Sau ngày thống nhất đất nước, tôi đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh thì được điện của Ban Tuyên huấn Trung ương điều ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Đó là năm 1978, nghe các bạn quen xì xầm là sẽ làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Xin ở lại miền Nam không được, tôi tìm ngay anh Nguyễn Văn Bổng sau khi đến Hà Nội. Tôi hỏi anh nếu đúng có nên nhận hay không? Anh Bổng khuyên tôi: “Giang Nam đã từng làm báo trong hai cuộc chiến tranh ở miền Nam, không chỉ báo Văn nghệ mà cả báo chính trị, nghề báo có gì lạ với anh đâu! Mình hứa sẽ giúp anh trong những bước đầu. Tòa soạn có nhiều anh chị em có năng lực và kinh nghiệm, dựa vào anh chị em, tin họ thì nhất định sẽ làm được”.



VUI BUỒN VỚI NGHỀ BÁO

GIANG NAM

Cho tới bây giờ tôi vẫn tự nhận mình là một nhà báo “nghiệp dư” so với các anh chị nhà báo tên tuổi khác. Mặc dù tôi đã tham gia viết báo “Thắng” (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay); báo “Gió mới” do các nhân sĩ yêu nước thành phố Nha Trang xuất bản hợp pháp dưới chế độ Ngô Đình Diệm, luôn bị bọn mật thám, mật vụ theo dõi gây khó khăn, hăm dọa đóng cửa, rút giấy phép và cả báo chuyên ngành như “Văn nghệ giải phóng” ở Sài Gòn từ năm 1961 đến năm 1977.
Sau ngày thống nhất đất nước, tôi đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh thì được điện của Ban Tuyên huấn Trung ương điều ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới. Đó là năm 1978, nghe các bạn quen xì xầm là sẽ làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Xin ở lại miền Nam không được, tôi tìm ngay anh Nguyễn Văn Bổng sau khi đến Hà Nội. Tôi hỏi anh nếu đúng có nên nhận hay không? Anh Bổng khuyên tôi: “Giang Nam đã từng làm báo trong hai cuộc chiến tranh ở miền Nam, không chỉ báo Văn nghệ mà cả báo chính trị, nghề báo có gì lạ với anh đâu! Mình hứa sẽ giúp anh trong những bước đầu. Tòa soạn có nhiều anh chị em có năng lực và kinh nghiệm, dựa vào anh chị em, tin họ thì nhất định sẽ làm được”.
Những ngày đầu về báo là những ngày khó khăn, vất vả: chợ búa, cơm nước, tem phiếu một mình tôi xoay xở vì gia đình không ra được. Với một chiếc xe đạp lóc cóc mang từ Nha Trang ra, tôi ngủ trưa luôn ở tòa soạn, chỉ ăn cơm buổi sáng và buổi tối ở nhà.
Trong tòa soạn báo cũng là thành viên Ban Biên tập có anh Đào Vũ là Phó Tổng biên tập, Phạm Hổ, Hoàng Minh Châu; ở các tổ chuyên ngành nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng về tác phẩm cũng như kinh nghiệm về nghề làm báo: Hoài An, Ngô Ngọc Bội, Từ Sơn, Võ Văn Trực, Ngô Vĩnh Viễn, Bế Kiến Quốc, Hồng Phi, Thiếu Mai, Trần Ninh Hồ, Ngọc Trai, Thành Chương… và nhiều anh chị em khác. Báo Văn nghệ với đội ngũ mạnh như thế bước đầu đã tạo được một sự đổi mới khá hấp dẫn, bài vở phong phú hơn nhất là truyện ngắn, thơ, nhiều chuyên mục mới được trình bày, minh họa đẹp, độc đáo; nhiều tác giả mới xuất hiện. Hội nghị Ban Chấp hành cuối năm (tháng 11/1979) đã đánh giá: “Trong năm qua, báo Văn nghệ đã có một số cải tiến tốt và đã có cố gắng nâng cao chất lượng, phục vụ tốt, kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng”.
