Lấy cảm hứng từ những tình khúc nổi tiếng của nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn, “Em còn nhớ hay em đã quên” sản xuất năm 1992,
xoay quanh mối tình dang dở giữa một nhạc sĩ lãng du Quang Sơn với hai cô người
yêu trẻ đẹp và dịu hiền là Diễm và Huyền My ở miền Nam trước ngày giải phóng. Chiến
tranh đã cướp mất đi mối tình đầu trong sáng, thơ mộng và nhiều hứa hẹn son sắt
của nhạc sĩ Quang Sơn. Và, như định mệnh giữa dòng đời phiêu bạt anh lại gặp
Huyền My - cô ca sĩ có giọng ca trữ tình đã chia sẻ cùng chàng niềm vui, nỗi buồn
và cả ước mơ hạnh phúc. Nhưng chiến tranh, thế thái nhân tình đã buộc Huyền My
phải lặng lẽ chia tay với chàng, để ra đi đến tận phương trời xa thẳm với nỗi
day dứt khôn nguôi. Giờ đây, trong thế giới âm thanh và nhạc điệu, nhạc sĩ
Quang Sơn chỉ còn lại cây đàn ghi ta, cô đơn, nhớ nhung hoài vọng qua những lời
tự tình của hai người yêu nhau. Căm phẫn chiến tranh, nhạc sĩ Quang Sơn đã kêu
gọi sinh viên Sài Gòn đứng lên đấu tranh đòi hòa bình bằng những bài ca tranh đấu
hùng tráng. Chính vì thế, Quang Sơn đã trở thành biểu tượng của những người yêu
nước, yêu hòa bình, của những sinh viên tham gia phong trào chống Mỹ...
Tôi làm phim 'Em còn nhớ hay em đã quên
NGUYỄN HỮU PHẦN
Lần đầu gặp Trịnh Công Sơn tôi thấy anh thật
mảnh mai, nhỏ nhẹ từ dáng người, cách đi đứng đến trò chuyện và hơn
thế anh như lúc nào cũng lơ mơ giống như người đang “bay” (tôi nói Sơn
“bay” là vì đến tận lúc này gần 5 năm sau giải phóng, anh vẫn có vẻ
như rất lơ mơ với cuộc sống xung quanh. Có lần anh đi hát trong một
sinh hoạt thanh niên nào đó, Ban tổ chức đưa phong bì cho anh, anh ngơ
ngác một chút rồi mới hiểu đấy là tiền thù lao, anh trả lời rất
ngộ: “Sơn có mẹ Sơn nuôi rồi mà”. Thật thú vị khi được nghe Sơn hát,
anh không phải là ca sỹ biểu diễn, giọng hát hơi khàn khàn, yếu yếu,
nhưng thật sâu, thật truyền cảm. Lời hát của Sơn làm người nghe hiểu
rõ hơn ý nghĩa từng ca từ anh viết... Khi ấy tôi chỉ là một phó đạo
diễn, chưa có điều kiện để cộng tác với Sơn nên chỉ làm một người
bạn trò chuyện cho vui và nghe Sơn hát thôi. Mãi đến khi tốt nghiệp
Đạo diễn Điện ảnh (khóa 1 của trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh
Hà Nội) năm 1983 tôi mới có hy vọng được làm việc với anh...
Năm 1990, tôi được đọc một bài viết về Huế
của Khánh Ly. Khánh Ly kể rằng, cô chưa sống ở Huế nhưng yêu Huế qua
Sơn bởi anh là một người Huế gốc, bởi anh mang tâm hồn, bản sắc Huế
và anh là một tài năng... Bài viết có tên “Sông vẫn chảy đời sông,
Nước vẫn trôi đời nước, chỉ lòng người...” có những chi tiết rất
thú vị về Sơn.
