Trong cuốn “Đường chữ”, tập hợp tất cả những gì chủ yếu nhất có được của đời văn Lê Đạt, người tự nhận trọn đời trọ góc nhìn thiên hạ có cho biết: Sinh thời Đặng Đình Hưng vừa là bạn thơ vừa là bạn rượu tâm giao của Hoàng Cầm. Nhưng ông ấy lại có cách đối xử không công bằng với Hoàng Cầm. Ông ấy bảo Cầm như một nhà thơ bình dân ở ... chiếu nhì...




HOÀNG CẦM MƯA…

KHUẤT BÌNH NGUYÊN

Thế là Hoàng Cầm rời bỏ nhân gian cưỡi hạc đi vân du vào cõi tiên từ ngày 6 tháng 5 năm 2010. Sớm hơn rất nhiều so với dự định của ông vào hồi tháng 5 năm 2003. Khi ông hẹn tới đầu thế kỷ 22 - Vâng, thế kỷ 22, sẽ cùng Nguyễn Đình Thi thức giấc vào nửa đêm nào đó ở chốn đào nguyên để cùng lắng nghe một đám thanh nữ hình như đẹp lắm và đông lắm đang hát véo von. Người thơ đã ra đi mà cơ sự còn để lại bao nhiêu vương vấn ở cuộc đời vốn lắm bể dâu này. Người ta vẫn ca hát và ngẫm ngợi về thơ ông như khi ông còn sống và đương nhiên có những lời bàn thật trái ngược nhau. Năm 1997, khi Hoàng Cầm 75 tuổi, Lê Đạt nhớ lại một buổi sáng, không nói rõ năm tháng nào, nhưng có lẽ vào hồi mới tiếp quản Thủ đô, cùng chàng Nguyễn Bính ra Hàng Bè ăn thịt chó. Giữa hai miếng chả đặc sản thơm phức, Đạt bất chợt hỏi Bính: Trong dòng thơ dân dã sau cậu là ai? Bính trả lời tắp lự: Sau tao là thằng Cầm! Rồi tì tì uống tiếp. Rồi lại bỗng đặt chén xuống nói như quát: Thằng Cầm cũng bằng tao! Lê Đạt giống như Nguyễn Bính cho rằng: trong hàng ngũ các nhà thơ thời kháng Pháp, ngoài Tố Hữu ra có lẽ ít người nổi tiếng như Cầm.
Tôi không thích nhạc Phạm Duy, đặc biệt là những bài phổ thơ Hoàng Cầm. Nhưng hồi ký của ông nhạc sỹ tài hoa mà cũng lắm cái sự tình tang này, sau nhiều năm ở hải ngoại về dường như quả đất thì rất nhỏ mà quê hương thì rộng lớn, kể nhiều chuyện văn nghệ sỹ xứ Bắc. Nhưng hay nhất có lẽ về Hoàng Cầm gắn với những ngày đầu kháng chiến ở Việt Bắc, với những kỷ niệm đẹp nhất đời Phạm Duy khi lên chiến khu cùng một gánh hát với Hoàng Cầm. Phạm Duy viết: Phải ghi nhận một điều rất quan trọng là tác dụng của bài thơ (của Hoàng Cầm). Nó đã có khả năng diệt giặc hơn cả những võ khí tối tân lúc đó như SKZ hay Bazoka... Trong ba lô của bất cứ vệ quốc quân nào đều có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm. Trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không thể không nói đến vai trò của những tác phẩm văn nghệ như nhạc của Văn Cao, thơ của Hoàng Cầm, Quang Dũng. Sau năm 1987, thơ Hoàng Cầm được phổ cập sâu rộng trong nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Người ta phổ nhạc, làm phim về ông. Phỏng vấn ông trực diện và qua làn sóng điện. Hàng triệu người được nghe ông đọc Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông qua màn ảnh truyền hình, internet. Khác xa với hồi 9 năm ông diễn thơ cho Vệ quốc đoàn trong đạn lửa. Người ta yêu thơ ông đến mức yêu cả mái đầu bạc trắng và khuôn mặt già nua lúc nào cũng có vẻ buồn buồn bên cạnh chiếc điếu bát hút thuốc lào cũ kĩ.
