kết quả chấm thẩm định đã khẳng
định điều đó. Có bài môn Hóa công bố 9,5 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 0,75 điểm.
Có bài môn Toán công bố 9,0 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 1,0 điểm. Có bài môn
Tiếng Anh công bố 9,0 điểm mà chấm thẩm định chỉ còn 1,2 điểm….
Câu hỏi đặt ra: ông Vũ Trọng Lương đã căn cứ đáp án
do Bộ GD-ĐT đưa ra, để chỉnh sửa 330 bài thi của 114 thí sinh, vì động cơ gì?
Ông Vũ Trọng Lương có mối quan hệ thân tình với tất cả 114 thí sinh chăng?
Không phải thế! Ông Vũ Trọng Lương mong muốn có thành tích tốt hơn cho công tác
dạy và học của địa phương chăng? Cũng không phải thể! Và không thể không nghi
ngờ, ông Vũ Trọng Lương có thể một mình một ngựa làm hết dây chuyền chỉnh sửa
bài thi gồm nhiều công đoạn phức tạp ư? Nếu ông Vũ Trọng Lương chỉ là đầu mối
thực hiện một kế hoạch đổi trắng thay đen, thì đây là một sự gian lận tập thể
đáng phẫn nộ!
Gian lận trong lĩnh vực nào cũng nguy hại, nhưng
gian lận trong thi cử sẽ để lại hậu quả khôn lường. Không chỉ làm hoen ố môi
trường giáo dục vốn trong sáng và lành mạnh, những điểm số giả dối nếu không bị
phanh phui thì tạo tiền đề cho những con người giả dối và những hành động giả dối
khiến thui chột nền tảng đạo đức và cản trợ hành trình tiến bộ của toàn xã hội.
Ngày xưa danh sư Cao Bá Quát cảm thấy tiếc tài năng
của một số thí sinh ở trường thi Thừa Thiên năm 1841, đã lấy muội đèn để chỉnh
sửa 24 bài thi phạm quy. Dù quý trọng tầm vóc lỗi lạc của Cao Bá Quát, vua Thiệu
Trị vẫn tống giam ông vào ngục. Đành rằng, Cao Bá Quát hồn nhiên và thiện chí đấy,
nhưng luật lệ thi cử không chấp nhận bất kỳ khuất tất gì, dẫu có nhân danh điều
cao cả và thiêng liêng nhất. Hôm nay, câu chuyện gian lận thi cử ở Hà Giang thực
sự khiến cộng đồng bàng hoàng và nhức nhối. Phải xử lý trách nhiệm các cá nhân
liên quan một cách nghiêm túc, mới mong lấy lại niềm tin cho ngành giáo dục nước
ta!