Tôi không còn giữ bài ấy, nhưng vẫn nhớ một
đoạn như thế này: Có những chiều tôi (Khánh Ly) và Sơn ngồi trong
quán cà phê bên bờ hồ Xuân Hương mờ sương. Tôi hỏi anh: “Sống ở trên
đời cần điều gì hả anh?”. Sơn quay lại nhìn tôi, anh trả lời: “Cần
có một tấm lòng”. Tôi lại hỏi:“Để làm gì?”. Sơn quay ra hồ, anh lấy
ngón tay đẩy cái gọng kính lên cao, một động tác thường thấy của
anh, anh nói như thể với làn sương mỏng trên mặt nước chứ không phải
với tôi: “Để gió cuốn đi”…
Tôi thích cách nói ấy và hơn thế nữa, tôi
rất thích bài hát Để gió cuốn đi của Sơn... Và chính từ
câu nói ấy, bài viết ấy, tôi đã nẩy ra ý tưởng làm một bộ phim có
hình bóng của Sơn, có cái “tứ” cái chủ đề giống những điều Sơn
viết trong bài hát ấy: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để
làm gì em biết không? Để gió cuốn đi!”.
Thế là tôi vào Nam gặp Sơn tại nhà anh. Tôi
nói với Sơn rằng tôi có ý định làm một bộ phim về một người nhạc
sỹ sống giữa những thăng trầm trên đất nước có chiến tranh. Sơn rất
vui, anh kể cho tôi nghe vài mẩu chuyện không phải của anh mà của
những người bạn có liên quan đến chủ đề của tôi. Nhưng rồi anh hỏi
vậy thì cần gì ở anh ấy? Tôi đưa cho Sơn một công văn của Hãng phim
Thanh Niên có danh sách các bài hát của anh mà tôi đã chọn, dự định
sử dụng trong phim (và cả số tiền trả bản quyền tác giả) Sơn đồng
ý, ký vào tờ công văn.
Anh cũng nói đùa với tôi: Ông không định làm
phim chân dung tôi đấy chứ? Tôi trả lời: Nhân vật của tôi là một nghệ
sỹ được hư cấu, ông thấy đấy, tôi đâu có ý định tìm hiểu những chi
tiết về cuộc đời ông”. Sơn cười: “Như thế sẽ dễ xem hơn và ông cũng
dễ viết kịch bản, làm phim hơn”. Chúng tôi uống rượu với nhau rồi
chia tay.
Tôi trở về Bắc, viết kịch bản bộ phim “Em
còn nhớ hay em đã quên” tương đối dễ dàng vì đã có thời gian suy
nghĩ về nó.
Khi chúng tôi chuẩn bị quay bộ phim thì biết
tin mẹ Trịnh Công Sơn mất. Tôi biết mẹ có vị trí quan trọng vô cùng
trong cuộc sống của Sơn. Vì anh không lấy vợ nên suốt đời Sơn ở nhà
với mẹ. Đã trên 50 tuổi nhưng anh vẫn được mẹ chăm sóc như một đứa
trẻ. Những lần anh uống rượu say, bà vẫn pha nước gừng cho anh uống,
bôi dầu, bôi vôi vào thái dương để giã rượu... Khi mất mẹ, Sơn bị
khủng hoảng lớn, các em gái anh đã đón anh sang Canada để anh được
nghỉ ngơi yên tĩnh.
Chúng tôi vào Huế và đi suốt dọc miền Trung,
Cao nguyên và vào thành phố Hồ Chí Minh để quay bộ phim trong khi Sơn
ở nước ngoài. Khi bản nháp của “Em còn nhớ hay em đã quên” được
dựng xong, đã có tiếng hát Play back của ca sỹ Thùy Dung nhưng chưa
lồng tiếng, tôi nghe tin Trịnh Công Sơn đã về Sài Gòn liền mang phim
vào cho anh xem trước.
Dư luận, báo chí cũng đã nói đến bộ phim
của chúng tôi nhưng họ thường nói đó là bộ phim truyện về nhạc sỹ
Trịnh Công Sơn (mặc dù chưa ai được xem). Tôi đến gặp Sơn, hơi ngạc
nhiên vì anh tiếp tôi không được hồ hởi lắm, anh không mang rượu ra mời
tôi như trước đây. Tôi nghĩ là anh vẫn còn đang buồn vì bắt đầu sống
ở gian nhà cũ mà không có bóng mẹ mình... Nhưng rồi Sơn nói thẳng với
tôi sự lo lắng của anh: “Tôi vừa sang Canada, sang Mỹ, thật rầu lòng
vì những bài hát của mình bị họ ghép đủ các loại hình ảnh lăng
nhăng vào, trong đó rất nhiều hình các cô gái mặc áo tắm đi đi lại
lại, uốn éo... để làm băng Karaoke... Bây giờ lại nghe ông làm phim
truyện về tôi, tôi sợ quá!”.