Ở một chiều khác. Có những ý kiến đánh giá ngược lại. Trong nhiều năm nay, không ít công trình nghiên cứu dài hơi về thơ thế kỷ 20, người ta có nhắc đến tên Hoàng Cầm nhưng chưa giành một dung lượng thỏa đáng và cần thiết cho sự nghiệp thơ của ông, cho đóng góp của thơ Hoàng Cầm trong tiến trình phát triển của thi ca hiện đại. Có người còn tự mình bổ sung khiếm khuyết ấy bằng phỏng vấn về thơ tình, và tò mò muốn biết những cuộc tình có thật trong đời ông. Hoàng Cầm cũng thật thà giãi bày: miễn thơ hay là được. Còn chuyện tình có thực đến đâu thì chỉ tôi biết. Không biết hương vị của quả ngon thì con chim cũng không thể ca hót lâu được. Có vẻ như là một vài nhà nghiên cứu còn ngài ngại việc gì đó chăng? Họ nói về thơ Hoàng Cầm trong những công trình đồ sộ vẫn thật là phải chăng.
Trong cuốn Đường chữ, tập hợp tất cả những gì chủ yếu nhất có được của đời văn Lê Đạt, người tự nhận trọn đời trọ góc nhìn thiên hạ có cho biết: Sinh thời Đặng Đình Hưng vừa là bạn thơ vừa là bạn rượu tâm giao của Hoàng Cầm. Nhưng ông ấy lại có cách đối xử không công bằng với Hoàng Cầm. Ông ấy bảo Cầm như một nhà thơ bình dân ở ... chiếu nhì...
Nguyễn Đình Thi và Hoàng Cầm như hai chàng hoàng tử phong nhã lạc vào rừng xuân thơ hiện đại. Cả hai thời đầu kháng chiến chống Pháp đều cùng một hướng: đi tìm đường viết thơ tự do với sự phóng túng và vô cùng linh hoạt về khẩu độ các câu thơ. Nhưng họ lại tạo ra hai phong cách thơ hoàn toàn khác biệt và thành công theo cách riêng của mình - Thơ tự do có vần và thơ tự do không vần. Có lẽ họ còn chung một điều nữa là đều được nhiều người đàn bà thanh lịch, học thức và quý phái yêu mến nổi trội hơn các thi sỹ cùng thời. Họ đều nổi tiếng thơ tình viết về những mối tình có thật của họ trong đời. Chung nhiều như thế nhưng Nguyễn Đình Thi đánh giá thơ Hoàng Cầm thấp hơn những gì thơ Hoàng Cầm gây dựng được. Ngày 16/8/1995, khi nói chuyện ở Viện văn học, Nguyễn Đình Thi nói: Trải qua vất vả nghĩ đến văn chương, càng thấy văn chương gần gũi. Chắc chắn không phải vấn đề hình thức.Hoàng Cầm ở văn công quân đội. Hoàng Cầm làm thơ sáo. Trong hồi ký văn chương Cát bụi chân ai Tô Hoài cũng bảo Lê Đạt coi vẻ đẹp thơ Hoàng Cầm lấp lánh vàng mã trang kim. Kể mấy từ này của Lê Đạt cũng ác thật.Tôi hiểu nó cùng một hướng nhắm đến chữ sáo của Nguyễn Đình Thi.Thơ mà sáo thì không còn chuyện gì để nói nữa rồi. Nhưng trong cõi văn chương việc khen chê không bị cấm và cũng thường thôi. Hồi tháng 4/2007, trong khi trả lời một nhà thơ hải ngoại, Hoàng Cầm chê thơ Chế Lan Viên sức rung động hạn chế. Yếu. Rất yếu. Mới đọc thì hay lắm nhưng rồi người ta sẽ quên đi. Hay hay không hay cũng tùy ở mỗi người thôi. Nhưng bảo vì lý do Chế Lan Viên làm thơ theo một ý định sẵn thì cũng chưa thuyết phục lắm đâu Hoàng Cầm ơi!
