Ngày trước ở thành phố Hồ Chí Minh vì sao cải lương rực rỡ? Vì có Giám đốc Sở Văn hoá như ông Dương Đình Thảo. Ông ấy hiểu rõ từng đoàn hát, từng nghệ sĩ và luôn có những văn bản tháo gỡ vướng mắc cho sân khấu hoạt động. Còn bây giờ, ngay cả những người làm nghề đẳng cấp như Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu cũng không biết Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh là ai, vì cả năm không thấy lãnh đạo ngành văn hoá ghé qua sân khấu lấy một lần chiếu cố…




ĐỪNG ĐỂ RẠP HÁT TREO BIỂN ‘NƠI NÀY NGÀY XƯA CÓ DIỄN KỊCH’
( Đạo diễn – Nhà báo Thanh Hiệp nói về thực trạng xã hội hóa sân khấu)

@ Thưa nhà báo Thanh Hiệp, là một người chuyên viết về sân khấu và cũng tốt nghiệp đạo diễn sân khấu, anh suy tư gì về sân khấu tư nhân hôm nay?
Thanh Hiệp: Xã hội hoá sân khấu là một cuộc chơi trao quyền sàng lọc cho khán giả. Công chúng chọn lựa sân khấu theo khẩu vị của mình và bỏ tiền mua vé, chứ không phải đi xem bằng vé mời. Anh Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ từng thú thật với tôi rằng, ở Hà Nội đưa vé mời tận tay thì chuyện họ đi xem cũng rất may rủi. Điều ấy cho thấy, sân khấu tư nhân vẫn đang là nền tảng phát triển cho kịch nghệ nước ta. Tôi cứ băn khoăn, thay vì rót kinh phí cho những đoàn kịch bao cấp hoạt động cầm chừng, thì tại sao không hỗ trợ nguồn tài chính nào cho sân khấu tư nhân khi họ có đề tài tốt. Ví dụ, Sân khấu Kịch TKC hoặc Sân khấu Kịch Phú Nhuận vẫn có thể dàn dựng những vở truyền thống cách mạng như “Rặng trâm bầu” hoặc “Châu về hợp phố”.

@ Thành tựu sân khấu tư nhân bằng túi tiền của mình đã góp cho đời sống văn hoá không ít tác phẩm đẳng cấp đấy chứ!
Thanh Hiệp: Đó là điều không thể nào phủ nhận được. Những vở kịch như “Bí mật vườn Lệ Chi” hoặc “Ngàn năm tình sử” xứng đáng ghi tên vào lịch sử sân khấu Việt Nam. Mới đây, Kịch IDECAF còn dàn dựng nhạc kịch “Tiên Nga” cực kỳ ấn tượng. Chưa kể, bầu show Hoa Hạvà ông Phan Quốc Hùng - Nguyên Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang đã vận động các mạnh thường quân bỏ mấy tỷ đồng dựng vở cải lương “Kim Vân Kiều” rất hoành tráng!

@ Vàng son dĩ vàng có an ủi được bẽ bàng thực tại không, thưa anh?
Thanh Hiệp: Dù ai đó nóng mặt thì tôi cũng xin thưa: lãnh đạo ngành văn hoá thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam đã không có chiến lược phát triển sân khấu xã hội hoá. Khi sân khấu tư nhân hung thịnh thì không biết tạo điều kiện để có sức bật mạnh mẽ hơn. Còn bây giờ, thu nhập của sân khấu tư nhân đã kém đi, thì tụ điểm để diễn lại thành bài toán nan giải. Thật buồn, nếu ngày mai ngang qua rạp hát thấy treo biển “nơi đây ngày xưa có diễn kịch”.

@ Anh có vẻ đề cao vai trò lãnh đạo văn hoá trong sự bền vững của sân khấu?
Thanh Hiệp: Không thể khác được. Ngày trước ở thành phố Hồ Chí Minh vì sao cải lương rực rỡ? Vì có Giám đốc Sở Văn hoá như ông Dương Đình Thảo. Ông ấy hiểu rõ từng đoàn hát, từng nghệ sĩ và luôn có những văn bản tháo gỡ vướng mắc cho sân khấu hoạt động. Còn bây giờ, ngay cả những người làm nghề đẳng cấp như Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu cũng không biết Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh là ai, vì cả năm không thấy lãnh đạo ngành văn hoá ghé qua sân khấu lấy một lần chiếu cố…

@ Đành rằng vậy, nhưng âu lo lớn nhất của sân khấu tư nhân vẫn là sự khan hiếm kịch bản?
Thanh Hiệp: Tôi đặt câu hỏi: các trại sáng tác kịch bản sân khấu có còn hiệu quả không? Vì rất ít kịch bản mới được dàn dựng. Sân khấu chờ mãi vẫn chưa thấy Lưu Quang Vũ khác xuất hiện. Bây giờ, sân khấu tư nhân mua kịch bản về, phải đắp da đắp thịt thì mới diễn được. Thật hiếm có nơi nào như sân khấu nước ta, diễn viên phải bồi thêm cho kịch bản thì mới có thể thuyết phục được công chúng!

@ Thù lao một kịch bản rất ít ỏi, làm sao đòi hỏi nhiều được. Chả lẽ sân khấu tư nhân khước từ quy luật tiền nào của nấy?
Thanh Hiệp: Tuổi thọ vở diễn càng cao, thì nhuận bút của tác giả càng nhiều chứ. Ví dụ, tác giả Vương Huyền Cơ từng nhận mỗi năm khoảng 200 triệu đồng cho kịch bản “Khi đàn ông có bầu” dàn dựng ở sân khấu Kịch Sài Gòn.  

@ Nhiều tác giả sân khấu đã chuyển sang viết cho truyền hình hoặc điện ảnh. Ngay cả diễn viên cũng đồng loạt nhảy bổ lên game show để vừa có tiếng vừa có miếng…
Thanh Hiệp: Vừa rồi, có một show quy tụ toàn những ngôi sao trên game show truyền hình, vẫn không bán được vé. Vấn đề là có kịch bản phù hợp không. Kịch bản truyền hình khác xa kịch bản sân khấu. Vẫn là ngôi sao đó, nhưng từ truyền hình bước qua sân khấu lại ế chỏng gọng. Khán giả đến sân khấu là để chìm đắm trong không gian nghệ thuật đặc trưng của thể loại này!

                                                           THÁI HIẾU (thực hiện)

Nguồn: Văn Nghệ Công An