Phải công nhận càng ngày, bạn đọc càng tinh ý và hứng thú với những tác phẩm thuộc loại phi hư cấu, bởi tính chân thực và sự trải nghiệm của chính người trong cuộc, khi tác giả giữ được cái tâm trong sáng. Sau thành công của “Lính bay 1” (Nxb Hội Nhà văn, 2016), Trung tướng Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái tiếp tục “gom nhặt bụi vàng” (chữ của K. Paustovsky), ông cẩn trọng bắt tay viết tiếp “Lính bay 2”. Cuốn hồi ký được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành tháng 7-2018, tháng cả nước hướng về những hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”.



“LÍNH BAY” TIẾP TỤC HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC ĐỘC GIẢ

NGUYỄN MINH NGỌC

Ở xứ ta, lâu nay xuất hiện khá nhiều những cuốn hồi ký của các vị lãnh đạo cùng nhiều tướng lĩnh. Nhưng trong đó có không ít cuốn được viết (nhờ bởi sự cậy hoặc thuê mướn người khác chấp bút) cứ bôi ra trên nền sử liệu của các đơn vị mà tác giả từng công tác hoặc chiến đấu. Kết quả là những trang sách tràng giang cái sự nhạt, sơ lược và xơ cứng, phí giấy và tốn thời gian của người buộc phải đọc. Điều đáng nói là cái mô típ na ná giống nhau, mở đầu là “Quê hương và gia đình”, tiếp đến là “Trưởng thành trong khói lửa”… Nhưng điều kỳ lạ nhất là trong nhiều cuốn hồi ký, nhân vật xưng “tôi” chả khác nào một loại “rối cạn” hiện hình, thỉnh thoảng nhấp nhô thò ra phán vài câu rồi lặn mất tăm, không tâm trạng và tính cách, nói gì đến chính kiến? Lại có những cuốn được “chế tạo” theo kiểu “cuốc giật vào lòng”, khoe chiến tích, đánh bóng tên tuổi bản thân...
Phải công nhận càng ngày, bạn đọc càng tinh ý và hứng thú với những tác phẩm thuộc loại phi hư cấu, bởi tính chân thực và sự trải nghiệm của chính người trong cuộc, khi tác giả giữ được cái tâm trong sáng. Sau thành công của “Lính bay 1” (Nxb Hội Nhà văn, 2016), Trung tướng Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái tiếp tục “gom nhặt bụi vàng” (chữ của K. Paustovsky), ông cẩn trọng bắt tay viết tiếp “Lính bay 2”. Cuốn hồi ký được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành tháng 7-2018, tháng cả nước hướng về những hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”. Ngay trong lời đề từ, tác giả viết: “Tưởng nhớ các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Kính tặng các Liệt sĩ, các Phi công quả cảm và Anh hùng trong trận chiến trên không ác liệt với không quân Mỹ!”.
Để hoàn thành được ngót 600 trang sách, có lẽ ngay từ rất sớm, phi công Phạm Phú Thái đã có ý thức sưu tầm, lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến bản thân và anh em đồng đội trong cuộc chiến một mất một còn với không quân Mỹ. Đó là các sơ đồ sân bay thời chiến, những trang ghi chép, thậm chí đến cả manh áo thấm máu đồng đội… nhiều tư liệu quý hiếm lần đầu được công bố. Tiếp nối mạch nguồn ấy, về sau, trên cương vị một cán bộ lãnh đạo chỉ huy (Phó TL - TMT Quân chủng Không quân, Phó TL thứ nhất Quân chủng PK-KQ, Chánh Thanh tra BQP), ông vẫn không ngừng tìm kiếm và bổ sung thêm nguồn tư liệu. Điều đó chứng tỏ sự công phu, tâm huyết và tác phong cẩn trọng của tác giả. Không hài lòng với những gì còn sơ sài, hời hợt, ông quyết “dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” và kỳ công lật xới lại