Người đời đã trao nhiều danh hiệu cho thi sỹ Hoàng Cầm. Ông vua hoặc là hoàng tử của thơ tình Việt Nam hiện đại. Một vầng hồi quang Kinh Bắc đầy màu sắc. Một thế giới hòa âm hòa sắc của những liêu trai. Một điệu quan họ chỉ hát tình yêu. Là mắt thời gian v.v... Những điều ấy hoàn toàn đúng. Nhưng chưa xứng với tầm vóc Hoàng Cầm. Chưa thấy rõ được những đóng góp quan trọng của ông ở thời điểm có tính bước ngoặt trong tiến trình cách tân thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ 20, nhất là giai đoạn khoảng 15 năm 1945-1960. Có ba thời điểm quan trọng nhất. Năm 1948 với Bên kia sông Đuống. Năm 1956 với trường ca Tiếng hát người quan họ. Năm 1959-1960 với tập Về Kinh Bắc.
Văn chương là tiếng chim gọi đàn.Năm 1948 là thời điểm kỳ lạ. Đó là năm ra đời không chỉ một mà nhiều bài thơ mang sắc thái đổi mới. Tiêu biểu là Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Hoàng Cầm viết bài thơ này vào tháng 4/1948. Sau một đêm nghe bộ đội báo cáo tình hình chiến sự hai bờ sông ấy, Hoàng Cầm về viết một mạch đến sáng thì xong. Hai tháng sau, bài thơ được in lần đầu tiên vào tháng 6/1948 trên báo Cứu Quốc. Bài thơ có 134 câu, trong đó chỉ có 10 câu lục bát. Vào thời điểm lịch sử ấy, Bên kia sông Đuống có ý nghĩa đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là một trong số bài thơ đầu tiên của thi ca hiện đại viết theo thể tự do với nhịp điệu uyển chuyển và vô cùng linh động, đánh dấu sự chuyển mình của thơ ca kháng chiến vào cuộc cách tân. Nó được viết ra theo quan niệm về thơ tự do của Hoàng Cầm: Tương tiến tửu của Lý Bạch có câu đầu có 17 chữ. Câu thứ 2 cũng 17 chữ chạy liền một mạch như rượu chảy ồng ộc ở chai ra. Tất cả đều phải gọi là thể thơ tự do (thực ra trong bản chữ Nho câu ấy Lý Bạch ngắt làm ba nhịp). Bên kia sông Đuống được xếp vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20. Bài thơ là bức tranh đa màu đa diện về cuộc kháng chiến của đất Kinh Bắc với vẻ đẹp giản dị mà huyền diệu của khuôn mặt búp sen cười như mùa thu tỏa nắng. Những nàng môi cắn chỉ quết trầu, những cụ già phơ phơ tóc trắng, những em sột soạt quần nâu. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp lạ lùng. Bãi sông cát trắng phẳng lì liền dải xanh xanh bãi mía bờ dâu. Một con thoi của thế giới tự nhiên dệt nên bức tranh ngàn năm làng quê Việt: Có con cò trắng bay vùn vụt, lướt ngang dòng sông Đuống về đâu. Những tấm the đen gửi người may áo suốt mấy trăm năm trong mộng bình yên, trong tiếng chuông chùa văng vẳng mà không hay biết người muôn năm cũ ở đâu rồi. Rõ nét hơn cả là hình ảnh nền văn hóa dân gian hiện lên trong nghi ngút và hoang tàn của khói lửa chiến tranh.
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Thắng lợi và mất mát hy sinh của nền văn hóa ấy bắt nguồn từ sức mạnh tinh thần của đất Kinh Bắc. Nhịp thơ mạnh mẽ như những hồi trống ngũ liên: Vì nắng sắp lên rồi, chân trời đã tỏ. Sông Đuống cuồn cuộn trôi. Để nó cuốn phăng ra bể. Bao nhiêu đồn giặc tơi bời...
