Gần đây, sự kiện có thể nói là mạnh dạn nhất trong lĩnh vực xuất bản là cùng một lúc, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam đã tái bản toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ - một trong 5 nhà văn nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Ngoài các tình tiết, phải kể đến điều đã khiến bạn đọc bất ngờ khi đọc "Khung rêu", "Thú hoang", "Lao vào lửa", "Chiều xuống êm đềm", "Như thiên đường lạnh", "Ngọn pháo bông", "Cho trận gió kinh thiên" là tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thời trước.


GẠN ĐỤC KHƠI TRONG VĂN HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975

LÊ MINH QUỐC

Sự trở lại của các cây bút tiêu biểu miền Nam giai đoạn trước năm 1975, thiết nghĩ, cũng là điều hết sức bình thường, hợp lẽ tự nhiên, vì không ai có thể phủ nhận những đóng góp của họ trong tiến trình văn học nước nhà, nếu tác phẩm đó thật sự có giá trị lâu bền. Đi đầu trong việc làm này, trước hết phải kể đến tiểu thuyết "Nguyệt Đồng Xoài" (3 tập) của Lê Xuyên; 3 tác phẩm "Tiếng sáo người em út", "Đôi mắt trên trời", "Nhan sắc" của Dương Nghiễm Mậu do NXB Văn Nghệ TP HCM cùng Công ty Sách Phương Nam ấn hành năm 2007. Về pháp lý, dù được Cục Xuất bản cấp giấy phép nhưng bấy giờ người làm sách lại không có sự giới thiệu, đánh giá lại tác giả - tác phẩm để giúp bạn đọc hiểu thêm về bối cảnh ra đời của nó, từ đó tiếp nhận một cách khách quan.
Hơn nữa, do không có sự giải thích chu đáo, cặn kẽ về ngữ nghĩa nên khi đọc đến những câu đại loại như "Bộ mình cưới nhau liền được sao? Anh còn lo vấn đề động viên. Việc gì mà mình phải gấp rút như vậy?" ("Nguyệt Đồng Xoài", tr.7), chẳng khác nào đánh đố người đọc, bởi từ "động viên" không hẳn mang ý nghĩa như nay ta hiểu... Theo kế hoạch, sau đó sẽ tiếp tục tái bản sách của những nhà văn khác nữa. Nhưng chỉ mới in đến đó, công việc phải tạm thời ngưng lại vì có nhiều luồng ý kiến không đồng thuận.
Bẵng đi một thời gian dài, việc tái bản này được "khởi động" lại với các bước "dọn đường dư luận" chỉn chu hơn. Có một điều cần ghi nhận là khi bổ sung, tái bản "Từ điển văn học bộ mới" (NXB Thế Giới; 2003), nhóm chủ biên Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Thiên, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đã chọn thêm nhiều nhà văn miền Nam: Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng, Bùi Giáng… Việc làm này được xem là "táo bạo" vì bản in trước đó vào năm 1983, những tên tuổi trên chưa được đề cập.
Trong khoảng thời gian này, thỉnh thoảng các NXB cũng tái bản sách của các nhà văn như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Mộng Giác, Tràng Thiên, Lê Tất Điều, Nhật Tiến… Sự cởi mở trong sinh hoạt văn hóa nói chung, hầu như dư luận đánh giá tốt, không có gì đáng phàn nàn về chất lượng, nội dung. Đáng chú ý là năm 2013, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam in cùng lúc 3 tập truyện ngắn "Lạc đạn", "Nhà có cửa khóa trái", "Trở về mái nhà xưa" (NXB Hội Nhà văn) của Trần Thị NgH. Ngày 19-1-2013 tại quận 1, TP HCM, bộ sách này được tổ chức ra mắt rầm rộ mà không gặp phản ứng trái ngược nào từ dư luận.
Gần đây, sự kiện có thể nói là mạnh dạn nhất trong lĩnh vực xuất bản là cùng một lúc, NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Phương Nam đã tái bản toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ - một trong 5 nhà văn nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975. Ngoài các tình tiết, phải kể đến điều đã khiến bạn đọc bất ngờ khi đọc "Khung rêu", "Thú hoang", "Lao vào lửa", "Chiều xuống êm đềm", "Như thiên đường lạnh", "Ngọn pháo bông", "Cho trận gió kinh thiên" là tác giả còn có biệt tài quan sát khi miêu tả sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc ở nông thôn miền Nam thời trước. Chẳng hạn hát bội đình làng, giải sầu ca vọng cổ; ngoài ra còn là sự miêu tả các món ăn dân dã, quê mùa rất đỗi thân thương… nay đã ít nhiều trở thành dĩ vãng; kể cả khi khai thác về số phận vũ nữ, gái bán bar Sài Gòn với nhiều chi tiết sống động.
Sở dĩ bộ sách này được dư luận báo chí chú ý vì người làm sách đã nỗ lực thực hiện công tác chú thích trong chừng mực có thể đã giúp người đọc hiện nay tiếp nhận được lời ăn tiếng nói trước đây của người Nam Bộ. Chính sự phong phú, đa dạng về ngôn từ sẽ giúp ta hiểu hơn nữa về con người, vùng đất những nhà văn thế hệ trước đã từng "khai phá" bằng ngôn ngữ miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh… Nói cách khác, cách sử dụng ngôn từ trong tác phẩm của nhiều nhà văn miền Nam viết trước năm 1975 đã góp phần lưu giữ tiếng nói, cách phát âm một thời của bà con ở miền Nam đất Việt.
Không dừng lại đó, toàn bộ sách triết học của GS Kim Định như "Cửa Khổng", "Chữ Thời", "Tinh hoa ngũ điển", "Triết lý cái đình", "Vấn đề quốc học"… cũng được tái bản tương tự. Việc làm này liệu có quá "mạo hiểm" trong kinh doanh? Chúng tôi nghĩ là không, vì quy luật cung - cầu của thị trường sẽ quyết định. Hơn ai hết, những người làm sách còn phải nghĩ đến lợi nhuận mới có thể đi "đường dài".
Hiện nhiều đơn vị làm sách tư nhân cũng mặn mà tái bản nguồn sách miền Nam - khi họ liên kết với các NXB, chẳng hạn, "Khúc thụy du" (Saigon Books), "Khúc thụy du" (Phan Books) - thơ của Du Tử Lê; "Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc" (DT books)…; "Tuổi nước độc" của Dương Nghiễm Mậu, "Hai chậu lan Tố Tâm" của Phan Du đều do Tao Đàn đầu tư…
Nhìn chung, sách đã in trước năm 1975 tại miền Nam về lâu dài vẫn có thể người làm sách tiếp tục tái bản. Tuy nhiên, đứng ở góc độ người đọc, chúng tôi thấy vẫn cần có sự thẩm định kỹ để kiểm chứng giá trị của nó, chứ không thể "thấy người ta ăn khoai, mình cũng vác mai đi đào". Ý thức "gạn đục khơi trong" với bất kỳ loại sách cũ nào, in ở thời kỳ nào, bao giờ cũng hết sức cần thiết. 



Nguồn: Người Lao Động