sự kiện, đối chiếu, kiểm chứng cho bằng được những điều hãy còn hồ nghi, cho tới khi tìm ra “đáp số” chuẩn mới thôi. Nhờ vậy, bạn đọc có được một cái nhìn toàn cảnh, chính xác giữa ngồn ngộn tư liệu và sự kiện về Không quân nhân dân Việt Nam với những chiến công oai hùng, kể cả những tổn thất không hề nhỏ. Cuộc chiến với không quân nhà nghề Mỹ cực kỳ gian nan và khốc liệt, bởi họ giàu có, được trang bị hơn ta về mọi phương diện. Tái hiện lại “một thời để nhớ”, thực sự đến nay chưa một ai có được những trang viết sâu sắc về các trận không chiến đầy góc cạnh và đạt đến tầm như trong “Lính bay 2”.
Sinh trưởng trong một gia đình cán bộ cao cấp, tốt nghiệp phi công MiG 21 ở Liên Xô (cũ), bay giỏi có tiếng, từng tham gia hàng chục trận không chiến, bắn rơi 4 máy bay Mỹ, 3 lần được gặp Bác Hồ… nhưng Trung tướng Phạm Phú Thái nhất mực khiêm nhường. Vượt ra khỏi lối mòn “chương, hồi”, tác giả tái hiện một cách chân thực cuộc chiến đấu đầy bi tráng của các phi công tiêm kích trong giai đoạn cuối chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc Việt Nam. Ông chẻ nhỏ ra thành những mẩu chuyện đời, chuyện chiến trận vừa chân thực lại vừa sống động. Rất nhiều chân dung của các vị chỉ huy, các đồng đội và bạn bè cùng trang lứa được tác giả phác họa. Đó là Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Trần Hanh, đến Trung đoàn trưởng Trần Mạnh; các gương mặt phi công như: Lê Thanh Đạo, Phạm Tuân, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Công Huy, hay kỷ niệm trong lần hội diễn văn nghệ với Lưu Quang Vũ… đều hiện ra với những nét mạch lạc. Ngòi bút của tác giả tập trung khắc họa chân dung những người cùng thời. Hầu như tất cả những phi công tiêm kích ưu tú của không quân ta ít nhiều đều xuất hiện trong cuốn sách này. Với những trang viết đậm đà về cấp trên, về đồng đội, về những người dân đã gặp, chứng tỏ tác giả là người thiên về nội tâm, rất trọng tình nghĩa. Họ là các phi công Phạm Thành Nam, Võ Sỹ Giáp… những người sống hết mình, ngay thẳng và sáng trong, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Có điều, những mất mát, hy sinh hiện diện qua nhiều trang sách đã khiến người đọc nghẹn lòng, cay mắt, nhưng không hề bi lụy. Trung tướng Phạm Phú Thái thể hiện được bản lĩnh của một người chỉ huy từng trải và phông văn hóa đầy đặn của một người lính khi cầm bút, ông điềm tĩnh xử lý các chi tiết và sự kiện vừa đủ độ chín với một niềm tin vững chãi.

Điều thú vị là tác giả bộc lộ đầy đủ tâm trạng trong nhiều cảnh huống với những “hỉ, nộ, ái, ố”, giọng văn dí dỏm, sắc sảo. Ông cũng không e ngại khi kể chuyện mình bị kỷ luật cắt bay 1 tuần vì vi phạm quy định an toàn, phải đi tăng gia, trồng rau. Đọc “Lính bay 2” hấp dẫn và thú vị bởi tác giả tạo được giọng điệu riêng, hóm hỉnh và không kém phần tinh tế, ngôn ngữ đậm chất lính mà không hề sa vào dung tục. Xen giữa những chuyện đời, chuyện người là những dòng tả cảnh rất mượt mà. “… những buổi chiều với màn khói bảng lảng dọc triền sông Lam, quanh các xóm làng. Hàng cây hai bên sông gợi vẻ nên thơ, thanh bình và yên ấm lạ… Cả một vùng cây cối mềm mại, mướt mát màu xanh”. Mang đến cho bạn đọc một cảm nhận rất riêng không lẫn với bất kỳ bất kỳ ai, thiển nghĩ, đây là cuốn hồi ký rất đáng đọc và suy ngẫm!