Bên kia sông Đuống bứt phá sang thể thơ tự do tạo thế uyển chuyển linh động cùng với sự nhuần nhụy của số câu lục bát khoáng đạt. Điều khó có thể tìm thấy sự kết hợp ấy trong thơ của phong trào Thơ Mới (1930-1945). Bên kia sông Đuống. Tình sông núi.Nhớ. Tây Tiến. Bài ca vỡ đất... không phải chờ đợi lâu nữa, thơ thời kháng chiến chống Pháp đã cất mình làm một cuộc cách tân vào năm 1948, chỉ sau 3 năm các thi sĩ trẻ đồng hành cùng cuộc trường chinh. Điều quan trọng là sau Bên kia sông Đuống, con sông ấy thêm một đời sống khác. Đó là dòng sông của thi thư văn hóa, của tình yêu tổ quốc và sắc màu muôn thuở của đời sống tinh thần. Danh sỹ Ngô Thì Nhậm (1746-1803) thật có lý khi viết: Nước Việt ta lấy văn hiến để giữ nước.
Năm 1956, trường ca còn lác đác trên thi đàn Việt Nam. Cùng năm đó, Hoàng Cầm và Văn Cao đã cho in Tiếng hát quan họ và Những người trên cửa biển. Nếu Những người trên cửa biển, Văn Cao vẫn giữ lối kết cấu truyền thống của trường ca tổ chức theo các chương mà không câu nệ cốt chuyện thì Tiếng hát Quan họ của Hoàng Cầm đưa ra một kiểu kết cấu mới. Nó bao gồm 17 bài thơ độc lập.Tuy không có cốt chuyện nhưng chúng được liên hoàn với nhau bởi trường cảm xúc của thi nhân. Những nét chuyện như là tự sự của tác giả kể từ khi tôi lớn lên mang giọng mẹ tròn trong đôi mắt sáng đến ngày trở về nghe tiếng hát nổi triền đê. Bao nhiêu chuyện đời chuyện người mà xoay quanh vẫn là tiếng hát, dù có là vất vả, xót xa. Từ chuyện những vợ trái duyên chồng khăng khăng giả của, bỏ đi theo trai chờ thuyền hát lặn đêm trăng. Cái vùng đất nghe giọng hát biết người chung thủy. Tiếng hát theo em đêm về xay lúa, cối xoay tròn biết thuở nào xong. Tai cối đuổi nhau mãi mãi.Biết khi nào nên vợ nên chồng... và lão tiên chỉ già sợ tiếng hát quan họ phải khép cửa gối đầu lên chồng sách cũ. Nhưng, tình không dối được nhịp cầu. Những lỡ làng duyên phận đã làm nên mùa hoa gạo đỏ tháng giêng.
Trường ca Tiếng hát quan họ bằng 17 bài thơ độc lập, sử dụng nghệ thuật đồng hiện để kể về vùng văn hóa Kinh Bắc. Tuy vậy ít có bài đặc sắc và đôi khi gợi lại ám ảnh cái chữ sáo và vàng mã trang kimmà Nguyễn Đình Thi và Lê Đạt đã dùng. Nhưng chỉ giới hạn ở một vài câu thơ mà thôi.
Vào năm 1956 khi mà Con ngựa già của Chúa Trịnh, Xiếc khỉ.... bị quy là hai mặt thì lão tiên chỉ trong Tiếng hát quan họ nửa nạc nửa mỡ như thế cũng khó tránh khỏi. Tô Hoài viết: Hoàng Cầm thì vẫn thế. Ai bảo thơ Hoàng Cầm hai mặt, một mặt. Không. Hoàng Cầm có thể cắt nghĩa thành ba mặt, bốn mặt cũng được. Như sợi dây cứ mỗi ngày một rối không gỡ được, cùng với nhiều việc khác nữa, Hoàng Cầm của chúng ta vướng vào vụ Nhân Văn.