Tôi bảo Sơn: “Tôi mang theo băng để ông xem đây”.
Thế là Sơn kéo tôi vào nhà bật máy, cho băng vào. Sơn chăm chú theo
dõi màn hình... và chỉ được một phần ba phim, anh bảo tôi: “Tắt máy
đi đã, để tôi gọi mấy người bạn đến cùng xem!”. Anh nhấc điện thoại
gọi Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Cung và mấy người nữa... Trong lúc chờ
bạn đến, anh lấy rượu ra mời tôi một cách vui vẻ.
Sơn đã thích bộ phim “Em còn nhớ hay em đã
quên” của chúng tôi. Hơn thế nữa anh thích giọng hát của Thùy
Dung (hồi ấy Thùy Dung còn đang là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, cô vừa
đoạt giải nhì cuộc thi đơn ca toàn quốc). Sơn bảo: “Con bé này hát
hay lắm, anh bảo nó vào đây với tôi, tôi sẽ dạy nó như ngày trước dạy
cho Khánh Ly ấy”.
Khi bộ phim hoàn thành, tôi lại vào Nam để ra
mắt. Trong buổi họp báo đầu tiên (và nhiều buổi chiếu giới thiệu
khác) Sơn có mặt cùng tôi. Hôm ấy, một Việt Kiều tỏ ý thích bộ phim
và muốn mua quyền phát hành phim này ở hải ngoại. Đối với người vay
vốn làm phim, đang mang nợ, có được cơ hội như thế thật đáng quan tâm.
Nhưng “ông chủ” Việt kiều này đề nghị chúng tôi để cho ông ấy được
lồng lại tiếng hát của Khánh Ly vào thay cho Thùy Dung. Tôi trả lời
ngay là không được, tôi nói lý do là tôi đã nghĩ đến việc này từ khi
chưa làm phim và thấy không ổn vì những bài hát này nếu lấy ở băng
cũ (khi Khánh Ly còn trẻ) thì tempo quá chậm, không phù hợp với
người nghe đương thời, còn nếu dùng giọng Khánh Ly bây giờ thì lại
quá già không khớp với nhân vật còn rất trẻ. Ngay sau khi tôi nói, Sơn
đứng bật dậy, anh đồng ý với tôi, anh nói thêm rằng đợt vừa rồi ở
hải ngoại anh cũng đã đi hát cùng Khánh Ly nhưng không còn xúc động
với giọng hát của cô nữa.
Cũng trong buổi họp báo ấy, có một phóng
viên hỏi Sơn: “Thưa nhạc sỹ, đây có phải là cuộc đời ông và xuất xứ
những bài hát của ông không?”. Sơn trả lời ngay: “Không, đấy là cuộc
đời do ông Phần này bịa ra đấy chứ... Nhưng nó rất giống với cuộc
đời tôi, ngay cả cái cậu Lê Công Tuấn Anh cũng giống hình dáng tôi
ngày trước lắm...”. Tôi cũng đã đưa Lê Công Tuấn Anh đến nhà Sơn chơi.
Sơn khen Lê Công diễn tốt... Sơn chỉ gặp Lê Công có hai lần như vậy
(một lần tại cuộc họp báo và một lần ở nhà riêng) thế nhưng đến
năm 1996 khi Lê Công mất, tôi đọc trên một tờ báo thấy Sơn trả lời câu
hỏi về Lê Công như thế này: “Tôi chỉ mới gặp Công một hai lần... Nhưng
ngay từ đầu tôi đã thấy cậu ấy là một nghệ sỹ và rất cô đơn”. Sơn
đã nhận xét rất đúng về Lê Công và đấy cũng là lời giải thích
chính xác nhất về cái chết của người diễn viên tài hoa này.
Ngày Trịnh Công Sơn mất, tôi không có mặt ở
trong Nam, một tuần sau tôi mới vào và cùng Trương Ngọc Ánh đến nhà
thắp hương cho anh. Các em gái, em rể của Sơn mới ở nước ngoài về
không ai biết tôi cả. Tôi và Ánh phải tự giới thiệu và sau đó tôi để
lại cho mọi người trong gia đình băng phim Em còn nhớ hay em đã
quên như một kỷ vật của anh và chúng tôi.
Nguồn: Thế Giới Điện Ảnh