Tuy nhiên, cũng chính trong hội nghị này, báo Văn nghệ đã bị phê phán khá nặng nề về những sơ hở và khuyết điểm quan trọng, nổi rõ nhất là đăng bài “Về một đặc điểm của Văn học – nghệ thuật”, là một bài báo có nhiều sai lầm nghiêm trọng về chính trị và cả về học thuật. Bài báo đó đã nhận định lệch lạc về lối sống xã hội ta hiện nay cho rằng “Không thật” là đặc điểm của lối sống trong xã hội ta hiện nay và từ đó cho rằng: “Viết không thật là đặc điểm của văn học – nghệ thuật ta hiện nay”. Luận điệu đó khách quan mà nói rất sai trái và nguy hiểm. Cũng từ bài báo đó xuất hiện cụm từ “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” mang hàm ý phê phán, chế giễu đã gây không ít tranh cãi vào những năm sau này.
Xin cho phép tôi nói rõ hơn về trường hợp bài báo này. Bài báo đó là của tác giả HNH, khi gửi đến tòa soạn, đại đa số trong Ban Biên tập không đồng ý cho in vì cái nhìn bi quan của tác giả đối với hiện thực sau chiến tranh, chỉ ca ngợi mà không phê phán những mặt tiêu cực trong xã hội. Với tư cách là Tổng Biên tập, tôi hoàn toàn ủng hộ với việc gác lại bài báo này. Thế nhưng, người Bí thư Đảng đoàn với tư cách là cấp trên buộc phải đăng. Chúng tôi họp Ban Biên tập, yêu cầu đồng chí có văn bản ký tên chịu trách nhiệm và khi đã có văn bản rồi thì tòa soạn cho đăng bài. Điều không ai ngờ là bài báo lúc bấy giờ đã gây phản ứng mạnh mẽ như thế. Thư ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng tới tấp nập được gửi về tòa soạn và Ban Tuyên huấn Trung ương, Hội Nhà văn yêu cầu cách chức Tổng Biên tập. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí cùng chiến đấu ở Khu 5, Khu 6 và Nam bộ với tôi trong đó có chị Ba Định (Bến Tre) rất đau xót nếu tôi làm việc ấy.
Đồng chí Tố Hữu gọi tôi lên, tỏ ý rất lo lắng: “Việc gì đang xảy ra ở báo Văn nghệ vậy?”. Khi đã nghe tôi trình bày hết mọi việc, anh dịu giọng: “Thôi được, mình thông cảm với các cậu. Báo nên kiểm điểm nghiêm túc trong nội bộ để rút kinh nghiệm về sau. Về mặt công khai nên có bài phê bình, phân tích, đánh giá những điểm sai với đường lối của Đảng, phê phán cái nhìn bi quan, bối rối trước thực tế xã hội. Chú ý viết nghiêm khắc nhưng có tình có lý với đồng chí, đồng nghiệp, đừng làm tổn thương anh em. Mình bị các anh trên chất vấn, mình nhận lỗi thay anh em và hứa sẽ giải quyết không để kẻ xấu lợi dụng”.
Cách giải quyết của báo sau này khá đơn giản: “Vừa qua, bài báo đó là của một cá nhân do sơ xuất báo đã đăng. Bây giờ chúng tôi khẳng định lại: mong các bạn góp ý, xem xét, có bài nói lại coi như chuyện tranh luận bình thường”. Sau đó anh Tố Hữu có nói lại với tôi: “Mình đã chọn người lãnh đạo chưa chính xác, việc đã qua thì cho qua để lo những công việc tới”. Điều anh không tiện nói ra là đồng chí Bí thư Đảng đoàn cũng đã mất chức và một đồng chí khác đã nhận nhiệm vụ quan trọng này.
*
Từ câu chuyện đã rất lâu này, nhưng vẫn luôn trong tâm khảm tôi và tôi cũng muốn nhắc lại một lần nữa với những Người làm báo hôm nay là: “Nghề báo có vui có buồn, phải hết sức lưu ý tăng cường đạo đức nghề nghiệp, tránh những sai lầm mà thế hệ đàn anh đã trải qua. Hãy vì nhân dân, đi sâu đi sát tìm hiểu những vấn đề thực tế của cuộc sống mới; hãy vì niềm tin, vì hạnh phúc của nhân dân mà phấn đấu không ngừng, để đóng góp cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Đối với tôi, nghề báo mãi mãi là vinh dự và cao quý mà tôi vẫn chưa đạt tới điều mơ ước.