Nhiều người đánh giá và Hoàng Cầm cũng tự nhận tập Về Kinh Bắc nổi bật hơn cả. Nhưng điều quan trọng hơn, với tập Về Kinh Bắc viết thu năm 1959 và xuân 1960, Hoàng Cầm đã hoàn thiện một phong cách thơ độc đáo. Đó là phong cách tự sự giàu huyền sử và sự chắt lọc cảm xúc trữ tình, cũng như sự phát sáng ở nhiều biên độ của những hình tượng thơ độc đáo giàu sức biểu tượng được trau chuốt bởi một thi pháp giản dị mà dễ hiểu, lan tỏa dư ba của tình người. Đó là lối thơ tự do giàu nhạc điệu, rất mới mẻ trên thi đàn Việt Nam hồi đầu những năm 1960. Đó là một trong những tập thơ hay nhất ở giai đoạn này; góp phần vào cuộc cách tân thơ vẫn diễn ra không ngừng không nghỉ trong một nhịp ngắt ngắn ngủi từ chiến tranh sang hòa bình. Các nhà thơ xuất sắc của phong trào Thơ Mới phải mất 15 năm (1945-1960) nhập cuộc để phục sinh. Huy Cận sau tập Lửa thiêng, đến Vũ trụ ca.1942 thì xuống tay hẳn. Phải đợi đến giờ mới có Đoàn thuyền đánh cá, Các vị La Hán chùa Tây Phương... Chế Lan Viên đến đầu năm 1960 mới sinh hạ Ánh sáng và phù sa. Xuân Diệu thì không bao giờ lấy lại được phong độ trên hàng nghìn câu thơ thế sự của ông.
Về Kinh Bắc viết từ 1959-1960, in năm 1993. Vậy là sau 30 năm ở trong im lặng và bóng tối, trong túi thơ riêng của Hoàng Cầm. Liệu nó có được sửa chữa bổ sung gì không? - Không. Lê Đạt cho biết.Hồi năm 1990 đã xảy ra việc to tiếng. Đặng Đình Hưng gật gù bảo: Những câu thơ mới viết của Hoàng Cầm sắc nước hẳn. Hoàng Cầm vốn mát tính và tốt nhịn. Nhưng lần này thì mặt đỏ lên và nói dằn từng tiếng: Đây không phải là những câu thơ mới làm. Đây là những câu thơ trong phần kết tập Kinh Bắc tôi đã đưa ông xem từ 30 năm trước.
Về Kinh Bắc thêm một lần nữa trở về. Lần này ít nhất là lần thứ 3, kể từ thời Bên kia sông Đuống. Hoàng Cầm như muốn tô đậm thêm lên màu sắc văn hóa dân gian quê hương ông.Tập thơ có kết cấu mới lạ. Gồm 8 nhịp. Nhịp 1khấnnguyện có 5 bài thơ Đêm. Mở đầu bằng: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc. Nhịp 2. Kiếp trước gồm 4 bài thơ. Nắng phù sa, Gió lông ngỗng. Sương cầu Lim. Khói Yên Thế. Kể về những câu chuyện huyền sử. Phù Đổng Thiên Vương bay về trời chẳng nói. Cò chở nắng tề phi điệp điệp đằng ngà. Gió lông ngỗng Cổ Loa cú rúc chòi canh. Giếng ngọc ếch ương, quát đêm tiễn sử. An Dương Vương bọt bể bồ hòn. Gái cầu Lim đã đi. Xênh xang năm sắc áo mới biết lòng chim sáo chim ri. Trai cầu vồng Yên Thế đã đi. Ngựa ô truy phi một đêm đến cửa Bồ đề. Nhịp 3. Rũ bụi gia phả. Tiếp tục không khí khấn vái và hội hè sàn sạt trên những dòng thơ vương vấn màu lịch sử. Áo Hai Bà Trưng. Mộ Hùng Vương. Trần Bình Trọng. Cụ tổ chín đời mở Bình Ngô đại cáo. Nhịp 4. Rồi cùng đi tất cả gồm 5 bài thơ kể chuyện trai đời Trần. Gái hậu Lê... Không khí huyền sử lại dâng lên nhang khói với nhiều câu thơ siêu thực đặc sắc: Đàn quạ khoang mang vệt bóng trăng thừa, Ném xuống cầu em cởi áo chiều xưa.
Nhịp 5. Còn em với 10 bài thơ là nhịp đặc sắc hơn cả. Trong đó có những bài thơ hay nhất của Hoàng Cầm. Cây Tam cúc - Lá Diêu bông - Quả vườn ổi. Bộ tam đa tình yêu và sự thất tình bất hủ của Hoàng Cầm bằng một mô típ chung ít thấy trong thơ hiện đại. Điệp khúc chị - người con gái lớn tuổi hơn đang độ dậy thì. Em - Hoàng Cầm - cậu bé mới 12 tuổi chẳng biết đâu là qua cầu bà Sấm bến cô Mưa sớm thức dậy bởi tình yêu ngây thơ trong trắng. Có một thứ sắc dục mơ hồ nhẹ nhàng, mộng mơ mà thật thanh bạch buồn trong hoài niệm. Một lối thơ tình mang thương hiệu Hoàng Cầm. Vừa dễ hiểu vừa ám ảnh bởi cái hơi men lạ lùng vụng dại mang đến. Có người không thích cái sắc dục dù là mơ hồ đó của thơ Hoàng Cầm. Nhưng sau khi đi thánh địa Mỹ Sơn về, tận mắt thấy sự uy nghi của hai vật tự nó thách thức với thời gian và sự ghen tỵ của loài người mới hay đó là sự sinh tồn và vẻ đẹp của con người. Văn chương mà chối bỏ điều đó thì làm sao sống được.
Đọc hết nhịp 5, những tưởng tập thơ dừng lại. Ngoại trừ ở nhịp 7 có bài thơ hay đến mức nó như bản mệnh của đời Hoàng Cầm - Mưa Thuận Thành. Bài thơ làm ra một Hoàng Cầm mưa trong thơ hiện đại. Cái vô thủy vô chung của quá khứ và hiện tại, của tình đời chỉ làm tròn một hạt mưa thôi. Về Kinh Bắc - một mối liên hệ 3 ngôi. Quê hương - người nữ (từ của Hoàng Cầm để chỉ mẹ, chị, em) và Hoàng Cầm, vây bọc lấy cảm xúc vừa trang nhã mà lại vừa xót xa làm nên những câu thơ về xứ sở mà cả đời thơ Hoàng Cầm trở đi trở lại âm điệu và màu sắc của văn hóa dân gian trên giấy điệp vàng rưng rưng mưa nắng. Đó là tiếng chuông như hiểu được tiếng người chuông chiều cởi yếm, chuông sớm đội khăn. Đó là âm thanh xưa lắm của dĩ vãng nhuộm đời thêm sắc cô liêu: Ơi chiều Kinh Bắc, chuông chùa nhuộm son. Đó là dòng sông không ngủ vì người: Sông xuân vừa chợp mắt, đã gọi đò Tú Xương.
Sau 3 lần đưa em về bên kia sông Đuống, về Kinh Bắc, thơ Hoàng Cầm về sau không còn gì xuân sắc nữa để đạt tới cái mà ông đã trải qua, chưa nói là vượt qua những đỉnh cao chỉ một lần có được trong đời. Đôi khi ông trở về những mô típ cũ. Những chị. Những em. Những đi tìm. Những gọi đôi… Như bức tranh lạt màu tô lại. Đâu còn bóng dáng tha thướt của thời xưa.
Sau vụ Nhân văn giai phẩm hồi cuối những năm 1950, Tô Hoài nhớ lại: Hoàng Cầm bị ra khỏi Ban chấp hành, phải thôi việc nhà xuất bản, chuyển công tác về Sở văn hóa Hà Nội... Hoàng Cầm thì mở quán rượu. Hội nhà văn quyết định truất 3 năm hội tịch của Hoàng Cầm. Năm 1956, tôi chưa hiểuvì sao Hoàng Cầm lại chọn điểm phê chưa thích hợp lắm với tập thơ Việt Bắc được trao giải nhất của Hội văn nghệ, rằng nó thiếu chất sống thực tế. Việt Bắc không phải không có những nhược điểm. Nhưng bảo thiếu thực tế thì chưa hẳn. Hoàng Cầm có biết chăng khuyết điểm thiếu chất sống thực tế là “cái hèm” đáng sợ nhất của một nhà chính trị?
Tập Về Kinh Bắc chưa đưa đi in được hồi những năm 1960. Nhưng cũng vì tập thơ ấy, Hoàng Cầm bị bắt từ ngày 20/8/1982 và bị giam đến trước lễ giáng sinh 1983. Khoảng 16 tháng. Lý do vì ông đã chép tay tập Về Kinh Bắccho một người yêu thơ mang ra nước ngoài. Luật hình sự ở tất cả các nước khái niệm thi sỹ đều không có trong phần phàm lệ. Luật pháp là luật pháp. Thi sỹ là thi sỹ. Hoàng Cầm đã phạm vào điều Nhà nước cấm: chuyển... tài liệu… ra nước ngoài. May thay. Công cuộc đổi mới cứu nhân độ thế, đưa tập thơ và thi sỹ ra ánh sáng, khi Hoàng Cầm tóc đã bạc trắng và Về Kinh Bắc không những không có hại mà được mọi người yêu mến như ngày nay.
Sách Tang thương ngẫu lục hồi thế kỷ 18 trích dẫn Địa kiềm của Cao Biền: thấy dây thì ngừng, gặp cỏ thì dừng. Hoàng Cầm không làm như vậy. Những lưu ảnh của Hoàng Cầm từ hồi còn trẻ đến lúc về già không hiểu sao tất cả đều nhìn nghiêng. Một sự vô tình giống như hồi ông chia tay với Kiều Loan ở phố Nỉ - Bắc Giang quãng 1948 - 1949 gì đó. Trong bữa cơm đạm bạc một đi không về. Hoàng Cầm vẫn ngâm thơ. Có phải thi nhân là kẻ hay nhìn nghiêng mới thấy sóng sánh bao nhiêu của cuộc đời này?
Năm 2010, tôi theo anh em lên làng Diềm ở Bắc Ninh nghe hát quan họ cổ và xem cửa võng của đình làng ấy có mấy tầng mà cái ông Hoàng Cầm bạo hổ bằng hà dám viết váy trùng cửa võng. Sau mấy hồi quan họ và 7 tuần rượu trắng còn chưa dứt, tôi đọc một đôi lục bát làm quà: Làng Diềm ở giữa câu ca, để tôi đi mãi chưa ra cổng đình. Khi bái biệt, một người khách tang bồng trong số liền anh có đưa cho tôi mảnh giấy mỏng màu vàng điệp gấp tư nói là quý khách về xuôi qua bờ bên kia sông Đuống hãy mở ra xem. Tôi làm y như vậy. Đó là một bài đồng dao viết bằng mực tím.
Hoàng Cầm mưa
Nào chảy đi
chảy đi,
Sông Đuống ơi!
Nghiêng về một bên.
Nghiêng một đời người
Làm hạt mưa rơi
Long lanh mắt ướt.
Tóc mưa nghiêng đầu
Người về bến bạc Luy Lâu
Đừng tìm chi nữa
Người đi chưa trọn kiếp người.
Bến Lú
Bên kia sông Giác
Tuần du
Chưa vợi khối tình
Má hồng liền chị
Tóc bạc thi nhân
Đức vua than thở một mình
Kìa mây nghiêng buồn chớp mắt
Lênh đênh quán rượu vỉa hè
Thuyền tình nửa tỉnh nửa mê.
Kìa mưa tái tê
Là mưa ái phi
Mưa là mưa lượt
Ướt mềm bồng thi.
Mưa đi khép nép
Người xa xa mờ
Mưa về chưa vợi
Nghiêng thuyền đợi thơ
Kìa ai ngơ ngẩn một mình…Đám cưới chuột rải vàng giấy điệp.
Năm 2007, Hoàng Cầm nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Sau đấy 3 năm ông mất ở nhà số 43 phố Lý Quốc Sư - Hà Nội.